THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 January 2013

9 tháng tù như một giấc ngủ trưa



Người Bình Dương (Danlambao) - Câu nói đầy khí khái của bà khiến người viết cảm phục:"9 tháng tù như một giấc ngủ trưa". Vẫn biết thân phận mình là “dã tràng se cát biển Đông. Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”, nhưng có biết bao người dân oan đi khiếu kiện, biết bao nhà tranh đấu, trí thức bị tù đày. Tương lai cuộc đời của họ đã bị vùi lấp trong bóng tối trong ngục tù cộng sản. Trong số họ, có những người đàn bà dân oan đã mất hết tài sản, ruộng vườn nhà cửa phải sống lang thang, rày đây mai đó. Họ đi khiếu kiện đi hết năm nầy sang năm khác nhưng chẳng được gì ngoài những cú đấm đá của công an và có nhiều người phải vào tù đếm lịch. Người phụ nữ mà tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện đáng buồn là bà Trần Thị Hài, một dân oan Bình Dương đã đi kiện trên 12 năm, giờ đang ngồi tù lần thứ 2 với bản án oan khiên trong phiên tòa phúc thẩm ngày 27 tháng 12 năm 2012 vừa qua.

Cư dân mạng trong gần năm năm qua đã lưu truyền tấm hình của một người phụ nữ cao lớn, cánh tay nắm chặt đưa về phía trước, miệng hô vang khẩu hiệu chống Tàu. Mọi người chỉ biết có thế và cho đến tháng trước cũng ít ai biết bà là ai? Quê ở đâu? Và vì sao bà bất chấp lệnh cấm của chính quyền đi xuống đường biểu tình chống bọn Tàu xâm lược. Người viết biết về bà khá rõ nên xin được cung cấp toàn bộ câu chuyện về người phụ nữ trong bức hình lịch sử để mở rộng cho công luận hiểu vì sao trên 12 năm bà đội đơn đi khiếu kiện khắp nơi không ai giải quyết và bây giờ lại ngồi tù lần thứ hai. 

Chính tôi khi nhìn tấm hình của bà, tôi cũng không nhận ra bà là ai dù tôi biết gia đình bà đã trên 25 năm. Ngày đó, tôi còn rất trẻ, chưa lập gia đình còn bà đã ngoài 40. Tôi sinh hoạt trong lãnh vực báo chí và văn học nên quen với ông Đỗ Thành Huấn, chồng của bà. Ông là một nhà thơ, cũng là một nhạc sĩ trong nhóm cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, nhạc sĩ Võ Đông Điền. Nếu ai đã từng sống tại tỉnh Bình Dương sẽ nhớ những bản nhạc “Bên Khung Cửa Trống, Anh Vẫn Là Anh (Thơ Lê Giang, nhạc Đỗ Thành Huấn), Xa Rừng, Chợ Thủ Quê Hương...” được phát sóng trên đài phát thanh tỉnh bình Dương. Ông cũng là bạn chí thân của vợ chồng nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ-Lê Giang, Phan Nhân, Lưu Hữu Chí (con trai nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). 

Theo bà Phong Thu viết trên đài Á Châu Tự Do thì ông Đỗ Thành Huấn “sinh ra lớn lên ở Cần Thơ, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông đi theo cộng sản từ năm 1949, đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Lúc đó, ông chỉ là cậu bé 16 tuổi. Ông vào Đảng cộng sản khi ông chưa đến 18 tuổi. Ông yêu thơ nhạc và bắt đầu sáng tác từ 1953. Ông tốt nghiệp kỹ sư Khoa Cơ Khí ở Học Viện Nông Nghiệp Ucoren (*1) tại Nga năm 1965. Ông cưới bà Trần Thị Hài trong thời điểm chiến tranh còn rất ác liệt. Sau năm 1975, ông về Bình Dương làm Giám Đốc Công Ty Cơ Khí Nông Nghiệp Huyện Bến Cát. Một nơi khỉ ho, cò gáy, vất vả quanh năm. Bạn bè của ông đa số là văn nghệ sĩ, nghèo xác xơ, túi rỗng không tiền. Họ yêu mến tính tình hiền hòa, tốt bụng, trọng tình nghĩa của ông” (ngưng trích). 

Ông Huấn là một người mẫu mực, một trí thức sống ngay thẳng và trung thực, không ăn nhậu, không nịnh trên nạt dưới, không xu nịnh nên ông không thể nào làm chức vụ lớn hơn. Ông chỉ làm giám đốc một công ty nhỏ rồi sau đó về hưu. 

Mỗi lần ông mời bạn văn nghệ đến nhà chơi, bà Hài đều chào hỏi, săn đón, nấu nướng đãi khách lịch sự và ân cần. Bà chỉ biết thui thủi trong bếp để cho chồng được tự do tiếp đón, trò chuyện với bạn bè. Bà rất ít giao tiếp bên ngoài và hầu như chỉ biết đi làm rồi về nhà lo cho chồng con. 

Ông Đỗ Thành Huấn có lần đã kể cho tôi nghe về cuộc đời gian truân của bà khi còn sống tại Hà Nội. Bà Hài sinh ra trong một gia đình nông dân đông anh em. Gia đình nghèo, mẹ mất sớm phải sống với người mẹ kế. Bà là chị cả nên phải thức khuya dậy sớm để phụ mẹ kế làm lụng lo cho các em ăn học. Cuộc sống của bà cũng rất vất vả từ khi còn thiếu thời. Sinh ra lớn lên ở Miền Bắc nên phải theo cộng sản tham gia những sinh hoạt Thanh Thiếu Niên. Bà là một trong những phụ nữ nổi bật khi còn con gái. Bà vào đảng cộng sản Việt Nam lúc chưa đầy 18 tuổi. 

Năm 75 ông Huấn đi vào Nam, bà làm ở công ty Cấp Ba Thị Xã, Phó Phòng Hành Chánh Sở Thương Nghiệp Thị Xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. 

Vì sao cả hai đều là những người có công với cộng sản, đã hy sinh cả cuộc đời để dựng lên cái chính quyền hiện nay, nhưng bây giờ chính cái chế độ đó đang đối xử với họ bất công, đất đai bán cho họ được sử dụng trong 50 năm giờ cướp sạch, và ban hành quyết định thu hồi toàn bộ? Gia đình bà không khác gì gia đình ông Đoàn Văn Vươn đang gặp tai ương. Hai vợ chồng ông Huấn bà Hài đã làm đơn xin ra khỏi đảng. Họ trả lại thẻ đảng và nói rằng họ không còn là người của cộng sản. Họ chán ghét cái chế độ hiện nay. 

Theo lời ông Đỗ Thành Huấn thì Ủy Ban Tỉnh có 117.5 ha đất. Năm 1990, văn phòng UBNT Tỉnh Bình Dương thu hồi mới giao cho bà Trần Thị Kim Vân 306.035 m2 và cho Cơ Khí 807.355m2. Đất bà Vân có 2 mặt giáp ranh với đất Cơ Khí. Tháng 4 năm 1992, công ty Cơ Khí Nông Nghiệp mà ông làm Giám Đốc giải thể vì dân tràn vào chặt phá cây, đào xới, phá nát không thể quản lý và không sinh ra lời. 

Giữa năm 1991, ông Huấn đưa ra tập thể bàn bạc rằng đây là sản xuất của công đoàn, không quản lý được nên muốn bán đất đó đi để thu hồi vốn cho Cơ Khí. Vì Cơ Khí đi vay tiền ngân hàng để cho Công Đoàn và cơ quan sản xuất nên phải thu hồi vốn lại trả cho Cơ Khí và giải quyết toàn bộ tồn đọng của công ty và kiểm toán tài sản trước khi cơ khí giải thể. Ông đã mở cuộc họp Liên Tịch, Công Đoàn Thanh Niên, Chi Bộ (có giấy xác nhận của ông Phan Văn Cọp *2) bàn nhau ai mua đất thì bán để thu hồi tiền trả lại cho công ty Cơ Khí. 

Tuy nhiên, đã không có ai mua hết vì đất rừng nằm tại Bàu Bàng, sình lầy và hoang vu, người ta không biết mua để làm gì. Vì thế ông Huấn đã bàn với bà Hài chạy chọt tiền bạc, vay mượn gia đình, anh em và ngân hàng để mua hết 80 ha. Hai vợ chồng đã hoàn trả lại toàn bộ chi phí, luôn cả lãi của ngân hàng mà Cơ Khí đã bỏ ra để sang lại miếng đất của Văn Phòng UBND tỉnh. 

Trong khi chờ làm thủ tục quyền sử dụng đất, thì bà Trần Thị Kim Vân, Chuyên viên Văn phòng UBND Tỉnh, đã cho máy cày phá bỏ hết 11 ha đất trồng điều đã 2 năm của ông Huấn và chiếm dụng hết 11 ha đất. Bà Hài yêu cầu bà Vân không được lấn đất của bà. Hai vợ chồng bà Vân đến nhà bà Hài nói rằng “Vợ chồng cháu đã lỡ cày nhầm vào đất chú thím rồi, chú thím để cho vợ chồng cháu trồng luôn. Cháu sẽ hoàn trả tiền thím đã thanh toán cho cơ khí và tiền thím thuê cày chăm sóc.” Vì dễ tin người nên ông Huấn đồng ý. 

Kết quả sau đó vợ chồng bà Hài nhận được Quyết định số 84/QĐ-UB và giấy chứng nhận QSD đất số 79/91/UBND-SB ngày 24/6/1991 của UBND tỉnh Sông Bé diện tích đất là 697.355m2 chứ không còn đủ là 807.355m2 nữa. Và bà Vân từ diện tích ban đầu là 306.035m2. Nhưng sau đó bà Vân có quyết định 114/QĐ-UB ngày 29/9/1992 (*3) của UBND tỉnh được phép sử dụng 353.920m2 trong đó có 11 ha của bà Hài mà không có trả tiền xu nào?! Sau đó, mỗi khi bà Hài đến đòi tiền như lời đã hứa thì bà Vân cứ hẹn. Đến đầu tháng 3 năm 2000, bà Vân đã là Phó Chủ Tịch UBND tỉnh nên đã trở mặt đuổi bà Hài ra khỏi nhà và bảo bà Hài về đi kiện địa chính. Cha của bà Trần Thị Kim Vân là cựu Chủ Tịch tỉnh Bình Dương. Vợ chồng bà Hài trở thành châu chấu đá xe. 

Vợ chồng bà Trần Thị Kim Vân ỷ quyền cậy thế đã nuốt lời, tráo trở, lật lọng và ăn cướp trắng trợn miếng đất mà vợ chồng bà Huấn đã mua và đã trả hết tiền bạc. Hành động lừa đảo, lưu manh nầy của vợ chồng bà Phó Chủ Tịch UBND tỉnh đã khiến cho bà Hài tức giận đi kiện. Nhưng bà Hài được “trả tiền” bằng cách bị công an bắt nhốt vào tù 5 tháng 24 ngày vào tháng 8 năm 2006. Lần nầy, sau khi bà tham gia biểu tình vào ngày 9 tháng 12 năm 2012 tại Hà Nội, khi bà trở về, công an vào nhà còng tay đem nhốt vào nhà tù Bến Lớn. Tòa án Nhân Dân Tỉnh Bình Dương đã mở phiên tòa Phúc Thẩm, ngày 27 tháng 12, kêu án bà 9 tháng tù giam. 

Ông Đỗ Thành Huấn cho biết thêm nguyên nhân của cuộc trả thù đầy nham hiểm nầy là cũng vì bà Hài đã từng lên tiếng phê bình ông Mai Thế TrungBí Thư Tỉnh Ủy tỉnh Bình Dương ngay trong cuộc họp cử tri trong cuộc bầu cử trước đây. Bà yêu cầu ông ta nên có văn hóa từ chức vì không trừng trị bọn tham nhũng đã bán 700 ha đất để chia chát nhau (*4) và ngay cả vấn đề chống tham nhũng cũng không được đưa vào trong nghị trình của các ứng cử viên cuộc bầu cử Hội Đồng nhân dân các cấp, dung dưỡng cho bọn sâu mọt làm những điều sai trái khiến cho dân chúng ca thán. Bà Hài cũng đã tố cáo ông Nguyễn Hoàng Sơnnguyên Chủ Tịch tỉnh Bình Dương người đã ký quyết định thu hồi đất của gia đình bà và cuối cùng bà đã viết trên áo yêu cầu ông đương kiêm Chủ Tịch Lê Thanh Cung đối thoại. Tại sao bọn quan tham từ trên xuống dưới toa rập nhau cướp đất đai của vợ chồng bà Hài? 

Xin đọc giả nhớ lại Bàu Bàng, Lai Uyên Bến Cát. 

Nhìn vào bản đồ thì Bàu Bàng của năm 1990 vẫn còn là nơi bùn sình, lầy lội, rừng hoang vu khỉ ho, cò gáy, không có nhà cửa. Ngay cái Thị trấn Bến Cát quê mùa, lạc hậu, đường đá xanh, gồ ghề xe không chạy được, đất rẻ như bèo và chẳng ai thèm màng đến. Người viết còn nhớ thuộc lòng câu ca dao người ta nói về vùng đất nầy như sau: “Bến Cát là Bến Cát còi. Mắm nêm chuối chát mà coi như vàng.” Bài ca dao nầy nó nói lên cái nghèo nàn, lạc hậu của cái vùng quê mùa nầy. Nhưng bỗng dưng, kể từ năm 2000 đến nay, đất tăng giá vùn vụt. Huyện Bến Cát, Thị Trấn Mỹ Phước 1, 2, 3 mở rộng khu công nghiệp. Một ông Chủ tịch Thị trấn Mỹ Phước xin giấu tên cho biết, một căn nhà xây theo kiến trúc hiện đại ở Bến Cát giá thành là 100 đến 300 ngàn đô la trở lên. Và giá đất hiện nay tại Bàu Bàng bán trên thị trường là 2 triệu đồng1m2 nếu mặt tiền. (http://rongbay.com/Binh-Duong/Ban-dat-nen-huyen-Bau-Bang-ben-cat-bd-c15-raovat-18702528.html). Bàu Bàng sẽ trở thành một Huyện mới và phát triển thành khu đô thị trong thời gian tới. Và nó là nơi mà những tên quan vô loại tha hồ thu gom đất của dân, cướp đất của dân để chia chát, làm ăn. 

Đọc lý lịch hai ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Dương thì thấy rõ họ đều xuất thân từ Huyện Bến Cát: Nguyễn Hoàng Sơn đã về hưu và ông Lê Thanh Cung đang tại chức. 

Ngày 10 tháng 11 năm 2006, ông Sơn đã ra quyết định số 5183/QD-UBND Tỉnh hủy bỏ quyết định 84/QĐ-UB của UBND Tỉnh bán đất cho vợ chồng bà Hài với mục đích để vợ chồng bà mất trắng không còn đi kiện

Cứ tưởng rằng ông Chủ Tịch Lê Thanh Cung (*5) sẽ sáng suốt hơn nhưng ông Cung vẫn cho rằng việc ông Sơn làm là đúng! Với hai ông Chủ tịch người Bến Cát, quê hương của nguyên Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết, người ngày xưa là Bí Thư Tỉnh Ủy tỉnh Bình Dương (*6), người biết rõ việc bán đất cho vợ chồng bà Hài, thì nay cũng chính những người có nguồn gốc quê hương ông Triết lại ỷ quyền, cậy thế bao che cho những người đã cướp đoạt trắng trợn đất đai của bà Hài. Tàn bạo hơn là trù úm, ức hiếp, bắt bớ bỏ tù, đánh đập bà tàn nhẫn. Công lý ở đâu khi các ông cư xử tệ bạc, bất nhân với những người đã vào sinh ra tử tranh đấu để dựng nên chế độ mà các ông đang ngồi. Có phải đồng tiền và uy quyền đã đánh gục tất cả lương tri của con người chăng? Chính các ông đã làm cho họ phải chống lại các ông. Họ lên án hành vi bất nhân, bất nghĩa của các quan chức nhà nước từ trên xuống dưới của tỉnh Bình Dương. Nó là một vết nhơ không thể xóa sạch của bộ máy lãnh đạo của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương. 

Người viết hiện đang nắm trong tay toàn bộ hồ sơ, bản đồ, đất đai mua bán, đổi chác giữa các bên liên hệ. Người viết cũng nắm toàn bộ công văn nghị quyết của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Dương và các cấp từ Xã cho đến Huyện. Với tất cả công văn, giấy tờ nầy, tôi hy vọng sẽ tìm được ánh sáng để mở rộng công luận về hành vi mờ ám, phạm luật pháp của những người cầm đầu Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương. Đối với những người có công với cộng sản. 

Xin theo dõi phần 2 trong tuần sau.


_________________________

Chú thích:

(*1) Lý lịch trích ngang của nhạc sĩ Đỗ Thành Huấn trong tập thơ nhạc “Sau Cơn Mưa” (1989) do Hội Văn Học Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Bình Dương ấn hành. Theo tài liệu Wikipedia thì gọi là nước Ukraine, sát biên giới Nga. Liên Xô đã sáp nhập Tây Ukraine vào Liên Bang Nga vào ngày 15 tháng mười một năm 1939. Ukrainne được trả độc lập từ Liên bang Xô viết vào 24 tháng 8 năm 1991. 

(*2) Giấy xác nhận của ông Phan Văn Cọp về cuộc họp Liên Tịch chứng minh đất ông Đỗ Thành Huấn mua trên 80 ha. 



(*3) Giấy quyết định cấp đất cho bà Trần thị Kim Vân đã tăng từ 306.035 m2 lên 353.920m2. Trong đó lấn chiếm không trả tiền lại cho vợ chồng bà Hài.



(*4) Muốn biết thêm chi tiết về phương pháp làm ăn chia chát đất đai, tham nhũng của ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Dương, xin vào website dưới đây: Vụ 700 ha đất công: Chủ tịch tỉnh Bình Dương nói gì? 

(*5) Muốn biết thêm chi tiết về đạo đức, tư cách của Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung xin vào website dưới đây: 

(*6) Vào tháng 10/1989 đến tháng 12/1991, Nguyễn Minh Triết là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Sông Bé. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (6/1991). Tháng 12/1991 đến tháng 12/1996. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Sông Bé; tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (6/1996); Đại biểu Quốc hội khóa IX.