THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 September 2013

Mũi Cà Mau đối phó với nguy cơ biến mất ! Tại Sao ?

 

 


Trước đây, mũi Cà Mau mỗi năm vươn ra biển hàng trăm mét, thế nhưng gần đây, mũi Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng. Mỗi năm, Cà Mau mất khoảng 900 hecta đất, liên tục xuất hiện các điểm sạt lở.

PGS.TS Lương Văn Thanh, Viện Kỹ thuật biển cho biết, mọi nỗ lực của giới khoa học đang tìm cách để ngăn chặn xói lở tại mũi Cà Mau và bước đầu đã có những thông tin tích cực.
Lấn biển, trồng rừng
Tình trạng sạt lở ở mũi Cà Mau diễn ra nhiều năm qua đã khiến không ít người còn lo ngại, rất có thể sẽ biến mất vùng đất thiêng trong tâm thức người Việt. Theo TS Tô Văn Thanh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tại Cà Mau có rất nhiều điểm sạt lở. Năm 2011, các nghiên cứu đã chỉ ra cả vùng biển Đông, biển Tây, Năm Căn (sông cửa Lớn) cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Thống kê của UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ ra, ngoài Khu du lịch Đất Mũi, Khai Long đang bị sóng biển tấn công, Cà Mau xuất hiện tới 34 điểm sạt lở. Trong đó, có 20 điểm sạt lở bờ sông và 14 điểm sạt lở bờ biển. Mỗi điểm sạt lở trung bình khoảng 0,5 mét.
Trước thực trạng này, từ những năm 2007, tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa sạt lở nhưng hiệu quả không cao. Có những điểm sạt lở được xây dựng kè chắn song nhưng có khi xây chưa xong đã bị sóng cuốn trôi. Các giải pháp thi công rọ đá, cắm cọc…cũng không được xem là tối ưu.
Ngay sau đó, Bộ KH-CN đã có chuyến khảo sát, đồng thời giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học, chuyên gia của Viện Kinh tế biển, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nghiên cứu cơ chế hình thành phát triển vùng bồi tụ ven bờ để tìm giải pháp chống sạt lở vùng đất Mũi.
Kè mềm đang được đánh giá là giải pháp tạm thời ngăn chặn tình trạng xói lở tại mũi Cà Mau. ảnh Viện kinh tế biển.
PGS.TS Lương Văn Thanh cho biết, Viện Kỹ thuật biển được Bộ KH-CN giao nhiệm vụ nghiên cứu và tìm giải pháp thích hợp cho việc ngăn chặn sạt lở ở đất mũi Cà Mau. Nhóm nghiên cứu trước mắt đã áp dụng giải pháp kè mềm để tạo bồi vào bên trong để trồng phủ rừng ngập mặn ra ngoài, giữ đê phía trong. Khi tạo rừng ngập mặn ra đến kè chắn song lại tiếp tục nhổ kè cắm ra ngoài, giữ đê phía trong. Khi rừng phủ đến khu vực kè mềm, lại nhổ kè, cắm lan dần ra phía ngoài biển.
Theo TS Thanh, giải pháp kè mềm chi phí kinh phí ít. Đối với những vùng bị xói quá sâu thì tìm cách tạo được hướng dòng, đường gờ phía dưới để tạo bồi cát vào phía trong để lấn dần ra biển. “Giải pháp này triển khai ở Cà Mau, số liệu bước đầu đo đạc thấy phù sa bồi rất nhanh”, PGS Thanh cho biết.
Có thể “cứu” đất mũi Cà Mau
Đánh giá cao giải pháp kè mềm áp dụng tại Cà Mau, tuy nhiên, TS Tô Văn Thanh nhận định, kè mềm cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì chúng như thềm chắn sóng trước khi sóng vào bờ. Hiện giải pháp này bước đầu hạn chế được sạt lở cho vùng đất Mũi, tuy nhiên, đây chỉ là ngăn hiện tượng.
Nguyên nhân sâu xa phải nghiên cứu sự hình thành sạt lở từ đâu; do các dòng hải lưu ven bờ, do sóng hay do phù sa ngày càng ít đi… thì cần phải có đánh giá bản chất vấn đề ở chỗ nào, từ đó mới có thể tìm giải pháp đúng.
Hiện Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ nghiên cứu, chống sạt lở cho vùng biển Đông, biển Tây khu vực Cà Mau. Từng có nhiều năm kinh nghiệm triển khai các công trình đê biển, TS Thanh cho rằng, với trình độ công nghệ của Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được tình hình. “Chỉ có điều kinh phí sẽ là quyết định lớn nhất xem các giải pháp có thể áp dụng được đến đâu”, TS Thanh nói.
Theo TS Thanh, một trong những khó khăn trong công tác chống xói lở tại Cà Mau đó là kinh phí và công tác giải phóng mặt bằng. Việc chỉ ra bản chất của hiện tượng xói lở bở biển có thể được giải quyết bằng công nghệ viễn thám. Công nghệ này có thể giúp tìm hiểu quy luật dòng chảy, dòng hải lưu…
PGS.TS Thanh cho biết, đến tháng 5.2013, công trình nghiên cứu về xói lở vùng đất mũi Cà Mau sẽ được Bộ KH-CN nghiệm thu. Các nghiên cứu bước đầu cho thấy hiện tượng xói lở ngày càng gia tăng nhưng chỉ là bề mặt chứ không xói lở sâu.
Lòng dẫn dòng chảy và phù sa của sông Mê Kông cũng thay đổi khiến cho những khu vực trước kia bồi lấp nhiều thì nay bị xói lở nhiều. Tuy nhiên, PGS Thanh cho biết, các giải pháp công nghệ khẳng định hoàn toàn có thể “cứu” được vùng đất mũi Cà Mau chứ không như những lo lắng vùng đất này sẽ bị biến mất vì sóng biển.
Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG