THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 November 2013

Lãng phí nghìn tỷ cũng chỉ bị... phê bình!

(Dân trí) 04/11/2013  - “Việc tiết kiệm, chống lãng phí chỉ mới chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc. Có trường hợp quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà người ra quyết định cùng lắm cũng chỉ bị phê bình khiển trách”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

“Có nước nào nhiều xe công như chúng ta không?”
Phát biểu trước Quốc hội ngày 4/11 về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) phản ánh thực trạng hiện nay chúng ta sử dụng quá nhiều xe công. “Tôi cũng không biết trên thế giới có nước nào nhiều xe công như chúng ta không. Hơn nữa, ngoài kinh phí mua xe hàng năm còn phải chi tiền một khoản không nhỏ theo xe như mua bảo hiểm, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa lớn, xăng xe, biên chế và chi phí cho lái xe”, đại biểu Huệ nói.
Việc quản lý xe công sao cho hiệu quả từ trước đến nay cũng tốn không ít giấy mực, đại biểu Huệ cho rằng việc khoán xe công là hợp lý. Do vậy đại biểu Huệ đề nghị thành 2 phương thức: Một là chức danh có chế độ được sử dụng xe công như hiện nay; Hai là chức danh có chế độ sử dụng xe công nhưng bắt buộc phải nhận khoán kinh phí mà sử dụng xe dịch vụ để tránh trường hợp như hiện nay.
Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) cảm nhận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ mới chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc. Đó là do ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà người ra quyết định cùng lắm thì cũng chỉ bị phê bình khiển trách.
 
Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) băn khoăn về việc xử lý trách nhiệm trong chống lãng phí
Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) băn khoăn về việc xử lý trách nhiệm trong chống lãng phí
“Nhiều công trình sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi… được phản ánh là thiếu vốn, công trình không sử dụng được hoặc không được sử dụng, sản xuất bị lỗ hoặc không sản xuất được, hoạt động cầm chừng theo kiểu bỏ thì thương, vương thì tội. Nguyên nhân là các quyết định đầu tư đó thiếu trọng tâm, trọng điểm. Dù hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm và cũng chưa thấy một văn bản nào chỉ ra, chỉ cụ thể trách nhiệm của người ra quyết định đó là gì”, đại biểu Thúy phân tích.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) cho rằng hành vi làm thất thoát lãng phí ít ai bị xử lý và hầu như không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù ai cũng biết thất thoát lãng phí gây hậu quả còn nặng nề hơn tham nhũng. “Như thất thoát lãng phí trong đầu tư công và quy hoạch đất đai luôn là vấn đề nóng trên các diễn đàn nhưng chỉ nói mà không ai phải chịu trách nhiệm, nếu buộc phải xử lý thì cũng chỉ xử lý nội bộ, nhẹ nhàng nên không đủ sức răn đe”, đại biểu Lâm băn khoăn.
Một người sai, cả làng cùng chịu
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, quyết định những vấn đề trên là cá nhân, nhưng khi xảy ra chuyện thì tập thể chịu trách nhiệm, tức là không ai phải chịu trách nhiệm cả. Cơ quan này lại đổ lỗi cho cơ quan kia. Có người thì cho là lỗ hổng của hệ thống, của cơ chế mà suy cho cùng hệ thống cơ chế đó cũng do con người đặt ra.
Không ít trường hợp quy về một nguyên nhân muôn thuở đó là do năng lực cán bộ hạn chế. Giả sử điều này là đúng thì lỗi hệ thống đó nằm ở công tác và quy trình đề bạt cán bộ. Theo đại biểu Thúy, chúng ta đang dốc sức tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng nhưng lại đang để hổng mặt trận chống lãng phí.
“Tôi cho rằng đã đến lúc cần xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định. Do đó tôi đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người đưa ra chính sách không phù hợp gây lãng phí trong trường hợp xác định được trách nhiệm cá nhân”, đại biểu Thúy nêu ý kiến.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Đắc Lâm cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức để xảy ra thất thoát lãng phí ngoài nguyên nhân do cơ chế chính sách thì lợi ích của người đứng đầu cơ quan, tổ chức là rất lớn. Do vậy, muốn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả thì cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu là rất quan trọng.
Theo Đại biểu Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) để khắc phục tình trạng có sai phạm mà không xử, cần có các quy định cụ thể, trách nhiệm trực tiếp liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quang Phong