THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 September 2013

Chiến lược quốc tế hóa nhân dân tệ của Trung Quốc!...

VNEXPRESS - 29/9/2013 .  Trong gần 10 năm, Trung Quốc đã thành lập bốn trung tâm giao dịch nhân dân tệ trên thế giới, nhằm biến đồng tiền này thành tài sản dự trữ toàn cầu, góp phần tạo ảnh hưởng tài chính.
Đầu tháng 9, khảo sát của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy, nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc hiện là một trong 10 đồng tiền được giao dịch mạnh nhất thế giới. Kết luận này được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc công bố dự thảo kế hoạch cho phép NDT được chuyển đổi hoàn toàn trong Khu vực thương mại tự do Thượng Hải (FTZ).
Cả hai sự kiện được liên kết một cách phức tạp và có liên quan đến các kế hoạch sâu xa hơn của Chính phủ Trung Quốc, vừa nhằm quốc tế hóa NDT, vừa củng cố ảnh hưởng và vị thế của đồng tiền này trên thị trường tài chính toàn cầu. Điều này cho thấy quá trình hội nhập toàn cầu của Trung Quốc không chỉ giới hạn về thương mại mà còn đang nhanh chóng lan sang lĩnh vực tài chính, The Diplomat nhận xét.
Việc thành lập khu FTZ Thượng Hải được kỳ vọng giúp thành phố này trở thành một trung tâm tài chính quốc tế chính thức trước năm 2020. FTZ được chính thức phê duyệt thành lập vào tháng Tám năm nay, nhưng dự thảo kế hoạch hướng tới tự do chuyển đổi hoàn toàn đồng NDT tại đây chỉ mới được tiết lộ. Kế hoạch này được ưu tiên hàng đầu so với tự do hóa thương mại, lãi suất hay thành lập các ngân hàng nước ngoài và liên doanh tại FTZ Thượng Hải.
yuan-4696-1380391522.jpg
Trung Quốc muốn biến NDT thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Ảnh: Huffington Post.
Điều quan trọng là thành công của việc cho phép NDT chuyển đổi trong FTZ Thượng Hải sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc dần tự do hóa NDT ở cấp quốc gia. Điều này phù hợp với kế hoạch biến NDT trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, còn Thượng Hải có khả năng trở thành trung tâm giao dịch NDT lớn. Tuy nhiên, kế hoạch tự do hóa kiểm soát tiền tệ trong FTZ Thượng Hải chỉ là một phần chiến lược tổng thể về đồng NDT.
Đầu năm 2004, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội biến Hong Kong thành một trung tâm của NDT ở nước ngoài khi chỉ định Bank of China Hong Kong làm ngân hàng được thanh toán đồng tiền này. Năm 2009, London là cái tên tiếp theo. Đến giữa năm 2012, cả Hong Kong và London đã trở thành hai trung tâm NDT ở nước ngoài cho một loạt tổ chức và doanh nghiệp. Năm 2013, Singapore trở thành trung tâm tiếp theo khi Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) được chỉ định thanh toán bằng đồng NDT tại đây. Các kế hoạch nhằm tự do hóa việc kiểm soát đồng NDT trong FTZ cho thấy Thượng Hải sẽ là thành phố thứ tư hỗ trợ quá trình quốc tế hóa đồng NDT.
Thông qua thành lập ba trung tâm ở nước ngoài và một tại Thượng Hải, Trung Quốc giờ đã có thể khuyến khích sử dụng NDT tại một số thị trường trọng điểm. London là cầu nối quan trọng để vào các thị trường châu Âu. Singapore kết nối các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á với các quỹ thanh toán bằng đồng NDT. Hong Kong đóng vai trò đặc biệt quan trọng để kết nối Trung Quốc với cả thế giới và trách nhiệm này sắp được Thượng Hải chia sẻ. Như vậy, bốn thành phố này sẽ là các chốt quan trọng để Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường tài chính toàn cầu, khuyến khích việc giao dịch và sử dụng đồng NDT.
Những nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc đã giành được một số sự ủng hộ nhất định của quốc tế. Tháng 4 vừa qua, Australia tuyên bố ý định đưa NDT vào nhóm dự trữ ngoại hối của nước này. Đây là nước thứ ba, sau Mỹ và Nhật Bản, có giao dịch tiền tệ trực tiếp với Trung Quốc. Tuyên bố này cũng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc và Brazil ký hiệp định hoán đổi tiền tệ trong ba năm, nhằm từ bỏ lấy USD làm chuẩn mực thương mại giữa hai nước.
Năm ngoái, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã quyết định đưa đồng NDT vào Chương trình Tài trợ Thương mại (TFP) của tổ chức này, chủ yếu nhằm hỗ trợ thương mại trong khu vực. Iran cũng chấp nhận thanh toán bằng NDT cho dầu mỏ xuất sang Trung Quốc. Những động thái này cho thấy ngày càng có nhiều nước ủng hộ nỗ lực của quốc tế hóa nội tệ của Trung Quốc.
Việc sử dụng đồng NDT ngày càng tăng khi Bắc Kinh tiến hành hàng loạt biện pháp khuyến khích trên toàn cầu. Để NDT linh hoạt hơn, năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố nới biên độ giao dịch của NDT với USD từ 0,5% đến 1%. Những tiến bộ gần đây trong việc quốc tế hóa NDT cũng phù hợp với mục tiêu của giới chức của Trung Quốc, là giảm thiểu rủi ro về tỷ giá mà các công ty nước này thường gặp phải.
Trung Quốc cũng đang nghiên cứu kế hoạch trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên, điều này khó có thể đạt được khi USD bắt đầu lấy lại vị thế. Bắc Kinh vẫn cần làm nhiều hơn nữa để thuyết phục các nước giao dịch bằng NDT, nếu họ muốn đồng tiền này thực sự có được vị thế của tiền tệ dự trữ toàn cầu. Trung Quốc cũng sẽ cần phải thiết lập cơ chế chuyển đổi tài khoản vốn và có chính sách tỷ giá minh bạch hơn. Chuyển đổi đồng NDT trong khu FTZ Thượng Hải chỉ là bước đầu tiên hướng tới kế hoạch này.
Lợi ích của Trung Quốc trên thị trường tài chính toàn cầu cũng có mục đích chính trị. Đầu thập niên 90, nhà kinh tế chính trị Susan Strange đã định nghĩa “quyền lực tài chính” là loại quyền lực về cấu trúc, có thể dùng để thay đối môi trường kinh tế - chính trị toàn cầu, nhằm phục vụ lợi ích quốc gia.
Thông qua quảng bá NDT và tạo vị thế người chơi lớn trên thị trường, Trung Quốc đang dùng ảnh hưởng tài chính làm nền tảng quyền lực để nâng cao vị thế toàn cầu. Khi các cường quốc khác, như Mỹ và châu Âu, đang suy yếu về tài chính, quyền lực tài chính có thể trở nên rất quan trọng trong nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Phạm Ngọc Uyể
n