THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 November 2013

Cao su tan nát sau bão, hàng ngàn hộ dân lao đao tìm kế sinh nhai



(Dân trí) - Hàng chục năm trời bỏ tiền của, mồ hôi, thậm chí là nước mắt để chăm sóc, vun xới cho cây “vàng trắng” với hy vọng đổi đời, thế mà giờ đây hàng ngàn hộ rơi vào cảnh tay trắng, nợ nần chồng chất, ngay cả bán củi cũng không ai mua…
 

Gần 2 tháng sau khi bão số 10 quét qua miền Trung, chúng tôi có dịp trở lại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, và không khỏi xót xa khi nghe nhiều câu chuyện nông dân trồng cao su đang loay hoay với bài toán tìm kế sinh nhai khi vườn cây cao su của họ bị thiệt hại khá nặng nề do bão.
Vẫn tiếp tục trồng lại cây cao su
Những địa phương từng được ví là “thủ phủ” cao su của tỉnh Quảng Trị thì nay đang rơi vào cảnh  hết sức bi đát. Để đầu tư trồng lại cây cao su, họ phải bỏ thêm nhiều thời gian để trồng mới, chăm sóc, và phải mất chừng 7 - 9 mới cho lấy nhựa hay thoát ly hoàn toàn với loại cây được cho là nhiều “may rủi” này để chuyển sang trồng cây khác? Hẳn đây sẽ là quyết định khiến không ít bà con phân vân. Theo thống kê, sau bão số 10, toàn tỉnh Quảng Trị có đến gần 7.000 ha cao su bị thiệt hại trên tổng số hơn 19.000 ha. Trong đó, riêng huyện Vĩnh Linh có 4.865 ha, với 3.246 ha thiệt hại trên 70%; 969 ha thiệt hại từ 50 - 70%. Những con số này cũng một lần nữa nói lên rằng, thiệt hại từ cây cao su đối với bà con nông dân là một cái giá quá đắt.
Cao su gãy, hàng ngàn hộ dân loay hoay tìm kế sinh nhai
Cao su gãy, hàng ngàn hộ dân loay hoay tìm kế sinh nhai
Xã Vĩnh Thủy là một trong những địa phương có diện tích cao su lớn của huyện Vĩnh Linh, và cũng là địa phương thiệt hại nặng nề nhất huyện trong bão số 10. Toàn xã có 400 ha cao su và trên 400 ha rừng sản xuất bị gãy đổ hoàn toàn. Xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh cũng có hơn 100 ha cây cao su, đa phần mới khai thác 3 - 4 năm bị gãy đổ. Ngoài ra, nhiều diện tích cây cao su của các địa phương như xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Lâm, Vĩnh Hiền,…và một số địa phương của huyện Gio Linh cũng bị thiệt hại nặng do bão.
Tại cuộc hội thảo “Phát triển cây cao su ở Bắc Trung Bộ” được tổ chức tại Quảng Trị gần đây cũng đã tập trung thảo luận có nên trồng cao su tại khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như miền Trung hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, cây cao su đã mang đến nhiều cái lợi trong việc đưa bà con nông dân thoát nghèo. Chính vì vậy, nên tiếp tục phát triển loại cây này. Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng trồng cây cao su ở các tỉnh Bắc Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…là một sự mạo hiểm. Bởi cây cao su không thích ứng được với môi trường khí hậu khắc nghiệt, không chịu được sức gió, bão…quá cấp 7, cấp 8. Nhiều chuyên gia đầu ngành cũng đưa ra lời khuyên là nên chuyển hướng từ phát triển cây cao su sang chăn nuôi, hoặc trồng các loại cây ngắn ngày. Tuy vậy, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa thể nghiên cứu được nên trồng loại cây gì để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa thích nghi được với thiên tai.
Nhiều nông dân khi được hỏi cũng cho biết, họ sẽ đầu tư trồng lại cây cao su bởi giá trị của nó mang lại rất thiết thực đối với việc thay đổi cuộc sống của bà con. Trong khi bão lịch sử như vừa xảy ra đầu tháng 10 thì chục năm mới tiếp diễn một lần. Tuy nhiên, sẽ rất ít người nhận thức được “run rủi” họ bỏ vốn, công sức ra trồng cao su nhưng chưa đến thu hoạch lại bị mất trắng.  
Nông dân ngậm ngùi cưa cây bán củi
Để trồng mới 1 ha cao su, người dân phải tốn rất nhiều chi phí từ làm đất, mua cây giống, thuê nhân công, phân bón… Theo nhiều nông dân sau khi đã hoàn thành trồng mới 1 ha cây cao su mất khoảng 50 triệu đồng, gồm tiền thuê máy làm đất khoảng 20 triệu đồng; mua cây giống 25 – 30  triệu đồng; phân bón, công lao động khoảng 5 - 10 triệu đồng. Rồi những năm tiếp theo cũng phải đầu tư mua phân bón, công chăm sóc cho đến ngày lấy nhựa. Ước tính, 1 ha cây cao su chi phí hơn 100 triệu đồng. Nếu chưa có đất thì người dân phải bỏ thêm khoảng 70 – 80 triều đồng/ha để mua lại. Lúc đó, tổng chi phí có thể lên tới gần 200 triệu đồng. 
Cao su gãy, hàng ngàn hộ dân loay hoay tìm kế sinh nhai
Ông Nguyễn Văn Hòe đang thu hoạch chút tài sản còn lại ở vườn cao su nhà mình. Tuy nhiên, thức từ 1h sáng đến 7h mà ông cũng chỉ vét được lưng chừng 2 xô nhựa

Những thiệt hại do bão số 10 đã khiến cho hàng ngàn hộ nông dân trồng cao su lâm vào cảnh điêu đứng, chưa biết trồng cây gì để ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do bị mất trắng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đang có mức thu nhập ổn định từ cây cao su, ước tính từ 7 – 10 triệu đồng/tháng/ha, nay bị giảm sút.
Không chỉ thiệt hại nặng nề khi cao su bị đổ ngã, chi phí khắc phục, dọn dẹp các vườn cây sau bão đang là gánh nặng đè lên vai người trồng cao su. Nhiều gia đình chỉ mong bán đi phần tài sản còn sót lại để thu hồi phần nào vốn đầu tư, giải quyết khó khăn nhưng bán củi cũng không ai hỏi mua.
Đang thu dọn vườn cây cao su bị gãy nát, ông Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Cát, xã Vĩnh Tân cho biết, do để quá lâu nên bây giờ thân cây bị khô hết, chỉ có thể mang đi bán gỗ nhưng hiện tại giá thu mua gỗ của thương lái trên địa bàn lại quá rẻ không đủ chi phí thu dọn. Ngoài việc bị ép giá, để bán được gỗ người dân còn phải tự cưa, sắp xếp lại thành đống ở vị trí thuận lợi cho xe vào vận chuyển; tính ra tiền bán gỗ không đủ chi phí trả nhân công.
Một tấn củi cao su, người dân chỉ thu được 2 trăm nghìn đồng đã trừ tiền công cắt, bốc dỡ
Một tấn củi cao su, người dân chỉ thu được 2 trăm nghìn đồng đã trừ tiền công cắt, bốc dỡ
Ông Nguyễn Văn Bảo, ở Đội 4 xã Vĩnh Tân nói: Trước đây 2 ha cao su của nhà ông cũng cho thu nhập hơn 1 triệu tiền mủ/ngày. Giờ cao su gãy, ông chỉ biết cắt bán làm củi, trước củi tươi giá 1 tấn 2 trăm, giờ khô bán cũng không ai mua, cho cũng không ai lấy. Bão xong, cây cối gãy tùm lum, gỗ tràm, bạch đàn nhiều mà người ta còn chưa mua, mua gì gỗ cao su.
Chị Nguyễn Thị Hương, 50 tuổi, ở thôn Cát cũng bỏ gần 200 triệu đồng từ vay mượn ngân hàng và anh em, bạn bè để trồng 2 ha cao su, mong có “đồng ra, đồng vào” lúc về già. Bây giờ bị hư hỏng hết cả, hoàn cảnh gia đình chị lại rất khó khăn, chồng mất sớm, một thân chị nuôi mẹ chồng và 3 đứa con ăn học. Sau mấy năm trời chăm sóc, nay dường như bị mất trắng, chị cũng chưa biết lấy gì để ổn định cuộc sống sau này và nuôi các con ăn học.
Một tấn củi cao su, người dân chỉ thu được 2 trăm nghìn đồng đã trừ tiền công cắt, bốc dỡ
Chị Nguyễn Thị Hương trông chờ vào thu nhập từ 2 ha cây cao su, nhưng giờ gãy hết cả. Đến việc cưa dọn chị cũng không có tiền thuê và phải tự làm một mình

 
Anh Nguyễn Thế Nhã, một hộ dân ở xã Vĩnh Tân cho biết, một ha cây cao su muốn cưa dọn hết cũng tốn mất 10 triệu đồng. Nhiều nhà tính toán lỗ lãi chạy mua cưa về tự cắt, sau đó bán lại cho thương lái. Tuy nhiên giá gỗ cao su cũng rất bèo, không đủ chi phí. Ngoài việc tự cắt, mình phải phụ bốc, kêu xe chuyên chở cho người ta, cả buổi bốc gỗ méo mặt nhưng một tấn chỉ được mấy chục ngàn.
Anh Nhã phải tự mình cưa, dọn thân cây bị gãy sau đó bán lại cho thương lái
Anh Nhã phải tự mình cưa, dọn thân cây bị gãy sau đó bán lại cho thương lái
Cao su gãy, chính quyền cũng loay hoay tìm lối thoát cho bà con, nên tái sinh, trồng mới hay chặt bỏ? Để trồng mới cao su cũng thật lắm gian nan bởi ngoài việc bỏ tiền của, công sức, người dân phải chờ thêm 7 – 8 năm nữa mới thu hoạch. Nhiều phương án khác cũng được đưa ra để bà con lựa chọn như phát triển chăn nuôi trâu, bò; trồng cây ngắn ngày như: sắn, ngô, khoai, đậu… uy nhiên, cây cao su vẫn là lựa chọn “số 1” trong việc giúp bà con nông dân thoát nghèo. Và để giảm bớt thiệt hại, rủi ro từ cây cao su, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu để có phương án hỗ trợ thiết thực cho bà con nông dân.
Đăng Đức - Tiến Tân