THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 May 2013

Thực hư vụ ‘lính Mỹ ở VN sau 44 năm’



Bức tường tưởng niệm quân nhân Mỹ hy sinh trong Cuộc chiến Việt Nam
Câu chuyện về trung sỹ Mỹ John Robertson “còn sống tại Việt Nam” nhiều năm sau chiến tranh được nhiều báo Anh đăng tải nhưng với kết luận đó là chuyện lừa đảo.
Tin mớ́i nhất cho hay Hoa Kỳ bác bỏ chuyện một người Việt Nam "nhận là trung sỹ John Hartley Robertson".
Ông Dang Tan Ngoc (tên không dấu theo bản tiếng Anh), hiện sống miền Trung với vợ và con, tự nhận ông chính là quân nhân Mỹ mất tích hơn bốn thập niên qua.
Nhưng ông ta chỉ có thể là một người Việt gốc Pháp, chứ không phải ông Robertson, theo tờ Bấm Independent ra ở London hôm 1/5/2013.
Hồ sơ quân sự của Mỹ nói trực thăng chở ông John Hartley Robertson bị tai nạn trong một phi vụ tại Lào năm 1968 và ông bị coi là "tử nạn".
Nhưng bộ phim mang tên ‘Unclaimed’ (Vô thừa nhận) nêu ra chuyện có phải ông 'vẫn sống tại Việt Nam' đã và đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Gần đây nhất, vào năm 2009, hồ sơ từ Văn phòng Quân nhân Mỹ mất tích và Tù nhân chiến tranh (DPMO) nói người Mỹ chú ý đến ông Dang Tan Ngoc năm 2006 khi ông ta bắt đầu kể với mọi người ông là trung sỹ John Hartley Robertson.
Theo báo Anh, một số cựu binh cùng đơn vị Mũ Nồi Xanh của ông Robertson cũng đã lên tiếng bác bỏ chuyện ông Dang Tan Ngoc là chiến hữu của họ.
Khi trả lời một cảnh sát viên Canada gốc Việt về kiểm chứng, ông Dang Tan Ngoc "chỉ nói được tiếng Việt thuần tuý, thậm chí không có chút giọng Mỹ".
Nay người ta nêu ra lời giải thích ông ta bắt đầu "đóng giả lính Mỹ" từ khoảng năm 1982 vì tin rằng có thể đòi được các khoản tiền từ người Mỹ.
Tuy thế, được biết chị gái của ông Robertson, bà Jean Robertson Holly, 80 tuổi, khi gặp ông Dang Tan Ngoc một thời gian trước đã từng xúc động xác nhận đó là em trai bà.

Tù binh Mỹ rời Bắc Việt Nam ngày 12/2/1973 trong chiến dịch Operation Homecoming
Bài trên tờ Independent và một số báo Anh khác cũng nói lời kể của nhân vật Dang Tan Ngoc, 76 tuổi, rằng ông chính là trung sỹ Robertson đã được chính phủ Hoa Kỳ quan tâm xem xét từ lâu nhưng bác bỏ.
Tên tuổi ông Robertson hiện được khắc trên bức tường ở Washington DC tưởng niệm các binh sỹ Mỹ bỏ mình trong cuộc chiến Đông Dương, kết thúc năm 1975.

Câu chuyện còn nóng

Vì sự việc vừa được báo chí tiếng Anh hâm nóng lại, hôm 2/5, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gửi ra một thông báo, nói rõ về kết quả xét nghiệm DNA của ông Dang Tan Ngoc.
Thông báo viết, người xuất hiện trong đoạn phim 'đoàn tụ' với chị em gái của ông Robertson, đã được xét nghiệm DNA và cho thấy đây là một công dân gốc Đông Nam Á.
"Ngày 20/5/1968, Robertson bay trên một trực thăng H-34 của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị đạn của quân thù bắn xối xả. Chiếc trực thăng đâm vào ngọn cây, bị cháy nổ và đâm xuống đất. Các quân nhân Mỹ chứng kiến tai nạn xác nhận không ai sống sót... "
DPMO
Họ cũng xác nhận một ngày trước đó:
"Năm 2004, Hoa Kỳ nhận được thông tin kèm ảnh và video về một cá nhân nhận mình là Robertson. Người này đã được giới chức Mỹ phỏng vấn ngày 20/4/2006 và được xác định là một công dân Việt Nam."
"Năm 2009, sau một cuộc phỏng vấn nữa và thu thập mẫu tóc và vân tay do FBI phân tích, các chứng cứ này lại được xác nhận không trùng hợp với dấu tay của ông Robertson lưu trữ trong hồ sơ. Mẫu di truyền DNA cũng không giống với mẫu của em và chị gái ông Robertson."
Câu chuyện mà báo Anh kể lại cũng cho thấy sự quan tâm của dư luận Mỹ về người Mỹ mất tích trong cuộc chiến Việt Nam còn rất lớn.
Các hoạt động của họ tại Việt Nam cũng được nêu ra dù ít khi thấy báo chí Việt Nam nêu chi tiết, thường vì lý do đây là đề tài tế nhị với chính quyền.
Chẳng hạn, ngay từ năm 1991, lời kể của ông Dang Tan Ngoc đã thu hút sự chú ý của cựu nhân viên CIA, Billy Waugh, một nhân vật nổi tiếng tại Hoa Kỳ.
Ông Waugh sau đó đã “đưa cả một nhóm điều tra đến vùng rừng núi miền Trung Việt Nam, gặp bằng được ông Dang Tan Ngoc”, theo báo Independent.
Billy Waugh không phải là ai khác mà chính là người đã phát hiện ra Osama bin Laden tại vùng hang đá Tora Bora ở Afghanistan sau vụ 9/11.
Nhưng số liệu và dấu tích di truyền DNA từ ông Dang Tan Ngoc mà Billy Waugh mang về không xác nhận ông ta là John Robertson.
"Cho đến tháng 10/2012 có 1661 quân nhân Hoa Kỳ bị coi là 'mất tích' tại Đông Nam Á, trong đó 1281 người ở Việt Nam."
Tại Việt Nam, chủ đề người Mỹ mất tích mang ý nghiã quan trọng trong quan hệ của chính quyền với Hoa Kỳ.
Washington chấp nhận bình thường hóa quan hệ với Hà Nội hồi thập niên 1990 chỉ sau khi thuyết phục được giới cựu quân nhân rằng họ đã làm và sẽ làm tất cả để tìm ra được mọi thông tin, chứng tích, hài cốt của các binh sỹ Mỹ chết ở Việt Nam.
Hà Nội luôn bác bỏ họ giữ hoặc để cho quân nhân Hoa Kỳ "mất tích trong chiến tranh" ở lại Việt Nam sau khi cuộc chiến kết thúc, hay thậm chí đưa tù binh Mỹ sang Liên Xô cũ.
Dù vậy, một số giới tại Hoa Kỳ, gồm Hollywood vấn hay nhắc lại chủ đề hoặc "huyền thoại" về chuyện thấy người Mỹ còn ở trong rừng núi Đông Dương nhiều năm sau cuộc chiến.
Một số bộ phim như Rambo đã nhắm vào đề tài này và dựng lại cảnh toán biệt kích "trở lại giết cộng sản, cứu tù binh Mỹ".
Cho đến tháng 10/2012, số liệu của Hoa Kỳ nói còn 1661 quân nhân Hoa Kỳ bị coi là "mất tích" tại Đông Nam Á, trong đó 1281 người ở Việt Nam.
Cũng tính đến thời gian đó, các toán hỗn hợp Mỹ - Việt đã xác định được 985 hài cốt quân nhân Mỹ từ cuộc chiến, gồm 689 từ Việt Nam, 258 từ Lào, 35 từ Campuchia và ba từ Trung Quốc.



http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/05/130501_mia_vn_robertson_story.shtml


Ly kỳ chuyện "cựu binh Mỹ" tự nhận "sống tại Việt Nam 44 năm"

(TNO) Bộ phim tài liệu sắp được trình chiếu của một đạo diễn người Canada khẳng định có một cựu binh Mỹ đã sống tại Việt Nam trong 44 năm qua kể từ khi mất tích vào năm 1968.

Theo tờ Business Insider hôm 26.4, bộ phim tài liệu có tên Unclaimed (tạm dịch: Vô thừa nhận) sẽ giới thiệu với thế giới cựu trung sĩ lục quân Mỹ John Robertson, người được cho là bị mất tích ở Việt Nam năm 1968 và bị bỏ lại trong bốn thập kỷ.
Đã cưới một y tá Việt Nam
Theo tờ Business Insider, Robertson đã không còn nói được tiếng Anh sau 44 năm. Song ông vẫn còn nhớ rằng ông từng là binh sĩ Mỹ, sinh tại Alabama, còn có một gia đình ở Mỹ và bị bắn rơi trực thăng tại Lào năm 1968 trong một sứ mệnh bí mật.
Phát hiện sửng sốt về một cựu binh Mỹ sống tại Việt Nam trong 44 năm
 Cựu trung sĩ Mỹ John Hartley Robertson năm 1966 - Ảnh chụp màn hình
Bộ phim Unclaimed của đạo diễn từng đoạt giải Emmy Michael Jorgensen sẽ được công chiếu lần đầu tại liên hoan phim phim tài liệu Hot Docs lần thứ 20 ở Toronto (Canada) vào ngày 30.4.
Jorgensen tin rằng các khán giả ở Mỹ sẽ phải choáng váng khi xem bộ phim Unclaimed tại liên hoan phim G.I. ở thủ đô Washington vào tháng 5.
Theo lời kể của Robertson, ông bị bắt tại một khu rừng ở miền Bắc Việt Nam sau khi bị bắn rơi vào năm 1968. Sau đó, ông được trả tự do và đã cưới một y tá Việt Nam, người từng chăm sóc cho ông. Robertson lấy tên người chồng quá cố của người nữ y tá và họ đã có với nhau những người con. Ông hiện sống tại một ngôi làng ở Nam Trung bộ.
Cựu binh 76 tuổi này hiện chỉ có thể nói được tiếng Việt. Ông không thể nhớ được ngày sinh hoặc tên của những người con ở Mỹ.
Bộ phim tài liệu Unlaimed lần theo hành trình kịch tính của cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam Tom Faunce nhằm chứng minh người đàn ông mà ông nghe kể trong một sứ mệnh nhân đạo ở Đông Nam Á vào năm 2008 quả thật là một “người anh em” lục quân từng được xếp vào dạng KIA (chết trong lúc chiến đấu) và sau đó trôi vào quên lãng.
Jorgensen nói với tờ Toronto Star rằng cả ông cũng tỏ ra bi quan khi Faunce đến gặp ông vào năm 2012 và giải thích rằng người đàn ông mà ông gặp ở Việt Nam là một “người anh em lục quân” thuộc lực lượng biệt kích Mũ nồi xanh John Hartley Robertson. Tuy nhiên, Jorgensen đã tin ở điều này sau khi đến Việt Nam và gặp chính Robertson.
Bộ phim tài liệu đưa ra một số bằng chứng khá thuyết phục về sinh quán của Robertson, kể cả một cuộc hội ngộ đẫm nước mắt với người chị gái 80 tuổi còn sống, bà Jean Robertson-Holly, vào tháng 12.2012 ở thành phố Edmonton (Canada).
“Jean nói: Không còn nghi ngờ. Tôi chắc chắn đó là nó khi xem video, song khi tôi ôm lấy đầu nó và nhìn vào mắt nó, không còn gì nghi ngờ về việc đó là em trai tôi”, ông Jorgensen kể lại.
Chính vì vậy, bà Robertson-Holly tuyên bố việc thử ADN là không cần thiết. Có một điều khó hiểu là vợ và hai con người Mỹ của Robertson, những người lúc đầu đồng ý tham gia thử ADN, đã đột ngột thay đổi quyết định mà không một lời giải thích, theo ông Jorgensen.
“Một số người gợi ý với tôi có thể là vì các con gái không muốn biết đó có phải là cha họ không. Đó là một cuộc chiến tệ hại, cách đây đã lâu. Chúng tôi chỉ muốn nó trôi vào quá khứ”, ông Jorgensen giải thích.
"John Hartley Robertson là người Pháp" ?
Tuy nhiên, theo thông tin chưa được kiểm chứng từ website www.macvsog.cc, một website không chính thức chuyên đăng tin tức về Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACVSOG), người đàn ông sống tại Việt Nam tự nhận là trung sĩ John Hartley Robertson là người Pháp, có thời gian dài sống tại Campuchia, có vợ Việt và vài người con.
Wesbite này khẳng định từ năm 2009 rằng người đàn ông nhận là Robertson mà ông Faunce gặp gỡ từng bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xem là kẻ lừa đảo. Thanh Niên Online chưa thể kiểm chứng những thông tin này.
John Hartley Robertson
 Ông Robertson trong phim tài liệu Unclaimed - Ảnh chụp màn hình 
Trong khi đó, Hugh Tran, một sĩ quan cảnh sát người Canada gốc Việt, từng đi theo làm phiên dịch Jorgensen và Faunce tại Việt Nam, cho hay Robertson nói tiếng Việt như người Việt chính cống và không pha giọng Mỹ, theo Toronto Star.
“Thành thực mà nói, sau khi tôi phỏng vấn ông ấy lần đầu tiên, tôi chắc 90% ông ấy là MIA (missing in action - mất tích trong chiến đấu). Tôi vẫn chưa tin hẳn… cho đến lúc tôi chứng kiến cảnh gia đình hội ngộ”, Tran nói với tờ Toronto Star.
Theo đạo diễn Jorgensen, làm sáng tỏ câu chuyện của Robertson là một quá trình mất nhiều thời gian.
"Những ký ức đó hiện ra. Tôi kể anh nghe một ví dụ không có trong phim. Giây phút ông ấy bước vào phòng ở Edmonton, ông ấy biết đó là Jean. Ông ấy nói với Henry, chồng của bà: Ồ, tôi nhớ anh từng làm việc trong một hiệu thuốc", ông Jorgensen kể với tờ Toronto Star.

Henry quả thực từng là một dược sĩ trong 50 năm, theo Jorgensen.
Jean và Henry bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi xảy ra vài ngày sau cuộc tái ngộ và hiện vẫn còn nằm viện. Trước đó, họ nói với Faunce rằng họ quyết tâm tìm lại công bằng cho Robertson và muốn trả lời câu hỏi tại sao ông ấy lại bị bỏ lại Việt Nam. Cho đến nay, vẫn chưa có quan chức nào liên hệ với gia đình của Jean.
Với Robertson, ông đã trở lại Việt Nam và không muốn rời khỏi đây, sau khi hoàn thành ước nguyện gặp lại gia đình một lần trước khi nhắm mắt, theo Toronto Star.
Sơn Duân