THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 February 2013

234 người chết do TNGT trong 6 ngày

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng, cả nước có 234 người chết, 301 người bị thương vì TNGT.
Đáng chú ý, năm nay trên các tuyến quốc lộ không xảy ra tai nạn ô tô nghiêm trọng như mọi năm mà chủ yếu là tai nạn giữa các xe máy. 85% vụ tai nạn xảy ra ở đường liên thôn - xã - huyện. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) lưu ý, trong các ngày tới người dân về lại các thành phố nên lưu lượng phương tiện giao thông sẽ tăng đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông.
* Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, từ ngày 9 đến 13.2, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 11 vụ TNGT, làm bị thương 18 người. Tuy nhiên, theo số liệu của Sở Y tế Cà Mau, trong 5 ngày trên, bệnh viện các tuyến trong tỉnh đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 811 ca do TNGT; riêng đêm giao thừa có đến 134 ca cấp cứu.
* Từ 8 - 13.2, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Tiền Giang đã tiếp nhận 155 ca chấn thương vì TNGT, trong đó có 2 ca tử vong; riêng ngày 12.2, có 50 ca nhập viện.
* Tin từ Sở Y tế Gia Lai ngày 14.2 cho biết từ 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng có 627 ca chấn thương do tai nạn giao thông nhập viện, tăng 54 người so năm trước và hiện đã có 5 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân giao thông nhập viện liên tục khiến nhiều cơ sở y tế quá tải, thiếu máu cấp cứu.
* Theo báo cáo nhanh của Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định, từ 9 - 14.2, trên địa bàn tỉnh có 11 vụ TNGT làm chết 7 người và bị thương 16 người.
Thanh Niên

Xác pháo đầy đường

Một cái tết yên bình đã trôi qua nhưng ở một vài địa phương nhiều nạn nhân đã phải nhập viện vì pháo và dư âm ngày tết còn lại là cảnh xác pháo đầy đường.
Xác pháo đầy đường  1
Hiện trường vụ đốt dàn pháo hoa khủng ở khu vực Km 6 xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng), chụp hồi 7 giờ ngày mùng 2 tết - Ảnh: Ngọc Triển
Ngay từ đầu tháng 11.2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1878/CĐ-TTg chỉ đạo các tỉnh thành, các bộ ngành tập trung ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo. Công điện nêu rõ: “... kiên quyết không để tái diễn việc sản xuất; hạn chế tới mức thấp nhất việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép... Địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về pháo thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”. Thế nhưng…
Xác pháo đầy đường  2
Xác pháo tràn lan ở thị trấn Ninh Giang, Hải Dương, ảnh chụp sáng mùng 2 tết - Ảnh: N.D
“Giao thừa pháo nổ đùng đoàng”
Từ Ninh Giang (Hải Dương), một bạn đọc đã gửi cho Thanh Niên loạt ảnh lề đường ngập xác pháo. Tác giả những bức ảnh tên D., một người làm việc tại Hà Nội về quê ăn tết ở Ninh Giang, kể: “Tôi rất bất ngờ vì lúc giao thừa pháo nổ đùng đoàng. Ra đường ở thị trấn trung tâm huyện, tôi thấy có nhà đốt ngay ở trước cửa, sát lề đường chứ không phải họ đốt trộm ở chỗ vắng”.
 Xác pháo đầy đường  3
Hình ảnh pháo hoa nổ trái phép ở khu vực đầu cầu Phố Mới (phía ga Lào Cai) - Ảnh: Ngọc Triển
Tôi rất bất ngờ vì lúc giao thừa pháo nổ đùng đoàng. Ra đường ở thị trấn trung tâm huyện, tôi thấy có nhà đốt ngay ở trước cửa, sát lề đường chứ không phải họ đốt trộm ở chỗ vắng
Anh D., một người làm việc tại Hà Nội về quê ăn tết ở Ninh Giang (Hải Dương)
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Duy Kền, Trưởng công an H.Ninh Giang xác nhận trên địa bàn có tình trạng đốt pháo. Nhưng ông Kền giải thích: “Năm nay so với mọi năm tình trạng đốt pháo đã giảm đi. Từ trước giao thừa, chúng tôi tung 100% quân số xuống địa bàn để ngăn chặn tình trạng đốt pháo. Tuy nhiên nhiều người đốt pháo ngoài đường, ngồi trên xe máy ném pháo xuống đường nên rất khó bắt giữ”. Ông Kền cho biết trước tết công an huyện đã bắt 15 vụ, 19 nghi phạm liên quan đến tàng trữ pháo.
 Tại xã Liên Hòa, H.Kim Thành, anh Quốc Chiến cho biết: “Lúc giao thừa tôi nghe hàng tràng pháo nổ, năm nay người ta đốt pháo rất nhiều. Sáng mùng 1 tôi đi chúc tết thấy xác pháo còn vương cả ở đường lẫn trong nhà người dân”. Ngoài ra, theo phản ánh của bạn đọc, ở các huyện như Bình Giang, Thanh Miện... cũng xảy ra nhiều vụ đốt pháo.
Trong khi đó, ông Hoàng Mai Khương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nói: "UBND tỉnh vừa họp tổng kết các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán 2013. Chúng tôi đánh giá năm nay tình trạng đốt pháo rất ít. Vì vậy chúng tôi không đề cập gì đến việc xử lý cán bộ". Khi PV cung cấp thông tin về rất nhiều huyện đã xảy ra trình trạng đốt pháo công khai, ông Khương nói: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”.
Buôn pháo siêu lợi nhuận
Từ tỉnh biên giới Lào Cai, ông Phạm Ngọc Triển đã gửi cho chúng tôi một loạt ảnh cho thấy rất nhiều loại pháo đã được đốt trái phép, từ pháo nổ đến cả dàn pháo hoa cỡ lớn mà ống phóng không khác nào dàn hỏa tiễn. “Hầu như 100% pháo đều từ Trung Quốc đưa sang, chúng tôi thấy pháo đốt ở rất nhiều nơi, ở đầu cầu Phố Mới, ngay trung tâm TP.Lào Cai cũng có pháo hoa đốt trái phép. Xác pháo rải đầy các tuyến đường như Minh Khai, Nguyễn Viết Xuân, P.Phố Mới, TP.Lào Cai; ở H.Bảo Thắng tôi thấy một dàn pháo hoa cỡ lớn”, ông Triển nói.

Thu giữ nhiều loại pháo
Ngày 9.2, Công an H.Cẩm Giàng, Hải Dương đã bắt quả tang Đào Văn Thìn (23 tuổi), Nguyễn Văn Nghĩa (17 tuổi), đều ở xã Cẩm Đông, Cẩm Giàng vì hành vi sử dụng pháo nổ trái phép, thu giữ 16 quả pháo hình trụ. Cùng ngày, Công an TP.Hải Dương bắt Trần Trọng Cường và Nguyễn Đình Tuấn (cùng 17 tuổi và ngụ TP.Hải Dương) thu 17 quả pháo diêm, 20 quả pháo tép, 2 quả pháo trứng.
Lâm Nhật Hàn
Tình trạng đốt pháo đang tái diễn ở nhiều nơi và có xu hướng gia tăng cả về địa bàn lẫn mức độ vi phạm. Theo khảo sát của chúng tôi, trên đất Trung Quốc, ngay sát các cửa khẩu ở Móng Cái, Quảng Ninh và Lào Cai, Lạng Sơn, pháo được bày bán công khai. Anh Lê Văn Hùng, một người làm cửu vạn ở Móng Cái cho biết: “Giá pháo bên Trung Quốc có rất nhiều loại, có loại chỉ vài chục ngàn đồng Việt Nam nhưng cũng có loại không hề rẻ, tới 300.000 - 900.000 đồng/bánh, dài khoảng 1,2 m”. Tuy nhiên, khi mang về Việt Nam, giá một bánh pháo lên tới 1,2 - 1,5 thậm chí 2,5 triệu đồng, tùy loại. Chính vì buôn pháo siêu lợi nhuận nên nhiều người đi làm ăn ở Trung Quốc, khi quay trở lại quê nhà ăn tết đã mang theo pháo để đốt hoặc bán kiếm tiền đi đường. Thậm chí, theo phản ảnh của một số người làm nghề buôn bán biên mậu, nhiều doanh nhân Việt Nam buôn bán ở vùng biên còn sang Trung Quốc vừa tranh thủ đi chơi, vừa... đốt pháo rồi quay trở về.
Nếu không xử lý nghiêm trách nhiệm các địa phương theo đúng tinh thần công điện của Thủ tướng thì các năm sau, rất có thể tình trạng đốt pháo trái phép sẽ càng tràn lan.

Mất bàn tay vì pháo
Tại H.Thanh Hà (Hải Dương), anh Nguyễn Quang Chỉnh, 29 tuổi, ở thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc đã phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh do pháo nổ làm chấn thương vùng ngực, tràn máu màng phổi, dập nát bàn tay trái phải cắt bỏ các ngón tay (ảnh). Theo một lãnh đạo bệnh viện này, từ tối ngày 9 đến trưa ngày 10.2, có 5 trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì pháo nổ.
 Xác pháo đầy đường  4
Ảnh: Chính Nhân
Hải Đăng

Năm mới kể chuyện cũ - Cảm ơn "tổ chức Nhân dân"


Phương Bích - Lúc nhận quà, một vị sư nữ có lời cảm ơn “tổ chức nhân dân”! Chà! Cái từ nghe lạ tai quá. Từ thủa bé đến giờ, sống trong chế độ “xã hội chủ nghĩa”, quả là chưa từng nghe. Tôi nghe xôn xao ở một góc, thấy một người phụ nữ có lẽ không thuộc nhóm dân oan, cơ nhỡ ở đây đang lớn tiếng, bảo chị ta tưởng “nhà nước” tổ chức phát quà nên đến lĩnh! Ối giời! Tôi đã tưởng mình ngây ngô, vậy mà còn có người ngây ngô quá thể. Nhà nước nào mà quan tâm, lo lắng, lại nghĩ ra tiết mục phát quà cho dân oan cơ nhỡ thế?...


*

Có câu, lực bất tòng tâm! Với tôi, nó quá đúng trong chuyện làm từ thiện.

Từ thiện suông bằng mồm thì ai chả từ thiện được. Còn tôi thì thiếu cả hai thứ là thời gian lẫn tiền bạc thì từ thiện kiểu gì? Vì vậy tôi cứ thót hết cả tim mỗi khi có lời kêu gọi giúp đỡ ai đó, xấu hổ vì mình không tham gia được, nhưng thực sự trong lòng bứt rứt lắm. Hôm mấy người rủ nhau giúp bà con cơ nhỡ đang sống lay lắt ở vỉa hè, vườn hoa chút quà tết, tôi muốn tham gia mà ngại mình giúp người này, còn người khác thì sao? Vậy nên chỉ xin đóng góp chút đỉnh, còn đành từ chối không đi đưa quà, hay mua sắm, vì nỗi bận “bố mọn” như tôi vẫn thường nói đùa. 

Nói vậy chứ vẫn cứ cảm thấy không yên. Lên facebook, mỗi lần người ta trương lên những tấm ảnh dân oan mất nhà mất cửa, kéo nhau về Hà Hội khiếu kiện trong đói rét, vạ vật và cầu khẩn sự giúp đỡ của người Hà Nội là lại thấy vô cùng day dứt.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, không lẽ mình đành lòng làm ngơ? Còn đang dùng dằng thì một chị bảo tôi cố gắng tham gia đi đưa quà, chỉ cần chụp vài kiểu ảnh để cho những người có lòng hảo tâm đóng góp biết, tấm lòng của họ đã đến được tay những người cần giúp đỡ. Thấy có thể thu xếp được thời gian, tôi đồng ý tham gia. 

Hẹn nhau trưa 26 tết ở “vườn dân oan” Lý Tự Trọng. Tối 25 tết, nghe tin mấy cháu thanh niên đi giúp quần áo ấm và mỳ tôm cho bà con Đắk Nông, đang vạ vật cả tháng nay trên vỉa hè, trước cửa trụ sở tiếp dân ở số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông bị đánh, cướp đồ. Tin tức lan nhanh. Cư dân mạng nghiến răng chửi rủa. Không cần hỏi ai đánh, ai cướp, dường như mọi người đều đoán được cả. Sau đó cái đám cướp của, đánh người ấy lại tóm lấy hai đứa thanh niên lôi lên xe taxi, hệt như màn bắt cóc người ngay trước mắt bàn dân thiên hạ, chở tuột về... đồn công an!!! Vẫn còn may! Cứ tưởng bọn côn đồ nào đã ăn cướp đồ tiếp tế dân oan, lại còn bắt cóc người trái phép thế. Biết rõ công an bắt người rồi thì... “đả đảo công an phường Quang Trung bắt người trái phép”. Cứ thế hô cho đến khi thả người thì thôi.





Tôi biết cả hai cái đứa một nam, một nữ bị bắt về đồn. Nói không ngoa, cả hai đứa đều còi dí, không bõ ra tay, vậy kẻ vô lương tâm nào nỡ đánh chúng thế? Tôi còn nhớ hôm biểu tình ngày 5/8, khi biểu tình chưa kịp nổ ra thì một số người đã bị băng đỏ và công an bắt lên xe buýt, chở sang Lộc Hà. Hai “bé con” này là một trong những thanh niên còn lại trên Bờ Hồ, đã đơn độc cầm biểu ngữ tiếp tục cuộc biểu tình mà không cần “người nhớn”. Tuy chỉ đi thêm được vài trăm mét (đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) thì cũng bị bắt nốt sang Lộc Hà, nhưng hành động dũng cảm của những thanh niên dũng cảm này, vẫn khiến người lớn chúng tôi rất cảm phục và quý mến. Thậm chí lúc đó, tôi chỉ biết đến chúng qua những cái nick dễ thương trên facebook như Hư vô, Gió lang thang. 

Tâm sự của Gió Lang Thang trên facebook:

"Điều ám ảnh mình nhất sau lần bị bắt lần này nó thật dai dẳng. Giữa ngã tư đường lớn, đèn đỏ đang đừng lại. Đoàn xe dừng lại ngã tư. Một đám côn đồ lao vào vừa đánh vừa lôi 2 đứa gầy gò đang ôm lấy cái cột điện rồi ném lên xe taxi. Hàng trăm ánh mắt nhìn và rồ ga nhanh qua cái đèn đỏ.

Một xã hội được xây dựng bằng sự thờ ơ và vô cảm đến nghẹn lòng.

Quả thật, cảm ơn cuộc đời đã mang những bà cụ đáng kính; những người anh em thực sự đã đến với mình. Tiếng đòi người bên ngoài vang lên làm nghẹn đi và không kịp nói lời cảm ơn."

***
Thật hay là mọi việc làm của những người dù làm việc thiện, cũng đều được cái gọi là “an ninh” biết tuốt. Mọi người có cố giữ bí mật cốt chỉ để khỏi bị phá, chứ chẳng phải ăn trộm ăn cắp gì mà sợ. Tôi nhận lời tham gia vào phút chót, nên không biết được những khó khăn mà nhóm người thiện nguyện gặp phải. Như mọi người đã biết, chuyện bà con Văn Giang biết việc làm của nhóm thiện nguyện, đã tổ chức gói 100 cái bánh chưng để cùng tham gia, với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Theo kế hoạch thì nhóm thiện nguyện thuê một nhà hàng ở gần vườn dân oan để trao quà. Vào phút trót, nhà hàng từ chối. Lý do thì khá quen - có mùi “an ninh”!
An ninh thì mặc an ninh. Sợ là sợ cái bọn giả dạng côn đồ gây rối thôi. Nhưng mọi người bảo, giữa thanh thiên bạch nhật, lại ở gần toàn cơ quan cao cấp thế này (Văn phòng chính phủ, văn phòng trung ương đảng...), chắc chúng chả dám làm càn?
Tôi đến sớm nửa tiếng, gặp “đồng bọn” cười vui như tết và thấy vững tâm. Đương nhiên những bộ mặt dán nhãn “an ninh” rất dễ nhận ra, lượn lờ quanh đó khá đông. Khi được hỏi thăm, một bộ mặt có vẻ không vui, miễn cưỡng trả lời:
- Việc các chị các chị cứ làm thôi, còn việc chúng tôi ở đây là vì những lý do nhạy cảm, có yếu tố các thế lực thù địch lợi dụng... 

- Nhạy cảm hả? Muốn hết nhạy cảm dễ thôi. Chữa bệnh là phải biết bắt bệnh. Giải quyết tận gốc đi, thì sẽ chả còn ai điên gì mà vạ vật mưa nắng ở đây làm gì. Nhưng cái tôi muốn nói là các cậu ăn lương mà chả phải làm gì, chỉ nhởn nhơ, lượn lờ ở đây, trong khi chúng tôi bỏ cả công ăn việc làm để đến giúp những người gặp hoạn nạn... 

Vẫn biết là tranh luận với những người này thật vô ích, nhưng cái bệnh thấy chướng tai gia mắt thì cứ không nhịn được. Một chị đến trước bảo, khi bọn chị đến đây, “họ” quây” ghê lắm, muốn gây áp lực đấy. Nhưng cái trò đời, thấy đối phương đơn độc thì hay cậy đông bắt nạt, thấy có đông người thì chỉ lượn lờ vòng quanh, quay phim, chụp ảnh. Bà con dân oan cũng như những người làm thiện nguyện đều quen cái trò đó rồi, cứ việc ai người ấy làm thôi. 

Thôi thì trăm mảnh đời trăm câu chuyện, chẳng thể nghe hết được những tâm sự mà người trong cuộc khao khát muốn chia sẻ, tìm sự cảm thông. Lúc nhận quà, một vị sư nữ có lời cảm ơn “tổ chức nhân dân”! 

Chà! Cái từ nghe lạ tai quá. Từ thủa bé đến giờ, sống trong chế độ “xã hội chủ nghĩa”, quả là chưa từng nghe. Tôi nghe xôn xao ở một góc, thấy một người phụ nữ có lẽ không thuộc nhóm dân oan, cơ nhỡ ở đây đang lớn tiếng, bảo chị ta tưởng “nhà nước” tổ chức phát quà nên đến lĩnh!
Ối giời! Tôi đã tưởng mình ngây ngô, vậy mà còn có người ngây ngô quá thể. Nhà nước nào mà quan tâm, lo lắng, lại nghĩ ra tiết mục phát quà cho dân oan cơ nhỡ thế? 

Rời “vườn dân oan” Lý Tự Trong, nhóm thiện nguyện tiếp tục đi đến nơi bà con Đăk Nông bị côn đồ cướp quà từ thiện đêm hôm trước, ở số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Tôi chưa biết đường, vừa đi vừa hỏi dăm bảy lần, thấy lều lán chăng bên vỉa hè thì la lên: chắc đây rồi!
Tôi nghe kể về nỗi khổ cực của bà con Đắk Nông, đi khiếu kiện về việc bị cướp đất, phá nhà từ lâu, nhưng giờ mới tận mắt chứng kiến cảnh vạ vật của họ. Thiết nghĩ nhìn hình ảnh đủ thấy cuộc sống của bà con khổ thế nào, nên tôi chả cần phải kể lại làm gì. Nhóm thiện nguyện biếu bà con mỳ tôm, bánh chưng để ăn tết. Thấy bà con vui và cảm động, chúng tôi cũng thấy thanh thản phần nào.
Đang ngồi nghỉ thì thấy hai cái xe khách đường dài, đỗ lại trước mấy cái lều của bà con. Mọi người ồ lên, tưởng sẽ có màn hốt bà con lên đem về quê nên nán lại xem binh tình thế nào.
Nhưng qua tìm hiểu, mới biết rằng cũng có chủ trương cả đấy. Huyện nào có dân oan đi khiếu kiện thì huyện đó đi mà lo hốt dân về, muốn làm cách nào thì làm. Trước đây cũng có lần đưa được bà con về rồi, nhưng mọi việc đâu vẫn hoàn đấy, chả giải quyết được gì nên bà con lại kéo nhau ra. Lần này nghe chừng bà con có vẻ kiên quyết bám trụ hơn. Yêu cầu tỉnh phải đưa ra văn bản cam kết hẳn hoi, rằng sẽ giải quyết các kiến nghị của bà con thì bà con mới về. 

Thấy hai chiếc xe loay hoay tìm đường bò vào trong sân trụ sở tiếp dân, tôi đoán chừng còn lâu mới giải quyết xong cái cam kết ấy nếu có. Thế nên chúng tôi lần lượt chào nhau ra về, chỉ còn lại cụ bà Lê Hiền Đức kiên quyết ngồi lại, chờ xem họ giải quyết cho dân thế nào rồi mới về.
Ngày tết bận bù đầu tối mắt. Hôm nay kể lại chuyện này mới sực nhớ, không biết hôm đó bà con thế nào, bèn gọi điện cho cụ Đức. Nghe cụ kể dài quá, cụ bảo cứ lên mạng đọc thì biết, nên tôi dẫn cái link ra đây để mọi người đọc – đọc xong thấy buồn quá. 

Chùm ảnh Lá rách ít đùm lá rách nhiều 

Thời trang dân oan 

Thời trang dân oan 

Thời trang dân oan 


Dân oan Yên Mỹ hợp lực cùng bà con Hà Nội 

Mừng xuân mới đây ư? 

Nơi dân oan trú ngụ trước cửa trụ sở tiếp dân hàng tháng trời nay ở Thủ đô ta - nơi được mệnh danh là thành phố hòa bình đây 

Thấy bà con cứ lom khom chui ra chui vô từ chỗ này đây. Trông khác gì ổ chó nhà chị Dậu 

Dân oan Đắk Nông sống ở vỉa hè trước cửa trụ sở tiếp dân số 1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông 





2 xe của tỉnh Đắk Nông ra với mục đích đưa bà con về quê. Nhưng nhà còn đâu mà về. Bà con yêu cầu phải có giấy cam kết giải quyết kiến nghị của bà con rồi mới về. Không biết liệu họ có cam kết với bà con không

Bữa sáng mùng một Tết của dân oan vườn hoa Lý Tự Trọng

Đêm qua, sau khi làm lễ Giao thừa ngoài trời và trong nhà xong thi lên fb đọc được mấy dòng của một người người bạn:

"Tối ba mươi, tại vườn hoa Lý Tự Trọng còn 19 dân oan vẫn bám trụ (tính đến lúc về là 20 giờ). Bạt dứa phủ lều đã bị chúng giật mang đi. Trời lạnh buốt."

Xót thương những người dân đó quá chừng.

Nhớ những chiếc lều của bà con tối 28/1/2013 khi chúng tôi đến thăm.