THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 October 2013

Dân cạn sức mua, doanh nghiệp kiệt nguồn sống!

DÂN TRÍ - Thứ Hai, 14/10/2013


Tiêu thụ chậm, tồn kho tăng… cho thấy nhiều DN vẫn đang trong vòng bế tắc và suy kiệt.

Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 1/9/2013, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số tồn kho giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm đang nhích dần lên trong tháng 8 và 9, nhiều ngành sản xuất vẫn có chỉ số tồn kho tăng cao. Tiêu thụ chậm, tồn kho tăng… cho thấy nhiều DN vẫn đang trong vòng bế tắc và suy kiệt.

Tắc đầu ra lấy đâu hồi phục?

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 9 tháng đầu năm 2013 đạt 1.932.012 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, chỉ tăng 5,3%. Mức này tuy có cao hơn so với tháng 7 về trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mọi năm.

Các năm trước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ so với cùng kỳ thường tăng từ 20-24%, đến năm 2012 tăng 18% và 9 tháng đầu năm 2013 chỉ còn tăng 12,5%.

Chỉ số CPI tháng 8 và 9 tăng cao, nhưng tăng mạnh ở nhóm dịch vụ ytế và giáo dục, cộng với tăng giá xăng dầu, điện thời gian trước, trong khi thu nhập không tăng, lại càng làm cho người tiêu dùng phải tiết kiệm chi tiêu, khiến cho nhiều mặt hàng không thiết yếu ngày càng khó tiêu thụ.
 
Dân cạn sức mua, doanh nghiệp kiệt nguồn sống

Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty bánh kẹo Bibica cho biết từ đầu năm đến nay song song với việc giữ mức giá ổn định công ty còn liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại để có thể kích thích sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên sức mua vẫn còn khá yếu.

Bà Thu Trang, Phó Giám đốc siêu thị Maximart (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian qua sức mua giảm khá nhiều và tình hình rất khó khăn. Mặc dù tháng nào siêu thị cũng kết hợp với các nhà phân phối đưa ra những chương trình khuyến mại nhằm tăng lực cầu, nhưng xem ra mọi thứ vẫn như đang mắc kẹt.

Điển hình nhất có lẽ là các siêu thị, trung tâm điện máy, trong thời gian qua liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm thu hút sự quan tâm, mua sắm của người tiêu dùng, vậy nhưng sức tiêu thụ quá yếu, khiến nhiều siêu thị lao đao, thua lỗ phải cửa, phá sản.

Trong cơ chế thị trường, tiêu thụ là mục tiêu của đầu tư, sản xuất, là động lực của tăng trưởng kinh tế. Tiêu thụ giảm mạnh sẽ tác động tiêu cực, khiến cho đầu ra của các DN gặp khó khăn, tồn kho tăng cao, phải giảm hoặc ngừng sản xuất. Trong khi đó kinh tế phát triển được lại dựa chủ yếu vào các DN. DN bị co hẹp sản xuất, chắc chắn sẽ tác động không tốt tới tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia, hiện các DN của Việt Nam và những người làm công ăn lương đang bước vào một thời kỳ khá khó khăn bởi các điều kiện chủ quan và khách quan đều trở nên căng thẳng hơn. Công ăn việc làm giảm, sức mua yếu hơn, nhu cầu đối với hàng hóa, đặc biệt là hàng sản xuất giảm sút mạnh.

Kiệt sức trước khi đến điểm hồi phục

Giờ thì các DN đã kiệt sức rồi, nền kinh tế đang tụt dần và khoảng cách so với các nước trong khu vực đang doãng ra bất lợi, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiêp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đã thốt lên như vậy, khi bàn về sức khỏe nền kinh tế sau nửa chặng đường thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015.
 
Dân cạn sức mua, doanh nghiệp kiệt nguồn sống

Trong cộng đồng DN Việt Nam, DNNVV là loại hình chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, đóng vai trò tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Ngoài ra, DNNVV đã tạo ra 40% cơ hội cho mọi tầng lớp dân cư tham gia đầu tư, huy động các khoản tiền đang phân tán, để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Nhưng thực tế, khối DN này đang đang đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức. Từ 2010 đến nay có khoảng 250.000 DN giải thể, ngừng hoạt động, số còn lại có đến 69% báo cáo thua lỗ, số thuế DN nợ Nhà nước tăng cao, phải giảm mạnh công suất từ 30%-50%. Điều này làm hàng triệu người mất việc làm.

Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với 250.000 DN đóng cửa và cắt giảm công suất, mỗi DN trung bình 20 lao động, kéo theo ít nhất 5 triệu người mất việc, cộng với mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người mới tham gia thị trường lao động khiến cho việc làm đang gặp khó khăn và thu nhập giảm hoặc không có.

Đối với nhóm hàng nông sản, do giá các mặt hàng thực phẩm liên tục giảm sâu trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6, giá lương thực cũng giảm sâu từ tháng 4 đến tháng 7 đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của đại bộ phận người nông dân.

Thu nhập giảm hoặc không có đã khiến cho chi tiêu bị thắt chặt, làm cho cầu yếu, gây ra khó khăn cho các DN, phải ngừng sản xuất, phá sản, dẫn đến nhiều lao động mất việc làm và thu nhập giảm. Thu nhập giảm lại tác động làm cho tổng cầu suy giảm, cứ diễn ra liên tiếp chưa thoát ra được. Các dự báo cho biết, cuối năm nhu cầu tiêu dùng có tăng, nhưng không nhiều, dự kiến tổng mức bán lẻ năm 2013 tăng khoảng 13-14% so với năm 2012, tức là vẫn rất thấp.

Theo Trần Thủy
VEF