THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 March 2013

Nạn nhân vụ nổ nhà 'Phương khói lửa' vẫn được bồi thường



Theo các chuyên gia pháp lý, gia đình những nạn nhân trong vụ nổ nhà ông "Phương khói lửa" có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản và tinh thần dù vợ chồng ông Phương và các con đã tử nạn.
Hoài nghi của nạn nhân vụ nổ nhà 'Phương khói lửa'/ Đêm định mệnh cướp 10 sinh mạng ở Sài Gòn

Luật sư Tống Minh Phú (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, trước tiên cần xác định được tài sản của ông Phương hiện tại, nếu còn thì ở đâu. Việc này cơ quan ra quyết định khởi tố vụ án sẽ có trách nhiệm điều tra. "Nếu không còn tài sản thì không có cơ sở để giải quyết hậu quả và người bị hại phải chấp nhận thiệt thòi", bà Phú nói.
Còn khi xác định được tài sản ông Phương để lại thì địa phương sẽ tiếp nhận, quản lý để giải quyết nghĩa vụ phát sinh. Tiếp theo là xác định những người thừa kế của ông này. Nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn thì tìm hàng thừa kế thứ hai.
Những người thừa kế theo quy định của pháp luật đứng ra nhận tài sản sẽ có trách nhiệm ưu tiên dùng di sản còn lại để giải quyết hậu quả, bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân có yêu cầu. Trường hợp người được hưởng thừa kế không đứng ra nhận thì cơ quan nhà nước, cụ thể là địa phương nơi có tài sản sẽ có trách nhiệm tiếp nhận để bồi thường. Sau khi bồi thường mà tài sản vẫn còn thì sung quỹ nhà nước.
Luật sư Phú lưu ý, việc xác định trách nhiệm bồi thường cũng cần phải có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn đến cháy nổ. Nếu nguyên nhân do căn nhà bị sập đổ dẫn đến chập nổ thì chủ nhà cũng phải chịu trách nhiệm.
Ngoài việc dựa vào kết luận của cơ quan chức năng, theo luật sư Phú,cần phải căn cứ vào những điều khoản trong hợp đồng thuê nhà giữa 2 bên. "Nếu chủ nhà biết ông Phương chứa các chất và vật dụng gây cháy trong nhà thì cũng phải chịu trách nhiệm. Mức độ đến đâu thì căn cứ vào xác định của cơ quan chức năng. Chỉ khi người chủ nhà có cam kết của ông Phương tự chịu trách nhiệm với công việc mà mình đang làm thì mới không phải chịu trách nhiệm", luật sư Phú nêu ý kiến.
Vụ nổ nhà ông Phương khói lửa làm sập nhiều căn nhà và 11 người tử vong. Ảnh: An Nhơn.
Vụ nổ nhà ông Phương khói lửa làm sập nhiều căn nhà và 11 người tử vong. Ảnh: An Nhơn.
Cùng quan điểm, luật sư Trương Thị Thu Hà cho rằng, cần phải làm rõ chủ nhà có biết hay không việc người thuê đã để chất nổ và vũ khí trong nhà. Nếu hợp đồng thuê nhà ghi rõ người thuê chỉ được dùng vào mục đích ở, sinh hoạt và người thuê phải chịu trách nhiệm nếu thực hiện các công việc vi phạm pháp luật mà trong trường hợp này ông Phương lại sử dụng để chứa chất nổ thì chủ nhà không có trách nhiệm phải bồi thường các thiệt hại.
Liên quan đến quyền được bồi thường của các nạn nhân là vụ nổ, theo nữ luật sư, trong trường hợp ông Phương không còn người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì những người thuộc hàng thừa kế thứ hai cụ thể là anh chị em ruột sẽ được hưởng những di sản của ông để lại. Những người đồng thừa kế ở hàng thừa kế này sẽ phải có trách nhiệm dùng những di sản đó để giải quyết các khoản nợ theo thứ tự ưu tiên như thuế, nợ lương… sau đó mới đến bồi thường cho những bị hại khi họ có yêu cầu.
“Theo quy định của pháp luật, những người thừa kế có quyền được làm đơn từ chối nhận thừa kế. Tuy nhiên, việc từ chối nhận di sản phải thực hiện bằng văn bản và theo luật định không nhằm thoái thác trách nhiệm, nợ của người người nhận thừa kế với người khác”, luật sư Hà nói và cho biết thêm, những người thuộc hàng thừa kế thứ hai có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong việc hưởng di sản cũng như nghĩa vụ trả nợ. Sau khi xác định được những người có quyền thừa kế thì cơ quan nhà nước sẽ dựa trên cơ sở đó để phát mãi các di sản. "Người thừa kế chỉ chịu trách nhiệm với các khoản nợ trong phần giá trị di sản thừa kế. Nếu tài sản không đủ để trả nợ thì người yêu cầu bồi thường cũng phải chấp nhận", bà Hà nêu.
Còn luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, theo luật thì những nạn nhân có quyền được yêu cầu đòi bồi thường cả về tài sản và tinh thần. Song, trên thực tế, để xác định được người thừa kế và có trách nhiệm bồi thường sẽ rất khó khăn.
Khi những người thân của ông Phương không nhận thừa kế thì Nhà nước là cơ quan được hưởng thừa kế và sẽ đứng ra giải quyết. Các nạn nhân trong vụ nổ có quyền khởi kiện đòi cơ quan nhà nước bồi thường. "Tuy nhiên, từ việc không xác định được người thừa kế đến việc chuyển sang trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước là một vấn đề mất rất nhiều thời gian", vị luật sư nêu quan điểm.
Vụ nổ kinh hoàng xảy ra rạng sáng 24/2 tại nhà ông Lê Minh Phương (Phương khói lửa) đã cướp đi sinh mạng của 6 thành viên trong gia đình và làm 5 nạn nhân khác là hàng xóm tử nạn. Ba căn nhà sụp hoàn toàn, ước tính thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng. Sau vụ nổ, cơ quan chức năng tìm thấy nhiều chất nổ, vũ khí quân dụng tại hiện trường. Đồng thời, cơ quan điều tra còn tìm thấy nhiều địa điểm khác được ông Phương thuê để chứa đạo cụ làm phim có chứa các chất gây nổ.
Hải Duyên