THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 November 2013

1.200 hồ, đập thủy điện có vấn đề cần nâng cấp, sửa chữa



(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, hiện cả nước có 6.800 hồ, trong đó có khoảng 1.200 hồ có vấn đề cần phải được tu bổ, nâng cấp, sửa chữa.

Trong phiên chất vấn chiều 19/11, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Cao Đức Phát về sự an toàn của các hồ, đập thủy điện hiện nay. 
Thủy điện Đắc Mi 4 xả lũ.
Thủy điện Đắc Mi 4 xả lũ.
Với hàng nghìn hồ, đập trên cả nước, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Phát đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hồ, đập, ngăn ngừa những thảm họa do hồ, đập gây ra. Theo thống kê của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, hiện cả nước có 6.800 hồ, trong đó có khoảng 1.200 hồ có vấn đề cần phải được tu bổ, nâng cấp, sửa chữa.
Trong những năm qua, Chính phủ đã đầu tư nâng cấp được 500 hồ, hiện nay còn 1.200 hồ. Năm nay có 317 hồ hư hỏng, Chính phủ đã chi hơn 500 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương nhưng chỉ mới sửa chữa được 90 hồ.
“Chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương, trong mỗi trận bão có thông báo rất cụ thể cho từng địa phương là cái hồ nào của các đồng chí thấy nguy hiểm, đề nghị cử người đến gác và nguy hiểm thì phải có biện pháp xử lý ngay, đặc biệt phải có cảnh báo cho nhân dân để đề phòng. Nhưng về lâu dài, chúng tôi thấy phải tăng cường quản lý”, Bộ trưởng Phát nói.
Theo Bộ trưởng Phát, Thủ tướng Chính phủ đã giao và Bộ đang cùng với các Bộ liên quan sửa đổi nghị định về quản lý an toàn hồ, đập; đồng thời đề nghị Quốc hội quan tâm dành một phần kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng để sửa chữa hơn 200 hồ.
Trước thiệt hại lớn do trận lũ cách đây ít ngày gây ra với miền Trung và Tây Nguyên, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) yêu cầu Bộ trưởng Phát tham mưu cho Chính phủ để có cơ chế đột phá, giúp người dân sống chung với lũ, ổn định cuộc sống lâu dài.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phát cho rằng, một trong những giải pháp là xây nhà tránh lũ. Bộ trưởng nói: “Cơn bão Haiyan với những gì nhìn thấy ở Philippin làm cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, làm sao để giúp cho nhân dân trải qua, có thể nói đất nước ta đã may nhưng chúng ta không thể may mãi”.
Bình luận về con số 1.200 chiếc hồ, đập có vấn đề cần nâng cấp, sửa chữa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Phát khẳng định liệu những hồ này có vỡ không? “Chỗ này là phải khẳng định. Nếu chưa có tiền thì phải tìm cách báo cáo Chính phủ, Quốc hội để tính, nếu không sửa thì rất nguy hiểm. Còn 3.000 tỷ như Bộ trưởng nói phải tính thêm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Tiếp tục nghiên cứu nhà chống lũ
 
 
Nhà chống lũ (ảnh minh họa).
Nhà chống lũ (ảnh minh họa).
Cũng trong khuôn khổ phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát chiều cùng ngày, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng tham gia trả lời đại biểu quốc hội về việc xây dựng nhà tránh lũ.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình xây dựng vùng, tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó xây dựng các bờ bao với những khu dân cư có sẵn và nền vượt lũ.
Hiện, giai đoạn 1 đã hoàn thành với 804 cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn và đã bố trí 140.000 hộ thuộc khu vực lũ, đạt 92% so với kế hoạch. Số vốn giai đoạn 1 đạt 5.842 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và dành phần kinh phí đáng kể để khắc phục tình trạng thiệt hại do lũ ở ĐBSCL. Do vậy, những cơn lũ gần đây đã giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhân dân cũng yên tâm hơn.
Với giai đoạn 2, chương trình xây nhà chống lũ được triển khai ở 7 tỉnh, thành là Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành 150/176 cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn, đạt 85% và đã bố trí 22.423 hộ/27.252 hộ. Bộ Xây dựng đang cùng các Bộ rà soát, báo cáo Chính phủ.
Đối với miền Trung, những năm qua khu vực này liên tục hứng chịu nhiều bão lớn và mưa lũ, nguyên nhân là do địa hình phức tạp, đồi núi cao nên nước dồn về nhanh gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tham mưu cùng các bộ ngành xây dựng giải pháp ứng phó bão lũ miền Trung, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng 14 địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã tập trung nghiên cứu, khoanh vùng để có giải pháp cụ thể cho từng vùng. Trước mắt, xác định được vùng người dân bị ngập từ 1.5 m trở lên và chưa có nhà kiên cố, các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ.
Bộ Xây dựng đã lập đề án và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt làm thí điểm 700 nhà chống lũ, mỗi nhà có 2 sàn, tầng 1 và 2 là sàn cứng, khung bê tông, diện tích từ 10-15m2. “Chúng tôi kiểm tra, nhiều gia đình được sự hỗ trợ của cộng đồng và họ hàng có thể làm rộng hơn, lên tới 40m2. Thời gian qua, mưa lũ nhưng những nhà thí điểm này rất an toàn”, Bộ trưởng khẳng định.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung có nguồn vốn đầu tư cho 40.000 hộ với sự hỗ trợ từ ngân sách 10 triệu đồng, vay của Ngân hàng chính sách là 15 triệu đồng, còn lại do người dân bỏ ra và cộng đồng hỗ trợ. Các địa phương cũng đề nghị mở rộng sang hộ cận nghèo, khoảng 30.000 hộ. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp cụ thể và cân đối ngân sách để làm tiếp.
“Bộ cũng đang nghiên cứu những qui hoạch đô thị vùng ven biển, đặc biệt là theo bản đồ ngập lũ, ứng phó biến đổi khí hậu để xây dựng phù hợp”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng 19/11, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị quy trách nhiệm của Bộ Công Thương về “một trong những nội dung tồn tại, hạn chế là vấn đề xem xét tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các công trình thủy điện”.
Đại biểu Học cho rằng: “Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 nói về trách nhiệm của Bộ Công Thương có nêu, trong năm 2013, Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện và tôi còn nhớ rất rõ, khi trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có ghi nhận ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội và hứa sẽ phối hợp các bộ, ngành để sớm ban hành chính sách.
Như vậy, trong cả 2 kỳ họp thứ 3 và thứ 4, nghị quyết của Quốc hội đều giao cho Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các công trình thủy điện, nghị quyết Quốc hội xác định trong năm 2013 chính sách này phải được ban hành”.
Nguyễn Hiền