THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 April 2013

VIDEO : BÀI BÁO ĐÃ BỊ XÓA: “Cơn sốt” sừng tê của đại gia Việt trong mắt người nước ngoài



sung_te_vn
Một chiếc sừng tê có giá hàng trăm triệu đồng mỗi kg.

dia_sung_te

tegiac-vn

Với niềm tin rằng sừng tê giác có thể giúp trị bách bệnh, từ chóng mặt, mệt mỏi đến ung thư, nhiều “đại gia” Việt đang sẵn sàng chi ra cả trăm triệu đồng cho 100g sừng tê giác. Hiện tượng này khiến người nước ngoài cũng bị “sốc”.
Thâm nhập thị trường kinh doanh sừng tê giác Hà Nội, một phóng viên ảnh người nước ngoài đã không khỏi ngỡ ngàng khi được mắt thấy tai nghe những gì người ta đồn thổi về công dụng của sừng tê giác cũng như mức giá ngất ngưởng của nó.
Theo tìm hiểu của anh, dù việc buôn bán sừng tê giác bị cấm nhưng khách hàng có thể dễ dàng tìm được mặt hàng này ở rất nhiều cửa hàng trên phố thuốc bắc Lãn Ông của Hà Nội. Theo một chủ cửa hàng, 100g sừng tê giác có thể được bán với giá từ 4.300 – 6.100 USD (tương đương từ 90 – 130 triệu đồng/lạng).
Loại đắt nhất, có giá 6100 USD/100g, loại trung bình khoảng 4600 USD/100g và loại rẻ nhất cũng được bán với mức 4300 USD/100g. Giá của các loại sừng này tùy thuộc vào xuất xứ của chúng. Trong đó sừng tê giác châu Á là được “hét giá” cao hơn cả.
Đây không phải lần đầu tiên các phóng viên nước ngoài bị “choáng váng” bởi mức độ chịu chi của giới nhà giàu Việt Nam cho sừng tê giác, một thứ mà đông y xem như thần dược, có tác dụng giải độc, chữa được cả ung thư trong khi khoa học hiện đại lại chứng minh nó không tốt hơn sừng trâu, sừng bò.
Mới đây nhất, hôm 1/3 vừa qua, kênh truyền hình trả tiền lớn nhất tại Anh ITV thậm chí còn thực hiện cả một phóng sự ngay tại Hà Nội. Trong vai một người tìm mua sừng tê giác, phóng viên Angus Walker của ITV đã được tiếp cận được một tay buôn lậu sừng tê giác lớn.
Tại nhà của người này, Walker được cho xem đủ loại sừng tê giác, từ những chiếc sừng còn nguyên đến những miếng nhỏ đã được cắt ra. “Nếu anh đến nhà tôi sớm hơn, lúc nào tôi cũng có sẵn 60 – 70kg sừng. Nhưng ngay lúc này tôi chỉ còn vài cân thôi”, người đàn ông vừa nói vừa đặt ra bàn những chiếc sừng tê giác còn nguyên và cả những miếng đã được cắt nhỏ.
Mức giá Walker được chào là 5000 bảng Anh/100g (tương đương 160 triệu đồng/100g). Khi được hỏi về chuyện không sợ bị bắt hay sao, tay buôn này còn khẳng định: “Ở Việt Nam chỉ cần làm luật là xong?!”.
Trên các đường phố của Hà Nội, Walker cũng dễ dàng tìm thấy các loại thuốc được quảng cáo làm từ sừng tê giác với mức giá rẻ hơn, khoảng 1 triệu đồng cho một viên lớn.
“Viên thuốc làm từ sừng tê giác này được bán để chữa được mọi bệnh, từ mệt mỏi tới ung thư và nó được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam đến mức quốc gia này bị xem như tâm điểm của sự gia tăng chóng mặt các vụ săn trộm tê giác tại châu Phi cách xa hàng nghìn dặm”, phóng viên của ITV bình luận.
Trong phóng sự dài hơn 2 phút rưỡi này, thậm chí ngay cả một bác sỹ đông y có tên Toanh Van Xuan cũng khẳng định những tác dụng kỳ diệu của sừng tê giác. “Theo kinh nghiệm của tôi thì sừng tê giác đã chứng tỏ tác dụng tuyệt vời, giúp giải độc cơ thể, lọc máu và tăng cường hệ miễn dịch. Tôi đã dùng nó cho bệnh nhân của mình và thấy họ khỏe hơn”, vị bác sỹ khẳng định trong đoạn phóng sự.
Khi được hỏi về phản ứng ra sao trước việc các nước phương Tây cho rằng không có bằng chứng khoa học để nói rằng các loại thuốc làm từ sừng tê giác có thể trị mọi bệnh, vị bác sỹ này còn quả quyết: “Cho dù không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh sừng tê giác có tác dụng, lịch sử đã chứng minh điều đó”.
“Nhu cầu sừng tê giác tại Việt Nam, nếu cứ tiếp tục với tốc độ này, sẽ đe dọa đến sự tuyệt chủng của một loài động vật tuyệt vời đã có mặt trên trái đất gần 50 triệu năm qua”, phóng sự kết luận.
Việt Nam là nước đã tham gia Công ước về cấm buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Tuy nhiên với những hình ảnh và phóng sự trên, có lẽ không khó để hiểu vì sao tại hội nghị CITES Bangkok hồi tuần trước, đã có nhiều ý kiến chỉ trích các nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn nạn buôn lậu sừng tê giác.
Theo Dân Trí