THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 June 2013

Trung Quốc nịnh Nga để chơi bài “vỏ J-20, ruột Su-35”?

ANTĐ - Vừa qua phái đoàn của Trung Quốc đã đến Moscow đề thương thảo vấn đề mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. Bài viết trên Trang mạng thông tin CNQP Nga cho biết, Trung Quốc mua Su-35 với mục đích đẩy nhanh tiến độ phát triển máy bay chiến đấu “thế hệ thứ 5” J-20 của họ. 
Một quan chức trong ngành CNQP Nga cho biết, ngày 05/06, một chiếc máy bay chiến đấu đa dụng Su-35 của không quân Nga đã tiến hành bay biểu diễn cho phái đoàn quân sự Trung Quốc quan sát. Các chuyên gia Trung Quốc đã có những nhận xét, đánh giá rất cao về tính năng của loại máy bay chiến đấu thế hệ 4++ này.
Vị quan chức này cho biết, bay biểu diễn tính năng là một công tác khảo sát quan trọng trước khi ký kết các hợp đồng mua sắm máy bay. 2 phi công điều khiển máy bay lần này đều là người của Nhà máy chế tạo máy bay “Liên Hợp”. Đến tham dự buổi bay thử còn có đại diện của Bộ tư lệnh không quân Nga, Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga và Công ty Sukhoi cùng tham gia.
Buổi bay biểu diễn kết thúc, các quan chức của cả 2 bên bắt đầu tiến hành trao đổi ý kiến. Tuy thông tin chính thức chưa được công bố nhưng đã có nhiều thông tin rò rỉ cho biết, có khả năng giai đoạn đầu Trung Quốc sẽ mua khoảng 24 chiếc chiến Su-35.
Vị quan chức này cho biết, mục đích chính của Trung Quốc khi mua Su-35 là để khắc phục những khó khăn mà Trung Quốc không thể khắc phục trong quá trình nghiên cứu, phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của họ là J-20. Tuy trong thời gian qua J-20 rầm rộ bay thử nhưng Trung Quốc vẫn còn 2 điểm yếu chết người về phát triển động cơ và hệ thống radar. Ngoài ra còn một số vấn đề như: vật liệu hấp thụ sóng radar, vật liệu tích hợp Titan để làm tăng độ bền...

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga


Về động cơ, nguyên mẫu số 1 của J-20 sử dụng động cơ AL-31F của Nga, còn chiếc thứ 2 sử dụng động cơ WS-10G do Trung Quốc “nhái lại” từ chính AL-31F. Đây chính là loại động cơ được Trung Quốc sử dụng trên “bản sao” của Su-27SK là J-11.
Các chuyên gia quân sự nước ngoài cho biết, tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm J-20 ít nhất còn phải mất 6-7 năm nữa, do đó Bắc Kinh không có cách nào hoàn thiện loại máy bay này đúng theo kế hoạch của họ là năm 2017. Trong khi đó họ đưa ra điều khoản hợp đồng mua sắm và bàn giao máy bay chiến đấu Su-35 trước năm 2015.
Vì vậy, mục đích mua sắm Su-35 là nhằm vào động cơ phản lực vector 117S, thuộc thế hệ AL-41F - phiên bản cải tiến rất sâu của AL-31F. Mổ xẻ loại động cơ tiên tiến này của Nga sẽ giúp Trung Quốc thu được những công nghệ cần thiết, đẩy nhanh tiến độ phát triển động cơ sử dụng trên các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của họ.
Su-35 là sản phẩm của Viện thiết kế Sukhoi, là loại máy bay chiến đấu đa dụng siêu hạng được phát triển trên cơ sở máy bay chiến đấu Su-27. Ngoài bảo lưu hình dáng khí động của dòng Su-27, Su-35 áp dụng phần lớn là công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, được giới quân sự trên thế giới xếp vào thế hệ 4++.

Ngoài động cơ và radar, Trung Quốc còn học được rất nhiều từ Su-35


Su-35S có tầm bay tối đa 3400km, trần bay 19km, bán kính tác chiến 1600km (chưa tính tiếp dầu trên không). Trước đây, tính năng tàng hình là điểm yếu của Su-27, hai nguồn phát xạ rất lớn ở cửa hút khí và buồng lái là khiếm khuyết chết người của nó, về phương diện này, Su-35 đã có rất nhiều cải thiện. Các nhà thiết kế Su-35 đã chế tạo ra một vật liệu hấp thụ sóng điện từ, để phun lên bề mặt cửa hút khí và các tấm thép ốp động cơ.
Thân máy bay được gia cố hợp kim Titan, cùng với thiết kế 3 cánh nổi tiếng là cánh nhỏ phía trước, cánh chính và cánh đuôi bằng phía sau khiến cho Su-35 có khả năng cơ động tuyệt vời, với tốc độ tối đa lên tới 2,25Mach, ngang ngửa với tốc độ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là F-22 của Mỹ nhưng vượt trội về khả năng linh hoạt.
Ngoài động cơ máy bay 117S ra, radar mảng pha thụ động IRBIS (PESA) cũng là một công nghệ then chốt của Su-35 và là “niềm mơ ước” của Trung Quốc. Su-35 sử dụng radar mảng pha thụ động IRBIS-E (PESA), cự ly phát hiện máy bay thông thường lên tới 350km, tàu chiến cỡ lớn là 400km. Đặc biệt nó có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình có bề mặt tán xạ radar dưới 3m ở khoảng cách xa 100 - 150 km.
Hiện 1 nguyên mẫu radar PESA duy nhất của Trung Quốc đang được thử nghiệm trên 1 chiếc J-10B. Phía Trung Quốc tung hô ầm ĩ là đã chế tạo thành công radar mảng pha cho máy bay chiến đấu, thậm chí còn gạ bán cho Nga nguyên mẫu T/R.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 của Trung Quốc


Thế nhưng các chuyên gia kỹ thuật radar phân tích, thực chất loại radar PESA của Trung Quốc chỉ thuộc loại AESA, thuộc dạng công nghệ mà Nga và Mỹ đã bỏ không sử dụng. Chính vì vậy, để hoàn thiện nó, người Trung Quốc nhắm đến radar IRBIS-E là phiên bản hiện đại nhất của Nga đang lắp đặt trên Su-35.
Dại diện công ty Sukhoi tuyên bố, Su-35 áp dụng phần lớn các công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 nên có tính năng vượt trội các loại máy bay thế hệ thứ 4 của Mỹ và châu Âu như: Rafele, Typhoon, F-15, F-16, F/A-18 và máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ, có đầy đủ khả năng đối chọi với loại máy bay khủng nhất của Mỹ là “Chim ăn thịt” F-22 Raptor. 
Nguyễn Ngọc
Theo Mạng thông tin CNQP Nga