THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 October 2013

Thủ tướng TQ sắp thăm Việt Nam!...

 BBC - Thứ năm, 3 tháng 10, 2013
Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường tại hội chợ TQ-Asean ở Nam Ninh
Tin cho hay Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường sắp có chuyến thăm chính thức Việt Nam, 10 ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm hai nước Đông Nam Á.

Trước đó ông sẽ thăm Thái Lan từ 11/10, nguồn tin này cho biết.Nguồn tin của BBC nói ông Lý sẽ ở Việt Nam trong hai ngày, cụ thể là từ 13/10-15/10.
Nội dung chuyến đi sẽ là để thúc đẩy quan hệ song phương cũng như giữa Trung Quốc với khối Asean, mở rộng hợp tác về nhiều mặt, đặc biệt là về kinh tế và an ninh.
Các kênh chính thức của Việt Nam và Trung Quốc chưa thấy thông báo về chuyến đi này, nhưng theo website Chính phủ Việt Nam, đầu tháng trước tại Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư-Thương mại Asean-Trung Quốc lần thứ 10 ở Nam Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam đã có hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc, trong đó ông "trân trọng mời Thủ tướng Lý Khắc Cường và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sớm sang thăm Việt Nam".
Lúc đó ông Lý Khắc Cường được nói đã "vui vẻ nhận lời".
Trong khi đó hôm 2/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã rời Trung Quốc đi thăm chính thức Indonesia và Malaysia, đồng thời tham dự hội nghị thượng đỉnh Apec tại Bali.
Việc hai lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước Trung Quốc đi thăm các nước Đông Nam Á cho thấy có chuyển dịch trong chính sách của Bắc Kinh đối với khối này, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ cũng tuyên bố chuyển trọng tâm tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đàm phán Biển Đông

Nghị trình chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường chưa được công bố, nhưng một trong những chủ đề được cho sẽ có mặt trong các cuộc hội đàm với lãnh đạo cả Thái Lan và Việt Nam là tranh chấp ở Biển Đông.
Hà Nội là một trong các bên đang trực tiếp tham gia tranh chấp, trong khi Bangkok mới đây đã đóng vai trò trung gian dàn xếp.
Hiện cho tới nay, chưa có gì cho thấy Bắc Kinh thay đổi giọng điệu như đã nhiều lần tuyên bố từ trước, rằng các bên phải "cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định tại Biển Đông, kiểm soát tốt tình hình trên biển, giải quyết thoả đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình".
Mới đây, Trung Quốc và Asean đã có tham vấn chính thức lần đầu tiên về xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) và tuy con đường đạt được một thỏa thuận còn xa vời, thủ tướng Trung Quốc chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội cho thế giới thấy Bắc Kinh vẫn duy trì "thiện chí" đàm phán cho dù không ai trông đợi sẽ có khai thông hay đột phá gì từ chuyến đi sắp tới.
"Những năm giữa thập kỷ 2000, Bắc Kinh chủ trương "trỗi dậy hòa bình", hợp tác cùng có lợi, "nước nổi thuyền cũng nổi" với khối Đông Nam Á. Chủ trương này tới cuối thập kỷ chuyển sang xu hướng diều hâu nước lớn."
Một trong các chủ đề khác mà Trung Quốc muốn theo đuổi với khối Đông Nam Á là kế hoạch đầy tham vọng nối khối này với đường sắt xuyên Á của Trung Quốc.
Kế hoạch nối các nước Đông Nam Á và Trung Quốc trong một mạng lưới xe lửa được Bắc Kinh quảng cáo là sẽ mang lợi ích to lớn về kinh tế tới tất cả các bên, tuy nhiên cũng bị nghi ngờ là sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của các nước nhỏ vào Trung Quốc.
Thương mại Trung Quốc-Asean hiện đang ở ngưỡng 400 tỷ đôla năm 2012, và các bên đặt mục tiêu tăng lên 1 nghìn tỷ trước năm 2020.
Giới quan sát nhận xét rằng với chính phủ mới ở Trung Quốc, nước này đang phát triển cách tiếp cận mới đối với khối các nước Đông Nam Á.
Những năm giữa thập kỷ 2000, Bắc Kinh chủ trương "trỗi dậy hòa bình", hợp tác cùng có lợi, "nước nổi thuyền cũng nổi" với khối Đông Nam Á. Chủ trương này tới cuối thập kỷ chuyển sang xu hướng diều hâu nước lớn.
Nay, sau khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức, ông và ông Lý Khắc Cường đang tỏ ra muốn kết hợp hai xu hướng trên với nhau thông qua thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế của Trung Quốc trong khu vực nhưng vẫn cứng rắn về an ninh.