THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 May 2013

Tù mù làng 25 năm không có điện



TP - Hơn 25 năm sống không có điện, một làng đi kinh tế mới theo chính sách đứng trước nguy cơ xóa sổ do nhiều hộ dân bức bí đã lần lượt bán nhà, bán đất ra đi.
Bình ắc quy là thiết bị thắp sáng hạng sang ở Nà Ven, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk
Bình ắc quy là thiết bị thắp sáng hạng sang ở Nà Ven, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), nơi có dòng sông Sêrêpôk chảy qua và có nhà máy thủy điện nhưng lâu nay hàng trăm hộ dân ở đây vẫn sống cảnh “đèn dầu”. Hiện, xã có 5/13 thôn buôn thiếu điện, trong đó có 2 thôn chưa hề có lưới điện. Đặc biệt là thôn Nà Ven - thôn hình thành từ chính sách di dân kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước nhưng suốt 25 năm qua vẫn sống trong cảnh tăm tối về đêm.
Năm 1988, hơn 100 hộ dân từ Thái Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Sau nhiều năm sinh sống vẫn không có điện, đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống vô cùng bức bí khiến nhiều hộ không chịu nổi lần lượt bỏ đi nơi khác sinh sống. Từ hơn 100 hộ dân ban đầu nay chỉ còn 52 hộ với 192 khẩu bám trụ. Ở đây, người ta quen gọi Nà Ven là “làng đảo”. Bởi, mùa mưa cả làng thường bị cô lập giữa mênh mông sông nước.
 Chúng tôi đã kiến nghị các cấp, các ngành nhiều rồi, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa có điện.
Ông Nguyễn Tất Phong, Chủ tịch UBND xã Ea Wer
Ông Nguyễn Đức Giang, trưởng thôn Nà Ven cho biết: Hiện nay, Nà Ven có gần 60% hộ thuộc diện đói nghèo. Do chưa có thủy lợi, lúa và hoa màu chỉ trồng được một vụ, năng suất bấp bênh. Nhà nước khoan cho 5 cái giếng thì đều bị nhiễm phèn. Chừng nào có điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, may ra làng đảo này mới, thoát nghèo.
Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm thôn đặc biệt khó khăn này đã không khỏi băn khoăn. Cùng đi với đoàn, lãnh đạo huyện Buôn Đôn hứa với bà con sẽ cho khảo sát, kéo điện nhưng đến nay vẫn không thấy đâu.
Chị Vũ Thị Diến tâm sự: “Nhà có 5 sào đất trồng lúa và đậu. Năm nào trời mưa đều thì mới đủ ăn chứ không cũng phải chạy gạo mất vài ba tháng. Muốn chuyển đi nơi khác nhưng nhà nghèo quá lấy gì mà đi. Hộ nào khấm khá thì mua cái bình ắc quy về thắp sáng cho con cái học hành, còn đa phần dùng đèn dầu nên bóng đêm cứ dài dằng dặc. Thôn chỉ còn chút an ủi là nghèo khó tối tăm vậy mà vẫn có 7 em đỗ đại học”.
Ông Nguyễn Tất Phong, Chủ tịch UBND xã Ea Wer bức xúc: “Chúng tôi đã kiến nghị các cấp, các ngành nhiều rồi, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa có điện. Người dân rất mong mỏi có điện vì cuộc sống gặp quá nhiều khó khăn. Nếu Nhà nước không tích cực quan tâm thì không lâu nữa thôn Nà Ven sẽ biến mất, ảnh hưởng xấu đến một chủ trương đúng đắn. Từ năm 1999-2000, hố đã được đào, trụ điện đã được đưa vào thôn nhưng không hiểu lý do gì lại đưa trụ điện trở ra”.
Lê Kiến

Bể khổ thủy điện


Thứ Ba, 28/05/2013 22:52

Nhường đất cho thủy điện, người dân vào các khu tái định cư sinh sống trong cảnh đói khổ triền miên vì không kế sinh nhai trong khi lời hứa cấp đất sản xuất của Nhà nước mãi nằm trên giấy

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 22 dự án thủy điện lớn nhỏ đang được triển khai với số vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Trong đó có 3 dự án lớn là thủy điện Ðăkdrinh, thủy điện Hà Nang, thủy điện kết hợp thủy lợi hồ chứa nước Nước Trong.
Ðói khổ bên dự án thủy điện
Vượt hơn 30 km đường đèo dốc từ trung tâm huyện Trà Bồng, chúng tôi đến được khu tái định cư của các hộ dân nhường đất cho dự án thủy điện Hà Nang (xã Trà Thủy). Khu dân cư tiều tụy, hoang vắng với những căn nhà đóng cửa im ỉm, không một bóng người. Tìm đỏ mắt, chúng tôi mới bắt gặp một vài đứa trẻ đang chăn trâu. Chúng cho biết: "Người làng vào rừng tìm cái ăn hết rồi".
Phải mất hơn nửa giờ lang thang, chúng tôi mới gặp được anh Hồ Văn Lương đang gùi trên lưng một bó củi nặng. Anh Lương cho biết từ khi chuyển về nơi ở tái định cư, vì không có đất sản xuất, hằng ngày anh và những người dân ở đây phải vào rừng kiếm củi. "Cật lực từ sáng đến chiều được 3 bó củi, đổi được 2 kg gạo sống qua ngày" - anh Lương nói, dáng mệt mỏi.
 
Khu tái định cư tiêu điều của thủy điện Hà Nang
Dự án Thủy điện Hà Nang triển khai năm 2008, 104 hộ dân với hơn 450 nhân khẩu của thôn 1 và 4 phải chuyển về khu tái định cư. Ở đây, ngoài căn nhà để ở thì họ không có lấy một tấc đất cắm dùi. UBND huyện Trà Bồng có hứa sẽ cấp đất sản xuất nhưng mãi vẫn chưa thực hiện.
Ông Thanh Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, xót xa: "Dân tái định cư khổ lắm, trẻ em đói khổ triển miên. Mỗi năm cứ đến mùa đót, mùa mật ong thì người làng rủ nhau vào rừng chặt đót, tìm mật đem về đổi gạo; hết mùa thì đi chặt củi… Tình cảnh này diễn ra đã 5 năm qua. Có người trước đây no ấm, chuyển qua nơi ở mới thì đói quanh năm".
 
Người dân sống trong khu tái định cư thủy điện Hà Nang không có nước sinh hoạt. Ảnh: TỬ TRỰC
Ông Hồ Văn Dương là một ví dụ cho thực trạng này. Trước đây, ông là một hộ sản xuất giỏi nhưng từ khi về khu tái định cư thì trở thành hộ nghèo đói. "Ngày trước, tôi còn làm được 20 ha quế, nuôi được 20 con bò… Nhưng bây giờ đất không có, bò cũng đã bán hết để đổi gạo cho con ăn, khổ lắm!" - ông Hồ Văn Dương than.
"Ðem con bỏ chợ"
Dự án hợp phần di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong (thuộc thủy điện Nước Trong do Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư) ở xã Trà Thọ, huyện Tây Trà là công trình trọng điểm quốc gia, dù được triển khai nhiều năm qua với số vốn giải ngân hàng ngàn tỉ đồng nhưng đến nay vẫn còn dở dang.
Nhiều căn nhà trong khu tái định cư của dự án dù được xây dựng bài bản nhưng nhà nào cũng trống không, thậm chí không có hạt gạo dự trữ. Theo kế hoạch, dự án này sẽ phải hoàn thành trong năm 2013, thế nhưng việc xây dựng các khu tái định cư, bố trí đất sản xuất cho người dân đến nay còn quá chậm khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nặng.
 
Người dân sống trong khu tái định cư thuộc dự án thủy điện Nước Trong khốn khổ 
vì thiếu đất sản xuất, điện, nước...
Anh Ðinh Văn Nhếch, một người dân ở đây, cho biết đất sản xuất không có, tiền đền bù đã hết nên mỗi ngày, cả nhà anh lại kéo nhau vào rừng kiếm ăn hoặc có ai kêu làm thuê thì làm. Tình cảnh của anh Nhếch cũng tương tự hàng trăm hộ dân khác tại các điểm tái định cư như Suối Y 1, 2, 3, Sà Lác, Thôn Tre… của dự án thủy điện hồ chứa nước Nước Trong.
Không chỉ thủy điện Hà Nang, Nước Trong, nhiều ngày đi thực tế tại các điểm tái định cư của các dự án thủy điện đang được triển khai, hoàn cảnh chung là người dân phải chạy ăn từng bữa, trẻ em nheo nhóc, thất học; các điểm xây dựng tái định cư phần lớn không có điện, nước sinh hoạt…
Thực tế là vậy nhưng ngày 15-5, UBND tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo gửi các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ về 3 dự án thủy điện lớn ở tỉnh này. Theo đó khẳng định đã bố trí tái định cư, định canh bền vững cho các hộ dân di chuyển chỗ ở (?); xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm cho người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng trước khi có dự án, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn nơi ở cũ, ổn định lâu dài… (?); 100% người dân trong khu tái định cư được sử dụng nước sạch, các công trình cơ sở hạ tầng như đường sá giao thông sử dụng tốt (?)…
Ông Hồ Tấn Vũ, Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, cho biết xã đã nhiều lần làm công văn gửi các ngành chức năng đề nghị sớm giải quyết khó khăn về đất sản xuất, nơi ở cho bà con nhưng vẫn chưa thấy chuyển biến. "Các cấp, các ngành chức năng phải làm sao chứ đừng đem con bỏ chợ như thế này thì khổ cho dân lắm!" - ông Vũ nói.
 
Dân nghèo thành "lâm tặc"
Theo ông Thanh Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, không chỉ dân đói khổ vì thủy điện mà rừng cũng bị ảnh hưởng vì nhiều người dân sống trong khu tái định cư trở thành "lâm tặc". "Toàn khu này có 130 hộ (có một số hộ mới tách) nhưng có đến 120 hộ nghèo. Việc dân đi phá rừng kiếm sống, kiểm lâm cũng thường xuyên báo chuyện này với địa phương nhưng biết phải làm sao bây giờ? Dân không có đất trồng trọt nên mới làm vậy, kiểm lâm bắt họ bỏ tù, phạt tiền cũng không nỡ" - ông Thanh Quý Dương phân trần.
Kỳ tới: Lo sợ thủy điện Ðồng Nai 6, 6A
Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Ăn bớt vắc xin: “Đã có tiền sao còn bớt”


Chiều 28/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – ông Hoàng Đức Hạnh trả lời báo chí xung quanh vụ nữ y sỹ của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội ăn bớt vắc xin.
Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt thông tin về việc nhân viên của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội khi tiêm chủng cho trẻ đã ăn bớt vắc xin. 
Chiều 28/5, tại hội nghị giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, nhiều PV đặt câu hỏi về việc xử lý vụ việc này. 

Tại cuộc giao ban, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội cho biết, ngay sau khi buộc thôi việc đối với y sỹ sai phạm, ngành y tế tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan. 

Dự kiến ngay cuối tuần này sẽ công bố hình thức kỷ luật (nếu có xác định sai phạm) đối với Giám đốc, Trưởng phòng Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. 

Ông Hạnh cho biết, sự việc đã gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành, ảnh hưởng không tốt đối với dư luận xã hội đối với công tác tiêm chủng. Đây là sai phạm chỉ mang tính cá nhân y sỹ Bùi Thị Phương Hoa, không phát hiện ra có nhóm lợi ích.
Trước ý kiến cần định lượng kháng thể đối với cháu Phong (Vĩnh Phúc), bị y sĩ Hoa trực tiếp tiêm vắc xin thiếu, ông Hạnh cho biết hiện ở Việt Nam chưa thực hiện được điều này. Vì nhiều lý do, trong đó có việc cơ địa của mỗi người sẽ có các kháng nguyên khác nhau… Do vậy, việc xác định kháng thể rất khó. 

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của vị lãnh đạo Sở Y tế, PV tiếp tục đặt câu hỏi: Để tiêm mũi “5 trong 1” như cháu Phong, gia đình phải bỏ ra một mức phí dịch vụ không nhỏ. Trong đó, Trung tâm Y tế Dự phòng đã có lợi ích, người đi tiêm có lợi ích. Vậy mỗi lần tiêm, người thực hiện tiêm nhận được bao nhiêu tiền? 

Cũng theo các PV, các phương tiện truyền thông đưa tin, cháu Phong không phải là nạn nhân duy nhất là bị tiêm thiếu vắc xin. Nếu nói có không vụ lợi tại sao y sỹ lại bớt nhiều lần như vậy?  

Bên cạnh đó, mức xử lý đuổi việc với nhân viên y tế sai phạm, còn một số ý kiến dư luận chưa yên tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiêm vắc xin thiếu như y sỹ trên có đáng bị xem xét hình sự và mời công an vào cuộc xử lý không?
Ăn bớt vắc xin: “Đã có tiền sao còn bớt”
Hình ảnh lọ vắc xin và nhãn được cho là bị "ăn bớt" tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội
Trả lời câu hỏi trên, ông Hạnh cho hay, trong tiêm chủng có hai hình thức là tiêm chủng mở rộng miễn phí và tiêm chủng dịch vụ (có thu tiền). Đối với loại tiêm chủng dịch vụ, sau khi tư vấn cho người dân loại vắc xin, giá tiền... gia đình sẽ quyết định tiêm hay không. 

Bản thân Trung tâm Y tế Dự phòng có lợi ích, người đi tiêm cũng có lợi ích trong đó. Vậy đã có tiền, vẫn còn ăn bớt làm gì?

“Hiện giờ Sở y tế cũng không biết rằng, nữ y sỹ ăn bớt vắc xin có tiêm cho người khác hay không, chỉ biết rằng y sỹ tiêm thiếu liều. Do vậy, để trả lời câu hỏi ăn bớt được bao nhiêu tiền... chúng tôi cần xem xét cụ thể hơn mới có câu trả lời xác đáng”, ông Hạnh nói. Còn vụ việc có đến mức hình sự hay không là tùy thuộc vào cơ quan pháp luật, không thể dựa vào dư luận. Không thể có chuyện dư luận bảo hình sự là phải hình sự, bảo kỷ luật là phải kỷ luật... hình phạt nào cũng phải dựa vào quy trình pháp luật.
Ngày 19/4, anh Nguyễn Dương Lam (TP.Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) đưa con trai là Kiều Phong đến Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội để tiêm vắc xin Pentaxim - loại vắc xin phòng tránh được 5 loại bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và hib).

Tại đây, anh Lam đã thấy nữ nhân viên y tế tên Hoa bóc lọ vắc xin ra và bơm nước vào rồi rút vào xilanh nhưng rút không hết. Một lọ vắc xin Pentaxim 0,5ml, nhưng bà Hoa chỉ rút có 0,3ml, để lại trong lọ khoảng 0,2ml.

Tàu Trung Quốc bắt, áp tải tàu ngư dân Việt Nam

Ngày 28.5, Đài thông tin duyên hải (TTDH) Đà Nẵng cho hay tàu cá QB 93768 đã được tàu Trung Quốc thả ra sau gần 4 tiếng đồng hồ bắt giữ.
Trước đó, lúc 6 giờ 6 phút ngày 28.5, thuyền trưởng kiêm chủ tàu QB 93768 là Lê Văn Kiến (29 tuổi, trú thôn Tân Mỹ, xã Quảng Phúc, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) báo tin trên tần số 7903 kHz với Đài TTDH Đà Nẵng về việc bị tàu Trung Quốc số hiệu 788 bắt, áp tải về phía Trung Quốc khi đang hành nghề ở vị trí 16,57 độ vĩ bắc, 109,46 độ kinh đông.
Theo Đài TTDH Đà Nẵng, vị trí của tàu cá QB 93768 cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý (hơn 200 km), nằm giữa Đà Nẵng và Hoàng Sa, lúc này trên tàu có 9 ngư dân. Đến 9 giờ 50 phút cùng ngày, thuyền trưởng tàu cá QB 93768 báo tin tàu Trung Quốc số hiệu 788 đã thả tàu cá ra và hiện tàu đang chạy vào bờ theo hướng 250 độ.
Nguyễn Tú

Nhật ký nghị trường: Nghỉ sớm…


Một số vị đại biểu gần đây đã xuất hiện tâm lý “ngại” phát biểu, vì “nói mãi cũng không thấy chuyển biến gì”…

15h30, thay vì giải lao như mọi bữa, Quốc hội kết thúc phiên họp chiều. Phần thảo luận buổi sáng ở nhiều tổ cũng “về đích” khá sớm so với thời gian biểu thông thường là 11h30.
Nếu nhìn vào nội dung cần bàn thảo thì điều này hơi khó hiểu một chút. Bởi không nhiều phiên họp tổ được bố trí thảo luận đến ba đầu việc như sáng nay. Trong đó dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật Doanh nghiệp đều là hai dự án luật mới được trình tại kỳ này.
Bên cạnh đó còn có thêm việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào, cũng không dễ gì đưa ra ngay quyết định.
Buổi chiều, thời gian làm việc chỉ có 3 tiếng kể cả nghỉ giải lao (từ 14 giờ đến 17 giờ) cũng gồm hai nội dung. Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Với quy trình rút gọn, được thông qua trong một kỳ họp, những tưởng đây sẽ là dự án luật được bàn thảo, tranh luận sôi nổi. Nhưng không, chỉ có 10 đại biểu nhấn nút và hầu hết đều không sử dụng hết tiêu chuẩn 7 phút, ban soạn thảo cũng không lên tiếng.
Đem thắc mắc về không khí trầm lắng không chỉ ở phiên thảo luận chiều nay tâm tư với một vị đại biểu chuyên trách, ông nhìn nhận, có nguyên nhân từ một số vị đại biểu gần đây đã xuất hiện tâm lý “ngại” phát biểu, vì “nói mãi cũng không thấy chuyển biến gì”.
Dù vậy, theo ông, nếu chịu khó chắt lọc cũng có thể tìm thấy những “viên ngọc” sáng, là những ý kiến thực sự có giá trị.
Không chỉ người viết bài này mà các đồng nghiệp trong cuộc trao đổi cũng bày tỏ đồng tình với ông.
Bởi, chả nói đâu xa, trong hai buổi thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hôm qua đã có không ít ý kiến được cử tri đồng cảm, và rất có thể đã lay động tâm tư của nhiều vị đại biểu khác.
Nhà sử học Dương Trung Quốc mạnh mẽ “đòi” công cụ để có thể thực hiện việc trưng cầu dân ý, bởi bất kỳ lúc nào ta cũng nói đến chuyện ý kiến nhân dân, nhưng toàn là chuyện nhân danh cả.
Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý nói, khi ban biên tập lập luận cho phương án tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì đã giải trình “rất thuyết phục”. Và thành viên ban biên tập, ông Dương Trung Quốc xác nhận, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội khi chủ trì họp đã đề nghị xây dựng thành hai phương án cho Quốc hội thảo luận và để người dân cùng chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng không ngần ngại nói rằng việc lấy ý kiến nhân dân quá gấp gáp và “đối phó”, trong khi Hiến pháp là “sản phẩm của nhân dân”, Quốc hội thay mặt nhân dân để biểu quyết, xác định nhân dân là chủ thể xây dựng Hiến pháp.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, khi thảo luận ở tổ về chương trình xây dựng luật cho 2014 cũng “xung phong” tập hợp các chuyên gia xây dựng Luật Biểu tình theo đúng Hiến pháp để tiết kiệm ngân sách nhà nước và kịp đưa vào chương trình năm sau..
Và sáng nay, góp ý về dự án Luật sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp, một vị đại biểu đã đề nghị cơ quan trình dự án này cần phải thể hiện sự tôn trọng Quốc hội hơn nữa, phải làm rõ những vấn đề mà cơ quan thẩm tra đã yêu cầu thì Quốc hội mới có thể biểu quyết được….
Vẫn không quá khó để bắt gặp các ý kiến thẳng thắn và tâm huyết, chất lượng. Nhưng chừng nào mà số các vị đại biểu khi đã đến nghị trường chỉ đặt mình ở vị trí đại diện cho dân – như tâm sự của Trung tướng Trần Văn Độ – chưa chiếm tuyệt đại đa số thì Quốc hội sẽ vẫn có những phiên nghỉ sớm, dù thời gian cho mỗi kỳ họp luôn được “cân đong” kỹ càng.
Nếu không phải Quốc hội thì ai sẽ nói lên nguyện vọng của cử tri, của nhân dân, vị đại biểu chiều nay nán lại trò chuyện cùng cánh phóng viên đã không đặt dấu chấm hỏi cuối câu này. Dường như ông tự nhắc mình, dù cho đến hôm nay ông vẫn là một trong số không nhiều các vị đại biểu mang tiếng “nói nhiều” ở nghị trường.
 Theo VNEconomy

63 năm tù cho nhóm đạo Hà Mòn



hamon-taynguyen
Phiên xử sơ thẩm lưu động tám người theo đạo Hà Mòn

Tám người sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên vừa bị tuyên phạt tổng cộng 63 năm tù trong phiên xử sơ thẩm lưu động ở xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai hôm 28/05/2013.
Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), tám người này theo đạo Hà Mòn, và nhận sự chỉ đạo trực tiếp của “bọn phản động Fulro lưu vong nước ngoài, lôi kéo, kích động bà con dân tộc thiểu số trong khu vực Tây Nguyên thành lập nhà nước riêng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.”
Nhóm người trên bị khép vi phạm điểm b, khoản 1, điều 87 Bộ luật hình sự, trong đó ghi “gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam,” và một số điều khoản khác.
Người được coi là ‘đối tượng cầm đầu’, A Tách, nhận mức án 11 năm tù giam, mức án nhẹ nhất là bà Y Gyin với 3 năm tù, theo truyền thông Việt Nam.
Các bị cáo khác bị xử 7 đến 10 năm tù giam.
Theo báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin trước đó, bà Y Gyin từng dùng chuyện Đức mẹ hiển linh để lôi kéo người dân ở một số địa phương theo Công giáo ở Tây Nguyên.
Trong số tám người trên, Y Gyin, A Tách, A Hyum sống ở tỉnh Kon Tum, còn Runh, Jơnh, Byưk, Đinh Lứ và Đinh Hrôn sống ở tỉnh Gia Lai.
Năm ngoái, truyền thông Việt Nam đưa tin ‘nhiều người’ theo ‘tà đạo Hà Mòn’ bị bắt, riêng VnExpress đăng có 62 người bị bắt tạm giam để khởi tố.
“Mặc dù đã được chính quyền… vận động, giáo dục kiểm điểm nhiều lần, nhưng các đối tượng này [những người bị bắt] vẫn ráo riết lôi kéo một số người nhẹ dạ nghe theo Fulro hoạt động chống phá chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo, gây mất an ninh trật tự tại địa phương,” bản tin của Thông tấn xã viết hôm 09/05/2013.

‘Phản động lưu vong ở Mỹ’

Theo VOV, đứng đầu tổ chức Fulro ở Mỹ là Ksor Kơk, dùng phương thức “bất bạo động”, lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc để chuẩn bị điều kiện thành lập “nhà nước riêng”.
Fulro là chữ viết tắt theo tiếng Pháp của Front Uni de Lutte des Races Opprimees (Mặt trận thống nhất giải phóng các dân tộc bị áp bức), được thành lập vào những giai đoạn cuối năm 1960.
Nhóm này gồm ba tổ chức, Mặt trận Giải phóng Champa, Mặt trận Giải phóng Campuchia Krom, và Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên, đã chiến đấu các chế độ khác nhau ở Việt Nam với mục tiêu thành lập một nhà nước độc lập cho các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên.
Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì Fulro từng đứng về phía những người Mỹ. Đến khoảng năm 1992 thì nhóm này chính thức giải tán.
Trong giai đoạn từ năm 2001 cho đến 2004, khoảng 2.000 người Thượng ở Tây Nguyên đã bỏ chạy sang Campuchia sau các cuộc biểu tình của họ bị chính quyền đàn áp.
Trong nhiều năm qua, nhiều người Thượng đã phản đối việc tịch thu đất đai của họ và phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo.
Chưa thấy có thêm thông tin về những người bị bắt tạm giam còn lại.
Phiên xử phúc thẩm 8 trong số 14 thanh niên Công giáo cũng vừa diễn ra ở thành phố Vinh, Nghệ An, hôm 23/05/2013.
Theo BBC

Cảnh báo từ nền kinh tế nguội lạnh



“Trong khi chưa giải tỏa được những “cục máu đông” nợ xấu, tồn kho đang chặn dòng lưu thông kinh tế thì lại có ý kiến cho rằng cần phải tính đến tình trạng “tồn kho chính sách, tồn kho thể chế lạc hậu”, hiểu rộng ra – “tồn kho” cả một mô hình tăng trưởng đã lỗi thời. Mà đây chính là những nguy cơ đe dọa lâu dài sự ổn định vĩ mô”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.
Ông Trần Đình Thiên
LTS: Ngày mai (30/5), các ĐBQH sẽ thảo luận tại Hội trường trong phiên họp được truyền hình trực tiếp để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số góc nhìn của các chuyên gia kinh tế.
Tồn kho chính sách và thể chế
Trên diễn đàn QH vừa qua, nhiều ý kiến đánh giá rằng nền kinh tế hiện đang hết sức khó khăn, thậm chí nhiều người cho rằng gay go lắm rồi? Theo ông, tình hình kinh tế năm 2013 đáng quan ngại đến mức nào?
Ông Trần Đình Thiên: – Tính đến nay đã gần hết quý 2/2013. Vẫn có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng tình hình kinh tế sẽ vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trở ngại trong giai đoạn tới.
Về phương diện tăng trưởng GDP, dễ nhận thấy rằng cả 3 “trụ cột” – tín dụng, ngân sách và lực lượng DN – đều đang rất yếu. Tốc độ tăng trưởng tín dụng quá thấp, thực lực ngân sách – yếu tố quan trọng nhất để kích thích tăng trưởng trở lại khi nền kinh tế gặp khó khăn nay cũng rất yếu. Lực lượng DN bị tổn thất quá lớn.
Về phương diện ổn định vĩ mô cũng có nhiều khía cạnh đáng lo ngại. Ví dụ như tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, kéo theo sự giảm sút thu nhập lao động. Đây là hệ quả tất yếu của tình trạng DN phải đóng cửa nhiều hoặc phải giảm mạnh công suất hoạt động. Kết cục là sự suy yếu của tổng cầu kéo dài – một trong những tác nhân gây ra tình trạng trì trệ và suy giảm tăng trưởng.
Ngoài ra, còn những “cục máu đông” đang chặn dòng lưu thông kinh tế – nợ xấu, tồn kho bất động sản – chưa giải tỏa được. Có ý kiến cho rằng còn phải tính đến tình trạng “tồn kho chính sách, tồn kho thể chế lạc hậu”, hiểu rộng ra – “tồn kho” cả một mô hình tăng trưởng đã lỗi thời. Mà đây chính là những nguy cơ đe dọa lâu dài sự ổn định vĩ mô.
Tổ hợp những yếu tố trên, dù chưa phải là tất cả những nguyên nhân gây khó khăn cho nền kinh tế, dễ hình dung ra nền kinh tế nước ta đang lâm vào tình thế khó khăn cỡ nào. Phải nói là rất khó. Đó là tình thế vòng xoáy “suy giảm tăng trưởng và bất ổn vĩ mô”.
Cũng có thống kê cho thấy khá nhiều DN được lập mới. Vậy có nên coi đó là tín hiệu khởi sắc?
- Đúng là nhiều DN mới đã được thành lập. Theo báo cáo, thông thường số này còn nhiều hơn số DN đóng cửa. Nhưng đó chỉ là con số đăng ký. Số đăng ký mới được thống kê không nhất thiết là số hoạt động, có đóng góp thực vào tạo việc làm và tăng trưởng.
Nhìn vào tương quan con số giữa số DN mới thành lập và số đóng cửa, dễ gây ra sự ngộ nhận là tình hình vẫn ổn, sức sống DN vẫn tốt. Ngộ nhận như vậy sẽ dẫn tới ảo tưởng chính sách. Rất nguy hiểm.
Hiểu một cách đơn giản và thực tế, muốn biết thực sự số DN mới đi vào hoạt động thế nào thì phải kiểm định ở các thông số khác như mức vay vốn tín dụng có tăng không, tiêu thụ điện tăng hay giảm, hay xa hơn, tăng trưởng GDP sau đó có diễn ra tương ứng không.
Đặc thù DN của ta chủ yếu tay không bắt giặc, dựa vào vốn vay. Nhưng chỉ số tín dụng không tăng, điều đó chứng tỏ con số DN đăng ký thành lập mới không có được bao nhiêu ý nghĩa. Và như vậy, hoặc con số này thực tế không có ý nghĩa, hoặc số DN mới làm ăn rất kém hiệu quả, do đó, ít hoặc không tác động gì đến các biến số liên quan trong nền kinh tế.
Nền kinh tế nguội lạnh sẽ nguy kịch
Thưa ông, thực tế cũng có một điểm sáng nổi lên trong những tháng đầu năm nay là lạm phát đã được kiềm chế?
- Đúng là lạm phát đã giảm như mục tiêu đề ra. Điều này góp phần kéo lãi suất xuống, giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng, giá cả được kiềm chế ổn định.
Tuy nhiên, cũng phải thấy hai mặt của vấn đề. Ta ca ngợi thành tích giảm lạm phát nhưng cũng cần thấy cái giá phải trả cho việc kéo lạm phát giảm xuống.
Trong những năm qua, chính biện pháp thắt chặt tiền tệ là yếu tố ngắn hạn trực tiếp và chủ yếu kéo giảm lạm phát. Nhưng thắt chặt tiền tệ “quá mức” đã khiến nhiều DN lâm vào tình cảnh khó khăn, bi đát. Nói như vậy có nghĩa là chủ trương hạ lạm phát là đúng, chủ trương thắt chặt tiền tệ là đúng. Nhưng cách “thắt chặt” thế nào để ít gây tổn thất thì lại phải thận trọng.
“Thắt” mạnh đột ngột khi nền kinh tế và các DN đang ốm yếu, đang cần tiếp máu thì nhiều DN sẽ phải “ra đi”. Thực tế  trong hơn 2 năm qua, có thể nói ta đã phải trả giá rất đắt để có được sự ổn định, dù đó là sự ổn định không vững chắc.
Suốt giai đoạn 2007 – 2011 nền kinh tế vốn dĩ đang bị yếu sẵn. Sau đó khi chúng ta ban hành chủ trương thắt chặt lại càng khiến cho nền kinh tế yếu thêm. Trong khi đó, nếu chỉ thắt chặt vừa phải thì tốc độ lạm phát có thể giảm chậm mà DN đỡ bị kiệt quệ. Đây là một bài học rất quan trọng.
Tôi cho rằng thành tích giữ ổn định giá cả và giảm lạm phát phải nhìn nhiều mặt, nếu không sẽ càng gây thêm ảo tưởng. Bởi vì lạm phát thấp không hẳn là dấu hiệu của sự ổn định vững chắc. Nhiều DN phải đóng cửa cũng là bất ổn vĩ mô, cầu thị trường thấp cũng là bất ổn. Một khi nền kinh tế nguội lạnh thì đó chính là bất ổn, thậm chí còn mang tính nguy kịch hơn.
Nhưng có một vấn đề khiến nhiều người quan ngại rằng các số liệu và thống kê đưa ra chưa nhất quán, thậm chí không chính xác so với thực tế khiến việc đánh giá tình hình bị sai lệch?
- Rõ ràng với cách cung cấp thông tin như lâu nay thì cơ sở để thiết kế chính sách rất khó chuẩn xác. Rất khó, nếu không nói là không thể xây dựng những chính sách đúng và tốt với một cơ sở thông tin, dữ liệu thiếu, yếu và sai.
Về thực trạng thông tin ở nước ta hiện nay, cứ nhìn vào một lĩnh vực phải cung cấp thông tin công khai và “chuẩn” là thống kê việc làm là thấy sự chưa chính xác. Ai cũng nhìn thấy vài năm qua, số DN phá sản nhiều đến vậy mà thống kê cứ tuyên bố việc làm lại cứ tăng lên mà không có bất kỳ sự giải thích nào.
Tại thời điểm hiện nay, thống kê số việc làm mới được tạo ra vẫn tăng đều đặn, giống như thời nền kinh tế “ào ào” tăng trưởng lúc mới đổi mới. Thông tin việc làm, thất nghiệp, như vậy rõ ràng là không hề có sức thuyết phục, thiếu logic, thậm chí gây ra sự thiếu lòng tin trong dân. Nên nhớ rằng chưa cần đến những bộ số liệu tỷ mỉ, sạch sẽ, tự bản thân logic kinh tế đã cho thấy sự thiếu logic của cách tư duy đó.
Công khai minh bạch là yêu cầu hết sức quan trọng. Xã hội cần các số liệu để kiểm chứng, như thế mới có điều kiện để làm chính sách đúng. Muốn có chính sách đúng thì con số thống kê phải đúng, phải có cơ sở.
Đó là chưa bàn đến tình trạng chính sách thì đúng rồi, ban hành kịp thời rồi nhưng khởi động để đi vào thực tiễn thì lại chậm trễ.
Chính phủ phải ưu tiên trả nợ doanh nghiệp
Ông có gợi ý gì về những trọng tâm cần ưu tiên làm từ nay đến hết năm?
- Có ba vấn đề nên làm.
Thứ nhất là thay đổi cách tiếp cận mục tiêu ưu tiên. Thứ hai là tái cơ cấu và thứ ba là xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế.
Cụ thể là gì thưa ông?
-  Cách tiếp cận logic mục tiêu của mấy năm qua không giúp nền kinh tế tháo gỡ khó khăn. Ngược lại, tình hình còn gay go hơn. Bây giờ, phải có cách tiếp cận mục tiêu khác đi thì mới giải quyết được vấn đề.
Theo tôi, hiện nay, trong cấu trúc mục tiêu, chưa cần tính vội đến mục tiêu tăng trưởng GDP bao nhiêu %. Cái cần ưu tiên hiện nay là giải tỏa các “cục máu đông”, tập trung giải quyết một số “tọa độ” tái cơ cấu trọng điểm – ví dụ chỉ tập trung tái cơ cấu thí điểm 1-2 tập đoàn kinh tế nhà nước.
Nhưng giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu là công việc tốn rất nhiều tiền. Ưu tiên giải quyết chúng trong điều kiện nguồn tài lực cả công lẫn tư của nền kinh tế rất yếu nghĩa là trước hết phải ưu tiên dành nguồn lực cho chúng. Sau đó mới tính xem còn bao nhiêu tiền để đầu tư tăng trưởng. Logic vượt thoát tình trạng “vòng xoáy” lưỡng nan hiện nay là ở đó. Dĩ nhiên, có thể đi vay để đáp ứng “hài hòa” các mục tiêu. Nhưng điều đó không làm thay đổi logic ưu tiên các nhiệm vụ.
Như vậy cách tiếp cận là phải thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực. Tăng trưởng là quan trọng nhưng phải theo logic ưu tiên, tạo ra nguồn lực để đem lại cơ sở cho phục hồi tăng trưởng.
Vậy ứng xử thế nào với cục máu đông nợ xấu?
- Nợ xấu ngoài nguyên nhân do DN vay không có tiền trả còn có một tác nhân khác là nhà nước. Thực chất vấn đề là ở chỗ Chính phủ và chính quyền các địa phương đang nợ các DN tiền thanh toán các dự án, công trình xây dựng cơ bản. Theo thống kê khá chính thức thì số nợ này lên đến gần 100.000 ngàn tỷ đồng.
Hơn lúc nào hết, Chính phủ phải lo trả món nợ này cho DN. Động thái vừa qua của Chính phủ chưa đủ quyết liệt để giải tỏa vấn đề này.
Việc Chính phủ ưu tiên trả nợ cho DN sẽ giúp giải tỏa cục máu đông, lưu thông kinh tế tăng lên, tạo được lòng tin của DN với Chính phủ. Lòng tin phục hồi. Cơ sở tăng trưởng cũng được phục hồi. Quả thực, nếu xử lý được nợ xấu thì  DN sẽ tiếp cận được vốn, tạo được việc làm, thị trường cũng ấm dần lên.
Ta không nên kỳ vọng việc xóa nợ xấu diễn ra nhanh. Ta chưa hề có kinh nghiệm nào về vấn đề này. Đây là chỗ phải rõ ràng minh bạch. Không ít người nghĩ rằng mọi chuyện sẽ “một phát ăn ngay”. Kinh nghiệm thế giới – không có ngoại lệ, đó là một mong ước – tham vọng có màu sắc hoang tưởng.
Ngoài những giải pháp trên, ông có gợi mở gì về định hướng chính sách dài hạn?
- Nên có một chương trình phục hồi kinh tế tương đối dài hạn hơn là kế hoạch cho từng năm một. Nên đặt ra một kế hoạch phục hồi, chương trình phục hồi kinh tế trong khoảng thời gian 3- 4 năm chứ không nên câu nệ.
Bởi nếu tính theo kế hoạch từng năm thì giải pháp đề ra cũng chưa thể phát huy hết “công suất” được. Mọi chính sách phải có thời gian đủ dài mới phát huy hiệu ứng. Nền kinh tế đang rất yếu. Nếu nó có đến đáy rồi thì phục hồi cũng chậm. Đường phục hồi có lẽ (và tốt nhất là) hình chữ U chứ không thể (và không nên) đi lên ngay.
Kế hoạch phục hồi trong 3 – 4 năm bao gồm cả tăng trưởng, ổn định vĩ mô theo nghĩa ngắn hạn và quan trọng hơn là nối chính sách trước mắt với những chuyện dài hạn, như xóa nợ xấu, tồn kho bất động sản, tái cơ cấu.
Xin nhắc lại là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, niềm tin cho khả năng phục hồi của nền kinh tế có thể không rầm rĩ nhưng cách tiếp cận đó cho thấy một triển vọng chắc chắn và khả thi hơn.
Theo VietNamPlus

Bao giờ Đảng thôi sống trong sợ hãi?



Dai hoi dang

Những người từng học về nghệ thuật quản lý và lãnh đạo ở nhiều nước trên thế giới hẳn biết tới Sarah.
Đó không phải là tên của một cô nàng tóc vàng óng ả có tài lãnh đạo nào mà đơn giản là những chữ cái đầu của Shock – Anger – Rejection – Acceptance – Help.
Những từ tiếng Việt tương đương là Sốc – Giận dữ – Chối bỏ – Chấp nhận và Trợ giúp.
Đây là những giai đoạn tâm lý mà một cá nhân hay tổ chức phải trải qua trong các cơn khủng hoảng hay chấn động.
Trước một điều không mong muốn xảy ra, người ta thường chuyển từ cú sốc ban đầu sang tức giận, chối bỏ thực tế rồi tiến tới chấp nhận và hiểu ra mình cần được trợ giúp để vượt qua khủng hoảng.

Vẫn còn chối bỏ

Về mặt kinh tế, Đảng Cộng sản đã đi qua toàn bộ năm giai đoạn này với những mức độ khác nhau.
Từ cú sốc mà những tác hại của nền kinh tế mệnh lệnh cũng như sự sụp đổ của Liên Xô và khối Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu gây ra, Đảng giữ sự bực tức và chối bỏ thực tế trong một thời gian trước khi chấp nhận từ bỏ mô hình kinh tế Xã hội Chủ nghĩa cực đoan và đón lấy bàn tay của kẻ cựu thù Hoa Kỳ và khối được lập ra với mục tiêu chống Cộng ASEAN cùng nhiều tổ chức và quốc gia khác nhằm thoát ra khỏi vũng lầy kinh tế.
Về mặt chính trị, Đảng vẫn mới chỉ ở giai đoạn tức giận và chối bỏ.
Ngay cả những người tù chính trị năm xưa cũng không thể chấp nhận chuyện họ bị thách thức và lại bị cáo buộc bỏ tù những người bày tỏ chính kiến, điều mà nhiều lãnh đạo lão thành của Việt Nam đã và đang làm.
Họ còn chưa chấp nhận rằng tiếng nói, cho dù có trái chiều, của mỗi một người dân ở quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới đều có thể được bày tỏ và đều có thể có trọng lượng nhất định.
Các nhà lãnh đạo cao cấp, hầu hết ở độ tuổi trên 60, không chấp nhận cách phản ứng của người dân mà độ tuổi trung bình chưa bằng nửa độ tuổi của giới lãnh đạo chóp bu.

‘Nắm chính nghĩa’

Người đi theo Cách mạng từ khi còn trẻ tuổi và từng giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hiếu Đằng, nói Đảng đang “đi ngược lại lợi ích của dân tộc và xu thế của thời đại về đấu tranh cho dân quyền và nhân quyền” mà ông nói Hiến pháp 1946 của Việt Nam đã công nhận.
Ông Đằng nói khi ông theo Cách mạng, chính những người lãnh đạo của ông cũng “dạy” ông rằng người ta không bao giờ từ bỏ quyền lợi, không bao giờ rời vũ đài chính trị một cách tự nguyện.
“…[C]húng tôi đấu tranh để bảo vệ độc lập và toàn vẹn đất nước, đấu tranh chống tham nhũng, đấu tranh cho một nền dân chủ, đấu tranh cho các quyền dân sinh dân chủ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam mà do họ thấp cổ bé họng họ không thể nói được thì những người có điều kiện trong xã hội hiện nay cần phải có tiếng nói.”
Cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM Lê Hiếu Đằng
Ông nói thêm trong phỏng vấn với BBC hôm 27/5 về làn sóng đấu tranh của người dân hiện nay:
“Khi chúng tôi đi theo Cách mạng thì chúng tôi cũng nói là hễ mình có chính nghĩa thì sẽ thắng lợi thôi, mà hiện nay chúng tôi nắm chính nghĩa trong tay.
“Bởi vì chúng tôi đấu tranh để bảo vệ độc lập và toàn vẹn đất nước, đấu tranh chống tham nhũng, đấu tranh cho một nền dân chủ, đấu tranh cho các quyền dân sinh dân chủ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam mà do họ thấp cổ bé họng họ không thể nói được thì những người có điều kiện trong xã hội hiện nay cần phải có tiếng nói.
“Chứ không thể để cho một bộ phận nhóm lợi ích khuynh loát chính quyền và làm thiệt hại biết bao nhiêu.”

‘Bạo lực chính trị’

Sự không chấp nhận thực tế mới của nhiều lãnh đạo Cộng sản ở Việt Nam thể hiện qua việc họ dùng nhiều biện pháp để trấn áp những người dám lên tiếng đấu tranh.
Ông Đằng dẫn trường hợp của hai nhà hoạt động có tiếng từ thời Cuộc chiến Việt Nam và có những hoạt động phản kháng trở lại trong thời gian gần đây, ông Huỳnh Tấn Mẫm và Hồ Ngọc Nhuận.
Bộ Công an đã gây sức ép với hiệu trưởng của trường dành cho trẻ em tự kỷ mà ông Mẫm giúp lập ra với hơn 100 học sinh theo học trong khi gia đình và cá nhân ông Nhuận bị đe dọa, theo ông Đằng.
Nhưng những hành động như thế này của Công an Việt Nam sẽ chỉ làm cho người dân hiểu thêm về sự sai trái của chính quyền và làm lớn thêm đa số thầm lặng ủng hộ các hành động phản kháng, người từng là lãnh đạo trong Mặt trận Tổ quốc nói.
Ông Đằng bình luận thêm rằng đa số thầm lặng này đến “một lúc nào đó” sẽ trực tiếp tham gia đấu tranh và như vậy chính các nhà lãnh đạo hiện nay đang tự làm lung lay ghế của chính họ bằng những hành động mà ông Đằng nói rằng “tạo sự khủng bố”.
Ông nói: “Việc bắt bớ không làm sứt mẻ gì phong trào đấu tranh cho dân chủ trong nước mà càng làm cho mọi người phẫn nộ và tham gia nhiều hơn nữa.”
Cho tới nay Đảng cộng sản không tự nguyện chấp nhận thực tế mới và ông Đằng cho rằng sẽ đến lúc các lãnh đạo Cộng sản bị buộc phải chấp nhận “xu thế của thời đại”.
Có thể nói Đảng mới đi được nửa đường trong quá trình chinh phục Sarah.
Nửa đường còn lại chông gai nhất nhưng cũng hứa hẹn mang lại nhiều phần thưởng nhất cho những người dám đối diện với thực tế và với chính mình.
Thay vì sống trong sợ hãi với một trái bom nổ chậm, nhiều nhà đấu tranh trong đó có những người có hàng chục năm tuổi Đảng đang thúc giục giới lãnh đạo hiện nay dũng cảm tháo ngòi nổ.
Và một trong những cách tháo ngòi nổ là để cho mỗi người Việt Nam có quyền nói lên suy nghĩ của họ nhằm góp phần chỉ ra những gì mà một số nhà phân tích coi là “bạo lực chính trị” ẩn chứa trong những khái niệm và tổ chức nghe có vẻ trung lập và ôn hòa, từ chủ nghĩa Cộng sản tới những định chế an dân như viện kiểm sát, tòa án và quốc hội.
Theo BBC