THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 June 2013

3 sinh viên luật khởi kiện đoàn trường



Nhóm khởi xướng khởi kiện đoàn trương ĐH Luật TP.HCM

Nhóm khởi xướng Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn - Nhận thấy, sau khi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường Đại Học Luật TP. HCM (Đoàn truờng) đăng bài viết “Thực hư về những người khởi xướng Công lý cho Đoàn Văn Vươn” của tác giả Trung Nhân, chúng tôi đã có thư yêu cầu xin lỗi và thư đề nghị tranh luận về mặt pháp lý nhưng không đựợc Đoàn trường hồi đáp.

Nay, chúng tôi, những người khởi xướng Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn quyết định khởi kiện Đoàn trường về hành vi xâm phạm đến “quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín” được quy định tại Điều 37, và “quyền bí mật đời tư” được quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự.

Chúng tôi khởi kiện không nhằm mục đích thắng – thua trước phán quyết của Tòa án, cũng không xem đó là cơ hội để biện minh trước các cáo buộc của Đoàn trường. Việc chúng tôi khởi kiện là để nói với công luận nói chung và những người học luật nói riêng biết rằng:

1. Tinh thần thượng tôn pháp luật luôn cần được bảo đảm trong một môi trường giảng dạy và đào tạo pháp luật. Việc tiếp tay xâm phạm vào quyền bí mật đời tư và dung túng cho hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự và uy tín của bất kỳ ai cần được kiên quyết lên án và loại trừ.

2. Chuẩn mực văn minh tối thiểu của những người sinh hoạt trong môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục pháp luật là tinh thần sẵn sàng tranh luận, phản biện và tôn trọng lẫn nhau, thay vì hành xử vô trách nhiệm như quy chụp và cáo buộc theo cảm tính, để sau đó phải im lặng và né tránh như cách làm của Đoàn trường trong thời gian qua.

3. Việc xây dựng và rèn luyện nếp sống, thói quen sử dụng pháp luật như là công cụ để giải quyết các rắc rối và bảo vệ quyền lợi của mình là điều mà những người học luật cần tiên phong.

Vì lẽ đó, việc khởi kiện của chúng tôi là cần thiết. 


Nói đến những người học luật là nói đến tinh thần luật pháp, nơi đó ghi dấu hình ảnh của những người sẵn sàng sử dụng lý lẽ và tư duy để bảo vệ chính mình, và vì một nền Công lý cho tất cả.

Xem đơn kiện của Nguyễn Trang Nhung TẠI ĐÂY
Xem đơn kiện của Bùi Quang Viễn TẠI ĐÂY
Xem đơn kiện của Phạm Lê Vương Các TẠI ĐÂY

Nhóm khởi xướng Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn

Vì sao Quốc hội 'siết' Luật Biểu tình?



Phạm Chí Dũng (BBC) - Trong hàng ngũ lãnh đạo kế thừa lớp cách mạng tiền bối, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể là một nhân tố biết phát ra sáng kiến vào những thời điểm cần kíp và đòi hỏi tính “quyết liệt”.

Từ thời điểm ý tưởng cần có Luật Biểu tình được người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất chính thức phát ra vào tháng 11/2011, một năm rưỡi đã lặng trôi với tinh thần đóng kín từ những người đứng đầu cơ quan lập pháp “của dân, do dân và vì dân”.

Chỉ vài ngày sau khi khai mạc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, người thay mặt cho Ủy ban Pháp luật của cơ quan dân cử tối cao này là ông Phan Trung Lý đã lập tức “bác” khá nhiều đề xuất từ phía Chính phủ.

Những đề xuất trên nằm trong 7 nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và thuộc về những chủ đề bị coi là “nhạy cảm” như Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Đất đai…

Chính phủ trình, quốc hội bác?

Cho dù biểu tình là một thứ quyền đã được hiến định trong Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhưng 38 năm từ ngày thống nhất đất nước, vẫn chưa có bất kỳ một văn bản nào thực thi Hiến pháp về Luật Biểu tình theo đúng tinh thần cộng hòa như ở nhiều nước phát triển trên thế giới.

Và như thể tạm thời, “xã hội chủ nghĩa” vẫn giữ nguyên hàm ý “quá độ” khi Quốc hội xem xét việc đổi tên nước.

Thực trạng hổng luật cũng là một trong những nguyên do chủ yếu khiến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc can thiệp đã rơi vào tâm thế “vi hiến” và bị chính quyền cùng công an trấn dẹp thẳng tay.

Nhưng trong suốt chiều dài con sóng phản ứng của người dân về chủ quyền biển đảo, Ủy ban TVQH vẫn đều đặn thông qua nhiều đạo luật. Chỉ ngắn gọn là không một luật nào mang tính can dự vào “Mười sáu chữ vàng”.

Kỳ họp tháng 5-6/2013 cũng “ngắn gọn” như thế.

“Tại một kỳ họp quốc hội chỉ có thể thông qua từ 10-13 luật. Trong khi đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua vào cuối năm 2013 nên năm 2014 sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các luật phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” - Ủy ban TVQH phác ra lý do như vậy, lồng trong một báo cáo mang tính định hướng của ông Phan Trung Lý.

Lý do trên nhằm “không tán thành với đề xuất của Chính phủ đưa Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu ý dân”.

“Hố phân cách” giữa Quốc hội và Chính phủ, hay nói cách khác là giữa nhóm lãnh đạo của hai cơ quan lập pháp và hành pháp dường như đã trở nên sâu sắc và lạ lẫm chưa từng có.

Hiện tượng này lại như đồng nhất với bầu không khí đầy suy tư cùng bất ngờ của Hội nghị trung ương 7 của Đảng, cũng diễn ra vào tháng 5/2013 và trước kỳ họp quốc hội, kèm theo kết quả nhân sự không thể ích lợi hơn cho những người theo chủ thuyết “lợi ích”.

'Dân biểu đề xuất, quốc hội bác'
Luật Biểu tình được chính thức nêu ra 
trong phiên họp Quốc hội hồi tháng 11/2011

Gần đây, ấn tượng nhất có lẽ là đề xuất đưa Luật Biểu tình vào chương trình năm sau của đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Ông Chung hiện là Giám đốc Công an TP Hà Nội. Và Hà Nội lại là trung tâm của nhiều cuộc biểu tình tự phát chống “các thế lực thù địch” - hiểu theo nghĩa nào cũng được.

Nghĩa là nếu cả công an cũng đồng thuận với Luật Biểu tình, điều gì sẽ diễn ra?

Tất nhiên, hiện tượng hiếm hoi trên có thể biến thành một dấu hỏi lớn, nhất là về điều cần được coi là “lòng chân thành chính trị” - cụm từ mà các nhà nhân quyền và giới phân tích chính trị phương Tây dành để biểu tả về tổng thống Thein Sein của Myanmar - đối với những người mang sắc phục ở Việt Nam.

Nhưng dù là thế nào, tư tưởng cũng đang diễn biến sang hành động.

Một năm rưỡi sau năm 2011, đã xuất hiện những nhân vật khác.

Không chỉ ông Nguyễn Đức Chung, mà như lời trần thuật của luật sư và cũng là đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa thì “Tôi cũng trao đổi với nhiều vị công an và họ cũng mong có Luật Biểu tình”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng xây dựng Luật Biểu tình là để “trả nợ” nhân dân nhưng cũng giúp cho nhà nước, bởi quản lý vấn đề biểu tình như hiện nay là không thích hợp.

“Hố phân cách” giữa Quốc hội và Chính phủ, hay nói cách khác là giữa nhóm lãnh đạo của hai cơ quan lập pháp và hành pháp dường như đã trở nên sâu sắc và lạ lẫm chưa từng có."

Nhưng điều có vẻ rất khó hiểu là trong khi Chính phủ - cơ quan phải chịu trách nhiệm trực tiếp và mệt mỏi nhất về việc giải quyết khiếu kiện và biểu tình đông người - đã đồng thuận với phương án cần có Luật biểu tình và Luật trưng cầu ý dân, thì Ủy ban TVQH lại không chấp thuận, dù Quốc hội chính là cơ quan thể hiện quyền lực và quyền lợi cao nhất của người dân.

Sau khi xảy ra bất đồng chưa có tiền lệ trên, trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 5/2013, chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam đã phát đi thông điệp “Chính phủ giữ nguyên quan điểm góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”, tức bao gồm cả vấn đề xem xét đưa raLuật Biểu tình.

Nhưng những người của Ủy ban TVQH, sau Hội nghị trung ương 7 của Đảng với những động thái “nội bộ” nhưng lại được quá nhiều người dân vỉa hè biết đến, dường như vẫn cố gắng bảo lưu quan điểm bất đồng thuận với Chính phủ về một số vấn đề “nhạy cảm”.
Vận mệnh quốc gia?

Không thể mô tả khác hơn, đời sống nhân dân đang lặn hụp trong nỗi bất an ngập ngụa rủi ro nhưng vẫn chưa thấy đáy. Giờ đây, tất cả chỉ còn biết ngóng trông vào một tinh thần “đồng nguyên” nào đó giữa những chính khách cao nhất, hầu mong có thể xoay chuyển vận mệnh quốc gia.

Vậy những người của Chính phủ và đại đa số đại biểu quốc hội sẽ làm thế nào để biến hứa hẹn thành hành động - một loại hành động vì lợi ích của dân chúng chứ không phải thiên lệch cho những nhóm lợi ích đã dày vò quá tàn nhẫn nền kinh tế và dân sinh ở Việt Nam?

Liệu trong thời gian còn lại của kỳ họp quốc hội lần này sẽ xuất hiện thêm những khuôn mặt đại biểu, hoặc cũ hoặc mới, với những đề nghị ủng hộ các đề xuất có vẻ hợp lòng dân của Chính phủ?

Một “gương mặt mới” của Chính phủ và những người thuộc về nó có thể là cần thiết và “lâm thời”, với điều kiện những gì thủ cựu cần được đưa vào bảo tàng.

Bài học nhãn tiền về hòa hợp và hòa giải đã có sẵn ngay trong khu vực Đông Nam Á.

Chỉ bị ngăn trở với Việt Nam bởi chưa đầy một trăm cây số đường biên giới Trung Quốc, nền dân chủ Myanmar đã lột xác kỳ diệu chỉ trong vòng hai năm.

Những gì mà Thein Sein và giai cấp của ông đã làm được, dù không tránh khỏi động cơ và động lực của tư tưởng lợi ích nhóm và chủ nghĩa thân hữu, vẫn đã mở ra một lối thoát khả dĩ cho những chính khách khôn ngoan, nếu so với triển vọng phải sống lưu vong hoặc mất trắng.

Thư trả lời của blogger Mẹ Nấm, Sea Free với giấy mời làm việc của Công an Tp Nha Trang





Dân Làm Báo - Như Dân Làm Báo đã đưa tin vào ngày 21/05.2013, ba blogger Binh Nhì (Nguyễn Tiến Nam), Sea Free (Phạm Văn Hải) và Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ sau khi tham gia phân phát bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và bong bóng bay có dòng chữ "Quyền Con Người của Chúng Ta phải được tôn trọng" tại quảng trường 2/4, đường Trần Phú, Nha Trang.

Sau khi giam giữ trái phép blogger Sea Free - Phạm Văn Hải tại công an tỉnh Khánh Hòa, và buộc blogger Mẹ Nấm phải "hợp tác làm việc" đến nửa đêm thì Đoàn thanh tra liên ngành do công an tỉnh Khánh Hòa và công an thành phố Nha Trang đã kết luận anh Hải và Mẹ Nấm vi phạm hành chính theo điểm i, khoản 3, điều 7 của Nghị định 73/2010/NĐ-CP trong lĩnh vực viết blog.

Theo biên bản vi phạm hành chính thì cả hai blogger này đã: "lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo kích động người khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân".

Vào ngày 31 tháng 5 năm 2013, công an thành phố Nha Trang đã gửi giấy mời làm việc lần 1 cho blogger See Free - Phạm Văn Hải và Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh:



Thư trả lời của Mẹ Nấm đã được gửi thẳng đến Công an Thành phố Nha Trang vào chiều nay, 1 tháng 6, 2013:

Cùng lúc, blogger Sea Free Phạm Văn Hải cũng có thư trả lời giấy mời làm việc, trong đó anh viết: "Mọi người không ai bị ép buộc phải vào đọc các trang cá nhân của tôi, nên tôi không hề xâm phạm quyền tự do của bất cứ ai về chuyện viết blog".



danlambaovn.blogspot.com

Phương Uyên và Nguyên Kha đã kháng án



Hải Huỳnh (Danlambao) - An ninh cấm gia đình không cho thăm nuôi Nguyên Kha. Phương Uyên cho hay là cô bị sock và uất ức trước những diễn biến trong phiên tòa sơ thẩm ngày 16.5.2013. Có những điều cô chưa kịp nói trong phiên tòa sơ thẩm. Tâm sự với mẹ mình, Phương Uyên cho biết là cô kháng án nhằm phản ứng những bất công trong toàn bộ tiến trình của vụ án chứ cô NHẤT ĐỊNH KHÔNG XIN GIẢM ÁN HAY NHẬN TỘI ĐỂ ĐƯỢC TÒA ÁN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN KHOAN HỒNG...

*

Đến hôm nay thì chính thức chúng tôi được biết là 2 sinh viên yêu nước Phương Uyên và Nguyên Kha đã kháng án toàn bộ bản án sơ thẩm hôm 16.5.2013 tại tòa án tỉnh Long An.

Ngày 30.5.2013, hai gia đình của 2 sinh viên đã đến tòa án Long An làm thủ tục đi thăm nuôi thì tòa án tỉnh Long An cho họ thấy bản án sơ thẩm đã đóng dấu kháng án.

Ngày 30.5 là ngày thăm nuôi theo định kỳ, bà Nguyễn Thị Kim Liên (mẹ Nguyên Kha) và bà Nguyễn Thị Nhung (mẹ Phương Uyên) đã vào trại giam thuộc công an tỉnh Long An. Tuy nhiên, họ chỉ thăm nuôi được một mình Phương Uyên.

Qua cuộc thăm nuôi này thì hai bà mẹ được biết là sau khi xử sơ thẩm ngày 16.5.2013, về trại giam Phương Uyên và Nguyên Kha đã kháng án vào ngày 21.5.2013. Phải mất 5 ngày sau mới được nộp đơn kháng án dù việc kháng án đã được dự tính trước khi nhà cầm quyền đưa vụ án ra xử sơ thẩm. 5 ngày trong trại giam phải khó khăn lắm họ mới cấp cho giấy và viết để cho 2 sinh viên làm đơn kháng án.

Phương Uyên cho hay là cô bị sock và uất ức trước những diễn biến trong phiên tòa sơ thẩm ngày 16.5.2013. Có những điều cô chưa kịp nói trong phiên tòa sơ thẩm này. Tâm sự với mẹ mình, Phương Uyên cho biết là cô kháng án nhằm phản ứng những bất công trong toàn bộ tiến trình của vụ án chứ cô NHẤT ĐỊNH KHÔNG XIN GIẢM ÁN HAY NHẬN TỘI ĐỂ ĐƯỢC TÒA ÁN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN KHOAN HỒNG.

Nhận xét về tình trạng sức khỏe của Phương Uyên thì bà Nhung và bà Liên cho hay là cô sinh viên ốm yếu và rất xanh xao. Họ quan sát thì thấy trên người của cô không có vết tích gì bị đánh đập. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi 10 phút thăm nuôi giữa 4 công an trại giam canh gác thì cũng không kịp trao đổi gì nhiều. Bà Nhung cũng với theo con gái của mình là: "Con bây giờ không chỉ là con của ba mẹ mà con có rất nhiều ông bà, cô, bác, chú, dì, anh chị khắp nơi yêu quý. Hình ảnh của con xuất hiện trước tòa thật dễ thương trên các diễn đàn và tin tức". Cô sinh viên yêu nước cũng tìm cách cho mẹ vui lòng, cô an ủi mẹ và mong ước mẹ gởi cho cô tấm hình của cô hôm ra trước tòa. Bà Nhung cho biết là trong lần thăm nuôi kế tiếp sẽ gửi tấm hình mà các báo trong nước chụp Phương Uyên và Nguyên Kha cho con gái của mình.

Về trường hợp của Nguyên Kha thì gia đình không được gặp mặt hôm 30.5.2013 vừa rồi. Tòa án thì chỉ xuống trại giam tỉnh, công an trại giam thì chỉ về an ninh điều tra tỉnh Long An. Bà Nguyễn Thị Kim Liên vì thương nhớ con cũng ráng sức chạy theo hướng dẫn của họ. Nhưng khi đến cơ quan an ninh thì ông Huỳnh Văn Nhật trả lời thẳng là CẤM GIA ĐÌNH KHÔNG ĐƯỢC THĂM NUÔI NGUYÊN KHA. Ông Huỳnh Văn Nhật là người mà hành hạ gia đình 2 sinh viên yêu nước nhiều nhất.

Về chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm sắp đến thì trước mắt hai bên gia đình vẫn nhờ các luật sư bào chữa trong phiên xử sơ thẩm tiếp tục bào chữa trong phiên xử phúc thẩm sắp đến. Các luật sư Hà Huy Sơn và Nguyễn Thanh Lương vẫn bào chữa cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Luật sư Nguyễn Văn Miến thì bào chữa cho Đinh Nguyên Kha.

Hiện bây giờ thì chưa biết là phiên xử phúc thẩm diễn ra ở Sài Gòn hay Long An nhưng theo luật thì tất cả các vụ án xử phúc thẩm các bản án của tòa án tỉnh thì phải về trụ sở chính của tòa phúc thẩm khu vực phía nam là số 131 NKKN- Quận I- Sài Gòn.


Cù Huy Hà Vũ: Sức khoẻ nguy kịch sau 6 ngày tuyệt thực


Thanh Phương (RFI) - Trả lời đài RFI hôm nay 01/06/2013, sau khi thăm chồng trong nhà tù trở về, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà báo động về tình trạng sức khoẻ của ông Cù Huy Hà Vũ sau 6 ngày tuyệt thực trong tù để đòi giải quyết những tố cáo của ông.



Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, hiện đang thọ án tù 7 năm vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, đã tuyệt thực từ ngày 27/05/2013 sau khi tố cáo cán bộ trại giam cố ý giết ông. Trả lời RFI Việt Nam sau khi trở về Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà cho biết về tình trạng sức khỏe của chồng sau 6 ngày tuyệt thực:

Luật sư Dương Hà: “Môi anh ấy thâm lại và miệng trắng ra. Anh ấy rất là yếu. Nói chung tình trạng rất không tốt, nhưng không được chăm sóc. Tất nhiên là anh ấy béo, nhưng là béo bệu, thành ra họ cứ nói với gia đình tôi rằng anh ấy vẫn khoẻ và còn báo cáo lên trung tướng Cao Ngọc Ánh (Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp) rằng trong phòng anh ấy không thiếu gì đồ ăn. Thành ra bản thân ông Cao Ngọc Ánh cũng nói rằng trong phòng anh ấy nhiều đồ ăn. 

Hôm qua tôi định vào thăm, nhưng không được, vì phải sang tháng khác mới được vào, trong khi chồng tôi tuyệt thực đã 6 ngày mà họ không cho gặp. Cuối cùng, chúng tôi phải ngủ lại ngoài trại để sáng nay vào thăm. Đợi từ trước lúc 7 giờ cho đến 9 giờ kém 20 mới được gặp chồng, nhưng họ vẫn nói thế này thế khác. 

Anh Vũ có nói là anh có một số đơn thư tố cáo và nhờ gởi, nhưng tất cả đều bị khám và giữ lại. Nói chung là anh ấy bất bình lắm. 

RFI: Cụ thể anh Vũ đòi hỏi những điều gì ? 

LS Dương Hà: Anh Vũ chỉ muốn trả lời và giải quyết những đơn tố cáo của anh ấy, những thư tín của gia đình gởi vào thì phải được nhận, còn những thư tín anh ấy gởi ra thì gia đình cũng phải được nhận, những đồ dùng không thuộc danh mục cấm thì phải cho anh ấy nhận, phải để anh ấy gặp vợ 24 tiếng trong phòng riêng theo như quy định của pháp luật.

Tóm lại đó là những đòi hỏi hoàn toàn theo quy định của pháp luật, nhưng họ cố tình không giải quyết, buộc anh ấy phải tuyệt thực để bảo vệ quyền lợi của mình. Đến bây giờ là gần 7 ngày tuyệt thực mà họ vẫn không giải quyết cho anh ấy, mà khẳng định anh ấy vẫn khỏe. Họ nói rằng anh ấy không ăn cơm trại nhưng ăn thứ khác, trong khi anh Vũ tuyệt thực hoàn toàn, không ăn bất cứ gì.

Bản thân tôi cũng không tin chồng tôi đã nói tuyệt thực mà lại vẫn ăn như thế cả. Nhưng họ vẫn không giải quyết, cho nên anh Vũ sẽ tuyệt thực đến cùng và điều đó làm cho chúng tôi rất lo lắng.

Chồng tôi vốn đã bị bệnh tim bẩm sinh, huyết áp mọi khi rất cao, nhưng bây giờ đã thấp hơn bình thường rồi, nhưng họ không đếm xỉa đến tình trạng sức khỏe của anh ấy. Cho nên anh Vũ vẫn cứ tuyệt thực và tuyệt thực thì nguy hại đến tính mạng của anh ấy. 

RFI: Xin cám ơn luật sư Nguyễn Thị Dương Hà.