THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 September 2013

Chất độc chôn dưới đất vượt chuẩn 10,000 lần !...

THANH HÓA (NV) Cuộc xét nghiệm 13 mẫu đất, nước, chất thải của công ty sản xuất thuốc trừ sâu Nicotex Thanh Thái đợt mới nhất cho thấy, dư lượng hóa chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép chục ngàn lần.
Hôm 19 tháng 9, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã chuyển một phúc trình đến cán bộ lãnh đạo cao nhất của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam thừa nhận, tình trạng ô nhiễm lan rộng khắp xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa là “hết sức trầm trọng.”

Hóa chất chôn dưới lòng đất trong khuôn viên nhà máy Nicotex Thanh Thái. (Hình: VNExpress)

Theo báo mạng VNExpress, nhà máy Nicotex Thanh Thái đã chôn hàng tấn thuốc trừ sâu hết hạn sử dụng xuống lòng đất suốt 7 năm qua để phi tang mà không ai hay biết. Số hóa chất này được chôn lấp dưới ít nhất 10 hố đào sâu xuống đất, rải rác trong khuôn viên nhà máy, cạnh khu dân cư.

Cho đến khi không còn chịu nổi mùi hôi, cũng như nghi ngờ về sự ô nhiễm trầm trọng do nhà máy gây ra, hàng trăm cư dân túa ra chặn đường xe vận tải chở thuốc rời nhà máy. Cũng hàng trăm người dân, sau đó đã phá cổng, trèo tường, mang theo cuốc, xẻng, xà beng đào bới khắp nơi trong khuôn viên nhà máy. Chỉ mất vài tiếng đồng hồ, người dân đã đào trúng những hố sâu khổng lồ chôn đầy thùng phi chứa hóa chất, cũng như các chai lọ, bao bì,...

Kể từ chiều ngày 29 tháng 8 cho đến nay, hàng trăm cư dân cùng dựng lều tạm ngụ chung quanh trụ sở công ty Nicotex Thanh Thái, buộc người của họ “nội bất xuất, ngoại bất nhập.” Người dân được sự tiếp tế của thân nhân, cho biết nhất quyết “bám trụ” để ngăn chặn việc công ty này chở hóa chất đi nơi khác phi tang.

Trước tình thế “chẳng đặng đừng,” cuối cùng thì nhà cầm quyền tỉnh Thanh Hóa cho người đến thu thập 13 mẫu đất, nước và chất thải chung quanh nhà máy đưa đi xét nghiệm. Trong phúc trình kết luận được công bố chiều ngày 19 tháng 9, cán bộ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xác nhận rằng, độ độc hại của các mẫu nói trên vượt mức cho phép đến hàng chục ngàn lần.

Trước đó, ngày 18 tháng 9, phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho hay, đã xử phạt “hành chính” công ty Nicotex Thanh Thái 421 triệu đồng, tương đương 21,000 đô vì vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, đã tạm đình chỉ hoạt động của công ty Nicotex Thanh Thái, chờ “khắc phục hậu quả.”

Theo dư luận, việc xử phạt hành chính công ty Nicotex là quá nhẹ so với tổn thất nặng nề mà người dân trong vùng gánh chịu. Trong khi đó, theo chánh văn phòng công an tỉnh Thanh Hóa, “khó mà khởi tố vụ án” Nicotex Thanh Thái chôn hóa chất xuống đất gây ô nhiễm môi sinh.

Còn theo VietNamNet, việc người dân ra tay đối phó trực tiếp với công ty Nicotex bởi đã quá sức chịu đựng. Một số cư dân cho hay rất nhiều người đã bỏ đi nơi khác. Tôm cá chết dần, hàng đàn ong mật cũng tan biến trong vài năm trở lại đây vì môi trường bị ô nhiễm.

Ðời sống người dân xã Yên Lâm thê thảm thấy rõ chỉ sau ba tháng kể từ ngày Nicotex Thanh Thái đi vào hoạt động. Ðây là xã có tới 60% dân số sống về nghề nuôi ong đàn để lấy mật. Sau ngày Nicotex Thanh Thái ra đời không lâu, số lượng mật ong thu được của người dân giảm xuống gấp 10 lần. Ông Lê Xuân Riêu, người nổi tiếng của làng ong mật xã Yên Lâm than thở, 40 đàn ong của ông bị chết rụi dần mòn, đến nay chỉ còn khoảng 9 đàn.

VietNamNet còn dẫn lời một cư dân tên Hoàng kể lại, nước suối trong vùng, cạnh nhà máy bỗng dưng “trong” đến lạ lùng. Tất cả các sinh vật trong vùng, kể cả loài đỉa đều biến mất đầy bí ẩn. Một ao hồ rộng 3 mẫu của ông Nguyễn Ðăng Hùng thỉnh thoảng lại nổi lên hàng đàn cá chết trắng xóa trên mặt nước.

Dân chúng trong vùng đã báo cho chính quyền địa phương biết về các hiện tượng chết người kể trên từ nhiều năm nay. Vì không được sự lưu tâm, buộc hàng trăm người dân cuối cùng phải tự mình đi tìm sự thật.

Tuy nhiên, sau khi sự thật được bóc trần, các cấp chính quyền huyện, tỉnh, cũng như nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam tiếp tục “chẳng thèm quan tâm.” (PL)