THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 October 2013

Không trả lời báo chí là vi phạm luật

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia luật tại hội thảo 'Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí', do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC - thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật VN) và Đại sứ quán Anh tổ chức tại TP.HCM sáng 18.10.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Hội 4 năm trời khiếu nại tranh chấp mà Báo Thanh Niên phản ảnh trong số báo ngày 10.7.2013, đến nay vẫn chưa được giải quyết - d
Trường hợp bà Nguyễn Thị Hội 4 năm trời khiếu nại tranh chấp mà Báo Thanh Niên phản ảnh trong số báo ngày 10.7.2013, đến nay vẫn chưa được giải quyết - Ảnh: Thanh Đông 
Trả lời chiếu lệ
Theo báo cáo của đại diện một số tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP.HCM, hằng năm lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo... của người dân do báo chí chuyển đến các cơ quan nhà nước (CQNN) để xử lý giải quyết rất nhiều, nhưng tỷ lệ phản hồi chỉ chiếm khoảng 30%. Báo Thanh Niên trong năm 2012 đã chuyển 1.050 đơn thư của bạn đọc nhưng chỉ nhận được 510 trường hợp phản hồi của các cơ quan chức năng, đạt 48,6%. Trong 9 tháng đầu năm 2013, số lượng đơn thư chuyển đi là 889 nhưng số lượng công văn trả lời nhận được chỉ 247 trường hợp (chiếm 27,8%). Báo Tuổi Trẻ năm 2012 chỉ nhận được phản hồi 33% trường hợp đơn thư chuyển đi; qua 9 tháng đầu năm 2013 giảm xuống còn hơn 22%. Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết trong số đơn thư của bạn đọc chuyển đi năm 2012 chỉ nhận được 25% trường hợp trả lời của các CQNN...
Có trường hợp, một tờ báo mạng mà chúng tôi khảo sát đã phải đăng tải đến 30 lần mà cơ quan nhà nước vẫn giữ thái độ im lặng
Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM
Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết theo kết quả khảo sát của các chuyên gia MEC được thực hiện với 268 nhà báo, phóng viên của nhiều tờ báo thuộc 19 tỉnh thành trên cả nước thì chỉ có 26% CQNN phản hồi theo đúng luật định (trong thời hạn 30 ngày). Trong đó, đến 78% phản hồi của CQNN chỉ có thông tin “vỏ”, tức không có thông tin cụ thể về vấn đề báo chí quan tâm. Đối với những tờ báo có lượng bạn đọc ít hoặc các trang báo mạng thì tỷ lệ phản hồi càng khiêm tốn. “Thậm chí, có trường hợp, một tờ báo mạng mà chúng tôi khảo sát đã phải đăng tải đến 30 lần mà CQNN vẫn giữ thái độ im lặng”, ông Lợi kể. Nguyên nhân của tình trạng này, theo hầu hết các chuyên gia, là do hệ thống pháp luật còn thiếu chế tài xử lý việc CQNN chậm hoặc không trả lời cơ quan báo chí, dẫn đến thái độ “nhờn luật”, nhất là khi nội dung vụ việc báo chí đề cập đến có liên quan đến tiêu cực của CQNN.
Cần bổ sung ngay biện pháp chế tài
Tiến sĩ - luật sư Phan Đăng Thanh cho rằng để quyền lợi người dân được đảm bảo giải quyết thì cần phải có sự công khai minh bạch thông tin. Hiện nay, luật Báo chí năm 1989 đã không còn phù hợp. Tuy Nghị định 51/2002 hướng dẫn thi hành luật Báo chí - Nghị định 02/2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí - xuất bản có những bổ sung nhưng vẫn không đảm bảo được tính minh bạch này bởi không có quy định chế tài buộc CQNN phải trả lời cơ quan báo chí. Đồng quan điểm này, luật sư Dương Phi Anh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng luật chỉ đưa ra quy định mà không có biện pháp chế tài thì cũng chỉ là “khẩu hiệu” mà thôi. “Không trả lời cơ quan báo chí về các đơn thư khiếu nại của dân khi báo chí chuyển đến là vi phạm luật và nghị định, nhưng ai có thẩm quyền xử phạt các CQNN khi vi phạm luật thì vẫn chưa có quy định cụ thể. Điều này khiến người khiếu nại rất bức xúc”, luật sư Dương Phi Anh nói.
Tại hội thảo, nhiều nhà báo, chuyên gia có chung nhận định hiện nay các quy định về trách nhiệm trả lời của CQNN đối với cơ quan báo chí còn rất chung chung. Nhà báo Minh Cường (Báo Pháp Luật TP.HCM) nói quy định hiện nay là “khi hết thời hạn luật định mà CQNN không trả lời thì cơ quan báo chí có quyền chuyển đơn lên cấp trên hoặc viết bài phản ánh trên mặt báo” nhiều khi không có tác dụng, bởi nhiều trường hợp đơn chuyển lên cơ quan cấp trên lại được chuyển về chính CQNN đó giải quyết lại từ đầu, gây mất thời gian và phiền phức. Hơn nữa, không phải vụ việc nào cũng có thể đăng báo được.
“Cần nhanh chóng sửa đổi luật Báo chí theo hướng đưa vào những quy định về biện pháp chế tài để xử lý các CQNN không trả lời hoặc chậm trả lời cơ quan báo chí đối với những kiến nghị, phê bình, khiếu nại của người dân”, tiến sĩ Phan Đăng Thanh đề xuất.
T.T.Bình - Hải Nam