THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 September 2012

Kiến nghị chủ tịch nước ngừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A


2012-09-03
Một cán bộ khoa học và hợp tác quốc tế ở Nam Cát Tiên gởi thư lên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, yêu cầu nói không với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì sự nguy hại của công trình này đối với thiên nhiên.

Hình do ông cung cấp
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cùng đoàn nghiên cứu Nhật Bản tại Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 10-03-2011.

Phá di sản ngàn năm

Vào khi một phái đoàn UNESCO sắp sang Việt Nam để thẩm định việc công nhận vườn quốc gia Cát Tiên vào hàng di sản thiên nhiên thế giới, một cán bộ khoa học và hợp tác quốc tế ở Cát Tiên gởi thư lên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, yêu cầu nói không với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì sự nguy hại của công trình này đối với thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái ở rừng đại ngàn hay rừng đặc dụng Cát Tiên là tài sản vô giá của đất nước.
Đây là lá thư thứ hai mà ông Nguyễn Huỳnh Thuật gởi lên cấp lãnh đạo, liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà công ty đầu tư:

Chủ đầu tư đã chọn vị trí không phù hợp, có nghĩa là, địa không lợi thì nhân sẽ không hòa và sẽ ảnh hưởng đến dự án.
Nguyễn Huỳnh Thuật
“Tôi là Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ khoa học và hợp tác quốc tế, công tác tại Vườn Quốc Gia Cát Tiên từ đầu năm 2000 đến giờ là hơn mười hai năm. Tôi có làm việc cũng như có thời gian tư vấn cho UNESCO cũng như tư vấn cho Trung Tâm Nghiên Cứu Lâm Nghiệp Thế Giới ở Indonesia. Tôi biết họ rất quan tâm về việc nhà nước chúng ta phải có cam kết mạnh về bảo vệ môi trường cùng với nâng cao nhận thức của mọi người, nhất là cấp lãnh đạo cũng như những người có quyền quyết định.
Cũng năm vừa rồi tôi có gởi thư cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bởi vì tôi biết vấn đề theo diện qui hoạch là do thủ tướng có quyết định đầu tư hay không, và sau khi Bộ Tài Nguyên có thẩm định thì thủ tướng cũng là người có quyết định sau cùng. Năm vừa rồi tôi gởi mà chưa thấy phản hồi, hiện giờ chủ đầu tư, tập đoàn Đức Long Gia Lai đang tiếp tục muốn xây dựng dự án này, chính vì vậy tôi phải kêu gọi lên cấp cao hơn và yêu cầu chủ tịch nước có ý kiến với thủ tướng về vấn đề này.
Giải thích vì sao phải khẩn cấp nêu lên những hệ lụy cộng hưởng từ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với rừng đặc dụng Cát Tiên, còn gọi là Khu Dự trữ sinh quyển quốc tế Đồng Nai, ông Nguyễn Huỳnh Thuật nói rằng tổng thể rừng Cát Tiên như một cơ thể vĩ đại của thiên nhiên mà con người có bổn phận bảo tồn:

thuat-cac-em-hoc-sinh250.jpg
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật hướng dẫn các bạn trẻ tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 16-01-2011. Hình do ông cung cấp.
“Đầu tư vào thủy điện theo chiến lược, được đảng và nhà nước quan tâm đem ánh sáng cho dân, là rất đúng. Rất tiếc rằng chủ tịch hội đồng quản trị ĐứcLong Gia Lai cùng với công ty và chủ đầu tư đã chọn vị trí không phù hợp, có nghĩa là, địa không lợi thì nhân sẽ không hòa và sẽ ảnh hưởng đến dự án.
Lý do điểm đầu tư thường là họ chọn cái điểm mà có dốc khúc hoặc độ dốc cao. Chính độ dốc cao của thủy diện này là điểm trung chuyển giữa cao nguyên Lâm Đồng mà đầu của nó nằn ở hai đỉnh Langbian của vườn quốc gia Núi Bà, rồi tiếp nối đến chỗ khu vực dự định xây thủy điện. Tiếp theo cái đuôi của nó, là mông và chân của nó, trải dài về khu bảo vệ thiên nhiên và văn hóa vĩnh cửu, bây giờ gọi là khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai. Chính vì đó mà vị trí của khu vực thủy điện Đồng Nai 6 và 6A như là cái rốn tập hợp tất cả những giao thoa văn hóa, tâm linh, đa dạng sinh học… Rất tiếc địa điểm này không phù hợp để xây dựng thủy điện, và rất nhiều loài quí hiếm, đơn cử như loài tê giác ở khu vực này, có thể tuyệt chủng. Mà tê giác tuyệt chủng rồi thì tất cả các nguồn gene của tê giác sẽ không bao giờ lấy lại được. Cho nên chúng ta phải bảo vệ những gì quí giá còn sót lại.”
Ngày 17/9 tới đây, đoàn chuyên gia thế giới sẽ sang Việt Nam để khởi sự thẩm định cho hồ sơ di sản thế giới đối với khu rừng rộng lớn nhất miền Đông Nam Bộ này, được công nhận nhiều danh hiệu cao quí như Khu Dự trữ sinh quyển, Ramsar, Không gian văn hóa cồng chiêng. Trong thư mới rồi gởi lên chủ tịch nước, nhà khoa học Nguyễn Huỳnh Thuật nhấn mạnh mức độ cấp bách trong việc ông gọi là cứu Cát Tiên thoát khỏi thủy điện:

Chính sách dân tộc của Việt Nam không cho phép làm điều đó và thế giới cũng không chấp nhận Việt Nam làm những điều như vậy.
Nguyễn Huỳnh Thuật
“Chính tại điểm Vườn Quốc Gia Cát Tiên, vùng gốc, là do những di tích văn hóa Óc Eo mà UNESCO đang hoàn thiện hồ sơ công nhận di sản văn hóa. Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng kết hợp với điểm thủy điện này, là một không gian vô cùng nhạy cảm vô cùng linh thiêng. Nếu con người bị che mờ bởi vật chất, tiền tài, quyền lực hoặc những vấn đề khác thì không bao giờ nhận ra được.
Trong vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, quản lý không gian văn hóa và cảnh quan thiên nhiên thì Việt Nam, đang ngày càng hội nhập quốc tế, cũng được UNESCO và các tổ chức quốc tế hướng dẫn. Trong khi học hỏi cập nhật cũng như rút kinh nghiệm từ việc khai thác khoáng sản ở phía Bắc cũng như bô xít, thì chúng ta chưa có một cơ chế quản lý đa ngành, chưa có chính sách phù hợp, chưa nói đến việc là “tâm” và “tầm” của những người công tác và tham gia liên quan. Phá thì rất dễ, chỉ trong một vài ngày, nhưng mà giữ hàng nghìn năm mới có được cái di sản như thế.”

UNESCO sẽ không công nhận?

Được hỏi nếu những ý kiến của ông không đủ sức thuyết phục và nhà nước vẫn cho tiến hành dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì sao, ông Nguyễn Huỳnh Thuật quả quyết:
“Nguy hại thì nhiều lắm, chỉ xin điểm một vài ý chính. Thứ nhất là tác động về môi trường, hệ sinh thái và cảnh quan ở khu vực rừng này. Chúng ta chặt cây rừng thì chúng ta phá đi một hệ sinh thái. Ngôi nhà sinh thái bị đốt phá thì làm sao các loài sống được ở đó. Trong khi WWF (Quĩ Bảo tồn động vật hoang dã) đã đầu tư hàng mấy triệu đô để chúng ta bảo vệ loài tê giác, tuy nhiên tê giác cũng đã và sắp tuyệt chủng. Bất cứ một loài nào trong hệ sinh thái cũng có ý nghĩa của nó, không giữ được thì mất mát rất lớn. Đó là về mặt môi trường.
Về mặt văn hóa, dọc sông Đồng Nai là hệ sinh thái của những người Mạ cổ xưa cũng như di chỉ văn hóa Óc Eo và người Mạ hiện tại. Nhà nước có chính sách là đưa họ vào từng khu vực, chính vì đó mà thành lập xã Đồng Nai Thượng ở cách khu vực thủy điện khoảng hai cây số. Thì nếu mà tiếng ồn của việc phá đá sẽ làm cho sự yên bình của người dân ở đây bị rung động, sẽ tác động đến sức khỏe và tâm lý người dân ở đây.

Thuat-cac-nha-khoa-hoc250.jpg
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cùng giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên và các nhà khoa học đến nghiên cứu Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 01-06-2011. Hình do ông cung cấp.
Vấn đề tiếp theo nữa là đoàn thẩm định của bên Trung tâm di sản thế giới của UNESCO ngày 17 cho đến ngày 28 tháng Chín này là chuẩn bị việc công nhận di sản thiên nhiên Cát Tiên, đưa khu phức hợp Bầu Sấu thành di sản của vùng thiên nhiên này. Hiện bây giờ Bầu Sấu có một đối lưu, nối liền như một mạch máu với sông Đồng Nai, mà hiện giờ các công trình thủy điện cách xa Vườn quốc gia Cát Tiên thì đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mực nước, mùa khô thì cạn kiệt, gần như là cắt đi cái mạch máu giao lưu giữa Bầu Sấu và vùng sinh cảnh ngập nước rất quan trọng đã được công nhận là Ramsar.
Theo đánh giá của một số chuyên gia thủy lợi, việc xây công trình thủy điện 6 và 6A mùa khô sẽ làm nước trong Bầu Sấu với Đồng Nai không thông nhau được, như vậy Bầu Sấu sẽ chết đi, ảnh hưởng rất nghiêm trọng vào Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Nếu không có một qui chế quản lý đa ngành thì UNESCO sẽ không bao giờ công nhận Cát Tiên là di sản.”
Nhờ có hơn hai năm làm việc ở Tokyo, ông Nguyễn Huỳnh Thuật còn nêu ra trong thư gởi chủ tịch nước một thí dụ điển hình của núi Phú Sĩ, một thắng cảnh của Nhật Bản, không được UNESCO công nhận danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới chỉ vì những tiếng súng tập trận mà lực lượng phòng vệ Nhật Bản được phép thực hiện tại khu vực này:
“Thuyết phục hay không thì cái này nằm trong tư duy của từng người mà nhất là cấp lãnh đạo. Điều này cũng tế nhị lắn, nhưng mà quan điểm của chúng tôi là hàng ngàn hàng vạn đồng bào bản địa ở đây mà bây giờ ngôi nhà của họ bị phá hủy thì chắc chắn sức khỏe và vấn đề an bình của họ sẽ bị ảnh hưởng. Chính sách dân tộc của Việt Nam không cho phép làm điều đó và thế giới cũng không chấp nhận Việt Nam làm những điều như vậy.”
Chính vì thế, vì hạnh phúc của số đông, ông Nguyễn Huỳnh Thuật kết luận, mà ông mạnh dạn đề nghị lãnh đạo Việt Nam nên nói không với thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Công an VN 'chống vô cảm trước dân'


Chủ trì hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình của ngành công an, với sự hiện diện của chủ tịch nước và thủ tướng Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công an nói rằng cần chống thói vô cảm làm tổn hại đến quan hệ công an với dân.
Trong buổi họp được truyền hình đăng tải cho thấy không khí khá nặng nề, ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đã chủ trì hội nghị nhằm thực hiện nghị quyết trung ương 4 về phê bình và tự phê bình.

Ngành công an Việt Nam cũng đang bị phê phán vì các vụ sử dụng bạo lực gây chết dân trong những lần bắt và tạm giữ bình thường nhất.Đây là hội nghị kéo dài 5 ngày, từ 29/8/2012 của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tại Hà Nội, nhằm nhấn mạnh sự lãnh đạo của Trung ương Đảng với ngành công an trong bối cảnh các vụ án kinh tế – ngân hàng lớn gây xôn xao dư luận.
Lãnh đạo hai bên
Ngoài các công tác chống diễn biến hòa bình, hàm ý phản bác lại xu hướng dân chủ đa nguyên, Đảng còn nhấn mạnh rằng ngành công an còn có nhiệm vụ chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'.
Lãnh đạo công an Việt Nam cam kết sẽ "đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng còn tồn đọng".
Thượng tướng Trần Đại Quang, người có vai trò quan trọng trong vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên gần đây, cũng đã nêu ý kiến chỉ đạo các cán bộ cao cấp của ngành công an phải "xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về công tác cán bộ".
Sự có mặt của hai vị lãnh đạo, một bên là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một bên là Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp được đài VTV chiếu hôm 30/8 và nhiều trang mạng xã hội lưu lại, đã gây sự chú ý của dư luận.
"Cán bộ, chiến sỹ phải luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật; kiên quyết chống tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm trước yêu cầu chính đáng của người dân"
Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an
Bình luận trên một số trang mạng nói “không khí có vẻ căng”, nhất là sau các vụ bắt quan chức và lãnh đạo ngân hàng được cho là có quan hệ thân tín với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Khác với những hội nghị kiểm điểm nội bộ chung chung trước đây, văn bản được truyền thông Việt Nam trích đăng từ Hội nghị lần này nói đến các “báo cáo kiểm điểm của tập thể” và của cả các “cá nhân” trong bộ máy lãnh đạo ngành công an.
Ngoài ra, hội nghị cũng “kết hợp giải trình ý kiến đóng góp đối với tập thể và cá nhân Ban Thường vụ”.
Hành động công an đánh chết dân gây phẫn nộ trong dân chúng trong những năm gần đây.
Tuy không nói gì cụ thể về các vụ bạo lực nhiều khi gây tử vong với dân, lãnh đạo ngành công an, qua lời ông Trần Đại Quang nói tới nhu cầu “tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, trước hết ở các bộ phận thường xuyên quan hệ, tiếp xúc và giải quyết công việc của người dân”.
Đặc biệt, Tướng Trần Đại Quang cho rằng “Trong công tác, chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ phải luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật; kiên quyết chống tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm trước yêu cầu chính đáng của người dân,”
Công an Việt Nam cũng được yêu cầu phải “khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm làm tổn hại đến mối quan hệ giữa nhân dân với lực lượng công an”.
Chỉ một ngày sau khi diễn ra cuộc họp khai mạc hội nghị đã có thêm một vụ dân bị chết trong đồn công an ở Đông Anh, Hà Nội.
Vụ ông Nguyễn Mậu Thuận, 54 tuổi, 'đột tử' chỉ vài giờ sau khi vào đồn công an tại xã Kim Nỗ hôm 30/8 đã khiến các ông Hoàng Ngọc Tuyên, 32 tuổi, phó công an xã Kim Nỗ và ba công an Đoàn Văn Tuyến, 29 tuổi, Hoàng Ngọc Thức, 24 tuổi và Nguyễn Trọng Kiên, 21 tuổi bị buộc tội 'cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người'.
Cũng trong tháng 7 năm nay, tòa án tại Hà Nội đã y án sơ thẩm chỉ có bốn năm tù giam với một trung tá công an, ông Nguyễn Văn Ninh gây ra cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng hồi đầu 2011.
Trước đó, báo chí Việt Nam cũng đưa tin về vụ thắc mắc tử vong vì 'treo cổ' ở đồn công an Bến Cát, Bình Dương hồi 2011.

 Theo BBC

Phó tổng tham mưu trưởng TQ đến VN



Cập nhật: 04:48 GMT - thứ hai, 3 tháng 9, 2012
Tướng Mã Hiếu Thiên
Ông Mã từng tuyên bố Trung Quốc có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông
Một phái đoàn quân sự cấp cao của Trung Quốc đã rời Bắc Kinh đi Việt Nam vào chiều ngày Chủ nhật 2/9 trong khuôn khổ chuyến công du bốn nước Á châu, Tân Hoa Xã đưa tin.
Dẫn đầu phái đoàn là Thượng tướng Mã Hiếu Thiên, phó tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Trung Quốc.

Tại Việt Nam, ông Mã sẽ tham dự phiên đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt Nam – Trung Quốc lần thứ sáu vào sáng thứ Hai ngày 3/9.Phái đoàn ông Mã sẽ lần lượt đến thăm Việt Nam, Miến Điện, Malaysia và Singapore theo lời mời của bộ trưởng quốc phòng các nước này.
Đồng chủ trì phiên đối thoại này về phía Việt Nam là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Theo lịch trình, cũng trong hôm nay ngày 3/9, Tướng Mã Hiếu Thiên sẽ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp.
Tại Singapore và Malaysia ông Mã cũng sẽ tham dự các phiên đối thoại chiến lược tương tự với các nước sở tại.
Còn tại Miến Điện ông sẽ có chuyến thăm viếng thiện chí, theo Tân Hoa Xã.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết phiên đối thoại lần này là để ‘tiếp tục củng cố nhận thức chung’, trao đổi các biện pháp thúc đẩy lòng tin giữa hai nước và ‘khẳng định quan điểm trước sau như một’ của Việt Nam trong quan hệ quốc phòng với Trung Quốc.
Tướng Vịnh cũng sẽ đề cập với vị khách Trung Quốc về quan điểm của Việt Nam về tranh chấp ở Biển Đông, theo Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Hai bên cũng dự kiến sẽ trao đổi những ‘âm mưu phá hoại đối với cách mạng hai nước’ để khẳng định với các nước khác rằng Việt Nam và Trung Quốc vẫn có quan hệ tốt đẹp dù có tranh chấp trên Biển Đông để chống lại những ‘luận điệu xuyên tạc lợi dụng chia rẽ hai nước’.

 Theo BBC

Sự thật về bản kết luận khi được phơi bày



Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Tôi đã chờ đợi mỏi mòn trong nỗi lo lắng và một chút hy vọng trên con đường tìm công lý, để rồi 18 tháng sau nhận được cái bản kết luận của VKSND Tối Cao về kết quả điều tra nguyên nhân cái chết của Anh Nhựt: “Việc Nhựt treo cổ là do ân hận việc làm trái quy trình của mình tại công ty Kumho” đúng là một sự dối trá. Đọc xong bản kết luận tôi đã thức trắng đêm ngồi nhìn cái bản kết luận này, tôi thật sự bàn hòang và không tưởng tượng được VKSNDTC lại coppy 100% nội dung kết luận của Công An Bình Dương để đưa ra kết luận nguyên nhân cái chết chồng tôi.

Họ có thể thay trắng đổi đen một cách trắng trợn. thật sự là tôi không ngờ một cơ quan hành pháp cao nhất Việt Nam lại che chắn bảo vệ việc làm trái pháp luật và dã man của CA Bình Dương. Cái chết của chồng tôi quá rõ ràng cả một đứa trẻ cũng hiểu ra, chồng tôi chết do bàn tay của công an Bình Dương gây ra, vết tích trên thân thể của Anh ấy đã chứng minh điều đó,"Đầu gối chân phải xưng to bầm tím, trên ngực có hai vết bầm, hai bên hông xuống đến đùi bầm tím, hai bên hố chậu bị thối rữa, da bìu bị trượt mất một số thượng bì, bị dập tinh hoàn chảy máu và kiến bu rất nhiều, trên đùi đến chân có nhiều dấu vết li ti. Chân tay bị co và bầm tím hết các ngón tay, trên bàn tay và ngón chân, môi bị dập, quần dính máu, áo gối dính máu và chất nhờn rất tanh….”. Bấy nhiêu thôi thì cũng biết chồng tôi chết do đâu? Nhưng VKSNDTC lại kết luận bừa bãi, một số nội dung bịa đặt trong bản kết luận, đúng là một sự thật đáng buồn cười trong bản kết luận VKSNDTC về cái chết Anh Nhựt.

Mấy ngày qua tôi cảm thấy mệt mỏi và chán nảng vô cùng, không biết mình đang sống ở chế độ nào? Mà sao tàn ác đến thế, cái sinh mạng một con người trong cái chế độ này nó quá nhỏ nhoi. 

Hôm nay là ngày 2/9 tôi nhớ câu nói của Bác Hồ "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tôi ngẫm nghĩ câu nói này và tự đặt vấn đề, hỏi lại câu nói của Bác trong tâm trí tôi: “Chồng tôi muốn được sống được tự do, được mưu cầu hạnh phúc. Vậy tại sao công an Bình Dương họ không cho chồng tôi cái quyền ấy? Tại sao họ dã mang hại chết tước đi quyền làm con người của chồng tôi ? Tại sao chồng tôi chết oan mà VKSNDTC còn bịa đặt để đổ lỗi cho chồng tôi?”. Họ đã giết hại đi một sinh mạng họ cho bình thường, nhưng sinh mạng ấy là một người chồng, người con,người anh mà gia đình tôi yêu thương biết chừng nào. Vậy câu nói của Bác nó còn ý nghĩa và giá trị để con cháu của Bác nó noi gương làm theo không?.

Tôi buồn rơi nước mắt và hổ thẹn trước cái bản kết luận của VKSNDTC khi ngẫm nghĩ câu nói của Bác. Nhưng buồn cười hơn khi tôi đọc bức thư tuyệt mệnh đến câu: “Chồng viết mấy lời này ….đi theo ông bà hay to tát hơn là đi theo Bác Hồ Chí Minh thì vợ đừng phải thấy kho (khổ)”. Tôi nghĩ chồng tôi cũng đủ khôn khéo chứ đâu nông cạn đến mức kết thúc cuộc đời mình quá sớm phải đi theo ông bà, đi theo Hồ Chí Minh như thế này. Anh cũng thừa biết trên đôi vai của Anh còn gánh nặng người Cha bệnh tật, người Mẹ già yếu và những đứa em khờ dại. Biết bao nhiêu nguyện vọng của Anh chưa được thực hiện, Anh luôn mơ ước được làm cha, dù đứa con của anh nó chưa hiện diện trên cõi đời này nhưng anh đã đặt tên cho con rồi, cái tên ấy tôi sẽ nhớ mãi và giữ mãi cho hết cuộc đời mình.

Nghĩ lại qua quá trình làm việc với điều tra viên của VKSNDTC tôi thật sự đã ghi ngờ từ lúc đầu là không nghiêm minh nhưng không ngờ nó tồi tệ đến như vậy.
Ngày 15/11/2011 tôi có giấy mời làm việc với Ông Lê Minh Kỳ điều tra viên của VKSNDTC Phía Nam – Cục 6. Khi đó Ông Lê Minh Kỳ yêu cầu tôi trả lời những câu hỏi (tôi nghĩ Ông Kỳ đang coi tôi như là một tội phạm chỉ được trả lời những gì Ông ấy hỏi). Khi tôi cung cấp thông tin của tôi cho ông Kỳ thì Ông ấy làm ngơ và nói với tôi rằng: "Những lời nói của cô tôi đã có hết rồi và còn nhiều hơn thế nữa…”. Lúc đó tôi hết chịu đựng cách ứng xử trong quá trình làm việc của ông này và cuối cùng tôi đã tranh cãi với ông ấy, tôi không chịu ký vào biên bản làm việc đó với lý do "Những ý kiến của tôi thì không được ghi trong biên bản, mà chỉ ghi những câu hỏi của Ông ấy”. 
Lúc này tôi cảm thấy những điều tra viên VKSNDTC – Cục 6 có vấn đề trong cách điều tra tôi đã quyết định đi Hà Nội tìm Công lý cho chồng tôi.

Ngày 18/11/2011, tôi và Luật sư đã gặp Ông Phong - Cục Trưởng Cục Điều Tra của VKSNDTC. Ông Phong cũng ghi vấn một số vết tích trên cơ thể Anh Nhựt như dưới bộ phận sinh dục của Anh bị dập và kiến bu nhiều… và Ông cũng có lời hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ cái chết của Anh Nhựt. 

Nhưng thực tế lời hứa đó cũng là lời hứa suông và không bao giờ có thực. Sự Thật đến nay mọi việc đã được phơi bày, VKSNDTC là nơi nắm cái cân công lý, thi hành luật pháp, nhưng họ không công tâm, che đậy trong quá trình điều tra vụ án của chồng tôi, vì có một số tình tiết mà VKSNDTC thể hiện bản kết luận hòan tòan sai không đúng những gì tai tôi nghe mắt tôi thấy.

Qua kết luận điều tra vụ việc của chồng tôi thì đã cho gia đình tôi và tất cả người dân trong cả nước thấy rõ Anh Nhựt : “vô tội trong vụ án mất lốp xe của công ty Kumho”, Việc Nhựt treo cổ là do ân hận việc làm trái quy trình của mình tại công ty Kumho trong bản kết luận của của VKSNDTC là sư bịa đặt nhằm “Thóat tội cho công an Bình Dương”. Đó là một sự thành công của VKSND Tối Cao “Em ngã anh nâng” mà người dân trong cả nước điều thấy rõ việc làm này. 

Nhiều người nói với tôi rằng: “Có người dân nào mà tố cáo việc làm trái pháp luật, sai nguyên tắc của cán bộ nhà nước thì được giải quyết thỏa đáng đâu? bởi vì họ đã móc xích với nhau để bảo vệ quyền lợi cho nhau, nên thiệt thòi lúc nào cũng về phần người dân”khuyên tôi đừng kiện tụng chi cho mệt , tốn tiền , tốn công, tôn sức, tất cả ai cũng biết anh Nhựt “chết oan”Tôi trả lời: "Tôi biết, nhưng việc của chồng tôi chỉ có một số người biết nhưng một số người vẫn nghĩ chồng tôi nghi can của vụ án mất trộm lốp xe của Cty Kumho. Tôi thật sự khó chịu khi nói chồng tôi là "nghi can" vì tôi hiểu chồng tôi hơn ai hết là chồng tôi “vô tội”. Chồng tôi vô tội thì không thể nào tự tử, nên tôi phải làm sáng tỏ để cho tất cả hơn 80tr người dân biết rằng: "Anh Nhựt bị công an Bình Dương đánh chết để cho tất cả người dân phải cảnh giác mọi tình huống khi làm việc công an” nếu không thì rất nhiều người phải chết oan mạng như anh Nhựt".

Nhưng bây giờ tôi lại ghét từ “ân hận”, Anh Nhựt có làm gì sai mà phải ân hận, đúng vỡ tuồng hài mà Công Bình Dương làm biên kịch và VKSND Tối Cao làm đạo diễn. Ông Dương Chí Dũng và một số cán bộ Nhà nước tham ô hối lộ thất thóat cả ngàn tỷ đồng của nhân dân mà còn chưa “ân hận”, huống hồ Anh nhựt là người có công tố giác tội phạm mà phải ân hận tự tử, thật là phi lý với kết bản kết luận của VKSNDTC. 

Đến giờ bản kết luận của vụ án anh Nhựt được phơi bày, thì bộ mặt thật của sự việc cũng đã được phơi bày, tôi đã và sẽ không ngừng đấu tranh lôi bộ mặt thật ra để cho cả hơn 80tr dân thấy rõ bản chất của nó.

Nguyễn Thị Thanh Tuyền

Một cháu bé lọt cống chết trong mưa !



* TP.HCM: Lại một em bé chết đuối dưới ao công trình
TTO - Chiều 3-9, ở TP Kon Tum (Kon Tum) có trận mưa lớn, trên đường Ka Pa Kơ Lơng, anh Ngô Quang Đạt (30 tuổi, ở phường Quang Trung) chở con trai là Ngô Hoàng Hà (3 tuổi) đi qua đường thì bị nước cuốn trôi.
Anh Ngô Quang Đạt khóc ngất vì vừa để mất con
Đến 19g30, thi thể cháu Hà bị nước cuốn vẫn chưa được tìm thấy bởi lượng nước đổ về rất mạnh. Anh Đạt cho biết khi chở con đi qua đường, nước chảy mạnh, bị cuốn trôi cả người cùng xe máy xuống cống thoát nước, anh thoát chết, còn con bị nước cuốn đi.
Trong chiều cùng ngày, ngay địa điểm cha con anh Đạt gặp nạn, có ba vụ bị nước cuốn khác, bốn người may mắn thoát chết, hai xe gắn máy và một xe đạp vẫn chưa được tìm thấy.
Bà Trần Thị Khánh Vân - phó chủ tịch UBND P.Thống Nhất - cho biết đang triển khai lực lượng công an, dân phòng dọc tuyến cống để tìm thi thể cháu Hà. "Phường đã nhiều lần kiến nghị nâng cấp hệ thống thoát nước ở tuyến đường này nhưng chưa được giải quyết" - bà Vân nói.
Trong khi đó, trên đường Trần Hưng Đạo đoạn từ Đoàn Thị Điểm đến Phan Đình Phùng (P.Quyết Thắng), nước ngập sâu gần 1m, một số tiệm bán điện thoại, may mặc nước ngập sâu đến đầu gối. Để hạn chế ôtô đi vào đoạn đường này, các hộ dân đã đưa ôtô, xe gắn máy chặn thành hàng ngang làm... hàng rào trên đường.
Người dân rất bức xúc cho biết ôtô chạy ngang qua thì nước lại cuốn ào ào vào nhà, nhiều nhà bị nước cuốn trôi và làm hư cả cửa chắn phía trước. Để chống nước tràn vào nhà, nhiều hộ gia đình còn dùng các tấm chắn trước cửa, sử dụng máy bơm nước và tát nước từ trong nhà ra.
Dùng ôtô, xe máy chắn ngang đường
Loay hoay giữa dòng nước
Nước chảy cuồn cuộn trên đường Lê Hồng Phong
TRẦN THẢO NHI

Bắt 3 nghi can gây nổ mìn tại nhà công an xã

(TNO) Ngày 3.9, Công an Bình Phước đã bắt giữ 3 nghi can: Hà Ngân Thụy (18 tuổi), Vũ Trọng Nguyên (17 tuổi) và  Nguyễn Hà Hiếu (15 tuổi), cùng ngụ ấp Hưng Lập, xã Phước Tín, TX.Phước Long, Bình Phước, để điều tra về hành vi gây ra vụ nổ mìn tại nhà riêng của ông Nguyễn Minh Châu, công an viên xã Phước Tín.
Bước đầu, 3 nghi can trên khai nhận đã tự chế và ném mìn vào nhà của ông Châu vào khoảng 18 giờ ngày 1.9 (Báo Thanh Niên đã thông tin).
Ngoài ra, 3 nghi can này còn khai nhận đã gây thêm vụ ném mìn vào nhà ông Đoàn Văn Vận (44 tuổi, cách nhà ông Châu khoảng 500 m) vào tối 31.8.
Khám xét nhà Thụy, công an đã thu giữ dụng cụ dùng để tự chế mìn, gồm 1 mỏ hàn điện, 1 cuộn dây chì, 14 vỏ hộp diêm… 
     Xuân Bình - Phước Hiệp

Đánh người tử vong, 4 công an bị tạm giữ



Trong hai giờ "làm việc" ở trụ sở, ông Thuận bị phó công an xã và các công an viên còng tay chân, dùng dùi cui đánh vào người nhiều lần.

Công an huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án 4 công an xã Kim Nỗ liên quan cái chết của ông Nguyễn Mậu Thuận (54 tuổi).
Hoàng Ngọc Tuyên (32 tuổi, Phó công an xã Kim Nỗ) cùng 3 nhân viên Nguyễn Trọng Kiên (21 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (29 tuổi), Hoàng Ngọc Thức (24 tuổi) đã bị tạm giam để điều tra hành vi cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người.
Theo điều tra, sáng 30/8, UBND xã Kim Nỗ thi hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm của bố đẻ ông Thuận. Đến 13h30 cùng ngày, ông Thuận được mời lên trụ sở công an xã vì có tin trình báo ông dùng gạch đánh gây thương tích một phụ nữ.
Bị còng tay, ông Thuận đã to tiếng. Thấy vậy, Kiên, Tuyến và Thức dùng 4 chiếc còng khóa chân tay của ông Thuận vào ghế. Khi ông Thuận không ngồi yên, chửi bới đã bị Tuyên cùng Kiên dùng dùi cui cao su đánh vào hai đùi.
Cánh tay thâm tím của ông Thuận. Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp.
Cánh tay thâm tím của ông Thuận. Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp.
Theo tố cáo, Phó công an xã còn bảo Kiên dùng hai chiếc bút bi kẹp vào các ngón tay của ông Thuận và bóp mạnh. Nạn nhân kêu đau. Ghi xong lời khai nhưng ông Thuận không ký nên tiếp tục bị Tuyên và Kiên đánh...
Đến 16h, sau hai tiếng bị tạm giữ, ông Thuận có biểu hiện khó thở. Chị Nguyễn Thị Hạnh, Trạm trưởng trạm y tế xã cùng một y sĩ đo nhịp tim của ông Thuận nhưng thấy đập rời rạc, không đo được huyết áp. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện đa khoa Đông Anh cấp cứu.
Bệnh viện đa khoa Đông Anh cấp cứu ghi nhận ông Thuận được đưa vào viện lúc 16h45 trong tình trạng: Da lạnh, tím toàn thân, huyết áp không đo được, nhịp thở không thấy...

Công an huyện Đông Anh tổ chức khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi xác định ông Thuận bị gãy xương sườn trái số 6 -7-8. Nạn nhân có bệnh xơ gan, trong tình trạng say rượu, khi bị ngoại lực tác động sẽ gây ngừng tim dẫn đến tử vong.

Sau khi sự việc xảy ra, dòng họ, gia đình nạn nhân và người dân địa phương rất bức xúc. Công an huyện đã làm việc với 5 người có uy tín đại diện gia đình, dòng họ nạn nhân, lắng nghe và giải quyết các kiến nghị. Sáng 1/9, ông Thuận đã được gia đình mai táng ở nghĩa trang xã.
Việt Dũng

Dân còn nghèo thì chính sách đừng dựa trên người giàu



Do thất nghiệp và cuộc sống khó khăn, nhiều người đổ về các thành phố lớn hòng tìm bất kỳ việc gì để sinh sống: cửu vạn, buôn bán rong, giúp việc nhà... gây nên sức ép tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn.
>Đừng để dân mua xe rồi mới cấm đường

Nước ta là một nước còn nghèo, nhưng “dân ta” thích chơi sang. Một số chính sách đưa ra gần đây dựa trên mức sống của người giàu. Nếu không các chính sách ấy cũng “vênh” với thực tế của Việt Nam.
Mới đây nhất là việc đề xuất cấm xe máy cũ ở TP HCM. Để xác định thế nào là xe máy cũ là một vấn đề nan giải. Dựa vào năm sản xuất? Dựa vào số km đã chạy hay dựa vào hình thức xe đã chạy? Tất cả đều không có căn cứ.
Xe máy là phương tiện mưu sinh của người dân. Ảnh: Phương Sơn
Xe máy là phương tiện làm ăn, mưu sinh, đi lại của rất nhiều người lao động, số đông người dân có xe máy, có cô giáo vẫn chạy chiếc dream lùn “second hand” đã xuất xưởng 23 năm. Cấm xe máy cũ sẽ tước đi phương tiện của những người lao động nghèo và gây khó khăn cho người nghèo và những vấn đề xã hội khác nảy sinh.
Nếu dựa trên tiêu chuẩn khí thải Euro, thì một xe dù sinh ra từ thời chiến nhưng được làm lại máy cũng sẽ như xe mới, có thể đạt được tiêu chuẩn Euro. Giảm lượng khí thải là cần thiết, song với Việt Nam là một nước nghèo, chúng ta có nên “vội vã” không?
Rất nhiều nước cho phép nhập khẩu ô tô cũ từ các nước khác dù xe đó đã chạy được gần 10 năm. Tôi đã từng mua lại một chiếc Toyota Corolla cũ và chạy thêm 40.000 km trong bốn năm, trước khi bán lại và lãi gần 1.000USD
Một số các chính sách khác đem lại lợi ích cho các tầng lớp giàu như có tỉnh miền Trung có đến gần chục sân golf vẫn xin thêm sân golf mới và có 3 sân golf chiếm gần hết đất của một xã. Để so sánh chúng ta xem bảng sau:
Dữ liệuViệt NamThái Lan
Diện tích (km2)332.000514.000
Dân số (triệu người)90,566,4
GDP ( tỷ đôla)135,4345,6
Thu nhập bình quân đầu người (đôla)1.4985.400
Phần trăm ngành du lịch mang lại so với GDP (%)4,39,97
Diện tích đất nông nghiệp (ha)26.723khoảng 90,000
Số sân golf123200
Nếu tính toán và so sánh với Thái Lan về diện tích, dân số, đất canh tác và số tiền du lịch đóng góp vào GDP, có lẽ nước ta chỉ nên có 40 sân golf là đủ cho tầm nhìn vài chục năm tới. Du lịch Thái Lan còn cho Việt Nam “ăn khói” về tính chuyên nghiệp khi họ phấn đấu năm 2013 sẽ đạt 30 tỉ đô-la, thì sân golf cho ai chơi, nếu không có các giải đấu quốc tế? Một tình trạng lãng phí đất không khác gì so với các dự án treo sử dụng đất!
Hệ lụy chúng ta đã thấy rõ. Người nông dân mất đất, không được đào tạo nghề, họ sẽ sống bằng gì, khi tiêu xài hết số tiền đền bù, và sống trong ngôi nhà gạch hóa kiểu “đô thị” ở thôn quê?
Do thất nghiệp và cuộc sống bức bách, nhiều người đổ về các thành phố lớn hòng tìm bất kỳ việc gì để sinh sống: cửu vạn, buôn bán rong, giúp việc nhà... gây nên sức ép tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn.
Tài nguyên đất tính theo đầu người không sinh sôi, chỉ giảm dần theo tăng dân số, không những thế còn bị “chia nhỏ” cho con cháu, khi lập gia đình, ra ở riêng.
Giá BĐS cao quá, nên lạm phát. Giá thuê cửa hàng cao, thì phải bán giá cao. Vay lãi suất cao thì phải bán giá cao. Làm sao bán rẻ khi lãi suất trên 20% một năm và nếu vay ngoài chợ đen còn gấp vài ba lần?
Chả nhẽ chúng ta lấy tài nguyên trong đó có đất đai làm bàn đạp để tăng trưởng GDP?

Giá thuốc tăng khiến nhiều bệnh nhân nghèo lao đao. Ảnh: Thi Trân
Bảo hiểm y tế bắt buộc gồm ở nước ta hiện nay dành cho các đối tượng chính sách được ngân sách Nhà nước chi trả. Nhưng trên thực tế, có trường hợp bảo hiểm chỉ được thanh toán cỡ 30%, còn 70% phải đóng. Hơn nữa, việc tăng viện phí hiện nay càng làm cho người nghèo khổ sở hơn. Các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa còn đề nghị tăng viện phí kịch trần với lý do trang thiết bị lạc hậu, chỉ như vậy mới nâng cao được chất lượng!
Bảo hiểm nông nghiệp nghe có vẻ hợp lý. Thiên tai, dịch bệnh bất thường, giá cả thất thường khiến người nông dân luôn đánh đu với số phận và may rủi. Nhưng nếu đóng bảo hiểm thì không còn có lãi bao nhiêu, vì vậy người nông dân không mặn mà với bảo hiểm này.
Tôi mong mỗi khi đưa ra một chính sách, các vị chức sắc hãy đặt mình vào hoàn cảnh của số đông những người dân lao động nghèo và có lộ trình và dựa trên những đánh giá cụ thể phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Nghiem Michel

Thanh trừng nội bộ hay kịch bản của ngoại bang?



2012-09-03
Các quốc gia trên thế giới đều có mâu thuẫn và đấu tranh nội bộ gay gắt, không nơi nào không có, thậm chí “đấm” nhau trong nghị trường, nhưng khác Việt Nam ở chỗ, nó diễn ra công khai.
AFP file photo
Tổng giám đốc tập đoàn tài chính ACB Nguyễn Đức Kiên.
Trong tình cảnh quê hương Việt Nam hiện nay, khi cảnh nhiễu nhương diễn ra ngày càng đáng ngại trong xã hội giữa lúc Phương Bắc tỏ ra kiên quyết “Nam tiến”, xem chừng như đây là một trong những giai đoạn lịch sử mà những người dân Việt có tâm huyết với đất nước nhắc thường xuyên tới vận nước để rồi âu lo cho sự tồn vong của dân tộc.
Và nỗi niềm đó có lẽ cũng thuộc trong lý do để tác giả Nguyễn Thị Từ Huy “một lần nữa trở lại với hai chữ ‘đất nước’ ”, và tin rằng “hai chữ này sẽ còn được nhiều người Việt Nam nói đến, nó sẽ còn là nỗi ám ảnh của người Việt đương đại” chúng ta.

“Để tang nước”

Trong bài tựa đề “Để tang nước”,  tác giả Nguyễn Thị Từ Huy chất chứa nỗi niềm với quê hương qua việc phân tích danh từ kép “đất nước”, lưu ý rằng yếu tố “nước” dù đứng sau “đất” nhưng không kém phần quan trọng hơn “đất”. Tại sao? Bởi vì trong hai chữ “đất nước” ấy, nếu “đất” đứng riêng ra thì không còn mang ý nghĩa “đất nước”, nhưng “nước” đứng riêng vẫn bao hàm trọn vẹn ý nghĩa “lãnh thổ quốc gia”, như “nước Việt Nam”. Rồi tác giả tâm sự:

Trên khoảng trời mà mắt tôi bao quát được tôi nhìn thấy những cảnh đang náo hoạt cuộc sống của chúng tôi hiện nay. Thanh trừng nội bộ hay kịch bản của ngoại bang?
Nguyễn Thị Từ Huy
Quan sát phản ứng của đa số dân chúng Việt Nam hiện nay, ta có cảm giác rằng dường như nước không còn giữ được cái giá trị tinh thần đặc biệt mà nó từng có đối với người Việt trong lịch sử. Trong khi 23 ngàn con tàu của Trung Quốc giày xéo gương mặt bà mẹ Biển Đông (người Việt vẫn ví lòng mẹ bao la như biển, nhưng biển còn là ẩn dụ kép về cả người mẹ và người cha, vì biển là nơi cư trú của Lạc Long Quân và 50 người con) thì hầu như đa số người Việt biểu lộ ra ngoài một sự bình thản khó hiểu. Một số vô cùng ít ỏi trên toàn bộ tổng số gần 90 triệu người ôn hòa bày tỏ giông tố trong lòng họ lại gặp phải sự đàn áp và sự bôi nhọ không thể giải thích nổi từ phía chính quyền, và sự thờ ơ không thể nào hiểu nổi từ phía đồng bào của họ.
Rồi tác giả dự báo cảnh tang tóc khó tránh khỏi phát xuất từ “hoạt cảnh bắt bớ nồi da xáo thịt, những người lương thiện, những người yêu nước bị kết tội hàng ngày”. Và cảnh tang tóc trên quê hương VN cũng được dự báo bởi tình trạng mà tác giả báo động là “hỗn loạn khắp mọi lãnh vực” trong xã hội Việt Nam, để rồi tác giả chứng kiến:
Trên khoảng trời mà mắt tôi bao quát được tôi nhìn thấy những cảnh đang náo hoạt cuộc sống của chúng tôi hiện nay. Thanh trừng nội bộ hay kịch bản của ngoại bang?”
bt250.jpg
Người dân biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm biển Đông tại Hà Nội hôm 05/8/2012. AFP photo.
Qua bài “Từ chỗ đứng người dân nhìn về thời sự đất nước”, tác giả Hạ Đình Nguyên nêu lên nghi vấn rất cần phải được giải đáp về tình trạng “Đấu tranh phe phái nội bộ của giới lãnh đạo chóp bu để tranh giành quyền lực, hay đấu tranh chống thế lực tiêu cực tham nhũng đang khuynh loát nền kinh tế quốc gia, cái nào là mục tiêu chính, do thế lực nào trong Đảng dẫn dắt, nó sẽ diễn biến tới đâu là điểm dừng, và chịu sự tác động nào trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước miệng hùm Bắc Kinh”.
Giữa lúc công luận ngày càng đặc biệt đề cập tới điều họ tin rằng cuộc tranh giành quyền lực trong nước đang diễn ra, tác giả Hạ Đình Nguyên trích dẫn lời giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc nhận định rằng “Kể từ khi theo đuổi chính sách đổi mới với mức tăng trưởng kinh tế cao, Nhà nước trở nên mạnh hơn Đảng. Tăng trưởng cao do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cổ xúy, kéo theo sự bùng nổ các hoạt động thương mại vượt quá tầm và khả năng quản lý hiệu quả. Sự suy yếu bộc lộ rõ, ít nhất là trong lãnh vực tài chánh, ngân hàng. Mặt trái đó của chính sách khiến nhiều người trong đảng sợ mất kiểm soát để ổn định chính trị. Đợt phê bình và tự phê bình hy vọng kéo lại quyền lực cho đảng để kiểm tra, giám sát chính quyền hiệu quả hơn”.
Và tác giả Hạ Đình Nguyên nhận thấy “Nếu không phải là cuộc đấu đá của các cá nhân trong giới chóp bu, thì chính là sự đấu tranh quyền bính giữa các thế lực trong đảng và trong chính quyền”. Sau khi lưu ý rằng VN hiện nay đặc biệt chỉ có một đảng thì phải đấu tranh với nhau chứ còn đấu với ai khác, tác giả nhận xét:

Không có báo lề dân, hàng loạt vụ án chính trị bị bưng bít hoặc bị đưa tin sai lệch, hàng loạt vụ bắt bớ mờ ám không được công khai đưa ra dư luận.
Huỳnh Ngọc Chênh
Các quốc gia trên thế giới đều có mâu thuẫn và đấu tranh nội bộ gay gắt, không nơi nào không có, thậm chí “đấm” nhau trong nghị trường, nhưng khác VN ở chỗ, nó diễn ra công khai, có cơ quan độc lập làm trọng tài, rộng hơn nữa là trọng tài dân chúng giám sát và phản ánh qua lá phiếu tín nhiệm trong bầu cử. Họ đấu tranh với nhau trên những đường ray pháp lý thiết lập sẵn, không ai được phép đi trệch khỏi đường ray đó. Vì thế không sinh ra những tay sát thủ trong bóng tối, những cuộc thanh trừng hàng loạt của phe cánh, kéo theo các đổ vỡ xáo trộn xã hội. Đng thời cũng không có sự nhập nhằng đổ vấy trách nhiệm cho nhau.
Đó là vấn đề liên quan đến các quan, còn người dân thì sao? Theo tác giả Hạ Đình Nguyên thì nhân dân thực sự không quan tâm việc quyền lực nằm trong tay ai – trong tay Đảng hay Chính quyền. Lý do dễ hiểu là người dân Việt hiện giờ “không thể phân biệt được giữa ‘2 người’ đó”, khi mà tác giả nhận thấy sự đổi chỗ cho nhau giữa Đảng và Chính quyền tuỳ thuộc vào tình thế, hay có thể là “một loại nghệ thuật có tính toán về việc “hoán chuyển quyền lực”. Cho nên người ta hầu như luôn thấy hai cụm từ đi đôi là “Đảng-Nhà nước/Nhà nước-Đảng”. Và tác giả Hạ Đình Nguyên khẳng định:
Trong cuộc đấu tranh quyền bính giữa Đảng và Nhà nước, người dân không tham gia, đứng ngoài cuộc. Nhân dân chỉ đi theo lực lượng nào giữ được độc lập dân tộc và đưa đất nước đến dân chủ, tiến bộ .Việc đấu tranh chống tham nhũng luôn luôn đúng, đặc biệt là đối với người dân. Nhưng nó không thoát được ảnh hưởng của đấu tranh nội bộ. Bên trong và đằng sau của sự chỉnh đốn này là gì? Cái khác nhau cơ bản của các phe phái trong bóng tối là gì? Hay chỉ là sự đổi ngôi nhóm quyền lực cai trị? Xu hướng nào đấu tranh cho độc lập và dân chủ? Xu hướng nào có nguy cơ đưa đất nước đến độc tài lệ thuộc, mất chủ quyền vào tay ngoại bang? Nếu không giải quyết dứt khoát về một cơ chế xã hội tiến bộ, thì cả xương máu của nhân dân đều đổ sông đổ biển, chỉ là thay nhóm này bởi nhóm tiêu cực khác không hơn kém.

“Xâu xé quyền lực”

bk200.jpg
Ông Nguyễn Đức Kiên, còn được biết dưới tên “Bầu Kiên”, ảnh chụp trước đây. AFP file photo.
Từ cảnh gọi là “xâu xé quyền lực” ở VN, tác giả không khỏi liên tưởng đến “mô hình TQ” tương tự kể từ khi Mao Trạch Đông nắm quyền cai trị toàn cõi Hoa Lục hồi năm 1949, mà theo tác giả, chung quy vẫn là “hậu quả của một cơ chế không có pháp quyền”. Và tác giả nêu lên câu hỏi rằng “Những ‘đau đớn’ mà nhân dân cả nước đang phải gánh chịu từ sự suy thoái và đổ vỡ ngày hôm nay sẽ có được bù đắp bởi một tình hình sáng sủa hơn, trong chủ đích bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ và phát triển bền vững hay không?
Cảnh nhiễu nhương “xâu xé quyền lực” khiến blogger Hiệu Minh không khỏi thốt lên rằng “ Sự đồn đoán về đấu tranh phe phái hoàn toàn có thể hiểu được, vì dân chúng bức xúc về tham nhũng, đạo đức xuống cấp, kinh tế mong manh, dễ đổ vỡ. Người ta thì thào về tài sản của người này người kia, do đâu mà có, ai đó chuyển ra nước ngoài hàng tỷ đô la”.
Như vậy câu hỏi có lẽ cần được nêu lên là làm sao để người dân không phải “ đồn đoán về đấu tranh phe phái”  hay “thì thào về tài sản” bất chính của các quan trong nước như hiện nay, làm sao để dân chúng không tìm tới “tin vỉa hè”, đặc biệt là liên quan tới “thâm cung bí sử” của giới cầm quyền, khi họ không thể tìm đâu ra sự thật, nhất là không thể tin được ở hệ thống thông tin “lề phải”? Tổng Cua Hiệu Minh đề nghị:
Để đấu lại với cuộc chiến thông tin trong một thế giới toàn cầu hóa đầy cơ hội, thách thức và cha đựng cả hiểm họa, những nhà quản lý thông tin, truyền thông của Việt Nam cần có một tư duy khác về đa chiều, về báo chí mở, minh bạch trong chính phủ và dân chủ thông tin.

Nếu không giải quyết dứt khoát về một cơ chế xã hội tiến bộ, thì cả xương máu của nhân dân đều đổ sông đổ biển.
Hạ Đình Nguyên
Qua bài “Tự do báo chí”, blogger Huỳnh Ngọc Chênh mở đầu rằng “ Trước đòi hỏi của người dân, trước áp lực của sự hòa nhập vào cộng đồng thế giới văn minh, nhà cầm quyền Việt Nam không thể ngăn cấm triệt để quyền tự do ngôn luận của người dân. Không kể đến những trang web từ bên ngoài, từ vài năm trở lại đây, hàng loạt trang web và blog cá nhân với những quan điểm chính trị khác biệt và khác với quan điểm được định hướng của nhà cầm quyền đã ra đời và tồn tại”. Những trang mạng tư nhân ấy ngày càng lớn mạnh và trở thành phương tiện thông tin hữu hiệu mà nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh gọi là “báo lề dân với cái nhìn đa diện đã mang đến cho người dân những thông tin đa chiều và nhờ vậy, sự thật được tiếp cận”. Và nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy:
Không có báo lề dân, hàng loạt vụ án chính trị bị bưng bít hoặc bị đưa tin sai lệch, hàng loạt vụ bắt bớ mờ ám không được công khai đưa ra dư luận, bao nhiêu nỗi oan khiên bị nhấn chìm vĩnh viễn vào bóng tối… Không có báo lề dân làm sao mọi người biết được câu nói của giám mục Ngô Quang Kiệt bị cắt xén, xuyên tạc ra sao bởi hệ thống báo lề phải và danh dự bị xúc phạm của vị giám mục ấy làm sao được rửa sạch. Không có báo lề dân làm sao mọi người biết được mặt trái của vụ bắt bớ và xét xử vi hiến TS Cù Huy Hà Vũ. Không có báo lề dân làm sao mọi người biết được đài truyền hình Hà Nội đã nhiều lần xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ những người biểu tình yêu nước chống Trung Quốc xâm lược.Không có báo lề dân làm sao người dân biết được những âm mưu nham hiểm của Trung Quốc trong chiến lược từng bước xâm chiếm VN bằng bạo lực quân sự lẫn diễn biến hòa bình thông qua quan hệ bất bình thường giữa cái gọi là hai đảng anh em. Không có báo lề dân thì âm mưu thâu tóm ngân hàng và lũng đoạn tài chánh của các nhóm đặc quyền làm sao được phơi bày ra trước công luận. Báo lề dân cũng góp phần vào việc vạch trần tội ác và sai trái của bọn cường hào ác bá mới đang ra sức thâu tóm đất đai, đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng.
Nhưng nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh không quên lưu ý về một số trang cá nhân tự phát “lệch lạc, quá trớn, vô trách nhiệm”, “đăng những thông tin như một dạng tin đồn, hoàn toàn thiếu kiểm chứng” – mà tác giả vào chi tiết hơn, “như là các tin đồn về những chuyện mờ ám cấp cao, về bí mật cung đình, về đấu đá nội bộ cấp cao, về sự lũng đoạn của các nhóm đặc quyền… thường thu hút sự tò mò của công chúng. Đó là hệ quả tất yếu của một xã hội bất minh, sự thật bị che dấu, sự dối trá lên ngôi và quyền được thông tin của người dân không được tôn trọng.”
Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang cảm ơn quý vị.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.