THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 September 2013

VIDEO : Xả lũ đột ngột ở Đăk Lăk


Lãnh đạo cơ quan phòng chống lụt bão Hà Nội nói Tập đoàn điện lực VN phải chịu trách nhiệm việc xả lũ cuốn phăng hàng chục ngôi nhà ở Đăk Lăk.
Lũ về rất bất ngờ nên bà con trở tay không kịp khiến nhiều gia đình mất sạch tài sản.
Lũ về rất bất ngờ nên bà con trở tay không kịp khiến nhiều gia đình mất sạch tài sản.
Sáng 18/9, sau một ngày bị nhấn chìm trong biển nước, hàng chục ngôi nhà cùng hàng trăm ha hoa màu của người dân tại thị trấn Eađrăng (huyện Eahleo, Đăk Lăk) đã bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Người dân địa phương cho biết, họ không hề được chính quyền và Ban quản lý đập thông báo từ sớm để di dời, bảo toàn tài sản. Khi lũ đã tràn về rồi mới được thông báo, lúc đó đã quá muộn, họ chỉ còn biết tháo chạy thoát thân, tất cả tài sản đều phải bỏ lại.
Xung quanh vụ việc này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão thành phố.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội (Ảnh: Internet)
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội (Ảnh: Internet)
- Ông có bình luận gì trước việc xả lũ đột ngột ở thị trấn Eađrăng (huyện Eahleo, Đăk Lăk)?
Đến giờ chưa thể kết luận việc xả lũ như thế có đột ngột hay không, nhưng việc đó phải được làm theo đúng quy trình vận hành hồ chứa.
Ở vụ việc này, chưa rõ có hay không chuyện phải xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho hồ, đập bởi theo quy trình vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn cho hồ, đập là ưu tiên hàng đầu. Có những trường hợp nước lũ quá lớn mà hồ đã đầy rồi thì buộc người ta phải chấp nhận xả lũ đột ngột.
Tuy vậy, dù khẩn cấp tới đâu chăng nữa, các cơ quan chức năng có liên quan cũng phải bằng mọi cách sớm báo cho người dân ở hạ lưu biết để họ có những hướng đối phó ban đầu. Còn nếu không kịp thông báo thì phải xét xem khẩn cấp tới mức độ nào.
- Cần thời gian bao lâu để dự đoán hồ sắp đầy buộc phải xả lũ và bao lâu để ra thông báo cho người dân, thưa ông?
Mỗi hồ chứa, mỗi khu vực có quy trình riêng, nhưng theo tôi nghĩ, từ khi có ý định xả tới khi quyết định xả thì cũng phải mất vài chục phút. Với các phương tiện thông tin hiện đại như hiện nay, chỉ cần 5 – 7 phút là có thể điện, thông báo cho các huyện, xã, phường… về việc này.
Và chỉ cần báo sớm trong vòng 1 tiếng là nhân dân đã có thể chuẩn bị các hình thức đối phó tạm thời với nước lũ được rồi.
- Với thiệt hại nặng nề như thế, theo ông ai sẽ phải chịu trách nhiệm về chuyện này?
Cái này còn phải xem xét chứ chưa thể kết luận ngay được. Đương nhiên liên quan tới việc xả lũ, vận hành hồ chứa, phải xem xét xem khi Ủy ban nhân dân các cấp nhận được thông báo khẩn cấp, họ đã triển khai tới đâu.
- Có ý kiến cho rằng, xả lũ đột ngột như vậy là vì quyền lợi của một nhóm người là chủ sở hửu tài sản đập thủy điện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ, trước hết phải rơi vào những tình huống khẩn cấp, phải đảm bảo an toàn cho hồ chứa thì người ta mới xả lũ đột ngột. Thế nhưng, khẩn cấp đến mấy cũng không tới độ người ta không kịp ra thông báo tới các hộ dân.
Cho dù khoảng thời gian để người dân chuẩn bị các tình huống đối phó với nước lũ không nhiều, chỉ độ vài ba tiếng đồng hồ, nhưng ít nhất cũng đủ để tránh được những sự cố, thiệt hại đáng tiếc về người và của. Trong vụ việc này, cần làm rõ mục đích, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
- Có hay không sự vô trách nhiệm của quan chức địa phương trong chuyện xả lũ đột ngột này?
Nếu vì chuyện này chuyện kia mà người ta không thông báo tới người dân về việc xả lũ thì rõ ràng họ phải chịu trách nhiệm nếu tính mạng, tài sản của người dân bị đe dọa, ảnh hưởng.
Các cơ quan quản lý hồ đập nơi đó, đơn vị vận hành, vĩ mô hơn thì các bộ, ngành, thậm chí cả Chính phủ phải có những biện pháp kiên quyết hơn nữa, cần thiết thì phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân sau mỗi vụ xả lũ đột ngột để tránh xảy ra những vụ việc tương tự.
- Nhiều ý kiến cho rằng, do luật pháp chưa đủ sức răn đe, còn nhiều lỗ hổng nên những vụ xả lũ đột ngột vẫn ngang nhiên tái diễn như thế. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
Đúng là pháp luật Việt Nam có những lỗ hổng, nhưng không phải nhiều. Các văn bản luật, các quy định đã khá chặt chẽ chuyện này rồi chứ không phải không. Quan trọng là lúc áp dụng thực tế, họ triển khai như thế nào thôi. Các chế tài xử phạt đã sẵn, nhưng quan trọng là chúng ta đã làm nghiêm hay chưa?
- Theo ông, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại của người dân thị trấn Eađrăng?
Tôi nghĩ là phải có.
- Dư luận cho rằng EVN mà chịu phạt thì giá điện lại tăng. Còn ông, quan điểm của ông thế nào?
Nên nhớ chẳng cứ phải bồi thường EVN mới tăng giá điện. Người ta tăng theo tính toán của ngành nên việc tăng đó có thể có, có thể không. Pháp luật nghiêm minh, công bằng nên bất kì cơ quan, cá nhân nào vi phạm, làm sai đều bị xử lý.
Xin cảm ơn ông!
Xin thông tin thêm, trước khi bài phỏng vấn này được đưa lên, phóng viên VTC News đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Khu – Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc Gia (A0) – đơn vị trực thuộc EVN để nắm bắt thông tin về vụ việc. Tuy nhiên ông Khu đã từ chối trả lời với lý do “đang bận họp”…

Đăk Lăk xả đập, hàng chục người mắc kẹt trong lũ

Mưa lớn nhiều ngày khiến nước ở các đập dâng cao kết hợp với việc xả lũ lưu lượng lớn đã khiến nhiều nhà bị cuốn trôi, hàng chục người dân mắc kẹt.
Lũ cuốn trôi nhiều ngôi nhà chiều 17/9. Ảnh: Việt Linh
Lũ cuốn trôi nhiều ngôi nhà chiều 17/9. Ảnh: Việt Linh
Do ảnh hưởng bão số 8 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây nam cường độ mạnh, tại Đăk Lăk, mưa diễn ra trên diện rộng kéo dài nhiều ngày qua. Đến ngày 18/9, lượng mưa phổ biến đạt 150-250 mm, cá biệt tại huyện Ea H’leo có khi lên đến 516 mm. Mực nước các sông trong tỉnh đang dao động theo xu thế tăng và xuất hiện lũ tại một số địa phương. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay mực nước đã tràn qua.
Trên địa bàn huyện Ea H’leo mưa lớn đã gây lũ trên các sông, suối và nhiều địa bàn khu dân cư. Sáng 17/9, hồ chứa nước Ea Drăng (thuộc địa bàn thị trấn) có dung tích 1,2 triệu m3 nước hồ tràn qua đập gây xói mái hạ lưu đập. Để đảm bảo an toàn công trình, UBND huyện đã cho xả lũ qua tràn với lưu lượng lớn nhất để hạ thấp mực nước hồ, do đó gây lũ lớn cho vùng hạ du.
Thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện đã có 11 nhà dân bị cuốn trôi, 3 nhà sập và 71 nhà ngập úng. Lũ quét cũng cuốn hết tài sản những ngôi nhà này. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn hư hỏng nặng; hàng trăm héc ta hoa màu của người dân bị ngập chìm trong nước lũ
Trên địa bàn huyện Ea Súp, do mưa lớn vùng đầu nguồn, hiện lượng nước đổ về hồ EaSúp đang rất lớn, lượng nước xả qua tràn là 200 m3/s, đã gây ngập úng nhiều điểm trên địa bàn huyện.
Vào chiều tối 17/9, 38 người xã Cư Kbang và 12 người ở xã Ea Rốc đi làm rẫy do nước suối lên nhanh không kịp về đã bị cô lập. Ban chỉ huy PCLB huyện này đã tổ chức lực lượng ứng cứu và đưa về nơi an toàn 37 người, hiện còn kẹt lại 13 người chưa tiếp cận được. Trên địa bàn xã Ea H’leo cũng có 43 người dân bị mắc kẹt trong rẫy vì nước suối lên nhanh…
Tại xã Ya Tmốt, nước lũ gây ngập hơn 10 thôn và buôn M’tha ở xã Ea Rốc. Tại xã Cư Kbang, một số tuyến đường bị ngập gây chia cắt các vùng như: tỉnh lộ 1 đoạn từ xã Ea Lê sang Ea Rốc, đường liên xã Ea Bung – Ya Tmốt, đường liên huyện EaSúp – CưM’gar ngập sâu trên 0,5m ách tắc giao thông. Tại công trình thủy lợi đập Ia Jlơi đã xuất hiện sự cố rò rỉ.
Nhiều tuyến đường tại Đăk Lăk bị chia cắt. Ảnh: Việt Linh
Nhiều tuyến đường tại Đăk Lăk bị chia cắt. Ảnh: Việt Linh
Tại huyện Krông Búk, theo dự báo của Ban chỉ huy PCLB tỉnh, nếu mưa lớn kéo dài thì nhiều công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn gồm: Đập Ea Gin xã Cư Né mực nước dâng lên nhanh, tràn xả lũ thoát nước không kịp, hiện tại mực nước đã dâng lên khá cao; Đập Buôn Thia, xã Cư Né hiện tại nước đã tràn qua thân đập; Đập Thủy điện, xã Chứ Kbô, do công trình đang thi công tràn xả lũ dở dang, nên việc thoát nước chậm, có nguy cơ mất an toàn nếu mưa lớn kéo dài.








Xả lũ đột ngột, cả thị trấn tan hoang trong phút chốc

Hàng chục ngôi nhà cùng hàng trăm ha hoa màu của người dân trong phút chốc đã bị dòng nước lũ cuốn trôi.
xanuoclu8
xanuoclu7
xanuoclu6
xanuoclu5
xanuoclu4
xanuoclu3
xanuoclu2_1
Sau một ngày bị nhấn chìm trong biển nước, sáng 18/9 nước lũ đã rút để lại cảnh hoang tàn đổ nát tại thị trấn Eađrăng (huyện Eahleo, Đăk Lăk).
Theo bà con, nước lũ về đột ngột nhanh và hung hãn đã quét qua khu vực các khối 3, 5, 6 thuộc thị trấn Eađrăng.