THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 May 2013

Trương Duy Nhất MỘT ĐỐI THỦ LỚN


truongduynhat-bibat6
Trương Duy Nhất trên đường di lý ra Hà Nội


Cái tôi cần là tư tưởng, chứ không phải là những chiến binh; cái tôi cần là tư duy và khả năng thực hành tư duy chứ không phải là sắt và máu!
Tràn ngập trên các trang mạng là tin blogger Trương Duy Nhất bị cơ quan Công an bắt giữ vì xâm phạm đều 258 Bộ Luật Hình Sự. Tuy nhiên điều khác biệt là ở chỗ cộng đồng mạng không thực sự sục sôi, không bày tỏ phẫn uất, cũng chưa thấy dấy lên phong trào kiến nghị đòi thả tự do cho Trương Duy Nhất!
Điều này là trái ngược với dư luận và phản ứng của dư luận khi Bùi Hằng hay Phương Uyên bị bắt! Những nhà dân chủ đã không (chưa) phong thánh cho Nhất.
Trương Duy Nhất là một trong những blogger viết về mảng chính trị sắc bén nhất, ngòi bút hay đúng hơn là tư duy của Nhất dường như không biết kiêng dè, đã công kích là phải trực diện, phải quyết liệt và không nhân nhượng. Nhất cổ vũ cho dân chủ bằng tình cảm và cả tư duy của mình.
Cũng có khi Nhất bị thiên về cảm tính nhưng nhân vô thập toàn, người ta không thể đòi hỏi một cây viết lúc nào cũng cho ra các sản phẩm sắc bén, đanh như thép, hay ngòi bút làm đòn xoay chế độ cho được.
Nhất là blogger lớn có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng và (có lẽ) Nhất theo phái phản biện trung thành, đôi khi Nhất cũng bày tỏ những sự thất vọng (đến mức tột cùng của mình), sự bi phẫn trong một số entry.
Trở lại với việc Trương Duy Nhất bị bắt.
Nếu chiếu theo luật 258 hay 79, hay 88 thì có lẽ ít nhất phân nửa blogger viết về chính trị sẽ bị bắt giữ. Những điều luật này thiếu sự chính xác cần có của một bộ luật hình sự, thiếu luôn cả sự khoa học. Chính điều này đã tạo nên một đám mây mù, rất dễ bắt tội công dân.
Không phải là những nhà làm luật Việt Nam không hiểu điều đó, mà đơn giản là tự bản thân nhu cầu của họ (nhu cầu thống trị của nhà nước, nhu cầu của giai cấp thống trị – nói theo ngôn của Mác) đã buộc họ phải soạn thảo ra những điều luật như vậy.
Và nó làm ra cái gọi là an ninh tư tưởng, tạo tiền đề để luôn sẵn sàng bắt giam bất cứ ai có thể miễn là đã đánh dấu là “thế lực thù địch”.
Vâng chẳng có lý nào một công dân yêu cầu Tổng Bí thư một đảng từ chức, Thủ tướng từ chức, hay nói “không ơn Đảng, ơn chính phủ”, tiến hành cùng Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm… lại bị bắt khẩn cấp và tống tù vì lý do lợi dụng quyền dân chủ, tự do ngôn luận….
Tất nhiên lý thuyết thì chỉ là lý thuyết còn thực tế là chúng ta đang sống tại Việt Nam nơi có những điều luật như 258, 79, hay 88. Và bởi vì “Pháp luật là công cụ của giai cấp thống trị” – cũng nói theo ngôn ngữ của Mác!
Thời điểm hiện tại là thời điểm rất nhạy cảm, một sự kiện dù nhỏ nhưng sẽ đem lại tính kích ứng xã hội rất cao. Cơ quan An ninh hẳn hiểu rõ điều đó, nhưng tại sao vẫn quyết định bắt Trương Duy Nhất?
Khi Nguyễn Bá Thanh còn ở Đà Nẵng, Trương Duy Nhất có viết trời viết bể thì cùng lắm là bị điều tra lý lịch, thăm hỏi, uống trà. Nhất cũng tỏ ra nắm rất vững pháp luật và các quyền công dân của mình, hoàn toàn không có việc “bắt giam khẩn cấp Trương Duy Nhất”.
Nhưng Bá Thanh ra Hà Nội cùng với những biến động chính trị gần đây và kết cục đã đến… Trương Duy Nhất bị bắt ở Đà Nẵng và ngần ngay lập tức được di lý ra Hà Nội để điều tra.
Điều này cho thấy tầm quốc gia của vụ bắt giữ Trương Duy Nhất, nó không gói trong phạm vi địa phương (tỉnh, thành). Người mở án điều tra, quyết tâm bắt Trương Duy Nhất là ở Hà Nội, không phải ở Đà Nẵng và đó hẳn phải là một quá trình chuẩn bị (hay điều tra) chứ không phải là lệnh bắt giữ đột xuất.
Nhìn mặt khác điều này cũng nói lên sức công phá mạnh mẽ của blog Góc nhìn khác.
Cách đây hơn một tháng Hantimes có nhận được một số thông tin, bình luận về việc sẽ có một cuộc tảo thanh sau Hội nghị VII. Cuộc tảo thanh này nhằm dẹp tan những blogger đã đi quá sâu vào đấu tranh chính trị ở thượng tầng kiến trúc.
Tất nhiên giả thuyết thì vẫn cứ là giả thuyết, tin đồn thì vẫn là tin đồn và nó được đặt ra như một dấu hỏi để ngỏ!
Mà tin đồn thì không ai bịt miệng được!
Bỏ qua những tranh đấu chính trị ta có thể nói gì về việc Trương Duy Nhất một blogger lớn bị bắt giữ? Điều phải nói lại là Nhất có tư duy hơn hẳn những nhà dân chủ hiện thời, Nhất cá tính, mạnh mẽ và quyết liệt trong tư duy của mình.
Nhất không đòi lật đổ thể chế (như rất nhiều người kêu gọi), Nhất cũng không chủ trương sắt và máu. Nhưng bằng tư duy của mình Trương Duy Nhất đã đưa những độc giả của trang Góc nhìn khác đi dần đến sự thực, sự khai phóng về tư duy, đi dần tới nhu cầu hít thở bầu không khí dân chủ thực sự.
Và sự thực Nhất đã làm điều đó! Nhất đã “Tập huấn dân chủ”, loại bỏ đi những tư tưởng, sự trông chờ vào “đấng cứu thể” để công dân có thể tự nhận thức về mình, xác định vị thế của mình.
Người ta lo ngại chính là lo ngại điều này, chứ không phải là những kêu gào la hét, những bịa đặt, căm thù vốn tràn đầy trên mạng ảo. Cái họ sợ là tư tưởng, vũ khí quan trọng nhất là tư tưởng chứ không phải là não trạng yếu đuối sợ sệt hay những thét gào bùng xung nhưng rỗng tuếch.
Và ở khía cạnh này thì Trương Duy Nhất cần phải bị bắt giữ.
Những thứ còn lại cứ để tự sinh tự dưỡng và rồi tự tha hóa, tự biến chất đi. Nó sẽ tha hóa biến chất đến mức người ta sẽ phỉ nhổ vào chính cái gọi là “phong trào đòi dân chủ”.
Sự phá hoại không gì tàn khốc hơn thế!!
Gần như ngay lập tức khi Trương Duy Nhất bị bắt, thì một loại sâu đã được cài vào một bức hình, bức hình này được đăng trong entry của một blogger khá nổi tiếng. Entry này viết về một sự kiện đang “hot” và gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.
Sâu (hay loại viruts) này sẽ đẩy ra một yêu cầu đăng nhập tên, pass để truy cập blog. Mục đích cài sâu thì không rõ để làm gì, chủ nhân thực sự của của con sâu (viruts) này cũng không rõ là ai. Rất nhiều người đã dính loại sâu (viruts) này và nó đem lại cho họ những phiền toái nhỏ trong quá trình truy cập các trang mạng, đặc biệt là khi cố vào trang của Trương Duy Nhất.
Vụ việc của Nhất mang mầu sắc chính trị chứ không phải như vụ việc của Cô gái đồ long và do vậy nó sẽ tiềm ẩn nhiều bất trắc hơn. Trong trường hợp Nhất là một an ninh mạng, dấn thân quá sâu vào cuộc đấu tranh chính trị ở thượng tầng kiến trúc thì tôi vẫn dành sự kính trọng cho một một người như Trương Duy Nhất.
Đó là một đối thủ lớn và xứng đáng nhận được sự tôn trọng.
Trong trường hợp Trương Duy Nhất bộc trực chiến đấu, cổ vũ vì một sự thực và khai phóng tư duy, vì dân chủ (hay cả vì chính cái tôi cá nhân của Nhất), Nhất càng xứng đáng để cộng đồng này tôn trọng, thậm chí kính nể! Cái chúng ta cần và đang rất thiếu là những người như thế, những bài viết như thế, bởi điều đó tạo nền tảng tư duy đích thực.
Theo hantimes