THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 October 2013

Cái khó để chỉ thẳng mặt tham nhũng!

ĐẤT VIỆT- 30/10/2013 


Chưa tin tưởng hiệu quả của việc kê khai tài sản và cho rằng cách này không đi đến đâu trong việc ngăn ngừa tham nhũng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng: cứ tin vào đó rồi đến lúc tổng kết chả có hiệu quả gì cả.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 29/10 về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 các ý kiến vẫn băn khoăn về việc cứ nói có tham nhũng nhưng nhiều đoàn thanh tra cũng không phát hiện ra. Vậy đâu là cái khó trong việc chỉ thẳng mặt đối tượng tham nhũng và đưa ra ánh sáng.


Tại đoàn Hà Nội có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các ý kiến nói về việc phòng, chống tham nhũng khá thẳng thắn cùng
Đánh giá về tình hình phòng chống tham nhũng, đại biểu Đỗ Kim Tuyến cho rằng số liệu trong các báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh sát tình hình, cần có cơ chế, tiêu chí đánh giá đúng, từ đó mới xây dựng được giải pháp phù hợp.

Theo đại biểu Tuyến: “Chúng ta nên xem xét đánh giá lại các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, phải xem lại quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, xây dựng mô hình tổ chức của các cơ quan chuyên trách đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.

Đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến tại buổi thảo luận
Đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến tại buổi thảo luận

Còn đại biểu Nguyễn Đình Quyền thì nói thẳng: “Thưa đồng chí Tổng Bí thư, thời gian qua rất ít trường hợp tham nhũng được phát hiện trong cơ quan đơn vị, hoặc có phát hiện cũng không dám nói. Chúng ta phải xem lại cơ chế phòng ngừa. Cứ mong rằng sẽ tự phát hiện, chờ vào việc kê khai tài sản… thì đến lúc tổng kết chả có hiệu quả gì cả”, ông Quyền nghi ngại.

Theo đại biểu Quyền, dường như qua công tác thanh tra, kiểm tra cán bộ không phát hiện ra tình trạng tham nhũng nào. Vậy thì nó nói lên công tác cán bộ của ta đang có tình trạng xuôi chiều.

Ông Quyền đề xuất, “biện pháp hiệu quả nhất là công khai minh bạch, từ tiêu chí tuyển dụng cán bộ, kể cả đấu thầu, dự án vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ… cũng cần công khai minh bạch. Chỉ có làm như vậy mới chống được tham nhũng”.

Đưa ra quan điểm về việc này, đại biểu Nguyễn Sơn cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm chưa đạt yêu cầu đặt ra có một phần nguyên nhân từ nhận thức về đấu tranh phòng chống tội phạm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, cán bộ thực thi công vụ không nghiêm túc, kể cả từ khâu phát hiện tham nhũng, điều tra, truy tố...

Kỳ lạ án treo nào cũng đều đúng

Tại Đoàn TP Hồ Chí Minh, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nhắc lại vấn đề dư luận đang đặt ra là: Tại sao tỷ lệ án treo trong tham nhũng lớn? Phải chăng có gì khuất tất?

Dẫn lại thông tin từ chính địa phương đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh khẳng định, đã có nhiều đoàn công tác của TP HCM và Trung ương tới TAND TP HCM để kiểm tra việc xử lý án treo trong tham nhũng tại đây. Tất cả đều khẳng định, việc tòa án thành phố cho hưởng án treo với các vụ án tham nhũng đều đúng.
“Án trong tham nhũng thường có nhiều bị cáo, nhiều người là đồng phạm, thậm chí được sự chỉ đạo của giám đốc, cấp trên; bên cạnh đó, họ có thân nhân tốt thì không thể xử tù được.

Pháp luật của chúng ta rất đầy đủ, việc bị cáo bị truy tố ra xét xử trên cơ sở pháp luật. Việc xử nặng, nhẹ đều được cân nhắc và nghiêm minh. Nếu dư luận cho rằng, án treo là chưa thỏa đáng thì đề nghị Trung ương có nghị quyết về tội tham nhũng không được xử tù treo”, ông Ánh nói.
Nhận định ngược lại vấn đề, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, đoàn Cần Thơ cho rằng dư luận có quyền đặt câu hỏi, xử án treo trong tham nhũng là có biểu hiện chạy án.

Về vấn đề thu hồi tài sản thất thoát từ án tham nhũng, ông Huỳnh Văn Tiếp nhấn mạnh: Theo báo cáo, tài sản thu hồi chỉ khoảng 10%, vậy nguyên nhân do luật pháp hay ở khâu nào? Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét lại Luật phòng chống tham nhũng để xử lý nghiêm minh hơn với loại án này, phải thu hồi thất thoát về cho ngân sách Nhà nước.

Phương Nguyên