THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 November 2013

Trung Quốc đổi sách lược trên Biển Đông?!

ĐẤT VIỆT -  Nguyên tắc chiến lược về tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi: Đó là, Trung Quốc chỉ tiến hành đàm phán song phương và kiên quyết phản đối quốc tế hóa Biển Đông.


Tuy nhiên, từ giữa năm 2013 lại đây, giới quan sát đã nhận thấy ứng xử của Trung Quốc đối với các nước trong khối ASEAN thông qua các chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc hết sức là nhã nhặn giống như thời gian từ năm 2005 về trước.


Những hứa hẹn như đàm phán về COC do ASEAN đề xuất, giao kết đối tác…đã làm cho ASEAN có vẻ như an tâm, bớt đi sự lo ngại phần nào. Điều gì đã khiến cho sách lược của Trung Quốc phải thay đổi?

Sách lược “chia để trị” của Trung Quốc

Sách lược “chia để trị”, trong quân sự, được coi như là chiến thuật chia cắt, cô lập, bao vây tiêu diệt quân địch, rất lợi hại mà có điều kiện thì nhà quân sự nào cũng luôn nghĩ đến và nếu như khi một lực lượng lớn của địch bị chia cắt, cô lập, bao vây từng bộ phận thì thắng lợi chỉ là vấn đề thời gian.

Trong cuộc chiến địa chính trị, chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực để dễ bề lôi kéo quốc gia nào đó theo mình hoặc ít nhất không để họ theo quốc gia khác chống lại mình là không hiếm và được gọi là “đục nước thả câu”.

Mức độ nghiêm trọng hơn khi ở trong một khu vực chỉ tồn tại những quốc gia nhỏ yếu như tổ chức ASEAN chẳng hạn thì nước lớn sẽ thực hiện sách lược mang tính cường quyền, áp đặt hơn, đó là “chia để trị”.
Thực chất, “chia để trị” là một biện pháp cô lập các nước trong khối ASEAN, cô lập ASEAN với bên ngoài, lợi dụng ưu thế sức mạnh quân sự, kinh tế của mình gây sức ép, mua chuộc, khống chế, đe dọa để buộc đối tác phải thần phục, lệ thuộc…Đó là cách để “bẻ gãy một bó đũa bằng từng chiếc đũa một” mà Trung Quốc đã từng tiến hành trong các hoạt động tranh chấp với các quốc gia trên Biển Đông thời gian vừa qua.

Tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với 5 quốc gia trong khối ASEAN diễn ra căng thẳng bắt đầu từ năm 2010 khi tham vọng chiếm trọng Biển Đông của Trung Quốc đã thành hành động, trong đó nóng nhất là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Trung Quốc với Philippines.

Là tranh chấp nhưng Trung Quốc luôn giữ quan điểm chỉ đàm phán song phương và kiên quyết không quốc tế hóa Biển Đông. Nghĩa là tranh chấp với nước nào thì nước đó đàm phán riêng với Trung Quốc dù cho khu vực tranh chấp đó liên quan đến nhiều nước và liên quan đến an ninh hàng hải của quốc tế. Đương nhiên, quan điểm này không phù hợp với quan điểm của ASEAN là những vấn đề tranh chấp nào chung thì phải đàm phán đa phương.
Những tuyên bố hung hăng đe dọa sử dụng vũ lực; những hành động cậy mạnh bất chấp, ngang ngược; những hành động phô trương sức mạnh, tăng cường sức mạnh vượt ra ngoài phòng thủ…đã có tác dụng.

 ASEAN tuy là những quốc gia nhỏ nhưng đều có vị trí địa chính trị rất quan trọng không những với Trung Quốc mà còn với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga
ASEAN tuy là những quốc gia nhỏ nhưng đều có vị trí địa chính trị rất quan trọng không những với Trung Quốc mà còn với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga
Tác dụng ngược của sách lược “chia để trị”

Thực ra, cơ cấu tổ chức, thành phần như của ASEAN, sự liên kết, ràng buộc nhau trong khối ASEAN không như EU… thì với khả năng kinh tế, quân sự của mình, Trung Quốc gây chia rẽ, phá sự đoàn kết trong khối ASEAN, mua chuộc một quốc gia nào đó trong khối, phá vỡ nguyên tắc đồng thuận là không mấy khó khăn. Nghĩa là “chia” ASEAN thì nằm trong tầm tay của Trung Quốc.
Vấn đề là “chia” để “trị” (đương nhiên là vậy) nhưng có “trị” được không mới là điều quyết định thành bại của chiến lược.

Chia rẽ ASEAN, cùng với đó, là sự hung hăng, động thái quyết đoán đầy cơ bắp của Trung Quốc trên Biển Đông khiến ASEAN toán loạn, lo ngại và tìm cách đối phó.
Trong bối cảnh Mỹ đã quay trở lại Châu Á-TBD đang ráo riết tiến hành một cuộc chiến địa chính trị với Trung Quốc mà tâm điểm là ASEAN…thì có thể nói rằng, Trung Quốc đã quá nóng vội, chủ quan, nên đã mắc phải một sai lầm lớn trong sách lược “chia để trị”, đó là “chia” thì được, nhưng không cô lập, bao vây được nên không bao giờ “trị” được, thậm chí lại bị cô lập, bao vây.

Tại sao ư? ASEAN là một khối “thống nhất trong đa dạng”, nếu khi không thống nhất, bị chia rẻ, thì lập tức mang tính “đa dạng”. Đa dạng trong đối nội, trong đối ngoại về kinh tế cũng như quốc phòng…rất khó lường là tất yếu.

Việt Nam, Indonesia, Malaysia tăng cường tiềm lực quốc phòng, Philippines củng cố liên minh quân sự với Mỹ và đe khi cần thiết mời Mỹ trở lại căn cứ Subic, còn Singapore đã cho phép hạm đội Mỹ luân phiên thường trực tại cảng nước mình…

Trung Quốc không đủ khả năng để cô lập Philippines, ngăn chặn Hàn Quốc bán máy bay cho Philippines, không đủ khả năng ngăn chặn Nga xuất vũ khí sang các nước ASEAN, ngăn chặn Nhật Bản hợp tác an ninh biển với ASEAN…
Về kinh tế Trung Quốc cũng không thể ngăn cản được TTP mà Mỹ đang triển khai ở Châu Á-TBD mà Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei tham gia…
Tất cả đơn giản là vì Mỹ, Nga, Hàn quốc và Nhật Bản không giống Campuchia.

Tháng 7/2012, dưới thời Campuchia làm chủ tịch, ASEAN sau 45 năm tồn tại không ra được một tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao là biểu hiện cao nhất sự thành công của Trung Quốc khi “chia” ASEAN.
Tuy nhiên, nếu như coi cuộc chiến địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ như một trận đấu bóng đá đỉnh cao thì hành động trên như là một cú tắc bóng mang tính bản năng, “vô thưởng vô phạt” khiến cho Trung Quốc bị dính thẻ đỏ, tạo lợi thế cho Mỹ.
Lợi thế của Trung Quốc với ASEAN trước đây so với Mỹ là rất lớn, bởi do Mỹ bỏ quên ASEAN khi vướng bận vào Trung Đông, Apganistan…trong khi Trung Quốc đang trong thời kỳ “giấu mình chờ thời”, tập trung phát triển kinh tế trong hòa bình nên đã ít nhiều tạo ra được lòng tin nhất định.

Nhưng khi không cần “giấu mình chờ thời” nữa, với bản chất cậy mạnh, bá quyền nước lớn thì Trung Quốc “đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền” với ASEAN…Đó là những cách nhanh nhất để Trung Quốc đã đánh mất lợi thế lớn.

Tương lai của Châu Á-TBD sẽ được tạo dựng bởi sự tương tác của tất cả các quốc gia trong khu vực và cả thế giới, nhất là 2 nước lớn Trung Quốc và Mỹ, trong đó chắc chắn không thể thiếu vai trò của ASEAN.
Quốc gia nào muốn nắm tương lai Châu Á-TBD thì phải nắm ASEAN. Cậy mạnh về kinh tế, quân sự để lũng đoạn, phá vỡ ASEAN, một tổ chức “thống nhất trong đa dạng” là một sai lầm có tính quyết định sự thất bại của chiến lược.

Trước sự trở lại của Mỹ tại Châu Á-TBD, đặc biệt nổi lên một nhân tố đáng gờm Nhật Bản, ĐNA trở thành tâm điểm của cuộc chiến địa chính trị một bên là Trung Quốc bên kia là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…thì cách hành xử như trước đây của Trung Quốc cũng có nghĩa là cách đánh mất ASEAN.
Thiếu tôn trọng ASEAN là sai lầm mang tầm chiến lược.

Việc Trung Quốc chấp nhận đàm phán với ASEAN về COC dù là hứa hẹn cũng là một dấu hiệu tôn trọng cần thiết với ASEAN, việc Thủ tướng, Chủ tịch Trung Quốc đi thăm một số nước trong ASEAN nâng cấp đối tác chiến lược…là lấy lại lòng tin với nhau.
Có đúng không nếu như cho rằng Trung Quốc đang sửa sai?

Lê Ngọc Thống