THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 May 2013

Làm ăn thua lỗ, vẫn thu nhập “khủng”



Làm ăn thua lỗ, vẫn thu nhập “khủng”
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của 271 DN thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một nghịch lý đáng báo động: Rất nhiều tập đoàn, tổng công ty rơi vào thua lỗ, nợ nần nhưng thu nhập cá nhân lại cao ngất.
Petrolimex báo lỗ, nhưng thu nhập cá nhân vẫn cao
Lãnh đạo 80 triệu, nhân viên 33 triệu/tháng
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, thu nhập lãnh đạo TCT Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) gần 80 triệu đồng/tháng, lãnh đạo của TCT Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) gần 60 triệu đồng/tháng (năm 2011). Thu nhập khối văn phòng cũng 28-33 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân các đơn vị thành viên.
Báo cáo kiểm toán chỉ rõ, một số đơn vị thuộc các tập đoàn, tổng công ty chưa xây dựng đơn giá tiền lương hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp, việc giao đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty và giữa các bộ phận trong đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo đó, thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số tập đoàn, tổng công ty cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên. So sánh với mức thu nhập của cán bộ nhân viên trong các đơn vị thành viên của TCT, Kiểm toán Nhà nước cho biết, có sự chênh lệch lớn. Trong số các đơn vị thành viên được kiểm toán, Công ty Lương thực Đồng Tháp có thu nhập trung bình cao nhất cũng chỉ ở mức 11,175 triệu đồng/người/tháng, bằng khoảng 1/3 thu nhập trung bình của khối nhân viên văn phòng TCT.
Thu nhập rất cao nhưng điều đáng nói là 23/27 tập đoàn, TCT được cho là kinh doanh có lãi nhưng Kiểm toán Nhà nhà nước lại chỉ ra rằng: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của những tập đoàn này chỉ đạt dưới 5%, 3% thập chí là 2%. 4/27 tập đoàn, tổng công ty và một số công ty con trực thuộc thua lỗ nghiêm trọng nhưng lương trả không giống trả cho một DN làm ăn thua lỗ. Chẳng hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 1.671 tỉ đồng; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) lỗ 137,9 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 19,83 tỷ đồng; Xăng dầu Quân đội (Mipeco) lỗ 17,1 tỷ đồng…
Thu nhập “khủng”, trách nhiệm phải cao
Bình luận về chuyện thu nhập của lãnh đạo tập đoàn 80 triệu/tháng, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH cho rằng: “80 triệu mà hoạt động kinh doanh tốt thì không sao. Vấn đề là vai trò của chủ sở hữu trong việc điều hành DNNN hoạt động thế nào là tốt. Nếu kinh tế thế giới suy giảm mà tôi (DNNN) vẫn giữ mức tăng trưởng như năm ngoái là tốt. Còn trong trường hợp kinh tế thế giới đi lên mà tôi vẫn giẫm chân tại chỗ là không tốt”.
Không đồng tình chuyện chi trả nhiều tiền để giữ người lao động trong khi DN đang làm ăn không hiệu quả, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu DN lỗ thậm chí còn phải cắt giảm nhân công. “Chỉ cần đặt bên cạnh nhau con số lương thưởng của lãnh đạo với hiệu quả công việc thấp, số tiền thua lỗ của DN chúng ta sẽ thấy rõ những nghịch lý ở đây. Rõ rằng có sự bất cập trong quản lý DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn”. Theo ông Phong, nếu xét về nguyên tắc của kinh tế thị trường kể cả kinh tế xã hội chủ nghĩa thì lương, thưởng của một người phải theo kết quả lao động. Nếu DN lỗ mà lỗ đó do DN chứ không phải sự chỉ đạo của Nhà nước thì rõ ràng chất lượng lao động, quản lý của anh kém mà anh vẫn hưởng thu nhập cao là không thể chấp nhận.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng bình luận rằng, chưa có sự công bằng trong cơ chế trả lương thưởng ở đây. Vấn đề lương của tất cả các DN kể cả DNNN phải được vận hành theo cơ chế thị trường,  gắn với kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Khi DN thua lỗ không thể nhận một mức lương quá khủng như vậy. Không thể có chuyện lãnh đạo tập đoàn thu nhập cao ngất ngưởng để rồi lỗ Nhà nước chịu.
Về giải pháp tạo cơ chế tiền lương công bằng, TS Nguyễn Minh Phong đề nghị cơ quan quản lý nhà  nước cần siết chặt lại quy định về việc bổ nhiệm người lãnh đạo các đơn vị kinh tế nhà nước đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty lớn. Cần gắn mức tiền lương tiền thưởng với mức lợi nhuận của DN hoặc kết quả hoạt động quản lý của cá nhân ấy.  ”Anh đã kinh doanh thì anh phải ăn lương theo hiệu quả kinh doanh, nếu lỗ thì anh phải bị trừ lương, thậm chí không lương như cách quản lý của DN tư nhân”. Ông Thang Văn Phúc đề nghị, chính sách trả lương tại các tập đoàn, TCT nhà nước cần phải được điều chỉnh ngay lập tức, tránh những bất cập phát sinh.
Theo Đại Đoàn Kết