THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 November 2013

Bài 1: “Người Việt đến Nam Phi làm gì?”


Ký sự “săn” tê giác ở châu Phi



 
Cộng tác viên Phùng Mỹ Trung vừa có cơ hội đến Nam Phi nhờ đoạt giải đặc biệt cuộc thi viết “Không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng, góp phần bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học Việt Nam” (do trung tâm Nghiên cứu khoa học nghiệp vụ và tư liệu thuộc ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp mạng lưới Giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) tổ chức). Chuyến đi mang lại cho một người làm bảo tồn đa dạng sinh học như anh những trải nghiệm khó quên sẽ được giới thiệu trong ký sự nhiều kỳ dưới đây.
Phùng Mỹ Trung
Ở cửa khẩu sân bay Tambo, khi tôi làm thủ tục nhập cảnh Nam Phi, nhân viên hải quan nhìn tôi chằm chằm sau khi xem hộ chiếu: “Ông đến Nam Phi làm gì? Ở lại bao lâu? Ông đi cùng ai?” Tôi hơi bất ngờ nhưng cũng đoán được nguồn cơn thái độ thiếu thiện chí này, bởi đã được nghe về những vụ buôn bán sừng tê giác bị bắt tại Nam Phi, trong đó người Việt Nam chiếm đa số!
Sau những chặng dừng nghỉ ở nhiều nơi, chúng tôi đón chào một ngày mới ở khu bảo tồn thiên nhiên Imfolozi. Hôm nay là một ngày đặc biệt vì chúng tôi có cơ hội đi săn tê giác đen để... bảo tồn.
“Săn tê” bằng trực thăng
Sau gần một giờ đồng hồ chạy ôtô, chúng tôi đến nơi tập kết. Tất cả mọi người đã có mặt và sẵn sàng cho chuyến đi săn, từ bác sĩ thú y, nhân viên bảo tồn, các nhà nghiên cứu cho tới những chiếc trực thăng, xe chuyên dụng dùng để chở tê giác. Các nhà báo đến từ VTV1, Green Renaissance Film Crew, Africa TV… cũng có mặt đầy đủ với các thiết bị sẵn sàng cho những cảnh quay đắt giá.
Tiến sĩ Jacques Flamand – trưởng dự án bảo tồn, mở rộng vùng phân bố của loài tê giác đen (thuộc quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên – WWF) phổ biến cho cả đoàn về công việc săn tê giác. Dù gần 70 tuổi nhưng Flamand trông vẫn khoẻ mạnh, hoạt bát và năng nổ. Chúng tôi gọi ông bằng cái tên thân thiện “God father” (bố già), vì ông là chỉ huy chính ở đây.
“Bố già” cho biết: “Dự án bảo tồn, mở rộng vùng phân bố của loài tê giác đen của WWF được Chính phủ Nam Phi đồng ý cho phép hoạt động trong vòng ba năm, nhưng sau khi hoàn tất đã thành công ngoài mong đợi, nên chính phủ quyết định cho phép WWF tiếp tục thực hiện dự án này, đến nay đã mười năm và hàng trăm con tê giác đen đã được di chuyển đến vùng sinh cảnh mới, có 45 con tê giác con đã ra đời”.
Chiếc trực thăng bốn chỗ ngồi rung bần bật khi bắt đầu cất cánh. Những cánh rừng cây bụi đặc trưng của Nam Phi hiện ra như bất tận tới đường chân trời. Từng đàn linh dương đầu bò, trâu rừng, voi châu Phi với vài trăm cá thể nhởn nhơ kiếm ăn trên những trảng đồi thấp. Bầy sư tử no nê lười biếng nằm ngủ dưới gốc cây khẽ ngước nhìn chiếc trực thăng quen thuộc. Phía xa xa là Umfolozi – dòng sông thiêng của bộ tộc bản địa Zulu đang hiền hoà ôm lấy mảnh đất có muôn loài chung sống.
Sau khi lượn vài vòng trên không, chúng tôi phát hiện hai con tê giác đen đang ăn sáng ở một bụi cây lớn. Chiếc trực thăng lập tức hạ độ cao và đuổi con tê giác lớn hơn chạy đến bãi đất trống, nơi các đồng nghiệp khác với phương tiện đặc chủng có thể tiếp cận được. Từ trên cao, người kiểm lâm ngồi cạnh tôi nhanh nhẹn đưa cây súng bắn thuốc mê ra ngoài cửa trực thăng. Khẩu súng rung nhẹ và mũi kim thuốc mê đã trúng vào mông con tê giác. 
Khoan sừng để gắn chíp.
Sau này tôi mới biết anh là tay súng chuyên nghiệp đã từng bắn vài trăm con như thế. Bị trúng mũi kim, con tê giác đen bất ngờ lao đi với tốc độ khủng khiếp trong khu rừng chằng chịt bụi rậm, nhưng chỉ vài phút sau con vật ngã xuống khi đã ngấm thuốc. Nhận được tín hiệu từ trực thăng, các nhân viên bảo tồn dưới mặt đất gấp rút di chuyển đến khu vực con tê giác đen đang nằm bất động.
Gắn chíp để bảo tồn
Rất chuyên nghiệp, các nhân viên bảo tồn phát quang những bụi cây nhỏ xung quanh và dùng thiết bị bịt tai con tê giác – vì đây là giác quan nhạy cảm nhất của loài thú cổ đại này. Tiếp theo, con tê giác được bịt mắt, tưới nước lên người, xịt thuốc tím vào các vùng da bị trầy xước… Bác sĩ thú y lấy mẫu máu, mẫu lông đuôi, mẫu da và mẫu sừng để phân tích ADN, rất quan trọng để so sánh với sừng tê giác tịch thu được từ bọn săn trộm nhằm tìm ra nguồn gốc con tê giác bị săn ở vùng phân bố nào. 
Chuyên gia gắn chíp bắt đầu khoan hai mũi sâu vào chiếc sừng lớn (sừng trước) để gắn hai con chíp, nhờ đó sau này có thể kiểm tra nguồn gốc phân bố cũng như đường đi của con tê giác sau khi được thả vào vùng sinh cảnh mới. Khi được hỏi về quy trình tiêm thuốc độc vào sừng tê giác, tiến sĩ Jo Shaw (điều phối viên chương trình Bảo tồn tê giác của WWF) cho biết: 
“Quy trình cũng gần giống như việc gắn chíp, các bác sĩ sẽ khoan một lỗ nhỏ, dài và sâu trong thân sừng để tiêm một loại thuốc cực độc nhằm chống săn trộm. Loại thuốc này không phát tán vào cơ thể tê giác vì sừng không có các mao mạch dẫn truyền, chất độc chỉ tồn tại ở dạng keo cứng trong sừng và chiếc sừng của con tê giác đó sẽ được sơn màu đỏ để cảnh báo những kẻ săn trộm”. Sau khi công việc hoàn tất, con tê giác đen được đưa lên xe đặc chủng để đưa đến vùng định cư mới của nó cách đấy vài trăm cây số.
Vì các khớp xương bả vai trước của loài tê giác rất yếu nên các nhân viên bảo tồn không thể lôi nó vào thùng xe chuyên dụng mà phải làm cho nó tỉnh dậy. Bác sĩ thú y chích một mũi thuốc vào tĩnh mạch chủ ở vành tai con tê giác để đánh thức nó. Mọi người cùng đếm từ 1 – 20: đó là thời gian cho con tê giác tỉnh thuốc mê. Ngay khi nó vừa thức giấc, tất cả cùng đẩy, kéo, chích điện vào mông con tê giác để nó tiến thẳng vào thùng.
Lấy mẫu để phân tích ADN. 
Những người không có phận sự và kinh nghiệm đều phải tránh xa để đề phòng bất trắc. Nhưng vì ánh mắt tò mò, háo hức của tôi, “bố già” Flamand cho phép tôi tham gia công việc này như một ngoại lệ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được chạm tay vào một con tê giác còn sống và chiếc sừng rất to của nó. Đây là cảm xúc vô cùng đặc biệt, bởi những ngày sau đó, tôi được tiếp xúc với nhiều con tê giác khác nữa, nhưng với sự đau lòng khôn tả.
Nhiệm vụ hoàn tất. Mọi người hồ hởi dù nhiệt độ ngoài trời thời điểm đó là hơn 400C. Chúng tôi lên trực thăng để tìm kiếm con tê giác đen khác. Với những con tê giác bị ngã thuốc tại khu vực hiểm trở mà các xe chuyên dụng không thể tiếp cận được, thì một chiếc máy bay trực thăng cỡ lớn sẽ được điều đến để cẩu nó đến nơi thuận tiện hơn cho nhân viên bảo tồn xử lý. Nhìn con tê giác to lớn treo lủng lẳng dưới cánh trực thăng, chúng tôi ồ lên thích thú và thán phục sự chuyên nghiệp, tận tâm và đam mê công việc của đồng nghiệp Nam Phi.
“Chuyến đi săn” của chúng tôi kết thúc lúc 1 giờ trưa. Mọi người đều thấm mệt và đói, bữa ăn nhanh chóng được dọn ra. Tất cả tranh thủ nạp chút năng lượng để sau đó sẽ mang thả tê giác ở một khu bảo tồn tư nhân cách đó vài trăm kílômét.
Theo SGTT