THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 November 2013

Siêu bão Haiyan có khả năng đổi hướng nguy hiểm


Thứ Bảy, 09/11/2013 08:59

(NLĐO)- Sau khi đổ bộ vào đất liền nước ta, siêu bão Haiyan lại có có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, quét dọc các tỉnh miền Trung lên khu vực đồng bằng sông Hồng.



Bão Haiyan có khả năng quét dọc các tỉnh miền Trung rồi đổi hướng vào khu vực đồng bằng sông Hồng - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
 
Theo tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sau khi đi vào Biển Đông, siêu bão Haiyan (Hải Yến, bão số 14) đã di chuyển nhanh với tốc độ 30 km/giờ và sức gió giật lên tới cấp 17, đang tiến tới áp sát bờ biển nước ta.
 
Cơn bão Haiyan được coi là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ngành khí tượng thủy văn thế giới cũng như Việt Nam.
 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14 (bão Haiyan, tức Hải Yến), ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió giật mạnh cấp 7, ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió giật mạnh cấp 8, ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa), có gió giật mạnh cấp 10, cấp 11.
 
Hồi 19 giờ ngày 911, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách đảo quần đảo Hoàng Sa khoảng 290 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
 
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30 km.
 
Đến 19 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.
 
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km.
 
Đến 7 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
 
Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
 
Đến 19 giờ ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.
 
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
 
Ảnh chụp mây vệ tinh chiều nay 9-11 cho thấy bão Haiyan đang áp sát các tỉnh miền Trung nước ta - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
 
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
 
Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ đêm nay (9-11) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.
 
Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10-11) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay (9-11) các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15.
 
Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10-11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 - 9.
 
Từ đêm nay (9-11) ở khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to.
 
Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3 - 5,5 m. Sóng biển 3 - 6m, vùng gần tâm bão 8 - 10 m.
 
Một cảnh tàn phá của siêu bão Haiyan tại Philippines, nơi mà các quan chức chính phủ nước này cho biết ít nhất 100 người đã thiệt mạng trong siêu bão này
 
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ về phòng chống siêu bão Haiyan chiều ngày 8-11 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng sau khi nhấn mạnh tới sức tàn phá khủng khiếp của những siêu bão như Haiyan đã cảnh báo khu vực ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-6 m, sóng biển từ 5-8 m, vùng gần tâm bão sóng có thể cao gần 10 m. Lượng mưa ở các tỉnh Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên, Bắc Bộ từ 200 mm, một số nơi lượng mưa đạt từ 500-600 mm.
 
“Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra ở nước ta. Trong trường hợp này, cần phải xem xét công bố tình trạng khẩn cấp ở những nơi bão vào” - ông Bùi Minh Tăng đề xuất.
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương (ban chỉ đạo), lo lắng: “Giật cấp 17 là hết sức khủng khiếp. Các cột điện, cột phát sóng phát thanh truyền hình, cột phát sóng di động có nguy cơ sụp đổ rất cao nên phải sơ tán dân triệt để trước 19 giờ ngày 9-11 đối với toàn bộ trẻ em, phụ nữ, người già; đến nửa đêm 9-11, toàn bộ dân phải sơ tán”.
 
Kết luận cuộc họp trực tuyến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Sức tàn phá của bão Haiyan rất nặng nề, do vậy phòng tránh bão là nhiệm vụ số một của cả hệ thống chính trị. Quan trọng nhất là tính mạng của người dân và trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với dân là vào lúc này. “Lãnh đạo, tỉnh uỷ chịu trách nhiệm trước trung ương trong bảo vệ người dân. Tập trung, nỗ lực ở mức cao nhất, giải pháp nào tốt nhất phải cố gắng thực hiện” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh dừng mọi cuộc họp, các hoạt động khác để ứng phó với bão. Các tỉnh, thành phải bám sát chỉ đạo trung ương để chỉ đạo, thực hiện biện pháp phòng, chống bão.
 
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát vào miền Trung phân công lập Ban Chỉ huy tiền phương.
 
 
Hà Thành