THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 November 2012

Kiểm duyệt ở Việt Nam và Trung Quốc

Kiểm duyệt ở Việt Nam và Trung Quốc







Nguyễn Hưng Quốc
12.11.2012

Ai cũng biết, về vấn đề ngôn luận, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm giống nhau. Thứ nhất, đó là hai trong bốn năm quốc gia hiện nay vẫn cấm việc tư nhân hóa truyền thông: Tất cả các phương tiện truyền thông, từ báo in đến báo nói (radio), báo hình (ti vi) và báo mạng đều nằm trong tay nhà nước. Thứ hai, trừ Bắc Hàn, đó là hai quốc gia có chế độ kiểm duyệt khắc nghiệt nhất trên thế giới hiện nay. Hệ thống kiểm duyệt của họ được tổ chức rất chặt chẽ, bao gồm nhiều cấp và bao quát nhiều phạm vi. Hình phạt của họ dành cho những kẻ vi phạm cũng rất nặng nề.

Tuy nhiên, về kiểm duyệt, giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn có một số khác biệt quan trọng. Ở đây, tôi chỉ lưu ý đến một khía cạnh: nội dung.

Trong bài “Tôi và người kiểm duyệt tôi” (Me and My Censor) đăng trên tờ Foreign Policy số ra ngày 26 tháng 10, Eveline Chao kể về những cách thức kiểm duyệt vừa gắt gao vừa lạ lùng ở Trung Quốc. Có vô số điều cấm kỵ đối với người cầm bút cũng như người làm báo, kể cả báo bằng tiếng Anh, chủ yếu cho người ngoại quốc.

Trong số các cấm kỵ ấy, có ba điều quan trọng nhất, được tổng kết thành công thức: “Ba T”, bao gồm: Taiwan (Đài Loan), Tibet và Thiên An Môn.

Đó là ba chữ cấm. Không được nhắc. Nếu phải nhắc, không nhắc không được, phải nhấn mạnh đến các quan điểm của đảng. Ví dụ, nhắc đến Đài Loan như một trong các thị trường hải ngoại (overseas market) thì được, nhưng dùng chữ “thị trường ngoại quốc” (foreign market) thì lại không được vì chính phủ Trung Quốc không xem Đài Loan như một nước mà chỉ xem như một tỉnh lẻ ở ngoài. Không được viết “tình hình sau vụ Thiên An Môn” mà phải viết “tình hình sau tháng 6 năm 1989”. Cũng vậy, không được viết “thời Cách mạng văn hóa” mà chỉ được viết “vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970”. Vân vân.

Các nhà báo bị dặn dò tránh các chữ ấy. Trên internet, chính quyền Trung Quốc cũng đựng tường lửa tất cả các chữ ấy.

Chúng bị xem là những chữ “nhạy cảm”. Chúng gợi lại những hiện thực mà chính quyền Trung Quốc không muốn dân chúng biết hoặc nhớ. Họ muốn những ấn tượng xấu xí và xấu xa liên quan đến vụ trấn áp ở Thiên An Môn chìm vào quên lãng. Họ muốn các cuộc phản kháng của dân Tây Tạng không lọt vào tai hay vào mắt bất cứ người nào ở Trung Quốc. Và muốn Đài Loan chỉ là một hòn đảo nhỏ thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Ở Việt Nam, cũng có những chữ bị cấm như vậy.

Chỉ xin nhắc lại vài chữ:

Trước hết, chữ “Trung Quốc”, trong rất nhiều trường hợp, cũng là một chữ bị cấm. Nói đến quan hệ tốt đẹp, môi hở răng lạnh giữa Việt Nam và Trung Quốc thì được. Nhưng tàu hải giám Trung Quốc đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam rồi đòi tiền chuộc thì lại không được dùng chữ “Trung Quốc”. Phải nói là… tàu lạ.

Chữ “biểu tình” cũng là một chữ cấm. Dân chúng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc thì phải được gọi là các cuộc “tụ tập tự phát”. Còn dân chúng biểu tình phản đối các chính sách cướp đoạt đất đai thì phải được gọi là “khiếu kiện”.

Nhưng buồn cười nhất là mới đây, ngay chính cái tên cúng cơm của đương kim Thủ tướng Việt Nam cũng bị xem là một chữ cấm. Vị Thủ tướng ấy, khi đứng trước diễn đàn, nói năng huyên thuyên về đạo đức, về sự trong sạch, về quyết tâm chống tham nhũng thì là Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng khi vị Thủ tướng ấy bị mang ra phê bình về tội tham nhũng, bao che tham nhũng và bất lực để cho tham nhũng hoành hành, phá nát nền kinh tế quốc gia thì lại phải là “một đồng chí” hoặc là “đồng chí X” (nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên tờ Người Việt ở California, đọc là “đồng chí Ếch’).

So sánh những từ bị cấm ở Trung Quốc và ở Việt Nam, chúng ta thấy gì?

Hầu hết những chữ bị cấm ở Trung Quốc đều liên quan đến tội ác của họ. Tây Tạng là một tội ác: tội cướp nước và tội diệt chủng. Thiên An Môn cũng là một tội ác: tội độc tài và tội trấn áp quần chúng. Cách mạng văn hóa cũng vậy. Cũng là một tội ác: tội đàn áp và tội sùng bái lãnh tụ một cách bệnh hoạn. Một phần, đó là những vết nhơ mà người ta không muốn nhắc đến. Phần khác, chúng có thể châm ngòi cho các cuộc phản đối và phản kháng kế tiếp, điều mà chính quyền không muốn.

Với Đài Loan, việc cấm kỵ cũng là điều dễ hiểu. Từ lâu, Trung Quốc luôn luôn khẳng định đó là một phần lãnh thổ của họ. Họ không bao giờ nhìn nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.

Những từ mà Trung Quốc xem là nhạy cảm có thể giải thích được.

Nhưng không ai có thể giải thích một cách thỏa đáng phần lớn các từ bị xem là cấm kỵ ở Việt Nam.

Tránh chữ “biểu tình”. Ừ, thôi thì cũng được.

Nhưng biến “tàu Trung Quốc” thành “tàu lạ” thì, như hầu hết các blogger trong và ngoài nước, đã bình luận, không có cách giải thích nào ngoài một chữ: Hèn.

Còn “đồng chí Nguyễn Tấn Dũng” biến thành “đồng chí X” hay “đồng chí Ếch” thì sao?

Chịu!