THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 August 2013

Đẳng cấp của các “ông lớn”!



(Dân trí) - Trong khi các quốc gia mới nổi chật vật với vòng xoáy mới sau thời kỳ tăng trưởng nóng thì Mỹ, Nhật và EU đang dần cho thấy sự phục hồi. Chiếm tỷ trọng gần 60% kinh tế thế giới nên mỗi sự chuyển mình của các "ông lớn" đều tạo ảnh hưởng lớn.

Sự trở lại của EU và chiến thắng của kinh tế Mỹ

Cán cân tăng trưởng kinh tế thế giới đang nghiêng về một hướng khác. Lý do đơn giản là những nhà kinh tế học đang bắt đầu giảm sự kỳ vọng vào Trung Quốc và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác. 

Kinh tế Mỹ đang hồi sức. Nhật Bản dường như đã chuyển hướng để kết thúc gần 2 thập niên liên tục giảm phát. Những số liệu kinh tế của Châu Âu công bố ngày 14/8 vừa qua đã chứng minh rằng các quốc gia châu Âu đang dần dần vượt qua khủng hoảng. 

Đà tăng trưởng bắt đầu phục hồi tại những kinh đô tài chính, kinh tế.
Đà tăng trưởng bắt đầu phục hồi tại những "kinh đô" tài chính, kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 17 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu tăng trưởng theo năm đạt mức 1,2% trong quý II vừa rồi. Chưa thể vội vàng kết luận rằng suy thoái Châu Âu đã hoàn toàn chấm dứt khi chỉ dựa vào dữ liệu trong vòng 3 tháng, tuy nhiên, các con số này đã cung cấp thêm bằng chứng khẳng định, cỗ máy tăng trưởng cũ kĩ của thế giới đã bắt đầu hoạt động trở lại, trong khi những nguồn tăng trưởng gần đây đang dần giảm tốc. 

Theo quan điểm của Chuyên gia Kinh tế trưởng Neal Soss thuộc Credit Suisse :“Hầu hết đều đồng ý rằng, trong giai đoạn gần đây, các nền kinh tế mới nổi tăng trường ngày một nhanh hơn. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi. Sự tăng tốc này giờ đây lại diễn ra tại những nền kinh tế hàng đầu hơn là những thị trường mới nổi”.

Sự tăng trưởng kinh tế tại khối BRIC bao gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc đã nâng cao tiêu chuẩn sống tại những nước này và các nước khác tại khu vực Đông Nam Á, Châu Mỹ Latin, và Đông Âu. Bốn nước này còn có tác động lớn hơn tới nền kinh tế toàn cầu do đóng vai trò là thị trường mới cho những sản phẩm xuất xứ từ Mỹ. Trong khi đó công nhân bản địa lại sản xuất những mặt hàng điện tử và những hàng hoá khác theo nhu cầu của thị trường Mỹ và các nước phát triển khác.

Như vậy, một sự suy giảm tốc độ tăng trưởng ở các quốc gia trên sẽ là một dấu hiệu đáng buồn cho Mỹ. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học Jim O’Neill của Goldman Sachs cũng chính là “cha đẻ” của cụm từ BRIC hơn một thập kỷ trước, thì quốc gia hưởng lợi từ sự chuyển trục kinh tế toàn cầu không ai khác là Mỹ. Ông nói “Tôi tự cảm thấy rằng Mỹ sắp sửa sẽ thắng lớn”.

Mỹ sẽ có thể phất lên khi mối quan tâm vào Trung Quốc, một thị trường thu hút vốn đầu tư lớn, dịch chuyển sang Mỹ, một nền kinh tế tiêu dùng. Điều này có thể tạo ra nhu cầu cho những sản phẩm của Mỹ, trong khi đó khiến giá cả hàng thô cung cấp cho các công ty Mỹ trở nên rẻ hơn. Lương trả cho lao động Trung Quốc gia tăng cũng góp phần thúc đẩy sản xuất tại Mỹ.

Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ xu hướng này đang diễn ra. Vào tháng 6 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu Mỹ vào Trung Quốc tăng lên, còn từ Trung Quốc sang Mỹ lại giảm. Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay. 

Chính sách kinh tế mới của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình dịch chuyển này. Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện nền kinh tế lớn nhất trong các nước đang phát triển. Tuy vậy, trong quá trình này, Trung Quốc phải hứng chịu nhiều chỉ trích do chính sự suy giảm của Trung Quốc sẽ kéo theo sự tụt dốc của các nước châu Á và Mỹ Latin. 

Loay hoay sau tăng trưởng nóng

Các nước đang phát triển khác trước đây được lợi do giá của hàng hóa thô như sắt và đồng trước đây được đẩy lên cao, song, hiện tại giá của các hàng hóa này đã giảm xuống do Trung Quốc thực thi chính sách kìm hãm tăng trưởng nóng, đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu kim loại. 

Brazil tăng trưởng mạnh do được thúc đẩy bởi các hàng hóa thô như quặng sắt và đậu tương xuất khẩu sang Trung Quốc. Hai năm trước, tăng trưởng Brazil đạt mức 7,6%, tuy nhiên, trong 2013, giới quan sát chỉ đưa ra triển vọng tăng trưởng Brazil quanh mức 2,3%.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Samuel Pessoa thuộc Viện kinh tế Brazil, “Tăng trưởng cao trong nhiều năm vừa qua tạo nên một sự lạc quan trong phần đông dân chúng Brazil. Nhưng đối với những người mới phất lên, họ lại cảm thấy cơ hội để tiến xa hơn đã bị hạn chế lại. Tâm lý người dân trở nên bất an hơn”.

Ông O’Neil nói, “Rất nhiều nhà quan sát đương thời cho rằng, các nước khối BRIC sẽ có thể giữ vững sự tăng trưởng mà họ đã tạo lập được trong thập niên trước, nhưng điều đó rất khó xảy ra”.

Theo đánh giá của ông, do Trung Quốc đang dịch chuyển sang một nền kinh tế tiêu dùng nhiều hơn nên “những kẻ chiến thắng hay chiến bại của một Trung Quốc mới sẽ khác với những kẻ chiến thắng, chiến bại của một Trung Quốc trước đây”.

Trung Quốc đang dần chuyển dịch sang một nền kinh tế tiêu dùng.
Trung Quốc đang dần chuyển dịch sang một nền kinh tế tiêu dùng.

Ngay cả với những sự dự báo đầy lạc quan, Mỹ hay Châu Âu cũng sẽ khó có thể chạm tới mức tăng trưởng 2 con số mà cả Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được trong thập niên trước. Giới phân tích dự đoán, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Châu Âu sẽ có thể chỉ trong khoảng dưới 2% đến xấp xỉ 3% trong năm tới. Bởi kinh tế các nước phát triển vẫn chiếm tỷ trọng gần 60% kinh tế thế giới, do đó, ngay cả khi các nước này tăng trưởng chậm lại thì vẫn có thể cung cấp nhiều hoạt động kinh tế hơn các thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh. 

Chậm lại để tiến chắc hơn

Vẫn có những mối lo ngại khi sự hồi phục phập phù của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu có thể tồi tệ hơn nếu những vấn đề nội tại của Trung Quốc trở nên ngày càng trầm trọng. Một số nhà kinh tế Trung Quốc cảnh báo rằng Chính phủ nước này có thể  sẽ không đủ khả năng để tách nền kinh tế khỏi những gói kích thích tăng trưởng.

Đối với các thị trường mới nổi, những nhà phân tích cho rằng, sự giảm nhiệt tăng trưởng trong hiện tại sẽ khiến các nước này phát triển bền vững hơn sau nhiều năm tăng trưởng nóng. Riêng tại Trung Quốc, mức tăng trưởng 14,2% vào năm 2007 khó có thể được lặp lại một lần nữa, mặc dù mức 7,5% dự kiến đạt được sắp tới được coi là rất ấn tượng. 

Chuyên gia về Trung Quốc - Barry P.Bosworth - tại Brookings Institution đánh giá, “tuy tăng trưởng chậm lại, nhưng quốc gia này vẫn có nhiều cơ hội lớn”. Trong lúc đó, Brazil và Ấn Độ lại tồn tại nhiều vấn đề trầm trọng hơn. Ấn Độ không bị tổn thương bởi sự giảm giá hàng hóa thô nhưng nền kinh tế bị kiềm tỏa bởi nạn tham nhũng và năng suất thấp. Giá trị đồng Rupee gần đây giảm đến mức kỷ lục so với USD.

Tại Brazil, theo các nhà kinh tế học, sự giảm giá quặng sắt và đậu tương chứng tỏ rằng Chính phủ nước này đã thất bại trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giữa lúc vẫn đang thu hút được nguồn vốn đầu tư. 

Sivesio de Oliveira, một nông dân trồng đậu tương tại một bang thuộc Mato Grossso và vị Phó Chủ tịch Hiệp hội đậu nành và Ngũ cốc tại bang này phản ánh, việc đầu tư không hiệu quả vào đường cao tốc và cảng thương mại đã đẩy khủng hoảng lên cao trong năm nay.

Ông Oliveira nhận xét, những vấn đề trong cơ sở hạ tầng đã khiến giá vận chuyển hàng hóa tăng lên, qua đó, dẫn đến nhiều rắc rối cho giới thương nhân nước ngoài. Các đối tác sẽ trở nên mệt mỏi sau một thời gian chờ hàng hóa vận chuyển đến và cuối cùng đơn đặt hàng bị huỷ.
 
Carlos Langoni, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Brazil cho biết, cơ sở hạ tầng trở thành nhân tố kìm hãm sự tăng trưởng rõ ràng nhất. Nhưng ông cũng lưu ý, một số vấn đề của nền kinh tế Brazil cũng là phổ biến đối với các nước đang phát triển.

Trong khi đó, Langoni - Giám đốc Trung tâm Kinh tế Toàn cầu nhìn nhận, “Sự kỳ vọng đã bị đẩy lên quá cao. Thực ra, các nền kinh tế mới nổi cũng giống với các nước phát triển: khi đã tiến tới một ngưỡng thu nhập nào đó, tình hình sẽ trở nên khó khăn nếu muốn tiếp tục lên cao”.

Bích Diệp
Theo NYTimes

“Vụ đem 11 sổ đỏ thế chấp vào ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo”



(Dân trí) - Theo các luật sư mà PV tham khảo ý kiến, việc Cty thép Hương Thịnh hứa hẹn để thuyết phục người dân thế chấp “sổ đỏ” vào Sacombank Bắc Ninh không chỉ mang tính chất tranh chấp dân sự về giao dịch và quyền đối với tài sản, mà có dấu hiệu về tội phạm.
 >>  Con đường đưa 11 chiếc “sổ đỏ” đến với Sacombank Bắc Ninh
 >>  Căng băng rôn trước chi nhánh Sacombank đòi "sổ đỏ"
 >>  Doanh nghiệp “giãy chết” khiến người dân tan cửa nát nhà

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
Trao đổi với PV báo Dân trí ngày 14/8, Luật sư Vi Văn Diện cho biết, sự việc cần được xem xét dưới hai góc độ: dấu hiệu lừa đảo của Công ty Hương Thịnh, và rà soát lại hoạt động cho vay của Sacombank Bắc Ninh đối với công ty Hương Thịnh theo hợp đồng tín dụng ngày 22/7/2010.
Luật sư Vi Văn Diện
Luật sư Vi Văn Diện
“Các vấn đề cần làm rõ trong mối quan hệ giữa 10 hộ dân và công ty Hương Thịnh như sau: Động cơ, mục đích người dân mang tài sản để bảo lãnh cho Công ty thép Hương Thịnh của người dân là gì? Mối quan hệ của Công ty thép Hương Thịnh với người dân ra sao? Lý do nào người dân tin tưởng đưa sổ đỏ để bảo lãnh? Công ty Hương Thịnh đã hứa hẹn gì? Ai là người móc nối, nếu có người đứng ra môi giới thì họ có mục đích hay vụ lợi gì... bản thân họ có quan hệ thế nào với Công ty thép Hương Thịnh?... Đó là những “uẩn khúc” trong sự việc này mà Cơ quan công an cần phải làm rõ để xác định đúng tính chất vụ việc.
Trao đổi với PV báo Dân trí, Đại tá Nguyễn Đăng Miêng - Trưởng phòng PC46 Công an tỉnh Bắc Ninh tái khẳng định, sau khi tiến hành điều tra theo đơn tố cáo của người dân, đơn vị này đã có văn bản trả lời về việc không có dấu hiệu hình sự trong sự việc này.
Nếu thực tế người dân muốn được "vay ké" mà nhờ mối quan hệ quen biết họ tin tưởng, có sự thỏa thuận giữa các bên và kết quả họ có được nhận tiền vay theo thỏa thuận thì tôi hoàn toàn đồng ý đây là giao dịch dân sự. Vấn đề ở đây người dân hoàn toàn tin tưởng rằng mình sẽ nhận được tiền trước lời hứa hẹn và những hành động của người "môi giới" và lãnh đạo Công ty thép Hương Thịnh. Lòng tin của 10 hộ dân lại được củng cố khi có cán bộ ngân hàng xuống thẩm định, định giá tài sản bảo đảm để cho vay mà vào thời điểm đó họ không được nghe lời giải thích về việc tài sản của họ chỉ nhằm bổ sung tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán nợ của Công ty thép Hương Thịnh trước đó.
Nếu đã có mục đích đưa người dân "vào tròng" nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của Công ty thép Hương Thịnh và với vai trò thực hành, giúp sức tích cực của người môi giới... khiến người dân mất nhà cửa thì đã có dấu hiệu của hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Và như vậy cần xem xét người dân là người bị hại.
Theo quan điểm của tôi, đây là một vụ việc nghiêm trọng, đang được dư luận và người dân đặc biệt quan tâm. Vì vậy, tôi cho rằng cần thiết phải làm sáng tỏ những nội dung nêu trên mới có thể đưa ra kết luận thuộc quan hệ pháp luật dân sự, hay pháp luật hình sự.
Ở đây, cơ quan CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) công an tỉnh Bắc Ninh đã ra thông báo tới các hộ dân tố cáo việc bị lừa mất sổ đỏ rằng:"có đủ căn cứ xác định không có dấu hiệu của tội phạm hình sự".
Vậy để vụ việc được khách quan trước công luận thì ngoài PC46 Công an tỉnh Bắc Ninh, Cơ quan An ninh điều tra, Cảnh sát điều tra Bộ công an cần vào cuộc và tiếp tục có kết luận rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng nhằm tránh tình trạng để tội phạm phá hoại hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng, gây hoang mang, dao động cho khách hàng, bảo vệ chính sách kinh tế, tài chính của Nhà nước.
Ngoài ra, cần kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế của ngân hàng, cán bộ ngân hàng Sacombank chi nhánh Bắc Ninh về việc nhận định, đánh giá tài sản bảo đảm, thẩm định hồ sơ cho vay, kiểm tra tài sản bảo đảmtrước, trong và sau khi cho vaythẩm định, kiểm tra hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở toàn bộ hồ sơ,tờ trình thẩm định và đánh giá của cán bộ tín dụng và lãnh đạo phụ trách tín dụng…liên quan đến việc 11 sổ đỏ của 10 hộ dân được xem là tài sản bảo đảm bổ sung cho khoản vay trước đó của Công ty thép Hương Thịnh tại ngân hàng này.
Với khoản tiền Công ty thép Hương Thịnh đã được giải ngân trước đó thì tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, kế hoạch trả nợ đã được phê duyệt tại sao không được xem xét xử lý, giải quyết để thu hồi nợ mà phải bổ sung bằng tài sản khác của người dân?
Tài sản bảo đảm khoản vay trước đó đã "bốc hơi" hay bị mất giá trị? đã tổ chức phát mại, bán đấu giá thu hồi nợ hay chưa? Khoản tiền Công ty Hương thép Thịnh còn phải trả cho Ngân hàng là bao nhiêu sau khi đã phát mại tài sản bảo đảm?...
Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng cần phải được xem xét trách nhiệm trước tiên từ phía Ngân hàng. Bởi có thể gốc rễ, vấn đề mấu chốt là từ đó, từ việc cố gắng bưng bít, che đậy, hoàn hiện, hợp pháp hóa hành vi sai phạm trước đó nên mới phát sinh việc bổ sung tài sản đảm bảo, dẫn đến một loạt các hành vi sai phạm của những người khác và người cuối cùng phải chịu hậu quả là người dân đang có nguy cơ bị hạn chế, bị mất nhà, mất quyền về tài sản của mình do những thủ đoạn tinh vi, hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác gây ra.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty luật S&B Law thì cho rằng:
“Trong vụ việc này, nếu đúng như những chứng cứ mà báo nêu, có thể thấy người dân đã bị lừa vì bản chất trong vụ vụ việc này là có hai giao dịch đồng thời tồn tại với nhau, giao dịch giữa người dân với Hương Thịnh, nhằm thông qua Hương Thịnh để được vay tiền, và giao dịch thứ hai là ký ba bên trong đó có ngân hàng để thực hiện mục đích vay tiền nêu trên.
 
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Hướng giải quyết của vụ việc này đó là người dân có thể khởi kiện vụ việc ra Tòa dân sự nhằm yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng thế chấp mà mình ký với ngân hàng và Hương Thịnh là vô hiệu toàn bộ do giao dịch được thực hiện trên cơ sở lừa dối.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần bổ sung thêm các tài liệu, chứng cứ liên quan như các bản ghi âm, về người môi giới... sau đó tiếp tục làm việc với cơ quan công an để tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng liên quan nếu có.

Từ vụ việc nêu trên, tôi cũng mong muốn người dân, khi tham gia vào các hoạt động cầm cố, thế chấp, bảo lãnh liên quan tới tài sản của chính mình, cần phải nhờ sự trợ giúp pháp lý của các luật sư, người am hiểu pháp luật để tư vấn, đưa ra những khuyến nghị nhằm hiểu rõ bản chất của hợp đồng, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, dẫn tới tranh chấp và có thể bị mất tài sản”.
 
* Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này
 
Hồng Kỹ - Anh Thế (ghi)

Giá vàng tăng vọt qua mốc 38 triệu đồng/lượng



(Dân trí) - Sáng nay 16/8, giá vàng miếng trong nước tăng vọt qua mốc 38 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới đêm qua tăng mạnh. Nhưng do mức tăng chưa tương đồng nên khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới rút ngắn về mức 3,3 triệu đồng/lượng.
 >>  Vàng tăng giá, chênh lệch thu hẹp về dưới 4 triệu đồng/lượng
 >>  Giá vàng tiếp tục giảm dưới mốc 38 triệu đồng/lượng

Giá vàng tăng mạnh qua mốc 38 triệu đồng/lượng (ảnh: AH).
Giá vàng tăng mạnh qua mốc 38 triệu đồng/lượng (ảnh: AH).

Mở cửa thị trường lúc 9h sáng nay 16/8, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM được Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết giao dịch ở mức 37,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 38,16 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán lẻ và 37,81 triệu đồng/lượng và 18,15 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
So với chốt phiên chiều qua, giá vàng SJC phiên sáng nay được Tập đoàn DOJI điều chỉnh tăng mỗi chiều 40.000 đồng/lượng và 240.000 đồng/lượng.
Còn theo báo giá của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 37,83 triệu đồng/lượng - 38,2 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 70.000 đồng và 280.000 đồng/lượng.
Mở cửa thị trường lúc 8h sáng, giá vàng SJC tại TPHCM được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 37,75 triệu đồng/lượng - 38,15 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 120.000 đồng/lượng và 230.000 đồng/lượng.
Dù điều chỉnh chiều bán ra tăng mạnh trong phiên sáng nay nhưng so với mức tăng của giá thế giới phiên đêm qua, giá vàng miếng trong nước vẫn chưa tăng tương đương. Chính điều này đã giúp cho khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp về mốc 3,3 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu phiên thứ 53 để chào bán tiếp 26.000 lượng vàng (tương đương 1 tấn vàng quy chuẩn). Tính từ ngày 28/3 đến 13/8, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 52 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.400.600 lượng trên tổng số 1.504.000 lượng chào thầu.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước với các đơn vị tham gia đấu thầu vàng, bắt đầu từ tuần này, Ngân hàng Nhà nước chỉ tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng/tuần, thay vì 3 phiên/tuần như trước đây.
Trên thị trường thế giới, lúc 8h sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của trang Kitco.com có biên độ giảm 2,5 USD, giao dịch ở mức 1.363,6 USD/ounce. Tuy nhiên, trước đó, giá vàng có thời điểm tăng vọt với biên độ gần 28 USD/ounce và có lúc còn chạm mức 1.371,4 USD/ounce.
Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 12 chốt phiên hôm qua tăng 2,1%, lên 1.360,9 USD/ounce. Đây là phiên có mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 22/7. Cũng trong phiên này, giá vàng có lúc đạt mốc cao nhất của ngày 19/6 là 1.369,6 USD/ounce.
Giá vàng tăng mạnh trước áp lực giảm giá của đồng USD so với các đồng tiền chính khác. Cùng với đó, nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh tới 53% trong quý II, theo số liệu từ
Hội đồng vàng thế giới, cũng đẩy giá vàng tăng phiên hôm qua.
Theo nhận định của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ có thể lên 1.000 tấn/mỗi nước trong năm nay. Ngoài ra, việc quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới mua vào 2 tấn vàng phiên trước, nâng tổng số vàng dự trữ của quỹ lên 913,23 tấn cũng hỗ trợ niềm tin của giới đầu tư vào thị trường.
Các nhà phân tích kỹ thuật cho hay, giá vàng đã vượt qua mốc quan trọng 1.350 USD/ounce là dấu hiệu cho thấy giá mặt hàng kim loại quý này còn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, trong bản tin mới nhất, Ngân hàng Tiên Phong cho rằng, giá vàng có thể tăng nếu các thông tin về kinh tế của Mỹ thiếu lạc quan, chỉ số đồng USD giảm, tình trạng giảm phát của nền kinh tế Mỹ không được cải thiện. Đặc biệt là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không dám mạnh tay cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng QE trong tháng 9 như phát biểu của các quan chức lãnh đạo cục quản lý dự trữ liên bang Mỹ trong tuần đầu tháng 8.
“Song bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2008 cho thấy, có thể có nhiều điều bất ngờ xảy ra. Khi xảy ra khủng hoảng, giá vàng không tăng mà còn giảm, đồng USD không mất giá mà còn tăng giá. Việc giá vàng, giá USD tăng hay giảm phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Mỹ, Mỹ mới là người quyết định xu thế biến động của giá vàng và USD. Trong khi đó, sự thực và những toan tính của Fed về chính sách tiền tệ thường được giữ kín không ai được biết, do đó cần cảnh giác và đề phòng những biến động bất thường về giá vàng”, ngân hàng này nhấn mạnh.
An Hạ

USD tiếp tục giảm giá



(Dân trí) - Hôm nay 16/8, giá USD tại một số ngân hàng và trên thị trường chợ đen tiếp tục xu hướng đi xuống, giao dịch quanh mốc 21.000 đồng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh khoản trên thị trường tốt, các tổ chức tín dụng mua ròng từ khách hàng.
 >> Giá USD hồi phục trở lại
 >> USD tiếp tục tăng khi NHNN nâng mạnh giá mua vào

Giá USD giảm về mức 21.000 đồng (ảnh minh họa).
Giá USD giảm về mức 21.000 đồng (ảnh minh họa).
Theo niêm yết của Vietcombank, giá USD hiện giao dịch ở mức 20.070 đồng (mua vào) - 21.120 đồng (bán ra), giảm 5 đồng so với hôm qua.
Một số ngân hàng lại giữ nguyên giá giao dịch của hôm qua. Ví dụ như Eximbank niêm yết giá USD ở mức 21.060 đồng - 21.125 đồng; Sacombank ở mức 21.040 đồng - 21.140 đồng…
Tại thị trường tự do, giá USD được một số cửa hàng kinh doanh ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) niêm yết phổ biến ở mức 21.120 đồng - 21.130 đồng (mua vào) và 21.150 đồng - 21.160 đồng (bán ra). Các mức giá này giảm 20 đồng/USD so với chiều qua.
Với mức điều chỉnh giảm đều qua các phiên giao dịch, tính từ đầu tuần tới nay, giá USD ở thị trường tự do đã giảm gần 100 đồng.
So với thời điểm đầu tháng 7, khi tỷ giá USD/VND tăng mạnh, giá USD đã hạ nhiệt rất mạnh, giúp các hoạt động trên thị trường ngoại hối ổn định. Còn nhớ, vào những ngày đầu tháng 7, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt niêm yết bán ra ở mức trần 21.246 đồng/USD còn giá USD thị trường tự do có thời điểm lên sát mốc 22.000 đồng.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, thị trường ngoại hối đang diễn biến tương đối ổn định, tỷ giá giao dịch trên thị trường tiếp tục xu hướng giảm. Thanh khoản thị trường tốt, các tổ chức tín dụng mua ròng từ khách hàng.
“Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường ngoại hối và tiếp tục triển khai những biện pháp đề ra để bình ổn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Trên thị trường thế giới, giá USD cũng đảo chiều giảm mạnh, nhà đầu tư bán tháo đồng tiền này sau khi được hỗ trợ bởi số liệu kinh tế Mỹ khả quan. Sáng nay, USD giao dịch ở mức 97,21 yên/USD và 1,3349 USD/Euro. Trước đó, giá USD có lúc lên 98,64 yên/USD và 1,3205 USD/Euro.
Tuy nhiên, theo các chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia, USD vẫn có khả năng mạnh lên. Khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm các gói kích thích kinh tế, đó sẽ là động thái hỗ trợ cho USD đi lên.
An Hạ

Bắt quả tang cây xăng "móc túi" người tiêu dùng hàng nghìn lít



(Dân trí) - Chỉ trong tháng 7, cây xăng số 9 của DNTN Thương mại Trung Đức (216 đường Trường Sơn, TP.Pleiku, Gia Lai) đã “móc túi” người tiêu dùng khoảng 1.800 lít xăng.

Bắt quả tang cây xăng móc túi người tiêu dùng hàng nghìn lít
Chỉ riêng trong tháng 7, cây xăng này đã móc túi của người mua đến 1.800 lít xăng (ảnh minh họa).
Qua tố cáo của quần chúng, ngày 15/8, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai đã kiểm tra đột xuất cây xăng trên và phát hiện sai phạm nghiêm trọng của Doanh nghiệp. Tại thời điểm kiểm tra, cây xăng có 1 cột bơm xăng và 1 cột bơm dầu đang hoạt động và bị Đoàn phát hiện cột xăng Ron 92 này có sai số 6,5% (quy định được cho phép sai số là +-0,5%).
Đoàn kiểm tra thêm thì được biết, chỉ tính trong tháng 7/2013, cây xăng này đã bán ra thị trường hơn 30 nghìn lít xăng, với sai số trên thì cây xăng này đã “móc túi” của người mua khoảng 1.800 lít xăng
Ông Nguyễn Hoàng- Chi cục trưởng Chi cục  tiêu chuẩn đo lường chất lượng Gia Lai cho biết, với sai số vượt quá quy định cho phép 6% thì đây là một trong những cây xăng có gian lận với sai số lớn được phát hiện trong thời gian qua ở Gia Lai.
Sau khi phát hiện sự việc, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, niêm phong cột xăng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thiên Thư

Gần 55 tấn vàng đã được “bơm” ra thị trường



(Dân trí) - Phiên đấu thầu vàng thứ 53 sáng nay 16/8 có 18 ngân hàng và doanh nghiệp trúng thầu 25.800 lượng vàng. Tính từ phiên đấu thầu thứ nhất (được tổ chức vào cuối tháng 3) đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường gần 55 tấn vàng.

Vàng đấu thầu phiên sáng nay có mức giá khá cao.
Vàng đấu thầu phiên sáng nay có mức giá khá cao.
Sáng nay 16/8, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đầu thầu bán vàng miếng lần thứ 53 với tổng khối lượng chào bán là 26.000 lượng vàng.
Trong phiên đấu thầu này, đã có 18 thành viên trúng thầu 25.800 lượng là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố mức giá sàn là 37,9 triệu đồng/lượng. Đây được xem là mức giá sàn khá cao nhưng không đơn vị nào trúng thầu với mức giá này. Kết thúc phiên, giá trúng thầu cao nhất là 38,1 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 38,06 triệu đồng/lượng.
Với 25.800 lượng vàng “khớp lệnh” thành công phiên sáng nay, tính từ ngày 28/3 đến 16/8, thông qua 53 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường 1.426.600 lượng (gần 55 tấn vàng), trên tổng số 1.530.000 lượng chào thầu.
Trên thị trường giao dịch, giá vàng miếng SJC phiên chiều nay hôm nay cũng ảnh hưởng phần nào từ kết quả đấu thầu. Tính đến 15h, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 37,98 triệu đồng/lượng (mua vào) - 38,12 triệu đồng/lượng (bán ra), chiều mua vào tăng 180.000 đồng/lượng còn chiều bán ra giảm 40.000 đồng/lượng so với phiên sáng.
Với mức giá này, vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 3,4 triệu đồng/lượng, nhích nhẹ 100.000 đồng/lượng so với sáng nay.
Theo biểu giá niêm yết trên Kitco.com, giá vàng giao ngay hiện có biên độ giảm 3 USD, giao dịch quanh mức 1.363,2 USD/ounce.
An Hạ