THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 June 2012

Quốc hội thông qua 13 dự luật

* 495/496 đại biểu có mặt biểu quyết thông qua luật Biển Việt Nam
* Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 đã thông qua 13 dự luật. Riêng trong ngày 21.6, QH đã thông qua 3 dự án luật: luật Quảng cáo, luật Tài nguyên nước, luật Biển Việt Nam.

Với sự tán thành của 495/496 đại biểu (ĐB) có mặt (1 ĐB không biểu quyết), sáng qua 21.6, QH đã thông qua luật Biển Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1 năm tới).
Gồm có 7 chương, 55 điều, luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Kỳ họp tới thông qua Quy chế bỏ phiếu tín nhiệm
Chiều cùng ngày, với đa số phiếu thuận, QH đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.
Theo đó, QH quyết nghị giao Ủy ban TVQH xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 10 tới. Đề án đồng thời nêu rõ hoạt động chất vấn tại nghị trường sẽ thực hiện theo từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận. Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban TVQH xem xét và khi cần thiết trình QH ban hành Nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
Bảo Cầm
Nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Về chính sách quản lý và bảo vệ biển, luật quy định: phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển. Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Luật cũng quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển bền vững các vùng biển phù hợp với điều kiện của từng vùng biển và bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; tăng cường thông tin, phổ biến về tiềm năng, chính sách, pháp luật về biển; đồng thời, khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển, bảo hộ hoạt động của tổ chức, công dân Việt Nam ngoài các vùng biển Việt Nam phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật quốc tế, pháp luật của quốc gia ven biển có liên quan.
Chính sách khác được khẳng định trong luật Biển Việt Nam là đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, nâng cấp cơ sở hậu cần phục vụ cho các hoạt động trên biển, đảo và quần đảo, phát triển nguồn nhân lực biển. Thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo.
Luật cũng nêu các quy định cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo đó, khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép; xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo; khoan, đào trái phép...
Quốc hội thông qua 13 dự luật
Toàn cảnh bế mạc kỳ họp thứ 3, QH khóa 13 - Ảnh: Ngọc Thắng
Ưu tiên phát triển kinh tế biển 6 lĩnh vực
Cũng theo luật Biển Việt Nam, Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi.
Các nội dung hợp tác quốc tế về biển tập trung vào điều tra, nghiên cứu biển, đại dương; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và cảnh báo thiên tai; phòng chống ô nhiễm môi trường biển, xử lý chất thải từ hoạt động kinh tế biển, ứng phó sự cố tràn dầu; tìm kiếm, cứu nạn trên biển; phòng, chống tội phạm trên biển; và khai thác bền vững tài nguyên biển, phát triển du lịch biển.
Luật đồng thời quy định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, với 6 nhóm ngành chính, gồm: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; Du lịch biển và kinh tế đảo; Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; và Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21.6
Ngày 21.6.2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Ng.Phong (ghi)
Bộ trưởng phải báo cáo việc thực hiện lời hứa với cử tri
Cuối giờ chiều 21.6, tại buổi họp báo thông báo kết quả kỳ họp thứ ba, QH khóa 13, trả lời câu hỏi của báo chí về việc sắp tới giám sát các bộ trưởng thực hiện lời hứa như thế nào và nếu các bộ trưởng không thực hiện lời hứa thì có chế tài gì để xử lý hay không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH cho rằng: chính vì có Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn vừa được thông qua với mức biểu quyết rất cao đã là chế tài để QH có thể giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng, trưởng ngành trước cử tri cả nước. “Kỳ họp thứ tư (tháng 10.2012), QH sẽ yêu cầu mỗi vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, thứ ba tiếp tục báo cáo về việc thực hiện lời hứa trước cử tri. Sau khi thực hiện việc báo cáo này thì QH mới có cơ sở để đánh giá việc thực hiện lời hứa và trách nhiệm của các vị bộ trưởng trước cử tri”, ông Phúc nói.
Tuệ Nguyễn
Bảo Cầm

Người Trung Quốc 'tuyển' vợ tại khách sạn



Các cô gái được đưa từ các tỉnh miền Tây đến khách sạn ở TP HCM để 2 người đàn ông Trung Quốc chọn vợ. Họ đang “xem mắt” thì cảnh sát ập vào bắt quả tang.

Ngày 21/6, Công an TP HCM đã bàn giao Thòng A Lộc (59 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Sú Chức Mẫn (43 tuổi, quận Bình Tân), Cen YiBin (41 tuổi), Huang Hui Huang (27 tuổi, cùng là người Trung Quốc) cho công an quận Tân Phú tiếp tục điều tra về hành vi Môi giới hôn nhân trái phép.

Tại cơ quan công an, Lộc khai là người đứng ra tổ chức, Mẫn có vai trò phiên dịch cho 2 người đàn ông Trung Quốc xem mắt tuyển vợ là các cô gái 18 và 23 tuổi. Lộc thuê nhà trên đường Trịnh Đình Trọng (quận Tân Phú) để hoạt động môi giới hôn nhân. Ông ta đã tổ chức thành công nhiều cuộc tìm vợ cho đàn ông nước ngoài để thu lợi. Mỗi lần khách vừa ý, họ phải trả “phí” cho Lộc hàng nghìn USD.

Khi nhận được "hợp đồng" với Cen YiBin và Hui Huang, Lộc gọi điện cho người quen ở Hậu Giang và Bạc Liêu đưa 2 cô gái lên TP HCM. Người này sau đó ra bến xe Miền Tây đón họ đưa thẳng về khách sạn Như Hoàng trên đường Thạch Lam (phường Phú Trung, quận Tân Phú).

Chiều 19/6, hai người Trung Quốc đến khách sạn này để xem mắt "vợ tương lai". Một cô gái đã phản ứng quyết liệt vì tưởng lên Sài Gòn để được đi nước ngoài làm việc với mức lương cao, song vẫn bị những người ở đây khống chế, ép buộc. Trong khi đang giằng co thì cảnh sát ập vào bắt quả tang.

Quá trình điều tra, cảnh sát còn xác định Lộc từng bị Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ vì tổ chức cho nhiều cô gái ra nước ngoài bán dâm. Người này bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên án 3 năm tù giam. Cuối năm 2011, sau khi được thả, Lộc xuống TP HCM tiếp tục hoạt động đường dây môi giới hôn nhân trái phép.

Quốc Thắng

Xét xử lại vụ án nguyên thiếu tướng Trần Văn Thanh


TTO - Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết ngày 22-6, TAND tối cao tại Đà Nẵng sẽ đưa ra xét xử lại vụ án thiếu tướng Trần Văn Thanh (59 tuổi, nguyên chánh thanh tra Bộ Công an).

Trước đó, liên quan đến vụ án Trần Văn Thanh phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm ngày 19-7-2011.

Theo đó, hủy bản án hình sự phúc thẩm ngày 7-12-2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Văn Thanh và bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh. Đồng thời giao hồ sơ vụ án cho tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại bản án sơ thẩm số ngày 7-8-2009, TAND TP Đà Nẵng đã xử phạt Trần Văn Thanh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định tội danh và hình phạt đối với Nguyễn Phi Duy Linh, Dương Tiến và Đinh Công Sắt.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Trần Văn Thanh, Nguyễn Phi Duy Linh và Dương Tiến kháng cáo kêu oan.

Đến ngày 7-12-2009 tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã xử phạt Trần Văn Thanh 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, đồng thời giữ nguyên các quyết định về tội danh và hình phạt đối với Nguyễn Phi Duy Linh và Dương Tiến.

Sau khi xét xử phúc thẩm, bị cáo Trần Văn Thanh có nhiều đơn kêu oan đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Sau đó, Viện KSND tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm ngày 7-12-2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự sơ thẩm TAND TP Đà Nẵng đối với Trần Văn Thanh. 

Viện KSND tối cao đề nghị hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm và phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm nêu trên đối với bị cáo Trần Văn Thanh không phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và đình chỉ vụ án đối với Trần Văn Thanh. 

HỮU KHÁ
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/497870/Xet-xu-lai-vu-an-nguyen-thieu-tuong-Tran-Van-Thanh.html




Bí thư xử thiếu tướng: Ðòn độc của Nguyễn Bá Thanh

Vũ Quí Hạo Nhiên (Người Việt) - Vì bị chặn đường chuyển đi Hà Nội, viên bí thư chủ tịch Ðà Nẵng đánh đòn nặng nề để trả thù kẻ địch trong đó có cả một thiếu tướng công an. Ðiều này được tường thuật lại trong một công điện đánh đi từ Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn đề ngày 1 tháng 4, 2009, với tựa đề “Người khổng lồ chính trị thoát án tham nhũng, còn công an và phóng viên thì đi tù.

Vụ án xử Thiếu Tướng Trần Văn Thanh tới nay vẫn còn nhiều người nhớ. Ðó là phiên xử mà viên tướng công an, tuy đang bệnh hôn mê liệt giường, vẫn bị đẩy vào phòng xử với đầy đủ dây nhợ và máy trợ thở oxygen, để bị nghe tố cáo và tuyên án. Bàn tay đằng sau vụ xử dã man ấy được bức công điện khẳng định là ông Nguyễn Bá Thanh, chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân và bí thư Thành ủy Ðà Nẵng. 

Gọi ông Nguyễn Bá Thanh là “người khổng lồ chính trị” là đúng. Vào đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1980, ông đi từ chức vụ phó bí thư huyện ủy leo dần lên tới chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP. Ðà Nẵng từ năm 1995 và nắm quyền tại đó cho tới nay, lúc đầu trong vai trò chủ tịch UBND, sau đó qua chủ tịch Hội đồng Nhân dân và bí thư Thành ủy. Là bí thư thành ủy, ông Thanh cũng trở thành ủy viên trung ương đảng. 

Ở Ðà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh là một ông vua con. Quyền tổng lãnh sự Charles Bennett gọi ông này là “chủ nhân của đất và gió”. Ông kể lại: 

Những nhà đầu tư phát triển địa ốc nào dại dột xây cất vườn tược trước khi hỏi ý Bá Thành là trồng cây gì và lối đi xây làm sao, chẳng hạn, sẽ bị đóng cửa và phải bới lên xây lại từ đầu.” 

Những nhà đầu tư nào không chịu nói chuyện trước với Nguyễn Bá Thanh từ trước khi nộp đơn, đều nói rằng họ chẳng bao giờ được cấp giấy phép,” công điện cho biết. 

Ông vua con còn đặt hàng một bài hát chính thức cho thành phố - công điện không nói tên, nhưng đó là bài “Ðà Nẵng tôi yêu” với lời thơ Nguyễn Bá Thanh. Bài hát này ca ngợi Ðà Nẵng, từ đất lên tới gió và tất cả mọi thứ ở giữa. Nhưng ở Ðà Nẵng người ta truyền miệng một bản “lời 2” trong đó nói tài sản của ông Thanh gồm từ đất lên tới gió và tất cả mọi thứ ở giữa, chừa lại một con chim. Con chim này, bản công điện viết, là tài sản ông Hoàng Tuấn Anh, chủ tịch UBND thành phố. (Ông Hoàng Tuấn Anh sau này là bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch.) 

Ngược lại, bức công điện viết, nếu nhà đầu tư nào chịu chơi đúng luật của Thanh, mọi loại giấy tờ sẽ dễ dãi và suôn sẻ, hơn tất cả chỗ nào khác tại Việt Nam. “Các nhà đầu tư ngoại quốc cho biết thành phố hứa hẹn rất nhiều và luôn giữ lời,” công điện viết. Ông Thanh được cho là không ăn hối lộ trực tiếp, mà làm giàu bằng cách mua rẻ đất của dân rồi bán lại cho các nhà đầu tư, theo lời giới làm ăn ở Ðà Nẵng thuật lại cho TLS Mỹ

Tuy làm vua một cõi, nhưng ông Thanh vẫn muốn leo lên chức vụ cao hơn. Bản công điện cho rằng ông Thanh muốn đi, là vì không muốn bị ép về hưu khi nhiệm kỳ chấm dứt năm ông 57 tuổi và không thể ở lại thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, nhận định này của quyền TLS Bennett không đúng: Ông Thanh vẫn có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ tới năm 62 tuổi, vì phải tới 65 tuổi mới đụng hạn hưu của một ủy viên trung ương. 

Ðường vào Hà Nội bị chặn 

Với ý đồ chính trị muốn leo cao nữa, ông Thanh biết rằng ông không thể ngồi mãi một chỗ không bước chân ra khỏi Ðà Nẵng. Cơ hội đến với ông năm 2008. 

Vào tháng 8 năm đó, chính quyền Việt Nam sáp nhập tỉnh Hà Tây (tự nó đã gồm hai tỉnh Hà Ðông và Sơn Tây thời xưa) vào thành phố Hà Nội. Chỉ qua một đêm, Hà Nội bỗng lớn lên gấp 3 lần diện tích cũ, và bỗng có một chỗ trống cho một phó chủ tịch phụ trách vùng đất mới sáp nhập. 

Theo lời công điện, ông Thanh vận động trung ương đảng để được đặt vào chỗ đó. Vào tháng 7 năm 2008, trong lúc chuẩn bị mở rộng Hà Nội, trung ương đảng đề nghị ông Thanh vào ghế phó chủ tịch mới có. Nhưng phía thành phố Hà Nội lại không thích bị một người từ nơi khác vào làm phó chủ tịch Hà thành. Ðể có thể vận động Bộ Chính Trị đi ngược lại “đề nghị” của trung ương đảng, họ lại lôi ra vụ án tham nhũng dính líu tới ông Thanh. 

Nhận định này của viên quyền tổng lãnh sự cần phải xét lại. Ghế phó chủ tịch, dù của thủ đô Hà Nội và phụ trách một miếng đất rộng lớn, vẫn không cao bằng ghế chủ tịch Ðà Nẵng. Khác với vị trí lúc đó của ông Thanh là chủ tịch Ðà Nẵng và ủy viên trung ương, nếu “xuống” ghế phó chủ tịch Hà Nội sẽ không thể là ủy viên trung ương. 

Theo dư luận thời bấy giờ, cái ghế ở Hà Nội mà ông bí thư Thanh muốn, không phải là phó chủ tịch thành phố, mà là một chân đại biểu Quốc Hội. 

Dù vì động cơ nào, tin tức về vụ tham nhũng này được tuồn ra cho giới báo chí và blogger, kể cả báo Công An. Ông Thanh bị tố cáo nhận hối lộ 4 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 200,000 đô la Mỹ) hồi năm 2007 khi giải tỏa đất. Tin tức cũng rộ lên về người dân oan viết thư tố cáo lên thủ tướng rồi bị chết bí hiểm. 

Một doanh gia ngân hàng, người Singapore làm ăn tại Ðà Nẵng, giải thích về vụ này cho TLS. Theo ông này, tuy đảng Cộng Sản vẫn biết về sự tham nhũng của ông Thanh, nhưng họ sẽ không làm gì, thứ nhất là “vì mức độ tham nhũng của ông Bá Thanh không quá đáng và không ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố,” và thứ nhì là “ông chia phần làm giàu cho rất nhiều thế lực chính trị ủng hộ”. 

Chuyện tham nhũng ngày xưa bị đem ra xem lại, theo ông này, chỉ là vì quan chức Hà Nội không thích người ngoài nhảy vào nhận một chức vụ trong thành phố của họ. Và họ đã thành công. Bộ Chính Trị ra chỉ thị chính quyền Hà Nội mới chỉ gồm nhân sự chính quyền Hà Nội và Hà Tây cũ. 

Khi trâu bò húc nhau, ruồi muỗi phải chết. Trong vụ này, “ruồi muỗi” không phải là từ chính xác để miêu tả nạn nhân - vì chính những nạn nhân cũng có thế lực. 


Ảnh: Tướng Trần Văn Thanh đang hôn mê bị đẩy ra tòa trên băng ca. (Hình: VNExpress)

Ngày 24 tháng 2 năm 2009, nhiều tháng sau khi ông Thanh đã lỡ chuyến tàu ra Hà Nội, công an Ðà Nẵng ra tay truy tố nguyên chánh thanh tra Bộ Công An Việt Nam, Thiếu Tướng Trần Văn Thanh. Ông này là người đứng đầu cuộc điều tra vụ án tham nhũng. 

Ông Thanh bị tố cáo là đứng đầu một âm mưu triệt hạ uy tín lãnh đạo Ðà Nẵng. Ba con “ruồi muỗi” khác đã bị truy tố từ trước đó, gồm cựu thiếu tá công an Ðinh Công Sắt; trung tá công an Dương Ngọc Tiến là trưởng đại diện báo công an TP. HCM tại Hà Nội; và ông Nguyễn Phi Duy Linh, một người bạn thân của Tướng Thanh. 

Vụ án ông Sắt, ông Tiến, lẽ ra diễn ra tháng 9 năm 2008, nhưng bất ngờ vào tháng 8 năm đó (là lúc Hà Nội mở rộng) phiên tòa dời lại vì hai ông Sắt và Tiến đều khai ra người chủ mưu là Tướng Thanh. 

Ông Sắt bị tố cáo “rải truyền đơn và tố cáo sai sự thật nhằm hạ uy tín lãnh đạo Ðà Nẵng”. Công điện không nói, nhưng theo đài RFA, những tờ “truyền đơn” này thật ra là công văn của Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng gửi Viện Kiểm Sát Nhân Dân tối cao và ông Phan Diễn (lúc đó là bí thư Thành ủy Ðà Nẵng). Cả hai công văn đều đề cập việc ông Nguyễn Bá Thanh nhận hối lộ 4.4 tỷ đồng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Ðà Nẵng. 

Ông Tiến và ông Linh bị tố cáo đã hỗ trợ cho ông Sắt trong việc phân phát những công văn này. Tội danh của họ là “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. 

Phiên tòa “dã man” 

Phiên tòa mở màn tháng 7 năm 2009 tại nhà hát Trưng Vương. Khi đó, mặc dù Tướng Trần Văn Thanh bị tai biến, nhưng tòa vẫn ra lệnh phải đẩy ông này từ bệnh viện lên xe cứu thương đưa vào nhà hát, trong tình trạng hôn mê, phải thở bằng máy oxygen và phải truyền dịch. (Trong một bài viết mang tựa đề “Chánh án tòa Ðà Nẵng lập kỷ lục vi phạm nhân quyền” đăng trên Bô Xít Việt Nam và được đăng lại nhiều nơi, Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ gọi đây là “hành vi dã man chưa từng thấy trong lịch sử pháp đình hiện đại.”) 

Tướng Thanh là người gốc Ðà Nẵng và “có tiếng lương thiện,” bức công điện viết. Trước khi làm chánh thanh tra Bộ Công An, ông là giám đốc công an Ðà Nẵng. Bức công điện kể lại nguồn gốc vụ án tham nhũng: 

“Năm 2000, ông Thanh khi đó là đại tá bắt giữ một nhà thầu về tội hối lộ trong công trình xây dựng cầu sông Hàn. Nhà thầu này (công điện không nói tên, nhưng là ông Phạm Minh Thông) bị kết tội 13 năm tù.” Ông Thông khai là đã hối lộ cho Nguyễn Bá Thanh. Phía công an và viện kiểm sát muốn truy tố ông bí thư, nhưng không được. 

Ông bí thư tìm cách trả thù, thì ông công an chạy ra khỏi Ðà Nẵng. Mặc dù bị chủ tỉnh đì, ông công an Thanh ra được Hà Nội, được lên lon, và trở thành chánh thanh tra. Ông Tướng Thanh trở thành công cụ lý tưởng để kẻ thù ông bí thư Thanh lôi kéo. 

Ðiều xui xẻo cho ông công an Thanh, là cuộc điều tra đã không được chuẩn bị đúng luật. Bức công điện nêu thí dụ: “Trong cuộc điều tra năm 2000, Tướng Thanh là người trực tiếp lấy cung nhiều nhân chứng quan trọng chống ông Bá Thanh, kể cả ông nhà thầu.” Nhưng thay vì cho người khai viết tay biên bản, ông cho đánh máy biên bản rồi cho nhân chứng ký tên. 

Mặc dù đây là chuyện ai cũng làm, “nhưng riêng trong vụ này, điều này khiến Tướng Thanh bị hở sườn”. Khi người của Bí thư Thanh nói chuyện thẳng với những nhân chứng này, “phép lạ” là họ đều lắc đầu và chối rằng ông Tướng Thanh tự ý đánh máy tờ khai rồi ép họ ký. 

Ông tướng, bị lôi vào tòa trên băng ca trong lúc hôn mê, thở bằng máy, đang truyền dịch, bị tuyên án 18 tháng tù treo. Lên phúc thẩm (cũng tại Ðà Nẵng), Viện Kiểm Sát yêu cầu đình chỉ vụ án với ông Tướng Thanh nhưng tòa phúc thẩm vẫn tuyên bố ông tướng có tội, chỉ giảm án xuống 12 tháng tù treo vì lý lịch tốt. Cuối cùng, phải tới khi Tướng Thanh gởi đơn lên giám đốc thẩm, ông mới được tuyên bố vô tội. 

Cựu Thiếu Tá Ðinh Công Sắt bị tuyên án 12 tháng tù treo. Trung Tá Dương Ngọc Tiến bị 17 tháng 5 ngày tù, ngang với thời gian tạm giam. Ông Nguyễn Phi Duy Linh bị 36 tháng tù. 

Mục đích? Dằn mặt công an nhúng tay vào đấu đá 

Vụ án “dã man” nhưng rồi kết thúc với những án treo dành cho công an, được viên quyền tổng lãnh sự cho là một hành động dằn mặt. Ông Bennett nói không ai thắng trong vụ. Thua nặng nhất là báo chí, “Như vụ PMU 18, báo chí nằm trong hạng ‘ruồi muỗi’ bị giết trong vụ húc nhau của người khổng lồ.” 

Quyền TLS Bennett cho rằng mặc dù Bí thư Thanh tạm thắng, ông vẫn bị dừng chân tại chỗ ở Ðà Nẵng. “Vì có tiếng tham nhũng và tương đối bị cô lập ở Ðà Nẵng, nếu ông không tìm được đường tới thì có thể gặp nguy khi quyền lực và ảnh hưởng của ông bị thuyên giảm.” 

Nhưng lý do ông Bí thư Thanh truy tố được một tướng, một nhân vật của Bộ Công An, là vì ông lôi kéo được thành phần lãnh đạo đảng Cộng Sản là phải duy trì nguyên tắc quan trọng về vai trò của công an trong hệ thống cộng sản. Công điện viết: 

“Sau khi bị thua nhục nhã tháng 7 năm 2008, ông (Bá Thanh) muốn trả thù và thuyết phục được các nhân vật cao cấp khác trong ÐCSVN là, cũng như trong vụ PMU 18, Bộ Công An và báo chí bị dạy cho bài học là không được nhúng vào các cuộc tranh chấp chính trị nội bộ.” 

Nói cách khác, phe phái trong đảng cộng sản có thể đấu đá nhau, nhưng các loại công cụ như công an, báo chí, không được dính vào.

Trung Quốc phản đối luật biển của VN



BBC - Trung Quốc ngay lập tức phản đối Luật Biển Việt Nam mà Quốc hội ở Hà Nội thông qua trong cùng ngày 21/6.

Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân đã triệu đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Thơ tới để "đưa ra phản ứng nghiêm khắc" về luật mà Trung Quốc gọi là "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc".

Báo chí Việt Nam cho hay ngay Điều 1 của Luật Biển đã quy định về quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ một phần cũng như quần đảo Hoàng Sa vốn hoàn toàn nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc từ năm 1974 sau trận hải chiến mà Việt Nam Cộng hòa thua cuộc.

Trung Quốc luôn tuyên bố Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) thuộc về nước này.

Trung Quốc và Việt Nam đã tuyên bố 
chủ quyền chồng lấn từ lâu nay
Lời văn phản đối trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn: "Chính phủ Trung Quốc tuyên bố: Tây Sa hải đảo và Nam Sa hải đảo là lãnh thổ Trung Quốc. Các đảo này và vùng phụ cận thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Trung Quốc.

"Bất cứ nước nào đưa ra đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và theo đó áp dụng bất cứ hành động nào đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa đều là phi pháp và vô hiệu."

Trong khi đó Luật Biển của Việt Nam cũng khẳng định "đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam".

Mặc dù vậy Luật cũng nói Việt Nam chủ trương "giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình" theo các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Báo chí trong nước nói Luật Biển Việt Nam đã được thông qua với sự đồng ý của 99,2% đại biểu.

Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải, đã chứng kiến nhiều sự cố trong thời gian gần đây trong đó các vụ bắt ngư dân đánh cá giữa các nước ngày càng tăng kèm theo những sự cố như vụ chạm trán gần đây giữa tàu chiến Philippines và tàu tuần tiễu Trung Quốc hay trước đó là vụ Hà Nội cáo buộc Bắc Kinh cho tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.