THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 November 2013

Nhiều “chiêu” lách nghĩa vụ quân sự



Mỗi năm có hai đợt tuyển quân, phải chi cho phường đội 8 triệu đồng/lần để "lo" cho con khỏi đi nghĩa vụ.
Như vậy ngân sách không thu được tiền mà tiền lại rơi vào túi cá nhân.
Nhiều ý kiến trong giới nhà giàu đồng tình đóng tiền, và chấp nhận đóng nhiều tiền, để con em mình khỏi đi nghĩa vụ, tăng thu cho ngân sách.
Nhằm có một cái nhìn đa chiều về đề xuất thu tiền để khỏi đi nghĩa vụ, phóng viên đã tìm gặp giới nhà giàu nhằm lắng nghe quan điểm của họ về chuyện này.
Một giám đốc công ty du lịch có hai con trai đang du học ở Mỹ cho biết mỗi năm ông tốn khoảng 2 tỉ đồng cho hai người con này. “Tiền ăn học, thuê nhà, sách vở, đi lại… mỗi năm ngốn hết của tôi 1 tỉ đồng/cháu. Hai cháu tốn hết 2 tỉ đồng/năm. Như vậy bốn năm đại học, hai “ông nghiện” đốt hết của tôi 8 tỉ đồng".
Hàng năm, rất nhiều thanh niên chấp hành nghiêm túc việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với đất nước. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Chưa hết, vì hai con trai của ông đang trong độ tuổi gọi nghĩa vụ quân sự (18-25 tuổi) nên hàng năm, phường đội đều có “trát” gọi hai lần vào tháng 1 và tháng 8. “Mỗi lần như vậy, tôi phải đem visa, giấy xác nhận đang học ở Mỹ… của các cháu lên phường đội để “trình diện” nhằm chứng minh các cháu không trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Mà nào đã yên, cứ mỗi kỳ nghỉ tết, nghỉ hè… hai cháu về nhà chơi, cũng là thời điểm nhận giấy báo đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự gửi về tận nhà. Thấy “rách việc” quá, tôi lên gặp phường đội trưởng thì được vị này tư vấn cách “lách”. Đó là cứ nói hai cháu nhận giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự trễ, lại đang đi chơi hoặc thăm ông bà ở quê… nên không đi khám sức khỏe được. Mà không đi khám thì làm sao trúng tuyển, cho nên lần nào cũng… thoát”, vị giám đốc tâm sự.
Một vị nhà giàu khác chỉ thêm chiêu khác. Đó là cứ đi khám sức khỏe bình thường, nhận giấy báo trúng tuyển bình thường, nhập ngũ bình thường rồi… một tuần sau loại ngũ. “Lúc đó anh cứ yên tâm đi làm nhưng phụ cấp, tiền ăn… của anh thì lãnh đạo đơn vị nhận. Cái đó gọi là đôi bên cùng có lợi”, ông này chỉ điểm.
Cao thủ hơn, theo quy định, hai tháng quân trường, anh sẽ không được quyền ra khỏi đơn vị và không được về thăm nhà. “Trên thực tế, hàng tuần tôi vẫn về thăm nhà, thăm người yêu… bình thường. Chỉ cần lúc lên “biết điều” với lãnh đạo đơn vị, thế là xong. Thậm chí nhiều bạn tôi “chung chi” đẹp còn được ở hẳn nhà, đi làm kiếm tiền, chẳng cần phải có mặt trong đơn vị mà vẫn có tên trong danh sách”, một người từng đi lính tâm sự.
Phổ biến hơn là chạy tiền để bộ phận khám sức khỏe ghi kết quả khám sai lệch so với thực tế. Chẳng hạn như ghi tăng độ cận thị, nghiện ma túy, xăm mình hình quái thú... để đối tượng được xếp vào diện không đủ sức khỏe nhập ngũ trong đợt đó hoặc năm đó.
Tiêu chuẩn nhập ngũ trong thời bình
Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1994, năm 2005 và Thông tư số 167/2010/TT-BQP ngày 19.11.2010 của Bộ Quốc phòng về tuyển chọn và gọi công dân dân nhập ngũ hàng năm, công dân muốn nhập ngũ phải đủ các tiêu chuẩn sau:

- Về độ tuổi: từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, trong đó gọi từ lứa tuổi thấp đến lứa tuổi cao.

- Về tiêu chuẩn chính trị, đạo đức:

+ Thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Quốc phòng - Bộ Công an về tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn công dân vào phục vụ trong quân đội.

+ Những cơ quan, đơn vị trọng yếu, tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng về nguyên tắc tuyển chọn, điều động người vào làm việc ở cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật.

+ Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lữ đoàn 144, Đoàn Nghi lễ Quân đội thuộc Bộ Tổng tham mưu thực hiện tuyển chọn tiêu chuẩn riêng theo quyết định của Bộ Quốc phòng.

+ Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào quân đội.

- Tiêu chuẩn sức khỏe:
+ Tuyển những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo tiêu chuẩn sức khỏe quy định của liên bộ Y tế - Quốc phòng về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

+ Những công dân mắt tật khúc xạ về mắt (cận thị, viễn thị), nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS, không gọi nhập ngũ vào quân đội.

- Tiêu chuẩn học vấn:
+ Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ học vấn lớp 8 trở lên. Những địa phương thực sự khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì được tuyển chọn số có trình độ học vấn lớp 7.

+ Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các xã biên giới được tuyển từ 20-25% có trình độ học vấn cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên, nếu vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu có thể tuyển một số không biết chữ để vừa huấn luyện, vừa học tập để nâng cao trình độ học vấn nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở cho địa phương sau khi xuất ngũ.

+ Tích cực tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề để giảm bớt lưu lượng đào tạo trong quân đội, góp phần thực hiện công bằng xã hội và nâng cao chất lượng xây dựng quân đội. 
Theo Một Thế Giới