THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 November 2013

Thuỷ điện tiếp tục xả lũ: Miền Trung – Tây Nguyên thêm ngập nặng!

Do mưa lớn trên diện rộng kéo dài những ngày qua nên nguy cơ mất an toàn hồ đập ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên hiện rất cao. Đặc biệt, tình trạng xã lũ của các hồ thuỷ điện trong khu vực khiến tình trạng ngập lụt ở vùng hạ du càng thêm nặng nề!
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban Thường trực Ban chỉ huy PCLB – TKCN TP Đà Nẵng, với đặc thù địa hình dốc, lưu vực sông hẹp nên khi có mưa lớn thì nước đổ về rất mạnh khiến các hồ chứa thuỷ lợi và thuỷ điện trong khu vực rất nhanh đầy. Bên cạnh các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập thì hoạt động xả lũ của các hồ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ du! 
Thuỷ điện ĐăkMi 4 xả tràn về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 3.000 – 4.500m3/s từ ngày 15/11 khiến tình trạng ngập lũ ở Đà Nẵng, Đại Lộc thêm nặng nề! (Ảnh: HC)
Báo cáo ngày 16/11 của Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên cho hay, hiện dung tích các hồ chứa thuỷ lợi vừa và lớn ở các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam phổ biến đạt khoảng 85% so với thiết kế; các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận đang tích nước từ 60 - 80% so với thiết kế.
Đặc biệt, hiện có 12/44 hồ chứa thuỷ lợi trong khu vực đã đầy và qua tràn, gồm Tiên Lang, Vực Nồi, Minh Cầm (Quảng Bình); Nghĩa Hy (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế); Hòa Trung (Đà Nẵng); Khe Tân, Thạch Bàn, Phước Hà, Hố Giang (Quảng Nam) và Tân Giang (Ninh Thuận).
Dung tích các hồ chứa thuỷ lợi vừa và lớn các tỉnh Tây Nguyên (từ Kon Tum đến Đắk Nông) cũng đang ở mức cao, nhiều hồ đã đầy nước. Hiện có 10/15 hồ lớn đã đầy và qua tràn, gồm Đăk Yên, Đăk Uy (Kon Tum); Biển Hồ, Ayun Hạ, Ia Glai, Hoàng Ân, Tân Sơn (Gia Lai); Buôn Yong, Ea Kao (Đăk Lăk); Đăk Săk (Đăk Nông).
Trong khi đó, lúc 6h sáng 17/11, đã có 15 hồ thủy điện ở các tỉnh trong khu vực tiến hành xả tràn. Trong đó có 9 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400m3/s là Bình Điền: 654m3/s; Hương Điền: 636m3/s; Sông Tranh 2: 2.352m3/s; Sông Ba Hạ: 2.400m3/s; Ya Ly: 2.000m3/s; PlaiKrông: 602m3/s; Sê San 3: 1.920m3/s; Sê San 4: 2.356m3/s; Sê San 4A: 2.472m3/s.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Gia Lai, mưa lớn cộng với việc thuỷ điện An Khê KaNăk xả lũ với lưu lượng 2.400m3/s đã làm mực nước sông Ba lên cao, gây lũ lụt trên diện rộng, làm ngập nhiều xã ở các huyện phía Đông Nam tỉnh và ngập cục bộ thị xã An Khê. Tính đến thời điểm này đã có 2 người bị thiệt mạng, hàng trăm ha hoa màu cùng nhiều nhà cửa, tài sản của người dân bị nhấn chìm sâu trong biển nước. Cầu Sông Ba bị ngập sâu gần 1m trong suốt 4 giờ liền đã khiến giao thông từ Gia Lai xuống Bình Định và ngược lại bị ách tắc hoàn toàn.
Tại Quảng Nam, thuỷ điện Sông Tranh 2 cũng đã xả tràn với lưu lượng 2.352m3/s. Đến trưa 11/7, việc các thuỷ điện xả lũ cộng với lượng mưa chưa có dấu hiệu ngớt đã khiến mực nước sông Thu Bồn tại Ái Nghĩa vẫn còn trên báo động 3. Nhiều địa bàn của huyện Đại Lộc đang bị cô lập hoàn toàn từ chiều tối 16/11 đến nay. Toàn huyện này đã sơ tán hơn 1.200 hộ với gần 4.000 người. Tuy nhiên việc chống lũ của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi các hồ thuỷ điện ở phía thượng nguồn vẫn tiếp tục xả lũ.
Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) cho hay, 3 thôn Phú Mỹ, Phú Quý và Đức Phú của xã này bị ngập lụt nặng, trong đó thôn Phú Mỹ đã bị ngập hoàn toàn từ hôm qua đến nay. Chính quyền địa phương đã phải di dời hơn 100 hộ dân đến nơi an toàn và thông báo cho người dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm để ứng phó với tình trạng ngập lũ có thể kéo dài trong vài ngày đến.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban thường trực Ban chỉ huy PCLB – TKCN Đà Nẵng cũng rất lo lắng do các thuỷ điện trên thượng nguồn sông Vu Gia đang xả tràn. Theo thông báo của Ban quản lý dự án thuỷ điện Đăk Mi 4 thì từ 13h30 ngày 15/11, thuỷ điện này xả tràn về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng từ 3.000 – 4.500m3/s. Còn Công ty cổ phần thuỷ điện A Vương thì thông báo xả tràn và chạy máy với lưu lượng từ 286m3/s kể từ 7h ngày 16/11.
Cũng từ 7h sáng 16/11, mức nước tại hai hồ chứa thuỷ lợi lớn của Đà Nẵng là Hoà Trung và Đồng Nghệ đã lên rất cao. Mực nước hồ Đồng Nghệ 34,10m, trên mức nước dâng bình thường 0,9m; hồ Hoà Trung 42,30m, trên mức nước dâng bình thường 1,30m. Dự báo chiều 16/11, lũ vùng hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn còn tiếp tục lên nên mực nước các hồ này sẽ còn lên hơn nữa.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết, Ban chỉ huy PCLB – TKCN Đà Nẵng đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Đà Nẵng và các địa phương quản lý các hồ chứa nước thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, vận hành theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn công trình.