THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 December 2013

SAIGON XUẤT BẢN SÁCH VIẾT VỀ TRƯỜNG PETRUS KÝ

SÀI GÒN (NV) Lần đầu tiên tại Sài Gòn, một cuốn sách mang tựa đề “Mùa hè năm Petrus” được phát hành rộng rãi, nói về ngôi trường nam trung học lớn nhất Sài Gòn trước năm 1975: Petrus Ký.
Tác giả cuốn sách là cựu chủ biên báo Tuổi Trẻ Cười, ông Lê Văn Nghĩa, viết rằng “thời gian học ở trường Petrus Ký, từ năm 1965 đến năm 1972 là quãng đời đẹp nhất” của ông.



Bìa sách “Mùa hè năm Petrus” của tác giả Lê Văn Nghĩa phát hành tại Sài Gòn. (Hình: báo Tiền Phong)

Theo báo Tiền Phong, tác giả khẳng định lòng tôn thờ tuyệt đối ngôi trường hàng đầu đất Nam Kỳ, nơi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Vì vậy mà ông đặt tựa cho cuốn sách của mình: “Mùa hè năm Petrus.”
Có dư luận cho rằng cuốn sách khẳng định tên tuổi trường Petrus Ký trong giai đoạn hiện nay được xem là “hiện tượng mới” tại Sài Gòn. Ngôi trường này đã được nhà cầm quyền cộng sản đổi tên và cho nữ sinh vào học chung với nam sinh từ sau năm 1975.

Chủ trương kỳ quặc nói trên đã từng gây nhiều hệ lụy cho những người dạy hoặc đã từng học tại các trường trung học, đặc biệt là hai trường lớn là nữ trung học Gia Long và trường Petrus Ký dành cho nam sinh.
Khoảng năm 1997, tại Sài Gòn từng nổi lên phong trào đòi trả lại tên trường Gia Long và Petrus Ký, và đòi phục hồi trường nam-nữ học riêng tại hai trường này. Tuy nhiên, sự bảo thủ và với sách lược kỳ quặc của mình, nhà cầm quyền đã không quan tâm, cũng không đoái hoài đến nguyện vọng của các cựu giáo chức, cựu học sinh từng dạy và học ở hai ngôi trường này.

Nhiều sự kiện diễn ra tại Sài Gòn và tại Úc Châu mới đây nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường nữ trung học Gia Long cũng gây xôn xao dư luận.

Tại Úc Châu, các cựu nữ sinh Gia Long quyết liệt không thu nhận các cựu học sinh ra trường từ năm 1981 trở đi gia nhập hội hoặc tham dự các kỳ đại hội học sinh Gia Long thế giới.
Sự chia rẽ trong hàng ngũ giáo sư và cựu học sinh ngôi trường mang tên Gia Long, nay đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai, xem ra ngày càng trầm trọng. Ðiều này cho thấy, chính sách “chia để trị” của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đắc dụng thấy rõ.

Từ những sự kiện trên, sự xuất hiện của cuốn sách “Mùa hè năm Petrus” của tác giả Lê Văn Nghĩa trở thành một hiện tượng văn nghệ độc đáo, đầu tiên tại Sài Gòn từ sau năm 1975 cho đến nay. (PL)