THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 August 2012

Công an bao vây đám tang bà Đặng Thị Kim Liêng



Đám tang thân mẫu chị Tạ Phong Tần: Công an dày đặc, đe dọa bắt bớ người đưa tang
Dân Làm Báo - Sáng nay, 02/08/2012, gia đình cùng nhân dân khắp nơi đến tiễn đưa thân mẫu chị Tạ Phong Tần là bà Đặng Thị Kim Liêng về nơi an nghỉ cuối cùng. Tin tức mới nhận được từ lễ động quan bà Đặng Thị Kim Liêng cho biết: Ngay từ sáng sớm, khoảng 50 an ninh được điều động bao vây đám tang, trong đó có khoảng 4-5 an ninh do CA TP.HCM thuộc phòng PA88 cử đến. An ninh TP.HCM đã chỉ đạo an ninh Bạc Liêu nếu mọi người ra đưa bà Liêng về nơi an nghỉ cuối cùng sẽ bắt hết.
Hiện có một phái đoàn từ Sài Gòn đến Bạc Liêu để đưa bà Kim Liêng về nơi an nghỉ cuối cùng, gồm có 12 người, dẫn đầu là Cha Anton Lê Ngọc Thanh (Tin Vui), Truyền Thông Chúa Cứu Thế VRNs, blogger Vũ Sỹ Hoàng, anh Lê Thanh Tùng, Yeu NuocViet.

7:00 - Gia đình và bạn hữu gọi taxi đi đưa linh cữu bà Liêng về nơi an nghỉ cuối cùng. An ninh tăng cường người, lúc này số lượng lên đến 100 người.

7:10 - Mọi người đang đợi 3 chiếc taxi, lúc này lực lượng an ninh đã tăng lên con số 200. Trong đó số an ninh Sài Gòn khoảng 10 người.

7:15 - Các blogger, bạn bè đã lên 3 chiếc taxi để đưa tang, lực lượng an ninh khoảng hơn 200 người bám theo và muốn chia rẽ 3 chiếc taxi.

7:21 - Lực lượng an ninh đã chia cắt được chiếc taxi đi đầu với 2 chiếc taxi đi sau của đoàn viếng tang từ Sài Gòn. An ninh bám sát taxi và có đã có hành động hăm dọa những người đưa tang.

7: 31 - Lực lượng an ninh bắt đầu xuống xe đi bộ, dồn ép những chiếc taxi của đoàn đưa tang đang đi sát bờ sông. Lực lượng an ninh vẫn tiếp tục được tăng cường, có khoảng 8 cảnh sát giao thông đường thủy cũng theo sát dọc bờ sông. Bạn Yeu NuocViet (Châu Văn Thi) lo ngại: có khả năng đến nơi chôn cất, khi mọi người xuống xe sẽ bị an ninh bao vây...

7:37 - Linh cữu bà Liêng đã được đưa đến nghĩa trang. Đoàn viếng tang từ các nơi vẫn đang tiếp tục bị bao vây.

08:00 - Lễ hạ huyệt đã cử hành xong, đoàn đưa tang đang quay ra xe.




Dân Làm Báo sẽ tiếp tục cập nhật cùng các bạn trong thôn.

Dân Làm Báo
danlambaovn.blogspot.com

6-21-2012 The Kim Nhung Show voi Ca Dao (phần 2)

6-19-2012 The Kim Nhung Show voi Ca Dao (phần 1)

Không ai được lợi dụng lòng yêu nước!


article
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Nói về lòng yêu nước thì bất cứ người Việt Nam nào, chỉ cần im lặng cũng biết họ yêu nước. Vậy mà có một ông tiến sĩ ra rả nhạo báng lòng yêu nước với lời nói (văn viết) kém một em học sinh cấp hai làm bài tập làm văn. Đó là tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. Nếu tiến sĩ là được ngồi trên lưng con rùa như ở Văn Miếu, thì ông này chắc là phải ngồi trên lưng con nhái. Vì các cụ tiến sĩ xưa không ai viết văn vớ vẩn như thế. Vớ vẩn như thế mà ngồi trên lưng rùa, chắc sẽ bị thần Kim Quy vặn cổ liền. Nên nhớ, cái ý thức yêu nước của các cụ xưa là “Diên Hồng”, là “Sát thát” chứ không phải là dè bỉu “Diên Hồng”,  ”Sát thát” như cái ông tiến sĩ này. Chả lẽ “Diên Hồng”,  ”Sát thát” cũng là “lợi dụng yêu nước” sao? Vậy ông là cái gì, ông là người sợ thể hiện lòng yêu nước, nên mới đi ngược ”Diên Hồng”,  ”Sát thát” để thể hiện lòng yêu nước của riêng mình? Hà hà, nếu đảng nói biểu tình là yêu nước thì ông tiến sĩ sẽ nói sao? Hay là ông sẽ vẫn nói biểu tình là lợi dụng yêu nước? ”Diên Hồng”,  ”Sát thát” là lợi dụng yêu nước? Những kẻ cơ hội, khốn nạn vẫn còn nhan nhản, nên mới có kẻ cơ hội khốn nạn hùa theo. Nhưng đọc bài viết của ông, không ai có thể lọt tai được, vì một bài văn học trò kém, lại hiểu sai về lòng yêu nước. Nếu không tin, mới bạn hãy đọc thử xem. (Xin lỗi, nếu ai đọc vài câu mà khinh bỉ không thèm đọc nữa thì xin đại xá):

Không ai được lợi dụng lòng yêu nước!

TS NGUYỄN MINH PHONG
“Sinh ra trên trái đất và lớn lên dưới ánh mặt trời, mỗi người đều có một gia đình để yêu thương, một nghề nghiệp làm sinh kế và có một Tổ quốc để gắn bó, phụng sự. Lòng yêu nước là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng, gắn liền với lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cần được nâng niu, bảo vệ, phát huy, nhưng cũng cần tránh bị ngộ nhận, lợi dụng.
Với mọi người Việt Nam, lòng yêu nước từ lâu đã trở thành một giá trị cao quý, được truyền từ đời này sang đời khác, với những biểu hiện ngày càng sinh động, cụ thể. Ai vì lý do nào đó phải xa quê hương, mới càng thấm thía, khắc khoải và thêm sâu đậm tình yêu xứ sở, nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi “cha sinh mẹ dưỡng”. Có đi xa mới thấy nhớ quay nhớ quắt những bờ đê, ao làng, lũy tre, hàng cau, ngôi nhà của ông bà và mẹ cha, nhớ dãy phố nhỏ, con ngõ nhỏ và thấy thân thương hơn mầu xanh hiền hòa của ruộng đồng, nương rẫy, với bóng câu trắng, tiếng chim gù giữa trưa hè ngợp nắng; nhớ tiếng đàn bầu trong bóng trăng lu, nhất là tiếng nói mộc mạc, tiếng võng kẽo kẹt, tiếng ru con ngủ, những nụ cười và tấm lòng cởi mở của người thân, bè bạn, bà con lối xóm quê nhà…
 
Thực tế đã, đang và sẽ còn chứng tỏ, lòng yêu nước đã trở thành một giá trị truyền thống và là tài sản vô giá, tạo sức sống bất khuất và trường tồn của dân tộc “con Lạc cháu Hồng” qua nghìn năm lịch sử trước mọi hiểm họa xâm lăng và đồng hóa, là mạch nguồn cho sự sinh sôi và phát triển ngày càng mạnh mẽ của đất nước, giống nòi. Không ai có thể phủ nhận được rằng, dù là người dân đang sinh sống trên xứ sở quê hương hay với cộng đồng người Việt đã định cư và hội nhập ổn định ở nước ngoài, mỗi khi thiên tai địch họa đe dọa cuộc sống và vận mệnh của Tổ quốc, là lập tức mọi người Việt Nam, muôn người như một, kết thành khối vững chắc, sẵn sàng cống hiến công sức, xả thân vì lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, vì vận mệnh của Tổ quốc và cuộc sống của đồng bào mình…  
 
Ngày nay, hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng hoàn cảnh mới của sự nghiệp phát triển đất nước, đang đặt ra và đòi hỏi lòng yêu nước cần được mở rộng nội hàm, với những cách thức thể hiện mới. Lòng yêu nước kết tụ và tạo cơ hội chung tay xây dựng khối đoàn kết toàn dân đấu tranh chống “thù trong, giặc ngoài”, vì nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như là điều kiện cho sự tự do và phát triển lành mạnh của mỗi gia đình và cá nhân. Lòng yêu nước khiến mỗi người thêm hăng say lao động, tự giác thực hiện tốt bổn phận của mình trong công việc, trong các quan hệ xã hội, chung sức vượt qua mọi thử thách, hiểm họa, làm giàu chính đáng cho bản thân và quê hương, đóng góp lặng lẽ, khiêm nhường vào sự phát triển chung và làm rạng danh đất nước, ngời sáng trí tuệ và tâm hồn Việt Nam.
 
Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng, gắn liền với lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cần được nâng niu, bảo vệ, phát huy cao độ, nhưng cũng cần tránh bị ngộ nhận, lạm dụng, lợi dụng. Lòng yêu nước cao cả không cho phép “nói một đằng, làm một nẻo”, hoặc bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, tham nhũng và lạm dụng quyền chức để mưu cầu lợi ích cho dòng họ, gia đình, gây chia rẽ, bè phái, hy sinh quyền lợi và lạm dụng sức dân. Lòng yêu nước chân chính không cho phép bất cứ ai vì nhu cầu ích kỷ mà có những việc làm băng hoại văn hóa, đổ vỡ lòng tin, tổn thương tình cảm, cơ hội và điều kiện sống của các thế hệ con cháu.
 
Lòng yêu nước giúp mỗi người luôn tỉnh táo, nhận diện đúng đắn các vấn đề, sự kiện, hiện tượng trong bối cảnh cụ thể, nhận thức được xu hướng tất yếu khách quan và các giá trị Chân – Thiện – Mỹ có tính chuẩn chung của nhân loại, của bản sắc dân tộc và sự phát triển bền vững; thu hẹp và cởi bỏ định kiến cá nhân; phát ngôn và hành động có trách nhiệm với cộng đồng; không có hành động sai trái về lương tâm và pháp luật; không vô tình hay cố ý bị lạm dụng, bị khống chế và lôi kéo vào một số bè phái, tổ chức, nhóm, phong trào luôn nhân danh lòng yêu nước, nhưng thực chất là đầy toan tính ích kỷ, háo danh, hoang tưởng, gây tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, tới sức mạnh và lợi ích quốc gia, tiếp tay cho những kẻ âm mưu “chuyển lửa về quê hương”.
 
Ðặc biệt, đối với chủ quyền quốc gia và nền độc lập dân tộc, lòng yêu nước mãnh liệt chính là nền tảng vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giang sơn cha ông để lại, nhưng không phải là điểm tựa để dung túng, kích động tinh thần dân tộc cực đoan, đề cao bá quyền, đe dọa sử dụng bạo lực và bất chấp thủ đoạn gian dối, hèn hạ, bất chấp đạo lý và luật pháp của văn minh nhân loại, cốt tranh đoạt trắng trợn và phi pháp lãnh thổ của người khác. Ðiều này đã và phải tiếp tục trở thành yêu cầu của lương tri, của đạo đức không chỉ với Việt Nam, mà với mọi quốc gia – dân tộc khác trên thế giới.
 
Một số tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước thời gian qua thông qua các đài phương Tây thiếu thiện chí và qua mạng in-tơ-nét, tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta, kích động bạo loạn gây rối trật tự, hô hào đòi thay đổi chế độ, lật đổ chính quyền… Trong số này có các nhóm phản động lưu vong được sự hà hơi tiếp sức của các thế lực chống phá nước ngoài, có những kẻ từng gây tội ác, nợ máu với nhân dân phải chạy bán sới xa Tổ quốc, nay thật nực cười lại nhân danh lòng yêu nước hô hào các hoạt động phi pháp chống phá trong nước. Ðáng tiếc, có người nhẹ dạ cả tin, cũng có kẻ háo danh đã hùa theo các luận điệu này.
 
Gần đây, một số cuộc tụ tập đông người nhân danh “biểu tình yêu nước”. Ðó không phải là hành động yêu nước một cách phù hợp. Ðáng lưu ý hơn là trong các cuộc tụ tập đó, người ta nhận ra một số người từng có hành vi chống đối chính quyền, tuyên truyền chống lại đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nay lại nhân danh và lợi dụng lòng yêu nước để kích động, gây rối trật tự công cộng, có những hành động và lời lẽ thóa mạ, xúc phạm nhà chức trách,  gây mất trật tự, an toàn xã hội.
 
Hơn bao giờ hết, trên bất kỳ phương diện nào, lòng yêu nước luôn phải là một giá trị, phù hợp với đạo lý, văn minh, không thể ngộ nhận, lạm dụng và bị lợi dụng. Chỉ có lòng yêu nước chân chính mới có thể giúp mỗi quốc gia – dân tộc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của mình; đồng thời, không chỉ làm cho quốc gia – dân tộc mình ngày càng hưng thịnh, trường tồn, mà còn giúp bảo đảm hòa bình và sự hưng thịnh chung của các quốc gia – dân tộc khác trong một thế giới ngày càng hội nhập, toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau…”.

Đường về Bạc Liêu ...

 



Được biết tin bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu chị Tạ Phong Tần qua đời, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam bao gồm các cựu tù nhân lương tâm như ông Trương Minh Nguyệt, ông Trương Minh Đức, bà Bùi Hằng, Mục sư Nguyễn Ngọc Thạch, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cùng với người thân của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, đến viếng đám tang tại gia đình chị Tạ Phong Tần, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).

Đường về Bạc Liêu "ruồi muỗi" hơi nhiều

Khởi hành vào lúc 14 giờ ngày 31/7/2012, đoàn đã phát hiện nhiều "người lạ" đang có mặt tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Xe khởi hành vào đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương (Tiền Giang), những "người lạ" bị bỏ lại trên đường Quốc lộ 1A. Khi đoàn viếng đám tang đến cầu Long Định thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, có 03 CSGT chặn xe lại, kiểm tra giấy tờ xe, giấy tờ hoàn toàn hợp lệ. Khi các thành viên trong đoàn chất vấn CSGT lý do dừng xe, CSGT trả lời: "có người tố cáo xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy". Bị đấu lý và xem chừng lý do "gây tại nạn rồi bỏ chạy" không còn vững vàng và thuyết phục những người dân đang tập trung xung quanh, CSGT đưa ra một lý do khác: "nghi bằng lái xe giả". CSGT lập biên bản giữ bằng lái xe và để cho xe tiếp tục lưu thông, người tài xế xe và đoàn đồng ý giải pháp này. Trong lúc dừng xe, CSGT thường xuyên gọi điện thoại để xin ý kiến chỉ đạo của ai đó, cách làm sao mà giống như mấy "người lạ", lúc nào cũng căng thẳng, khẩn trương nghe gọi liên tục mỗi khi đeo bám "đối tượng".

Đoàn biết rằng nạn tai sẽ chưa hết, khi đoàn ghé vào địa phận thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) dùng cơm chiều, cũng phát hiện có "người lạ" mặc sắc phục CS 113 bám theo. Xe rời quán vào khu vực dân cư thưa thớt thì xe CS 113 cũng vượt lên ra hiệu dừng xe. Khi hỏi lý do dừng xe thì CS 113 cho biết: "xem bánh xe có mòn chưa", tội nghiệp cảnh sát quan tâm đến sinh mạng người dân quá nên người dân lại phải hoang mang.

Ngay tại Bạc Liêu, côn đồ không thiếu

Trong thời gian đoàn lưu lại tại nhà bà Tạ Phong Tần, nhà cầm quyền địa phương cho người đến hăm dọa những khách đến viếng đám tang. Ngoài ra còn có những tên côn đồ cướp giật tiền phúng điếu tại linh cữu của bà Đặng Thị Kim Liêng mà công an đứng xung quanh không có hành động nào ngăn chặn. Một số tên côn đồ còn cầm dao, mã tấu chặn các đường vào nhà, hăm dọa khách đến viếng đám tang. Nhà cầm quyền địa phương đã cấm đoán những người hàng xóm của gia đình bà Tạ Phong Tần đến viếng đám tang hay bán hoa cúng cho khách viếng vì đó là gia đình "phản động".

Một an ninh Bộ Công an Việt Nam đã đến gia đình và nói: "gia đình không được nghe bọn phản động". Gia đình trả lời: "ai đến viếng chúng tôi cũng phải tiếp, còn ai là phản động thì các ông cứ bắt". Cán bộ phụ nữ địa phương còn tuyên bố với chị Bùi Hằng:"bạn của chị Tần không được dự đám tang". Khi chị Bùi Hằng hỏi: "cấp trên nào xúi chị nói như vậy hả?", nữ cán bộ chuồn ngay.

Chị Bùi Hằng đã được gia đình cho phép được thay mặt chị Tần để tang cho Mẹ.

Đường về Sài Gòn ruồi muỗi bay theo

Trên đường về Sài Gòn vào lúc 13 giờ ngày 1/8/2012, đoàn viếng đám tang đã được hộ tống phía sau bằng xe ô-tô mang bảng số xanh và những chiếc xe hai bánh thì lượn lờ sau trước. Cầu nguyện Ơn Trên che chở cho đoàn viếng đám tang về đến Sài Gòn an toàn và cũng tiễn đưa cái đoàn hộ tống "đểu" vào gầm xe tải, cho chúng không còn cơ hội ác với người dân.

Một chuyến viếng tang bình thường cũng làm cho cả hệ thống chính trị phải bận rộn, trách gì những "đỉnh cao trí tuệ" còn thời gian đâu mà quan tâm đến Hoàng Sa - Trường Sa, bảo vệ chủ quyền hay tình hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Qua sự việc này mới thấy sự bối rối lo sợ của một chế độ độc tài trước cơn hấp hối là như thế nào, họ sợ cả cái chết của một người dân. Bản lĩnh đó thì làm sao mà lãnh đạo đất nước.

Đất nước và nhân dân Việt Nam xin chân thành cám ơn những người con dũng cảm đã vượt qua khó khăn đến viếng đám tang Mẹ Việt Nam, bà Đặng Thị Kim Liêng và giúp gia đình thoát khỏi sự cô lập của nhà cầm quyền tỉnh Bạc Liêu.