THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 December 2012

Ngành đường sắt muốn “hành” dân?

Ngành đường sắt muốn “hành” dân?

 
Hàng chục năm qua, cứ gần Tết, hành khách lại khổ sở để hy vọng mua được tấm vé tàu về quê. Dân kêu nhiều, chuyên gia hiến kế lắm nhưng dường như ngành đường sắt không muốn thay đổi...

Nghi vấn gây khó khăn để hưởng lợi

Những ngày qua, người mua vé tàu tết ở Ga Sài Gòn gặp rất nhiều khó khăn: Đặt phiếu mua vé qua mạng thì mạng bị nghẽn, đến trực tiếp ga thì phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ, chen lấn xô đẩy may ra mới có được tấm vé. Muốn mua vé nhanh, người dân phải nhờ cậy đến phe vé, kỳ lạ là các đối tượng này lúc nào cũng dồi dào vé, tuy nhiên giá cao hơn rất nhiều.



Hành khách ngao ngán đặt mua vé qua mạng tại Ga Sài Gòn ngày 10.12.


Tình trạng trên kéo dài đã nhiều năm, mà tiến sĩ chuyên ngành quản lý giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải) phân tích:

“Ở đây còn tồn tại nhiều tiêu cực. Ngành đường sắt lập ra mạng bán vé, tuy nhiên năm nào cũng xảy ra nghẽn mạng nên rất nhiều người không thể mua được vé.

Ngành đường sắt biết về thực tế này, nhưng năm này qua năm khác, họ không quản lý được mạng, không lường trước được nhu cầu của khách hàng để nâng cấp mạng phù hợp... Đây cũng có thể là cái cớ để dung túng cho tiêu cực. Khó khăn trong việc mua vé qua đường “chính ngạch” sẽ tạo đầu vào lớn hơn cho phe vé, cò vé. Tiêu cực đến từ sự móc nối giữa nhân viên đường sắt và các cò vé, nhằm tăng giá vé để chia chác lợi ích”.

Nhiều năm qua đã có rất nhiều người dân, nhiều chuyên gia hiến kế cho ngành đường sắt nhằm thay đổi hình thức bán vé, tuy nhiên những hiến kế đó dường như không được ngành đường sắt lưu tâm. Ông Trần Minh Đức ở đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận, TP.HCM) - một cán bộ ngành giao thông đã nghỉ hưu đặt câu hỏi với phóng viên: Tại sao phải đế đến gần Tết mới tổ chức bán vé tàu đi lại dịp Tết? Tại sao không bán vé tàu tết bình thường như vé đi các ngày thường, bán từ giữa năm, thậm chí từ đầu năm? Như thế thì việc bán vé chỉ cần làm bình thường, không cần bán với việc đặt chỗ qua mạng như hiện nay, gây khổ sở và tốn kém cho hành khách.

Chị Hoàng Thị Quyết ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng: “Tôi nghĩ cứ áp dụng bán vé tàu như bán vé máy bay, bán liên tục trên mạng, tại tất cả các đại lý, tại ga từ rất sớm thì không có tình trạng như hiện nay”.

“Chưa chủ động được công nghệ” (?!)

Về các đề xuất này, TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn cho rằng: Những việc đó không phải không giải quyết được mà là ngành đường sắt không muốn giải quyết. Một chuyên gia lĩnh vực giao thông (xin giấu tên) cũng cho rằng ngành đường sắt không muốn thay đổi cách thức bán vé tàu tết chắc chắn vì có chuyện độc quyền, lợi ích của riêng ngành này. Thậm chí, việc tổ chức đặt mua vé qua mạng (luôn bị lỗi, nghẽn...), rồi nhắn tin nhận chỗ... chỉ là một hình thức hợp tác làm ăn của ngành đường sắt với nhà mạng, và hành khách là người “bị thịt”!

Trưởng Ga Sài Gòn Nguyễn Văn Thành cho biết: “Đến ngày 20.12.2012, các chỗ tàu tết đặt trên website không thanh toán tiền hoặc bị hủy sẽ thu hồi để bán vé trực tiếp tại Ga Sài Gòn. Cũng từ ngày 20.12, một số lượng ghế phụ (dự kiến khoảng 10.000 vé) sẽ được bán đại trà tại ga nếu có nhu cầu hoặc bán trước ngày tàu chạy 24 giờ”. Tuy nhiên, ai cũng biết lượng vé tàu tết bị thu hồi như ông Thành nói là không nhiều, nếu không muốn nói là không có!

Trong khi đó, trao đổi với báo chí về việc khó khăn khi mua vé tàu tết những ngày qua, ông Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng ban Kinh doanh vận tải (Tổng công ty đường sắt Việt Nam) lý giải:

Nguyên nhân bị nghẽn mạng ở trang mua vé tàu là do website này bị hacker tấn công. Ngành đường sắt chưa chủ động được về mặt kỹ thuật công nghệ thông tin nên khi áp dụng có trục trặc nhất định...

Câu trả lời của ông Tuyên không hề mới, bởi cứ cận Tết năm nào cũng xảy ra tình trạng nghẽn mạng, quá tải... nhưng ngành đường sắt không hề có giải pháp phù hợp để xử lý, phòng ngừa từ đầu. Đó có phải là vì ngành đường sắt chỉ chăm lo cho lợi ích của mình, nên người dân vẫn luôn bị hành?


Nguyễn Đình - Hữu Ký