THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 September 2013

Công an điều tra huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị có khách quan !?...

Hải Huỳnh (Danlambao) - Vừa qua truyền thông mạng có đề cập đến vụ tai nạn ở huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Chi là vợ của mục sư Tin Lành Nguyễn Văn Phái. Vụ tai nạn xảy ra vào hồi 14h00 ngày 24/8/2013 tại địa bàn đường liên thôn Hà My, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gần 1 tháng trôi qua, gia đình nạn nhân vẫn chưa nhận được tín hiệu gì của công an huyện Triệu Phong về giải quyết vụ án.

Chúng tôi liên lạc với gia đình nạn nhân cũng như với công an điều tra vụ án để tìm thêm thông tin. Công an điều tra vụ này là trung tá Nguyễn Phú Quốc. Số hiệu ngành công an là 240-896. Ông Nguyễn Phú Quốc có số điện thoại là +84 122 2488 567.

Hơn 4 lần tìm cách liên lạc với ông Quốc và lần thứ 5 thì chúng tôi liên lạc được với ông Quốc. Ông Quốc cho hay là khi tai nạn xảy ra thì gia đình đem nạn nhân về để ở nhà hơn 1 tuần mới đem chôn. Trong hơn 1 tuần đó thì phía tài xế gây ra tai nạn cũng như chủ xe rất có trách nhiệm và họ rất quan tâm cũng như là muốn san sẻ phần trách nhiệm. Chính ông Quốc cùng với chủ xe và người nhà của tài xế đến chia buồn và hỗ trợ tiền mai táng nhưng phía gia đình bà Nguyễn Thị Chi từ chối. Chúng tôi hỏi ông Quốc là vụ án đã khởi tố chưa thì ông Quốc nói là chưa hết 2 tháng là thời hạn để khởi tố vụ án nên chưa có khởi tố vụ án cũng như là khởi tố bị can. Khi chúng tôi đặt vấn đề là liệu vụ án có chìm xuồng hay không thì ông trung tá công an điều tra cho là tùy thuộc vào sự thương lượng của 2 bên. Ông Quốc cho biết là hiện nay thì gia đình nạn nhân chưa cung cấp cho cơ quan điều tra là chi phí đám tang hết bao nhiêu.

Chúng tôi liên lạc với gia đình nạn nhân là mục sư Nguyễn Văn Phái số 121 Trần Quốc Toản, phường Tây Lộc thành phố Huế thì gia đình cho hay là:

Họ rất đau buồn cho cái chết oan uổng của người thân. Hôm đám tang thì người nhà của tài xế gây tai nạn được công an điều tra tên là ông trung tá Nguyễn Phú Quốc tháp tùng có vào dự đám tang họ có đi phúng điếu gia đình chỉ nhận hoa. Họ gởi bì thư và nói luật ngoài Quảng Trị là đưa như vậy, nhưng gia đình từ chối. Phía gia đình e ngại là nhận tiền phúng điếu có công an chứng kiến thì sau này họ sẽ đỗ thừa là đã đền bù và đã có công an chứng kiến và gia đình nạn nhân trong phong bì cũng chẳng biết là gì, hay bao nhiêu.

Gia đình cũng cho biết là sau đó thì họ có đến công an điều tra làm việc. Họ muốn gặp gỡ và chất vấn phía tài xế gây tai nạn cũng như chủ xe nhưng không được gặp. Công an ghi biên bản tường trình và lấy lời khai gia đình nạn nhân xin 1 bản photo thì họ cũng không cho. Phía gia đình nói là đã cung cấp gia đình tài xế gây tai nạn chi phí đám tang rồi.

Cho đến bây giờ thì gia đình người bị nạn chưa biết chính xác về tài xế và chủ xe gây tai nạn là ai và xe này là của nhà tài xế hay tài xế gây tai nạn lái xe thuê? Chỉ nghe công an điều tra và người nhà nói về họ. Gia đình nhà nạn nhân chưa bao giờ được gặp lái xe gây tai nạn hay chủ xe là ai thì việc Ông Quốc nói “Chính ông Quốc cùng với chủ xe và người nhà của tài xế đến chia buồn” là không đúng sự thật.

Phía gia đình nạn nhân cho hay là nếu cơ quan điều tra huyện Triệu Phong xử lý không khách quan thì họ sẽ khiếu nại lên cấp trên.



Hình tang lễ của bà Nguyễn Thị Chi - ảnh do gia đình cung cấp

“Trúng thầu trăm tỷ, thanh toán vài trăm tỷ là bình thường” !...

Cũng sốt ruột bởi sự triền miên điều chỉnh giá thầu trong thực tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “than thở” rằng lâu nay, "trúng thầu trăm tỷ, nhưng thanh toán vài trăm tỷ là chuyện bình thường".

“Trúng thầu trăm tỷ, thanh toán vài trăm tỷ là bình thường”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Nguyên tắc là không điều chỉnh giá thầu, chỉ điều chỉnh khi bất khả kháng".
Bắt đầu chuẩn bị từ năm 2007, qua nhiều lần lùi, hoãn, sáng 23/9 dự án Luật Đầu tư công cũng đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu tới.

Gồm 6 chương với 74 điều, dự án Luật Đầu tư công, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sẽ tập trung quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các khoản vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.

Riêng nguồn vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước không đưa vào phạm vi điều chỉnh luật này, dự kiến sẽ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

"Việc thông qua Luật Đầu tư công lúc này vô cùng quan trọng, nếu không thì bó tay với đầu tư dàn trải, lãng phí", ông Vinh tha thiết.

Một trong các nội dung mới được Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh là dự án luật quy định chỉ được phê duyệt chương trình, dự án khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Bởi, lãng phí nhất hiện nay, theo Bộ trưởng Vinh là nằm ở chủ trương đầu tư.

"Thủ tướng cũng bức xúc nói tại sao đường miền núi mà lại làm to như vậy, rộng 60-70 m, ai quyết định đầu tư? Rồi công trình khổng lồ mấy chục nghìn tỉ đồng quyết cái xong ngay, đến lúc không có tiền mà vẫn cứ phải lao theo", ông Vinh nói.

Vì thiếu chế tài xử lý trách nhiệm, nên theo vị tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư, các chủ tịch tỉnh cứ ký tràn lan rồi đi xin tiền Trung ương. Nhưng với luật này thì ai quyết chủ trương sai, sẽ phải chịu trách nhiệm.

Cũng sốt ruột bởi sự triền miên điều chỉnh giá thầu trong thực tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “than thở” rằng lâu nay, "trúng thầu trăm tỷ, nhưng thanh toán vài trăm tỷ là chuyện bình thường".

Bởi vậy, Chủ tịch yêu cầu luật này phải siết lại, trúng thầu bao nhiêu trả bấy nhiêu, chứ không thể hễ tăng lương hay lạm phát là lại điều chỉnh.

"Tất nhiên ta không cứng quá, những rủi ro mang tính “trời đánh” như thiên tai thì phải chịu, còn tất cả những rủi ro do con người gây ra cần phải được tính toán hết vào dự toán", Chủ tịch lưu ý.

“A - B là chùm khế ngọt (chủ đầu tư và nhà thầu - PV), các đồng chí biết quá kỹ, tôi biết quá kỹ mà chịu không làm gì được, vì cơ quan có thẩm quyền đồng ý hết, phê duyệt hết rồi. Nếu cứ tiếp tục để tình trạng đó thì luật chất lượng kém. Không sửa được điều này thì không chống được tham nhũng, lãng phí. Nguyên tắc là không điều chỉnh giá thầu, chỉ điều chỉnh khi bất khả kháng", Chủ tịch nhấn mạnh.

Bác kháng cáo của đối tượng nổ mìn nhà giám đốc công an Khánh Hòa !...

(Dân trí) - Sáng 23/9, Tòa phúc thẩm TANDTC Đà Nẵng đã tuyên bác kháng cáo kêu oan giữ nguyên án sơ thẩm phạt bị cáo Nguyễn Viết Trương - đối tượng cho nổ mìn nhà ông Trần Ngọc Khánh – Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa. 

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Viết Trương (tên gọi khác Nguyễn Mười – SN 1956, trú 51/13 Tân Kỳ Tân Quý, Sơn Kỳ, Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, hiện ở số 2 đường Thủy Xưởng, Phương Sơn, Nha Trang) đã bị tuyên 19 năm tù về tội “giết người” và 4 năm tù về tội “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ”, tổng hợp hình phạt là 23 năm tù.
Theo HĐXX, vì không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của Công an tỉnh Khánh Hòa nên bị cáo Trương đã chế tạo một quả mìn bằng vật liệu nổ công nghiệp gắn kíp nổ, bên trong có bỏ thêm bi sắt để tăng tính sát thương và đặt quả mìn ngay cửa sắt nhà ông Khánh, khi ông Khánh dắt xe ra bị cáo đã kích nổ quả mìn.
Xét hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, không những xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người khác mà còn làm ảnh hưởng đến trật tự trị an. Bị cáo còn bị truy tố và xét xử về tội “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ”.
Theo cáo trạng, năm 2005, Trương thành lập công ty TNHH Sông Mã, có trụ sở tại số 2 Thủy Xưởng, phường Phương Sơn, TP. Nha Trang (Khánh Hòa); được phép khai thác đá tận thu, tại mỏ đá thuộc thôn Suối Lâu 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.
Trong quá trình hoạt động khai thác, đã phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp về tiền vốn vật tư, máy móc với các đối tác nên Trương đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa và được giải quyết theo đúng trình tự giải quyết tố cáo, tin báo về tội phạm.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố và hướng dẫn Trương khởi kiện ra tòa dân sự để được giải quyết tranh chấp dân sự theo thẩm quyền, nhưng Trương không thỏa mãn và liên tục khiếu kiện kéo dài.
Khi ông Trần Ngọc Khánh được bổ nhiệm làm giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, Trương tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi; khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2012, Trương gọi điện vào máy di động của ông Trần Ngọc Khánh xin gặp riêng, thì được hướng dẫn đến cơ quan để được tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Trương không làm theo hướng dẫn mà cho rằng ông Khánh không giải quyết vụ khiếu nại của mình, nên Trương nảy sinh ý định giết ông Khánh.

Nhà Phó Bí thư Đảng ủy xã cháy, nghi bị phóng hỏa !...

Đang ngủ trong nhà thì ông Đỗ Xuân Hợp - Phó Bí thư Đảng ủy xã Cầu Lộc (huyện Hậu Lộc - Thanh Hóa) phát hiện lửa bốc cháy từ phía quán hàng của nhà mình.

Theo ông Đỗ Xuân Hợp, vào khoảng 0 giờ 30 phút rạng sáng ngày 21/9, trong lúc gia đình ông đang ngủ thì phát hiện có lửa bốc cháy ở phía trong cửa sắt của quán hàng (nơi bán hàng tạp hóa của gia đình). Khi ông phát hiện ra thì ngọn lửa đã bốc cháy ngùn ngụt. Lúc này, do cửa quán bị khóa nên hai vợ chồng ông không kịp mở cửa để thoát thân, chỉ kịp hô hoán làng xóm đến cứu giúp. Khi mọi người dập được lửa thì một số đồ dùng trong quán đã bị cháy đen. Rất may chưa có thương vong về người.
Nhà phó bí thư xã cháy, nghi bị phóng hỏa
Ngoài những vật dụng đã cháy rụi, nhiều vật dụng khác trong gian hàng quán cũng bị cháy xém và hư hỏng
Ông Trịnh Văn Ản (hàng xóm gia đình ông Hợp) kể lại: “Thời điểm xảy ra vụ cháy nhà ông Hợp tôi chưa ngủ, có nghe tiếng rồ ga của động cơ xe máy nên cứ nghĩ là có kẻ bắt trộm chó. Khi nghe tiếng kêu cứu, tôi chạy ra thì phát hiện có lửa cháy to ở phía trong cửa sắt quán hàng của vợ chồng ông Hợp. Lúc ấy, lửa cháy nhanh và mùi xăng bốc lên rất nhiều”.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Hợp đã báo cáo bằng điện thoại với tổ an ninh của xã. Đến 6h30' sáng 21/9, công an xã đã đến hiện trường tiến hành lập văn bản vụ việc đồng thời báo lên công an huyện Hậu Lộc.
Theo bà con hàng xóm, vợ chồng ông Hợp sống với bà con lối xóm từ trước đến giờ chưa để mất lòng ai. Sáng 23/9, Công an huyện Hậu lộc đã cử cán bộ về gia đình ông Hợp điều tra vụ việc.

Vụ nổ súng tại Đồng Nai: Hai CSGT bị thương rất nặng !...

(Dân trí) - “Ban giám đốc Công an tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung cứu chữa cho 2 nạn nhân hiện trong tình trạng thương tích rất nặng. Cơ quan công an chưa thể lấy được lời khai nên chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ việc đáng tiếc này.”

Đó là thông tin từ Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai trong buổi họp báo sáng nay (23/9) về vụ nổ súng xảy ra tại Trạm CSGT Suối Tre, thị xã Long Khánh (thuộc Phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai) xảy ra vào chiều ngày 22/9 làm 3 người thương vong.
Đại tá Nguyễn Văn Kim tại buổi họp báo
Đại tá Nguyễn Văn Kim tại buổi họp báo
Đại tá Kim cho biết: Khoảng gần 18h ngày 22/9, một số cán bộ, chiến sĩ trực tại Trạm CSGT Suối Tre nghe tiếng súng ở một phòng trên lầu trong trụ sở nên chạy lên kiểm tra.
Tại đây, họ phát hiện thiếu tá Trần Văn Sơn (Phó trạm kiểm soát giao thông Suối Tre) và 2 CSGT là đại úy Ngô Văn Vinh và thượng úy Đoàn Thanh Phú trên người đầy thương tích nằm gục trên vũng máu nên nhanh chóng đưa tất cả vào bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương nặng (ngay vùng bụng) nên đến gần 20h cùng ngày, thiếu tá Sơn đã tử vong.
Riêng 2 nạn nhân còn lại hiện tình trạng thương tích rất nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện ĐKKV Long Khánh và bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, vỏ đạn… vẫn đang được các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh khẩn trương thực hiện. Đồng thời, cả 2 nạn nhân trực tiếp liên quan vẫn đang hôn mê chưa lấy được lời khai nên chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ việc đáng tiếc này.
Đại tá Kim khẳng định: Trong quá trình công tác, các cán bộ nói trên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và chưa từng nghe phản ánh về việc họ có mâu thuẫn với nhau.
“Hiện vụ việc đang được khẩn trương điều tra làm rõ để báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, đồng thời sẽ thông tin đến báo chí khi có kết quả điều tra trong thời gian sớm nhất” -  Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết.

Vinashin rút vốn khỏi 105 công ty !...

Sẽ có hơn 100 công ty không còn mang thương hiệu Vinashin trong quá trình Tập đoàn này tái cơ cấu để trở lại mô hình tổng công ty.
Quyết định phê duyệt danh sách các doanh nghiệp mà Vinashin muốn rút vốn thương hiệu được Bộ Giao thông vận tải ban hành giữa tháng 9, là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Trước đây, Vinashin đã góp vốn bằng thương hiệu vào các công ty này và nay muốn rút bằng cách giảm vốn điều lệ
Trong danh sách được phê duyệt, 105 doanh nghiệp được chia thành hai nhóm, một là rút vốn được ngay và hai là cần xem xét trước khi tiến hành rút vốn.
VinashinMoonstone-6933-1379930973.jpg
Vinashin sắp sửa trở lại mô hình Tổng công ty ngay trong năm nay.
Nhóm thứ nhất, 51 công ty có thể thực hiện rút vốn ngay là những đơn vị có tình hình tài chính không phức tạp, không vay nợ Vinashin hoặc không có tài sản lớn. Nhóm thứ hai là 54 công ty cần xem xét phân tích tình hình tài chính, tài sản, lợi thế, công nợ trước khi tiến hành rút vốn.
Trong 105 công ty mà Vinashin từng có vốn góp bằng thương hiệu, nhiều doanh nghiệp không hoạt động trong ngành đóng tàu, hàng hải. Có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện chiếu sáng, cơ điện, thương mại, thậm chí có cả công ty chế biến thực phẩm.
Việc hoạt động của Vinashin theo mô hình tập đoàn đang dự kiến kết thúc sau 7 năm tồn tại là là một phần của kế hoạch tái cơ cấu được tiến hành suốt 3 năm qua. Trong cả tuần trước, lãnh đạo đơn vị này đã liên tiếp có các buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông để xem xét các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cuối cùng của quá trình này.

40 cảnh sát trấn áp nhóm đòi 'xử' bác sĩ giữa Sài Gòn !...

Thêm 30 cảnh sát hình sự được điều đến khi lực lượng 113 và công an phường không thể ngăn sự manh động của hành chục thanh niên xông vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định rạng sáng 23/9.

Ngày 23/9, Công an quận Bình Thạnh cho biết đang truy bắt 2 nhóm giang hồ gây ra vụ hỗn chiến khiến ông Nguyễn Văn Đức (53 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) tử vong.
cap-cuu-1-7577-1379928751-9762-137994355
Khoa cấp cứu nơi nhóm thanh niên quậy phá. Ảnh: T.C
Theo điều tra ban đầu, đêm 22/9, Nguyễn Văn Sang (22 tuổi, con trai ông Đức) đi chơi cùng bạn gái. Đến đường Võ Duy Ninh thì họ xảy ra mâu thuẫn với Lê Hoàng Anh Tuấn (21 tuổi). Sang bỏ đi và gọi thêm 2 cậu bạn mang theo mã tấu đến “nói chuyện phải quấy".
Tuy nhiên, do bên Tuấn đông "quân" hơn nên Sang bỏ chạy về nhà. Biết chuyện, ông Đức vì bênh con nên cũng xách dao ra hỗ trợ, tấn công nhóm đối thủ tại khu vực bên hông nhà số 602/136 đường Điện Biên Phủ (phường 22, quận Bình Thạnh). Sau cuộc hỗn chiến, ông này bị đâm chém nhiều nhát gục tại chỗ. Cậu con trai cùng 2 người bạn bị thương nhưng chạy thoát được.
Ông Đức được vợ và con gái đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia định nhưng đã tử vong sau đó. Trong khi đó, Tuấn cùng vài người khác cũng bị thương sau vụ "giáp lá cà" và cũng được người nhà đưa vào bệnh viện này cấp cứu. 
Vừa thấy Tuấn, vợ và con gái ông Đức lao đến đánh khiến các y tá, bảo vệ phải đẩy bệnh nhân đến phòng tiểu phẫu để lánh nạn. Một lát sau, khoảng 30 thanh niên cầm theo hung khí tìm đến bệnh viện quát nạt, yêu cầu các bác sĩ phải giao nộp Tuấn cho họ.
nghican-4640-1379943555.jpg
Tuấn được công an quận Bình Thạnh lấy lời khai phục vụ quá trình điều tra. Ảnh: N.V
Sau khi tìm kiếm, lùng sục nhiều nơi mà không thấy Tuấn, nhóm này đuổi đánh, đe dọa sẽ “xử” tất cả bác sĩ, y tá nếu họ cứu chữa cho "kẻ thù". Quá sợ hãi, các nhân viên y tế bỏ chạy tán loạn vào các phòng nghiệp vụ rồi khóa chốt, chèn cửa cố thủ bên trong.
Nhóm thanh niên bên ngoài không vào được nên đã giả làm công an, gõ cửa phòng trấn an các y, bác sĩ để truy tung tích Tuấn. "Tôi là công an đây, không có gì đâu, mọi người mở cửa ra ngoài đi", nhiều thanh niên nói to. Biết được âm mưu này, các nhân viên bên trong càng chèn chặt cửa phòng bằng giường, tủ và nhất quyết không ra. Suốt hơn một tiếng trốn nhóm giang hồ, toàn bộ công việc trong khoa cấp cứu bị đình trệ.
Trước tình thế nguy hiểm, lãnh đạo bệnh viện đã gọi điện báo công an phường, cảnh sát 113 đến hỗ trợ. Song, với số lượng chỉ gần chục người, cảnh sát không ngăn cản được nhóm thanh niên đang "đại náo" bệnh viện.
Nhận được tin, 30 cảnh sát của Công an quận Bình Thạnh được tăng cường đến trấn áp cả nhóm này. Tuy đã “nhường nhịn” bỏ về nhưng từ đó đến sáng vẫn có nhiều tên lảng vảng trước khuôn viên bệnh viện, truy tung tích Tuấn.
Sau khi được cấp cứu với các vết thương ở chân, tay, cảnh sát sau đó đã đưa Tuấn về trụ sở để lấy lời khai để tiếp tục truy bắt những người tham gia vụ hỗn chiến. 

Diễn đàn Xã hội Dân sự Việt Nam ra đời !...

Trong một diễn biến cho thấy sự phát triển của phong trào dân sự tại Việt Nam, một số nhà hoạt động dân chủ đã tập hợp lại trong phong trào có tên là ‘Diễn đàn Xã hội Dân sự’.

Diễn đàn này chính thức ra đời vào lúc nửa đêm ngày thứ Hai ngày 23/9 khi bản ‘Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị’ được công bố.
Tròn 130 người ký tên vào tuyên bố này đến từ các vùng miền khác nhau của đất nước và cả từ Mỹ, Pháp, Úc. Trong đó có nhiều thành phần xã hội khác nhau như trí thức, cựu quan chức, nhà văn, nhà báo, thanh niên...


‘Chuyển đổi dân chủ’

Mục đích của diễn đàn này, theo Tuyên bố, là ‘trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa’.
Cũng theo tuyên bố này thì sẽ có một trang mạng của diễn đàn để nhưng người cùng chia sẻ mục đích gửi bài vở, ý kiến tham gia.
"Để vượt qua những thách thức hiểm nghèo đối với đất nước và dân tộc, giải pháp cơ bản là phải cải cách thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ."
Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị

“Để vượt qua những thách thức hiểm nghèo đối với đất nước và dân tộc, giải pháp cơ bản là phải cải cách thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ,” Tuyên bố viết.
Tuyên bố cũng cáo buộc giới cầm quyền ‘dựa vào bạo lực cùng nhiều thủ đoạn không chính đáng để duy trì quyền thống trị đất nước... do muốn bảo vệ và giành thêm lợi ích riêng bất chấp lợi ích chung của đất nước, của dân tộc’.
Tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam ‘tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân, thẳng thắn tranh luận và đối thoại, từ bỏ cách đối xử không công bằng, không minh bạch và không đường hoàng’
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong những người ký tên vào tuyên bố này, nói với BBC rằng mục đích của diễn đàn mới này là để ‘mọi người tham gia viết bài, bình luận với nhau, tranh luận để nâng cao dân trí là chính’.

Kêu gọi Đảng Cộng sản

Theo ông thì muốn chuyển đổi từ toàn trị sang dân chủ một cách êm thấm đỡ tốn kém nhất cho đất nước thì ‘mọi người cần phải hiểu, chính quyền và người dân cần phải hiểu quá trình như thế nào và phải làm gì’.

“Tất cả mọi người không phân biệt về chính trị, thuộc nhiều đảng phái chính trị khác nhau, thuộc nhiều chính kiến khác nhau đều được hoan nghênh cả miễn là thống nhất ở điểm dân chủ hóa,” ông A nói.
Ông cũng kêu gọi các đảng viên Đảng Cộng sản vốn đang giữ độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam tham gia vào diễn đàn bởi vì Đảng Cộng sản ‘có vai trò lớn lao trong việc chuyển đổi (dân chủ) này'.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang A cũng cảnh báo chính quyền là ‘sự trấn áp sẽ không mang lại kết quả gì’.
“Cách duy nhất để nhà cầm quyền có thể giữ được tính chính đáng một phần nào đấy của mình và góp phần vào sự phát triển của dân tộc là tham gia cùng với dân tộc chứ không phải đàn áp nhân dân,” ông nói.

Các nhà đầu tư chờ VN gượng dậy !...

Chuyên chở hàng ở ngoại ô Hà Nội
Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi sự phục hồi ở Việt Nam

Báo Mỹ và Anh nói các nhà đầu tư đang chờ sự phục hồi ở Việt Nam để trở lại đầu tư.
Tờ Sunday Times ở London hôm Chủ Nhật và hãng tin AP của Hoa Kỳ hôm thứ Hai đều có bài bàn về khả năng kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trở lại.
Tuần này đặc sứ thương mại của thủ tướng Anh, ông David Puttnam, sẽ dẫn đầu phái đoàn các doanh gia tới thăm Việt Nam.
Báo Sunday Times nói nhiều lãnh đạo công ty và tập đoàn ở Anh cho rằng Việt Nam đi sau Thái Lan chừng 20 năm cho dù có dân số 90 triệu trong đó 17 triệu ở độ tuổi từ 10-19.
Một chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered nhận định cứ mỗi năm Việt Nam lại có 1,7 triệu người tiêu dùng mới trong 10 năm tới đây.

Nợ xấu

Trong khi đó hãng tin AP nói các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang nằm chờ giữa lúc nợ xấu vẫn còn chồng chất trong hệ thống ngân hàng.
AP dẫn lời ông Neil Hagan, chuyên gia thu hồi nợ của Hoa Kỳ, nói một số công ty mua nợ có tiếng như Lone Star và Fortress đang muốn vào Việt Nam nhưng chính phủ ở Hà Nội cần có những thay đổi luật để tạo điều kiện cho những công ty mua nợ tiềm năng này hoạt động dễ dàng.
Fitch Ratings đánh giá nợ xấu trong ngành ngân hàng có thể lên tới xấp xỉ 20% so với con số chính thức chừng 5%.
AP nói các công ty mua nợ xấu hy vọng sẽ kiếm lời từ việc bán các tài sản thế chấp hay bỏ tiền đầu tư vào các tài sản này nhằm có doanh thu về sau.
Nhưng AP nhận định việc thu hồi nhà cửa hay tài sản từ hàng ngàn cá nhân và công ty là quyết định khó khăn đối với chính quyền ở Hà Nội.
Họ không cho phép người dân có quyền chính trị trong khi tính chính danh của chế độ phụ thuộc vào khả năng đảm bảo mức sống ngày càng tăng cho người dân.

Lừa đảo và tham nhũng


Các nhà đầu tư cũng được AP dẫn lời nói xử lý nợ xấu ở Việt Nam sẽ khó khăn do tình trạng lừa đảo và tham nhũng trong ngành ngân hàng.
Ngoài ra nhà xưởng, máy móc và tàu bè sẽ mất giá trị khi để không lâu ngày.
Chuyên gia thu hồi nợ Hagan cũng dẫn ra một trường hợp trong đó có một lô thép được dùng làm khoản thế chấp cho năm khoản vay và nói:
"Tôi không biết là họ có di chuyển chuyển đống thép đó đi cho mỗi lần thế chấp mới không, nhưng đó đúng là cùng một lô thép.
"Giám đốc chi nhánh ngân hàng đó chắc phải là một gã ngốc. Năm người liền đều cùng cầm cố một đống thép mà có lẽ không có thực."

Cao thủ chờ đợi

Trong khi đó bài viết trên tờ Sunday Times của Anh có vẻ lạc quan hơn.
Họ dẫn lời ông Bill Stoops, trưởng bộ phận đầu tư của Dragon Capital, quỹ đầu tư hàng tỷ đô la do một người Anh lập ra, nói:
"Các nhà đầu tư thích sự trở về đúng giá trị thực. Thị trường đã tăng 35% kể từ cuối năm 2011. Việt Nam đã vượt qua khó khăn và thị trường vẫn còn rẻ."
Sunday Times cũng nói xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đã tăng bốn lần kể từ năm 2007 cho dù nước này vẫn đứng sau Đức, Pháp và Ý.
Trong những tháng gần đây chuỗi cửa hàng thời trang Topshop và một trong những công ty luật hàng đầu ở Anh, Allen&Overy đã tới Việt Nam.
Trong khi đó nhiều công ty của Anh đã bám rễ chắc chắn ở Việt Nam như Prudential, HSBC, Standard Chartered, Unilever và Jardine Lloyd Thompson.
Người sáng lập Dragon Capital được dẫn lời nói: "Điều mà tôi không nghi ngờ gì là hướng mà đất nước này đang đi. Về thời điểm thì còn có rất nhiều điều không chắc chắn. Nhưng người Việt Nam trong quá khứ đã chứng tỏ họ là cao thủ về khoản chờ đợi và không bao giờ chấp nhận thất bai."

Nhân sĩ-trí thức Việt ra Tuyên bố đòi cải cách chính trị !...


Hàng trăm trí thức Việt trong và ngoài nước ngày 23/9 ra Tuyên bố chung yêu cầu nhà nước cải cách thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ, sửa đổi Hiến pháp, và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân.

Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị được gửi tới các cơ quan lãnh đạo của đảng cộng sản và nhà nước và được công bố trên mạng xã hội nói thể chế toàn trị tại Việt Nam với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết điểm, quan liêu, và tham nhũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng cho đất nước về nhiều mặt từ năng lực phát triển tới kinh tế, môi trường, văn hóa, lòng tin nhân dân đối với bộ máy cầm quyền, và cả vấn đề chủ quyền đất nước trước họa xâm lăng từ Trung Quốc.

Tuyên bố nhấn mạnh giải pháp cơ bản cho những thử thách hiểm nghèo của đất nước và dân tộc là phải cải cách thể chế, dân chủ hóa đất nước để phát huy đoàn kết và sức mạnh dân tộc.

Các nhân sĩ-trí thức đồng ký tên trong Tuyên bố nói đảng cộng sản Việt Nam tự nhận vì nước, vì dân, phải có trách nhiệm chủ động thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa, khởi đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp vốn bảo vệ quyền độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản.  

Xã hội dân sự là con đường của tương lai Việt Nam, không thể khác được. Một đất nước không có nền tảng dân sự và một nhà nước pháp quyền thì không thể tồn tại được, đặc biệt trong bối cảnh một nhà nước toàn trị như hiện nay...
Tuyên bố nói rằng nếu bản Hiến pháp đang được sửa đổi vẫn tiếp tục duy trì thể chế toàn trị thì dân tộc Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều hệ quả khôn lường, nỗi bất bình và thất vọng trong lòng dân càng gia tăng, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế càng giảm sút.

Bản Tuyên bố yêu cầu nhà nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền trong đó có quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân và đề nghị nhà cầm quyền trao đổi, tranh luận thẳng thắn với các ý kiến phản biện.

Tuyên bố cũng đồng thời lên án các biện pháp chính phủ Hà Nội áp dụng để ngăn cấm, trấn áp các tiếng nói bất đồng quan điểm là vi hiến, đi ngược lại các Công ước đã ký với quốc tế, và “không đúng với tư cách chính đáng của một nhà cầm quyền”.

Tuyên bố hoan nghênh các kiến nghị công dân gần đây như Kiến nghị 72, Tuyên bố của Công dân Tự do, Tuyên bố phản đối điều luật 258 và khẳng định các biện pháp xây dựng ôn hòa, hợp pháp này thể hiện lòng yêu nước và khát vọng dân chủ của các tầng lớp nhân dân.

Trong Tuyên bố của mình, các nhân sĩ-trí thức cũng kêu gọi xây dựng một Diễn đàn Xã hội Dân sự nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị, thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam phát triển theo yêu cầu của một quốc gia dân chủ.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, một trong những người ký tên đầu tiên vào Tuyên bố, nói với VOA Việt ngữ:

“Xã hội dân sự là con đường của tương lai Việt Nam, không thể khác được. Một đất nước không có nền tảng dân sự và một nhà nước pháp quyền thì không thể tồn tại được, đặc biệt trong bối cảnh một nhà nước toàn trị như hiện nay. Khi đặt bút ký vào Bản Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị, không chỉ cá nhân tôi mà nhiều trí thức, nhiều anh em khác luôn mang trên mình một hoài bão, một nguyện vọng là làm sao để đất nước tránh được những sự lộn xộn. Xã hội dân sự là nền tảng để xây dựng nền văn hóa cho dân tộc Việt trong tương lai chứ không phải một nền chính trị vọng ngoại hay một nền chính trị lộn xộn, đấu đá nội bộ lẫn nhau. Con đường của Việt Nam trong có thể là 15 hay 20 năm tới sẽ chỉ là vấn đề ‘xã hội dân sự’ để tạo ra sự đối trọng cần thiết đối với chính quyền, tác động, điều chỉnh chính sách và cả con người trong chính quyền như những gì xã hội các nước Bắc Âu đã làm được trong thế kỷ 20.”

Về hiệu quả mong đợi từ Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị, báo Phạm Chí Dũng cho rằng:

“Tôi e rằng tính hiệu quả còn manh nha, chưa cao lắm trong buổi gần như là tiền đề, tiền thân của xã hội dân sự tại Việt Nam. Thật sự hiện nay tại Việt Nam chưa có xã hội dân sự. Muốn có xã hội dân sự, cần có những tổ chức dân sự. Muốn có những tổ chức dân sự cần phải có những nhóm dân sự. Những vấn đề đó ở Việt Nam còn rất manh nha. Cho nên, chủ đích của Diễn đàn Xã hội Dân sự và Tuyên bố này, theo tôi, chỉ là những điều kiện đầu tiên tiền đề. Chúng ta cần phải có nhiều cố gắng tiếp theo để xây dựng không chỉ một Diễn đàn Xã hội Dân sự trên mạng mà còn là những Diễn đàn công khai truyền bá tư tưởng xã hội dân sự ở Việt Nam, sinh hoạt công khai. Như vậy mới có thể có hiệu quả được.”

Trong ngày công bố, Bản Tuyên bố Về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị có chữ ký của 130 nhân sĩ, học giả, trí thức trong và ngoài nước. Trong số này có các nhân vật tên tuổi như Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu; ông Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM; ông Trần Văn Long, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TP HCM; ông Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động; Phó Giáo sư Phạm Khiêm Ích, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

Những người khởi xướng Diễn đàn Xã hội Dân sự nói họ mong được đồng bào trong và ngoài nước hưởng ứng bản Tuyên bố này để thúc đẩy nền dân chủ và tiến bộ của đất nước.

VIDEO - Sức mạnh của truyền thông xã hội tại Việt Nam - Blogger Nguyễn Lân Thắng

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp kể nguyên do vụ Mỹ Yên !...

VINH (NV) - Qua cuộc trao đổi với Linh Mục Trần Công Nghị của Viet Catholic, lần đầu tiên, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, giám mục Giáo Phận Vinh, khái quát toàn bộ diễn biến vụ Mỹ Yên. 
Giáo dân giáo hạt Nhân Hòa hành hương về linh địa Trại Gáo ngày 18/9/2013. Hàng ngàn giáo dân đổ về giáo xứ Mỹ Yên mỗi ngày với tinh thần như trong ảnh, chắc chắn là thực tế làm chế độ Hà Nội cảm thấy bất an. (Hình: Web Giáo phận Vinh).
Theo đó, chiều 22 Tháng Năm, trước ngày Tòa Án Tối Cao xét xử phúc thẩm 14 thanh niên Công Giáo tại trụ sở Tòa Án Nghệ An, thân nhân và bạn hữu của những thanh niên này đã đến linh địa Trại Gáo để cầu bình an cho họ. Lúc thánh lễ đang diễn ra, trên đường đến Trại Gáo, khách hành hương bị một nhóm người lạ mặt, không mặc cảnh phục chặn đường, vì vậy đã xảy ra cãi vã, xô xát. Bị đám đông phản kháng mạnh, những người ngăn chặn bỏ chạy. Vài người chạy vào nhà viên xã đội trưởng, nơi công an đã tập trung từ trước. Ba người bị dân chúng khống chế và bị đánh.
Được cấp báo, đội an ninh của giáo họ Trại Gáo vội vàng đến đưa nạn nhân về Nhà Văn Hóa xóm 13 để bảo vệ. Đang dự thánh lễ, ban hành giáo của giáo họ Trại Gáo nhận được điện thoại cầu cứu của công an huyện Nghi Lộc. Họ cấp tốc chạy xuống và phải phá ổ khóa để đưa nạn nhân vào đó ẩn trốn. Ba người này khai là công an và người ta thấy giấy tờ, cũng như sắc phục công an trong cốp xe.
Bên ngoài, dân chúng tụ tập mỗi lúc một đông, do linh mục phụ trách giáo xứ đi vắng, Hội đồng mục vụ đã điện thoại cho tòa giám mục xin giúp đỡ. Cùng lúc đó, ông Vũ Chiến Thắng, phó giám đốc ông an Nghệ An, và ông chủ tịch huyện Nghi Lộc gọi điện thoại cho Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, đề nghị hợp tác để giải quyết sự việc. Thấy tình hình càng lúc càng phức tạp, lúc 19 giờ 45, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp và hai linh mục lên đường. Trong khi phía chính quyền dù năm lần, bảy lượt hứa hẹn sẽ có mặt nhưng giờ chót vẫn không đến.
Khi Giám Mục Nguyễn Thái Hợp có mặt, tình hình bớt nguy hiểm nhưng vẫn còn rất căng thẳng vì trong đám đông có cả giáo dân lẫn những người không phải giáo dân. Theo yêu cầu của dân chúng, một biên bản đã được soạn thảo. Tuy nhiên, khi biên bản này được đọc, đám đông phản đối dữ dội vì cho rằng chưa đúng sự thật. Người ta phải viết lại biên bản. Đa số dân chúng tạm chấp nhận biên bản viết lại nhưng vẫn chưa chịu giải tán. Giám Mục Nguyễn Thái Hợp vừa yêu cầu mọi người giải tán, vừa yêu cầu chính quyền đưa xe đến chở người bị thương về nhưng chính quyền vẫn không cử người tới.
Phải mất một khoảng thời gian mới tìm được xe chở nạn nhân về với sự bảo vệ của phái đoàn tòa giám mục. Trên đường về, phái đoàn này phải quay lại nhà ông xã đội trưởng để cứu những công an bị vây, còn mắc kẹt ở đó. Sau khi phái đoàn về, dân vẫn tiếp tục tụ tập ở khu vực này và một chiếc xe gắn máy bị phá.
Hai ngày sau, hôm 24 Tháng Năm, đại diện huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương đến cám ơn hội đồng mục vụ và đội an ninh của giáo họ Trại Gáo vì đã tích cực giải cứu cán bộ công an đêm 22 Tháng Năm. Chính quyền các cấp cũng nhiều lần bày tỏ sự cảm kích với Giám Mục Nguyễn Thái Hợp và các linh mục trong giáo phận. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ đàn áp giáo dân Mỹ Yên, hệ thống truyền thông Việt Nam bóp méo toàn bộ diễn biến, vu khống hội đồng mục vụ Trại Gáo “bắt giam người trái pháp luật”.
Sự kiện ngày 22 Tháng Năm trở thành nghiêm trọng khi chính quyền không những không xử lý một cách nghiêm minh hành vi sai trái của cán bộ công an mà còn cố tình dựng án để bắt hai giáo dân giáo họ Trại Gáo theo kiểu bắt cóc, bất chấp Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam.

Ngày 27 Tháng Sáu, trên đường đi đám cưới cháu, ông Ngô Văn Khởi bị cảnh sát giao thông chặn lại và bị năm thanh niên bịt mặt dẫn đi không nêu lý do. Vài ngày sau gia đình mới nhận được thông báo nhưng giấy lại ghi nhầm với một ông Ngô Văn Khởi khác (sai địa chỉ và tên vợ).
Cùng ngày 27 Tháng Sáu, khi ông Nguyễn Văn Hải chở cháu là Nguyễn Huy Hoàng, 5 tuổi, đi khám bệnh thì bị công an bắt giữ trên đường về, công an cũng không nêu lý do bắt giữ và không tiến hành bất cứ thủ tục nào. Cháu Nguyễn Huy Hoàng bị bỏ lại giữa đường.
Tuy phẫn nộ trước hành vi sai trái của chính quyền và không nhận được câu trả lời thỏa đáng nào, nhưng suốt hai tháng sau đó, giáo dân vẫn kiên trì đối thoại. Tòa Giám Mục Giáo Phận Vinh nhiều lần gặp gỡ, làm việc với chính quyền, yêu cầu giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt để tránh những phức tạp có thể xảy ra.
Chính quyền chỉ hứa sẽ giải quyết nhưng không làm gì. Vì thế, dân chúng càng ngày càng thêm bức xúc và không còn tin ở giải pháp đối thoại.
Ngày 30 Tháng Tám, thân nhân của ông Khởi, ông Hải cùng một số giáo dân Mỹ Yên tập trung ôn hòa tại trụ sở xã Nghi Phương đòi thả người. Hôm đó, theo yêu cầu của công an tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã đến trụ sở xã Nghi Phương, đề nghị chính quyền đáp ứng yêu cầu của giáo dân, đồng thời kêu gọi mọi người kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng, mọi người rút lui trong trật tự.
Sáng Chủ Nhật 1 Tháng Chín, chính quyền tỉnh Nghệ An mời Giám Mục Nguyễn Thái Hợp tham dự cuộc họp đặc biệt để giải quyết vấn đề. Phía chính quyền có chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh, trưởng ban tôn giáo, hai phó giám đốc công an tỉnh là ông Vũ Chiến Thắng và ông Nguyễn Hữu Cầu, và một số người liên quan.
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp cho biết, đa số thành viên cuộc họp đồng ý tìm biện pháp giải quyết vấn đề để tránh hậu quả xấu, nhưng ông Nguyễn Hữu Cầu khăng khăng yêu cầu Giám Mục Nguyễn Thái Hợp phải đứng ra bảo lãnh cho ông Khởi và ông Hải tại ngoại. Giám Mục Nguyễn Thái Hợp từ chối viết đơn bảo lãnh tại ngoại, vì về nguyên tắc, luật không quy định việc tổ chức tôn giáo đứng ra bảo lãnh. Mặt khác, Giáo Phận Vinh không chấp nhận việc chính quyền cố tình đánh lạc hướng và làm phức tạp sự việc ngày 22 Tháng Năm, nhằm kết án và truy cứu nhiều người dân chất phác, vô tội khác, trong khi những hành vi sai trái của các cán bộ lại được bao che.
Ngày 3 Tháng Chín, thân nhân của hai nạn nhân và giáo dân Mỹ Yên lại tập trung đến trụ sở xã Nghi Phương đòi thả người. Sau khi chờ đợi và trao đổi căng thẳng, cuối cùng, chính quyền địa phương đã viết “Giấy cam kết”, hứa thả hai nạn nhân trước 16 giờ ngày 4 Tháng Chín, thậm chí còn tuyên bố “nếu đến thời gian trên mà công an tỉnh không thả ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải thì UBND xã chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Sau khi nhận được “Giấy cam kết”, mọi người tự động rút lui.
Cùng thời gian đó, công an đề nghị tòa giám mục có văn bản yêu cầu thả người để cơ quan điều tra có căn cứ thả ông Khởi và ông Hải về dự lễ tấn phong giám mục phụ tá. Do vậy, chiều ngày 3 Tháng Chín, tòa giám mục đã có thư đề nghị thả người.
Sáng 4 Tháng Cín, lễ tấn phong diễn ra tốt đẹp, với khoảng 22.000 người tham dự. Trưa hôm đó, văn phòng Tòa Giám Mục Xã Đoài nhận được thư ‘hỏa tốc’, mời Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đến họp tại trụ sở tỉnh Nghệ An vào lúc 15 giờ, nhưng giám mục không thể đến tham dự cuộc họp này, vì chương trình làm việc trong ngày tấn phong giám mục phụ tá đã được sắp đặt từ trước không thể thay đổi. Sau này người ta mới biết, lúc hẹn gặp Giám Mục Nguyễn Thái Hợp tại trụ sở UBND tỉnh, chính quyền đã chuẩn bị xong kế hoạch trấn áp dân tại Nghi Phương.
Khoảng 15 giờ 30 ngày 4 Tháng Chín, tin tưởng vào “Giấy cam kết” mang tính chất “lừa đảo” của chính quyền, thân nhân ông Khởi, ông Hải và một số giáo dân Mỹ Yên đã tới trụ sở xã Nghi Phương để nhận hai ông về nhà. Khi đến nơi, họ ngỡ ngàng nhận ra đã bị chính quyền lừa: Không hề có chuyện thả người.
Trên thực tế, ngay từ sáng 4 Tháng Chín, chính quyền đã điều động công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ, cảnh khuyển,… án ngữ lối vào trụ sở xã Nghi Phương.
Một số người lạ mặt đã lẩn vào đám đông để quấy rối, ném đá về phía công an và cảnh sát cơ động, một số giáo dân cũng làm theo. Thế là lực lượng vũ trang của tỉnh Nghệ An sử dụng lựu đạn cay, dùi cui, thuốc nổ, thẳng tay đàn áp dân chúng, làm cho hơn 30 người bị thương, trong đó có ba người bị chấn thương sọ não nặng.
Tuy có nhiều giáo dân bị lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An đánh trọng thương nhưng nhà cầm quyền vẫn chối là đã thẳng tay đàn áp thường dân. (Hình: VRNs)
Trong cuộc trao đổi với Viet Catholic, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp xác nhận, cả báo Nghệ An, đài phát thanh, đài truyền hình Nghệ An, đã đăng tải nhiều bài viết và phóng sự có nội dung xuyên tạc sự thật, xúc phạm đến uy tín và danh dự của cả ông lẫn toàn thể linh mục và giáo dân Giáo Phận Vinh. Tệ hơn là trong buổi phát hình tối Chủ Nhật, 15 Ttháng Chín, đài truyền hình quốc gia cũng lập lại những luận điệu của đài truyền hình Nghệ An, chụp cho Giám Mục Nguyễn Thái Hợp nhiều “tội danh” như: cấu kết với thế lực phản động trong cũng như ngoài nước, kích động nhân dân hận thù với nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết nhân dân, đi ngược lại với chủ trương của Dức Giáo Hoàng và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp tâm sự, nhiều lúc ông tự hỏi có nhà nước pháp quyền nào trên thế giới hiện nay cho phép các phóng viên nặc danh và cơ quan truyền hình nhà nước tự tung tự tác, muốn bôi nhọ ai tùy ý, tự do chụp mũ cho người khác một cách vô căn cứ những thứ tội nghiêm trọng, vốn chỉ những tòa án đặc biệt mới có quyền tuyên án? Điều này cho thấy sự thao túng, vô pháp luật và xuống cấp về phẩm chất đạo đức của một xã hội.
Vị giám mục này nhận định, đã có một thời người ta tôn vinh gian dối và cho đó là phương pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất. Trong quá khứ, các chính thể độc tài có thể đánh lừa được dư luận hay ít nhất là gây hoang mang, sợ hãi và bêu xấu đối phương bằng phương pháp tuyên truyền này. Tuy nhiên, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã giúp nhân loại dễ dàng lột mặt nạ những gian dối và lừa lọc đó.
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp giải thích, theo Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công giáo, cộng đồng chính trị và giáo hội độc lập cũng như tự trị trong lĩnh vực riêng của mình nhưng cả hai đều phục vụ con người. Giáo hội và cộng đồng chính trị có thể làm cho việc phục vụ này hữu hiệu hơn “để mọi người cùng có lợi, nếu mỗi bên nỗ lực hơn nữa để hợp tác lành mạnh với nhau theo cách thế phù hợp với hoàn cảnh không gian và thời gian”.
Chính trong viễn tượng đó, Tòa Thánh Vatican đã đề nghị định hướng mục vụ: “Đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành”. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI kêu gọi Giáo Hội Việt Nam “đóng góp vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người nhưng đồng thời cũng đóng góp cho việc phát triển đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một đóng góp quan trọng, nhất là lúc Việt Nam cũng đang từ từ mở cửa về phía cộng đồng quốc tế”.
Do vậy, vị giám mục này nhấn mạnh: “Đối thoại không đồng nghĩa với thỏa hiệp, nhất là thỏa hiệp với bất cứ giá nào. Niềm tin tôn giáo và chân lý không thể mặc cả hay dễ dàng nhượng bộ”.  Giáo Huấn Công Giáo mời gọi mọi người can đảm chống lại bất công, bạo lực, gian dối và sai lầm nhưng vẫn tôn trọng người sai lầm và không hề chủ trương lấy ác báo ác. Càng không tôn bạo lực làm kim chỉ nam cho cuộc sống và biện pháp giải quyết mọi vấn đề. Đối thoại được Giáo Hội Công Giáo chọn lựa như cách thế thích hợp nhất để giải quyết những xung đột và tranh chấp. Tuy nhiên, đúng như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI lưu ý, sự thật vẫn giữ vai trò quan trọng nhất.
Theo Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, trong vụ Mỹ Yên, lẽ ra phải khiển trách những người sai phạm khi chặn đường và bắt người trái phép, chính quyền đã bao che cho cấp dưới và tiếp tục lấp liếm, trấn áp dân chúng. Vì vậy, họ đã biến tình trạng bình yên thành bất ổn và chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Không những họ đã bày binh bố trận để trấn áp những nông dân chất phác trong tay không có một tấc sắt, mà còn tiếp tục công khai dùng phương tiện truyền thông mạ lị, vu khống giám mục, linh mục, giáo dân Vinh là “bạo loạn, cấu kết với bên ngoài để âm mưu tạo phản”.
Vị giám mục này nêu thắc mắc, trong cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng hiện nay, Việt Nam cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế hơn bao giờ hết, thế thì tại sao lại có những hành động đẩy đất nước vào tình trạng thụt lùi rõ rệt về nhân quyền và tự do tôn giáo? Không phải vô lý, khi có người đặt câu hỏi: Chính quyền Nghệ An có chủ đích gì khi dàn dựng kịch bản này? (G.Đ.)

UpDate: Nhậu rồi bắn nhau, thiếu tá công an bị thiệt mạng !...

LONG KHÁNH (NV) - Một thiếu tá công an bỏ mạng và 3 ông khác bị thương nặng trong một vụ bắn nhau tại Trạm Kiểm Soát Giao Thông Suối Tre, khu vực thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Người nhà đại uý công an Đoàn Thanh Phú ngăn cản phóng viên chụp ảnh nạn nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện Long Khánh. (Hình: Người Lao Động)

Cho đến nay, tin vụ bắn nhau xảy ra vào chiều ngày Chủ Nhật, 22 Tháng Chín, tại trạm kiểm soát giao thông này được các báo điện tử tại Việt Nam đưa tin nhanh chóng, nhưng với các chi tiết mâu thuẫn nhau. Nhiều phần, họ dựa vào các nguồn tin khác nhau.

Tuy nhiên, sau khi có 4 ông gồm 3 sĩ quan công an và một ông dân sự được đưa tới bệnh viện cấp cứu thì người ta được biết, ông thiếu tá công an tên Trần Văn Sơn, trạm phó Trạm Kiểm Soát Giao Thông Suối Tre, chết ở bệnh viện vì hai viên đạn bắn trúng bụng “đứt động mạch chủ”.

Một ông là đại úy Đoàn Thanh Phú, 30 tuổi, báo thì nói bị bắn vào đùi, báo thì nói bị bắn 2 phát vào “vùng mông và bẹn”.

Còn ông đại úy Ngô Văn Vinh thì 'bị bắn vào lưng' theo báo Người Lao Động, nhưng báo Lao Động lại nói ông này bị 'đạn bắn ở mang tai” và “còn có nhiều vết thương do ngoại lực tác động” hiểu là bị đánh. Một ông không phải là sĩ quan công an tên Trúc cũng bị bắn nhưng chỉ bị thương nhẹ.

Theo nhiều báo tường thuật, trước khi vụ bắn nhau xảy ra, khoảng trưa, cả nhóm giắt nhau đi nhậu rồi sau đó kéo nhau tới một tiệm karaoke trong thị xã làm “tăng 2”. Chỉ 15 phút khi cả nhóm trở về trạm Suối Tre lúc khoảng 17 giờ cùng ngày thì xảy ra nổ súng.

Báo Người Lao Động nói “Đại úy Ngô Văn Vinh đã bắn vào lưng thiếu tá Trần Văn Sơn và gây trọng thương cho thượng úy Phú. Ông Vinh cũng bị bắn một phát đạn vào lưng.”

Theo báo Dân Việt nói là từ “nguồn tin riêng”, ông đại úy Vinh “đã dùng súng bắn các nạn nhân”.

Báo Đất Việt cho rằng “Nạn nhân Ngô Văn Vinh - sĩ quan CSGT Trạm Suối Tre, nhập viện không phải do bị đạn bắn mà nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do bị đánh.”

Có thể như vậy mà ông này đã bắn mấy người kia. Cho tới giờ này, thật sự người ta “Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao các sĩ quan CSGT này bị bắn, bị đánh.”

Trạm thu phí và kiểm soát giao thông trên các trục lộ giao thông chính ở Việt Nam nổi tiếng là những nơi “làm luật” của các ông CSGT. Muốn được đứng ở những chỗ đó để “hái tiền”, phải tốn những số tiền tỉ mới có thể có cơ hội. 

Báo chí đã có nhiều ký sự, phóng sự về trò “làm luật” ở những trạm kiểm soát giao thông tại nhiều địa phương nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu. (TN)

Trộm khiêng bộ trường kỷ cổ bạc tỉ giữa đêm

(NLĐO)- Lợi dụng đêm khuya, trời mưa to, gia chủ ngủ say, băng trộm đã “viếng” nhà và khiêng đi bộ trường kỷ trăm năm tuổi.

Ngày 21-9, Công an thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) đã đến nhà bà Nguyễn Thị Mót (85 tuổi, ngụ ấp Đông Hậu, xã Đông Bình) khám nghiệm hiện trường và truy bắt nhóm đối tượng đột nhập nhà bà Mót trộm bộ trường kỷ quý hiếm, gần trăm năm tuổi.
 
Khoảng 6 giờ cùng ngày, bà Mót thức dậy đến bàn thờ đốt nhang thì phát hiện bộ trường kỷ trị giá gần 1 tỉ đồng “không cánh mà bay”. Ngoài ra, bọn trộm cũng lấy đi 2 câu đối bằng gỗ (cao khoảng 3 m) trên cột nhà và 2 chiếc ĐTDĐ. 

Ông Đường chỉ vị trí đặt bộ trường kỷ 

Theo lời bà Mót, bộ trường kỷ này cho cha chồng bà để lại; mặt bàn, ghế có lát đá cẩm thạch. “Bộ trường kỷ rất nặng, 6 người khiêng còn không nổi thế mà lại mất trộm”- ông Lê Văn Đường (48 tuổi, con rể bà Mót) nói.
 
Theo ông Đường, trước khi bị mất trộm, có vài thanh niên đến hỏi mua bộ trường kỷ nhưng bà Mót không có ý định bán. Ông Đường kể thêm: “Hôm qua 11 giờ đêm gia đình tôi mới ngủ. Chắc lúc nửa đêm trộm vào nhà vì lúc đó trời mưa lớn, ở nhà ai cũng ngủ say”. 

Cửa nhà có dấu hiệu bị cạy

Khám nghiệm hiện trường cho thấy cánh cửa nhà bà Mót có dấu hiệu bị cạy. Do nhà nằm cặp nhánh sông Trà Ôn, rất có thể kẻ trộm lợi dụng đêm khuya, cạy cửa đột nhập vào nhà lấy trộm bộ trường kỷ rồi đưa lên ghe tẩu thoát. 

 
Tin-ảnh: C.Linh

Bỗng dưng được "thưởng" 66 tỉ: 7 quan chức đồng tình làm sai

Một chuyện chưa từng có: Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành Quảng Ninh đồng ý “cùng chịu trách nhiệm” về một quyết định trái pháp luật

Sau khi Báo Người Lao Động có bài phản ánh “Bỗng dưng được “thưởng” 66 tỉ đồng”, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Minh vừa cho biết: Qua giải trình với Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhận ra sai sót trong việc ban hành Quyết định 699/2012/QĐ-UBND.
Cầu Vân Đồn Ảnh: Việt Cường
 
Quyết định 699 là văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt điều chỉnh giá trúng thầu gói thầu số 1 (đối với phần trả bằng đất, dự án xây dựng cầu Vân Đồn) đã được phê duyệt thời điểm tháng 3-2002, điều chỉnh về thời điểm giá tháng 11-2011 trên 101 tỉ đồng, khiến giá trị thanh toán cho nhà thầu đội thêm 66 tỉ đồng so với quyết toán và nằm ngoài tổng mức đầu tư, kết quả trúng thầu ban đầu.
 
Ông Nguyễn Văn Minh cho biết dự án xây dựng cầu Vân Đồn được thực hiện theo hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Theo hợp đồng, tỉnh Quảng Ninh sẽ thanh toán 50% tiền mặt cho nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải), 50% còn lại sẽ trả bằng quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Đông Xá (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).
 
Sau khi cầu Vân Đồn được đưa vào sử dụng, tỉnh Quảng Ninh đã cắm mốc lộ giới khu đất nằm trong hợp đồng và giao cho Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long. Sau đó, đơn vị này đã giải phóng mặt bằng, đền bù cho 57/67 hộ dân nằm trong khu vực được giao. Tuy nhiên sau đó, dự án khu đô thị này gần như bị... lãng quên. Mãi đến năm 2010-2011, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long mới đề nghị tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giá trị quyền sử dụng đất để có cơ sở triển khai tiếp dự án.
“Khi đó, nếu tính giá trị quyền sử dụng đất theo thời điểm năm 2005, nhà đầu tư không chấp nhận vì bị thiệt. Còn tính theo năm 2011 thì lại sợ không phù hợp với các quy định của pháp luật, nhất là khi đó công trình đã được quyết toán” - ông Minh giải thích.
Để giải “bài toán” này, theo ông Minh, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, mà trực tiếp là ông Đỗ Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã triệu tập lãnh đạo các sở, ngành (Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải,…) để họp bàn.
 
Sau đó, dù còn nhiều điểm chưa phù hợp về pháp lý nhưng 7 lãnh đạo cấp tỉnh và các sở, ngành Quảng Ninh đã thống nhất ký vào một văn bản chấp thuận theo hướng “tất cả cùng chịu trách nhiệm” trước khi ông Đỗ Thông ký ban hành Quyết định 699/QĐ-UBND điều chỉnh 50% giá trị gói thầu số 1 cho nhà thầu.
Ông Nguyễn Văn Minh cho biết sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và báo chí phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhận ra những sai sót khi ban hành Quyết định 699. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành Quảng Ninh vừa thống nhất sẽ hủy bỏ quyết định này.
Về xử lý hậu quả, ông Minh cho biết: “Khi nào Thanh tra Chính phủ có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện”.
 
Cần làm rõ động cơ, mục đích
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên gia xây dựng đang công tác tại Bộ Xây dựng cho rằng: “Việc tỉnh Quảng Ninh ban hành một quyết định “thưởng” thêm 66 tỉ đồng từ năm 2012 có thể đã giúp doanh nghiệp hưởng lợi thông qua việc định giá tài sản để sử dụng vào những mục đích khác nhau nên cần được làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể”.
Thế Kha

Hàng loạt công chức “dính” đường dây làm giấy tờ giả !...

“Phân nửa trong số các bị can bị khởi tố về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức đang là công chức Nhà nước.” - chỉ huy cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ trao đổi về vụ án làm giả giấy chứng nhận kết quả thi đại học mà đơn vị vừa khám phá.

Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH
Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH
Những ngày trung tuần tháng 8-2013, qua công tác trinh sát, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ nắm được thông tin về một số đối tượng dùng giấy chứng nhận kết quả thi đại học từ năm 2012, có dấu hiệu bị làm giả, và đã trúng tuyển vào trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.
Qua rà soát, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện 17 trường hợp trong diện nghi vấn, trong đó 16 trường hợp là công dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Kiên trì rà soát, xác minh từng trường hợp, đến giữa tháng 9, cơ quan công an làm rõ đối tượng liên quan trực tiếp đến đường dây cung cấp giấy tờ giả trên là Nguyễn Mạnh Thái, 35 tuổi, trú tại phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ.
Ngay sau đó, quyết định triệu tập Nguyễn Mạnh Thái được cơ quan ANĐT triển khai. Tại cơ quan công an, Thái khai nhận, do nắm được quy trình tuyển sinh của trường Đại học Công nghiệp Việt Trì năm học 2012 là chỉ yêu cầu học sinh nộp bản sao giấy chứng nhận kết quả thi đại học của trường khác, nên anh ta nảy sinh ý định làm giả để kiếm lời.
Để thử nghiệm, Thái trực tiếp nhận hồ sơ của Đoàn Ngọc H., quê quán Tuyên Quang. Trước đó, H. thi vào trường Đại học Hùng Vương, khối B, đạt 10 điểm trên tổng số 3 môn thi. Theo tiêu chuẩn, H. không đủ điểm sàn.
Khoảng tháng 10-2012, qua một số người quen, mẹ của H. biết Thái, và quyết định “đầu tư” cho con trai 20 triệu đồng để trở thành… sinh viên. Thái đã sửa giấy báo điểm của H. từ 10 điểm thành 12 điểm, và với giấy báo điểm giả mạo đó, H. ung dung nhập học trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.
Từ lời khai của Thái, Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ lần lượt làm rõ 10 đối tượng liên quan đến vụ án này, trong đó có đối tượng đang là công chức nhà nước, như Bùi Nam Tú, cán bộ trường Trung cấp nghiệp vụ Sông Hồng (tỉnh Phú Thọ); Vũ Thị Hồng, kế toán Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Phú Thọ; Vũ Thị Thu, kế toán Trung tâm Dạy nghề Tiên Phú, Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ); Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Thọ…
Các đối tượng này đảm nhiệm vai trò “chân rết”; theo yêu cầu của Thái, họ tìm kiếm các thí sinh có nhu cầu học đại học, thu tiền và bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi đại học năm 2012 với số điểm bất kỳ. Khi đồng ý với giao dịch của các “chân rết”, mỗi gia đình sẽ phải nộp từ 10 đến 40 triệu đồng. Khoản tiền này, Thái thu mỗi trường hợp từ 8 đến 20 triệu đồng, số còn lại các “chân rết” được hưởng.
Về phần Nguyễn Mạnh Thái, khi có các giấy chứng nhận kết quả thi đại học do các đầu mối chuyển về, Thái photocopy bản gốc rồi cắt, dán chỉnh sửa thông tin trên bản photocopy  sao cho đảm bảo đủ điều kiện xét tuyển vào hệ đại học của trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. 
Tiếp đó, Thái mang  giấy tờ giả đó đi photocopy, rồi mang đi công chứng. Quá trình điều tra vụ án, Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định có 3 ủy ban nhân dân xã, phường đã xác nhận, công chứng cho Thái 17 giấy chứng nhận kết quả giả.
Vì sao cán bộ ủy ban nhân dân xã, phường lại dễ dàng xác nhận, công chứng vào các giấy tờ trên? Ngoài trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, còn cơ sở giáo dục nào khác bị Thái và đồng bọn làm giả giấy báo điểm để “nhồi” học viên vào?... đó là những vấn đề đang được Công an tỉnh Phú Thọ tập trung điều tra, truy xét.

Đáng sợ gia vị Trung Quốc !...

Các nhà chuyên môn cảnh báo hương liệu, gia vị kém chất lượng hoặc dùng sai mục đích có thể dẫn đến rối loạn chức năng cơ thể, gây dị ứng, thậm chí gây ung thư.

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại gia vị, hương liệu mới phục vụ các bà nội trợ. Chúng hấp dẫn không chỉ vì giá rẻ, tiện lợi mà còn có hương vị thơm ngon nên được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, ít ai biết phần lớn các loại hương liệu, gia vị này là hàng trôi nổi không nhãn mác có xuất xứ từ Trung Quốc.

Muốn vị nào cũng có

Tại TP HCM, chỉ cần ghé vào chợ hay bất cứ cửa hàng tạp hóa nào, người mua cũng dễ dàng tìm thấy đủ loại gia vị dùng để ướp và chế biến món ăn. Biết tôi có nhu cầu mua bột ướp thịt nướng, chị Hoa, chủ quầy tạp hóa ở chợ Tân Mỹ (quận 7, TP HCM) lôi ra một bao xốp chứa đầy các bịch, gói nhỏ đã được đánh dấu bằng ký hiệu riêng và hướng dẫn: “1 kg thịt heo chỉ cần ướp 1 gói nhỏ này bảo đảm nướng lên sẽ thơm nức mũi”. Tôi hỏi muốn ướp thêm chút mật ong, bột nêm để thịt đậm đà hơn được không, chị Hoa bực dọc: “Đã nói là có đủ trong này rồi, thêm này nọ vào thì làm sao ngon được”.

Chị Tuyến, một người chuyên bán bún cá ở gần chợ Hòa Bình (quận 5, TP HCM), tiết lộ trước đây nấu bún cá lóc, ngoài nguyên liệu chính bao giờ cũng phải mua 3 loại gia vị là nghệ, sả và ngải bún. Thiếu 1 trong 3 thứ này thì chẳng còn gì là hương vị của món bún cá. Thế nhưng gần đây, nhiều người bán hàng ăn như chị rất khỏe vì chỉ cần mua gói gia vị 5.000 đồng cho vào nồi nước lèo là thơm ngon không thua gì cách nấu truyền thống. Theo chị Tuyến, món bún mắm cũng vậy. Nói là bún mắm nhưng thực chất mắm chỉ nấu lọc lấy nước và chỉ chừng đó thì không thể thơm ngon được. Người bán bắt buộc phải mua viên bún mắm bỏ vào mới dậy mùi đặc trưng…


Một quầy hàng bán đủ loại hương liệu tại chợ Kim Biên
Một quầy hàng bán đủ loại hương liệu tại chợ Kim Biên

Quả thật, càng tìm hiểu về thị trường gia vị, chúng tôi càng “lóa mắt” về sự phong phú của nó. Muốn hương vị nào cũng có gia vị chế biến sẵn dưới dạng bột, viên hoặc nước. Từ gia vị thịt kho tàu, bò kho, cá kho, cà ri, lẩu Thái, canh chua, phở, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang… cho đến bún riêu, bún chả, bún thang rồi đến các loại dầu giấm, nước mắm pha sẵn… Người bán lẻ những thứ gia vị này đều mua sỉ từng ký tại chợ Kim Biên (quận 5), về đóng thành bịch nhỏ, bên ngoài bao bì không một dòng chữ nào để phân biệt. Chỉ người bán là biết công dụng của mỗi loại và hướng dẫn cách sử dụng cho người mua...

Chè, nước mát… toàn dùng hương liệu

Không chỉ gia vị mà các loại bột làm sẵn cũng phong phú không kém. Tại chợ An Đông, khi tôi hỏi mua nguyên liệu làm bánh bò, người bán lấy ra gói bột và đưa thêm gói nước cốt dừa. Chị này cho biết bây giờ chẳng ai đi mua dừa nạo về vắt nước làm bánh, vừa tốn công lại mắc và rất mau hư. Hầu hết người bán chè, cháo hay món đậu hũ nước dừa… đều dùng loại nước cốt dừa này. “Chỉ cần 1 gói nhỏ là pha được cả lít nước cốt béo ngậy, gánh đi đường nắng nóng cả ngày cũng không sợ ôi thiu” - người bán quả quyết.

Tại chợ Kim Biên, khi nghe tôi cần mua bột béo (dù chưa nói rõ mua để làm gì), một người đàn ông bán sạp hương liệu bên hông chợ tiếp thị ngay: Chỉ cần 100.000 đồng/kg bột béo pha với hương sữa và hương đậu nành là có ngay 25 lít sữa đậu nành cực thơm, khỏi cần nấu chi cho mệt. “Còn muốn mua hương liệu nấu nước mát thì ở đây chẳng thiếu thứ gì: nha đam, chanh dây, cam, ổi, dâu, bí đao, hương cúc cho đến mía lau, trà xanh, rong biển… đều có đủ, giá từ 40.000-60.000 đồng/kg” - ông này khoe.

Dùng tràn lan có thể gây ung thư

Chợ Kim Biên đang là nguồn cung cấp gia vị, hương liệu chính cho TP HCM và các tỉnh phía Nam. Ở chợ này, người mua dễ dàng tìm được tất cả các hương liệu nhưng rất khó xác định được xuất xứ, chất lượng cũng như mục đích sử dụng của chúng. Tuy nhiên, nhiều người bán hàng tiết lộ nguồn gốc chủ yếu là của Trung Quốc vì giá rẻ và “cần loại nào cũng có”.

Theo một số chuyên gia, các loại chất tạo mùi bản thân đã là chất độc. Nếu dùng trong mỹ phẩm thì nhà sản xuất phải tuân theo những quy định chặt chẽ về liều lượng. Còn dùng trong thực phẩm bắt buộc phải là hương liệu được chế biến dành riêng cho thực phẩm, không lẫn tạp chất và phải dùng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, có giấy chứng nhận công thức hóa học. Hương liệu kém chất lượng hoặc dùng sai mục đích có thể dẫn đến rối loạn chức năng cơ thể, gây dị ứng, thậm chí có thể gây ung thư. Các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng nên tránh xa những loại thực phẩm có mùi thơm nồng bởi hầu hết chúng đều được ướp hương liệu một cách vô tội vạ, rất độc hại.

BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, lưu ý những mặt hàng gia vị trôi nổi chủ yếu làm từ hỗn hợp các hóa chất để đánh lừa vị giác người ăn chứ chúng không có giá trị về dinh dưỡng. “Được pha chế bằng các hóa chất tạo độ ngọt, dai, giòn... hương liệu và phụ gia tạo màu công nghiệp lẫn tạp chất và kim loại nặng nên nếu sử dụng thường xuyên, chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến ung thư” - BS Đào Thị Yến Thủy cảnh báo.

Hành, tỏi xay toàn hàng Trung Quốc

Tại chợ đầu mối Bình Điền, hiện các loại gừng, hành, tỏi xay sẵn được bán khá nhiều (được đóng bịch từ 1 - 5 kg để bỏ mối cho bạn hàng). Một tiểu thương tiết lộ hàng này giá rẻ vì được xay từ hành, tỏi dạt của Trung Quốc, chủ yếu bán cho nhà hàng, quán ăn và các mối mua về bán ở chợ lẻ. Nhà hàng, quán ăn mua nhiều vì không tốn công xay mà giá lại rẻ, chỉ khoảng 25.000 đồng/kg. Cũng theo tiểu thương này, hành, tỏi xay thường được ướp hóa chất chống mốc và giữ màu để lâu hư. Nếu không xử lý bằng hóa chất thì sẽ rất nhanh hư.

Theo Ngọc Mai
NLĐ