THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 December 2013

LÃI GẤP 3 LẦN KHI BUÔN XE BMW TỪ MỸ

SỐNG MỚI-05/12/2013  -Các công tố viên liên bang Mỹ đang tiến hành thu giữ nhiều xe và tiền liên quan đến hoạt động mua các xe BMW đắt tiền để xuất khẩu sang Trung Quốc, nơi chúng có thể được bán với giá cao gấp 3 lần.



Ở Mỹ đang xảy ra một câu chuyện khá buồn cười, đó là 2 vợ chồng gốc Hoa chuẩn bị ra tòa và đang bị phong tỏa tài sản chỉ vì tội mua xe hiệu BMW rồi bán sang Trung Quốc với giá gấp ba.
 
Câu chuyện thoạt nghe vô lý, vì vợ chồng Erxin Zhou và Yifan Kong mua lại xe từ những người sử dụng BMW một cách công khai, rồi xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đầy đủ giấy tờ. Năm ngoái, vợ chồng này đã mua 2.000 xe mua với trị giá 80 triệu USD, tức là khi bán ra có giá hơn 200 triệu USD ở Trung Quốc, và dự kiến năm nay đạt mức 3.000 xe.
 
Theo luật sư biện hộ Ely Goldin, có khoảng 35 nghìn xe được coi là hạng sang được mua ở các đại lý Mỹ rồi bán ra nước ngoài mỗi năm. Goldin cảnh báo rằng việc khách hàng của mình làm là hoàn toàn hợp pháp, và không nên hình sự hóa một tranh chấp dân sự đơn thuần giữa những công ty xuất khẩu xe hơi với các nhà sản xuất.
 
Tại sao các nhà sản xuất ôtô như BMW lại cảm thấy phiền lòng khi mà xe của họ bán chạy? Theo họ, các quy định không xuất khẩu xe là cần thiết để đảm bảo rằng mỗi chiếc xe được bán với trang bị phù hợp và tương thích với các tiêu chuẩn ở từng thị trường. Nhưng còn một điểm quan trọng khác, đó là các nhà sản xuất tuyên bố có quyền định giá khác nhau tại các thị trường khác nhau. Ví dụ, giá niêm yết của một chiếc BMW X5 xDrive35i tại Mỹ là 56.025 USD, nhưng tại Trung Quốc là 153.176 USD, đắt gấp 3 lần.
 
“Việc xuất khẩu xe không kiểm soát được ảnh hưởng đến chiến lược định giá cũng như kế hoạch sản phẩm của chúng tôi tại Mỹ, cũng như các thị trường khác trên thế giới”, một phát ngôn viên của Mercedes-Benz Mỹ nói với tờ Wall Street. Còn đại diện BMW Mỹ cho biết đang “làm việc chặt chẽ” với các đại lý chính hãng để ngăn chặn cái mà họ gọi là xuất khẩu bất hợp pháp các loại xe của hãng với hình thức tinh vi và trắng trợn.
 
Một trong những biện pháp là lập ra “danh sách đen” các công ty bị nghi ngờ xuất khẩu xe mà họ gọi là gian lận để cấm các đại lý tiến hành giao dịch. Tuy nhiên, khoản chênh lệch tới cả trăm nghìn USD mỗi xe còn hấp dẫn hơn cả buôn ma túy, trong khi nguy hiểm lại chẳng có mấy.
 
Theo hồ sơ của các công tố viên tiến hành vụ việc, các công ty xuất khẩu ôtô ở Mỹ thuê người đứng ra mua xe, sau đó bán lại xe này sang Trung Quốc. Tại sao việc này bị coi là bất hợp pháp? Chỉ bởi trong hợp đồng mua xe có điều khoản cam kết khách hàng sẽ không xuất khẩu chiếc xe, trong một thời gian nhất định.
 
Các công tố viên giải thích rằng nhiều người sẵn lòng ký giấy mặc dù biết những chiếc xe sẽ được xuất khẩu ngay lập tức. Và như vậy, giao dịch trở nên gian lận một khi người mua lừa dối đại lý về ý định mua xe, cũng như lừa dối các công ty bảo hiểm.
 
Tuy nhiên, những luật sư bào chữa có quan điểm khác. Goldin đặt câu hỏi: “Tại sao một người mua một chiếc xe hơi lại bị cấm xuất khẩu sau khi trả rất nhiều tiền cho nó? Nếu có một cơ hội kiếm tiền từ sự chênh lệch giá, bất kỳ ai cũng sẽ tận dụng và chẳng có gì sai ở đây cả. Người ta gọi đó là chủ nghĩa tư bản”.
 
Đại lý chính hãng còn kiếm “ác hơn
 
Mánh khóe kiếm tiền từ việc bán xe không dừng lại ở câu chuyện pháp luật thú vị mà tờ Wall Street mô tả. Xe được xuất sang Trung Quốc hay Việt Nam còn được làm giả mạo giấy tờ, quay đồng hồ, hối lộ ở nhân viên hải quan v.v., nghĩa là mọi mánh khóe có thể, để làm sao hợp thức hóa, được áp giá thấp và qua đó bán rẻ hơn xe chính hãng. Nhưng ít nhất, việc này còn khiến một số người được mua xe giá rẻ.
 
Những nhà phân phối chính hãng cũng chẳng hề kém cạnh về chiêu trò làm giá. Các nhà phân phối này còn thường xuyên bóc mẽ các công ty nhập khẩu xe không chính hãng, lobby chính sách để làm sao tạo cho mình vị thế duy nhất, độc quyền. Lúc đó, việc đặt giá hoàn toàn trong tay họ và khách hàng phải mua xe với giá cắt cổ.
 
Đấy là lý do vì sao mà Trung Quốc đang mở cuộc tấn công vào các hãng xe nước ngoài. Báo chí đồng loạt cáo buộc nhiều nhà sản xuất nước ngoài ấn định giá để thu về những khoản lợi nhuận kếch xù tại Trung Quốc, còn cơ quan chức năng cho biết có kế hoạch rà soát lại các quy định liên quan đến việc bán ôtô tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
 
Một trong những sửa đổi đang được cân nhắc là việc hạn chế các hãng ôtô yêu cầu tiền đặt cọc từ các đại lý. Cũng theo quy định hiện tại (được đưa ra từ năm 2005), các đại lý sẽ không được bán xe mới trừ khi được sự cho phép của nhà sản xuất.
 
Câu chuyện giá xe đắt gấp ba và các thủ thuật tương tự cũng xảy ra ở Việt Nam. Thậm chí, việc kinh doanh của các hãng xe nước ngoài còn được bảo hộ bởi Thông tư 20, cấm các công ty bán xe nhập khẩu nếu không có giấy ủy quyền chính hãng. Kết quả là thị trường bị thu hẹp do xe nhập giá đắt trong khi xe lắp ráp cũng nương theo đó mà không chịu hạ xuống, tranh thủ tận thu trước khi thời hạn gia nhập AFTA đến vào năm 2018.