THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 October 2012

“Đền bù, hỗ trợ” cho dân sống trong vùng động đất

(TNO) Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo BQL dự án Thủy điện 3 “đền bù, hỗ trợ” cho dân chịu ảnh hưởng của đập thủy điện Sông Tranh 2.
Bán nhà về đồng bằng
Ngày 30.9, tại H.Bắc Trà My (Quảng Nam) đã diễn ra Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 cũng như về tình hình động đất đang tiếp diễn tại H.Bắc Trà My.
Nhiều người đã thẳng thắn bày tỏ lo ngại. Theo cử tri Huỳnh Tấn Sâm, không riêng gì người dân Bắc Trà My mà người dân sinh sống phía hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2, dọc sông Thu Bồn cũng hết sức bất an trước tình hình động đất.
Động đất tại thủy điện Sông Tranh 2: Nỗ lực an dân 2
Cử tri bày tỏ lo lắng trước những trận động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực gần đập thủy điện Sông Tranh 2
“Mặc dù các nhà khoa học đã có kết luận nhưng người dân vẫn không an tâm, nhiều hộ dân đã chuẩn bị bán nhà để về đồng bằng... Động đất như hiện nay có khả năng xảy ra như trận động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) vừa qua hay không?”, ông Sâm nói.
Cử tri Châu Thị Liên (69 tuổi), trú tại Đồng Trường, thị trấn Trà My cho biết, người dân ở đây không dám xây nhà vì sợ động đất.
Nỗi lo thường trực
Theo báo cáo của ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, động đất đã gây hư hại hơn 250 nhà dân, gần 10 công trình công cộng bị nứt nẻ.
“Đó là những thiệt hại hữu hình còn thiệt hại vô hình lớn hơn rất nhiều. Người dân đang lo lắng cao độ, các hoạt động học hành, sản xuất của dân bị ảnh hưởng. Nỗi lo luôn thường trực trong đầu từng người dân, từng em học sinh”, ông Phong nói.
Trong khi đó, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tiếp tục khẳng định sự an toàn của đập Sông Tranh 2.
Ông Hùng cho rằng: “Đập có thể chịu được động đất gia tốc nền 150 cm/s2, tương đương 5,5 độ Richter, thậm chí đập có thể chịu được động đất cấp 9”.
Động đất tại thủy điện Sông Tranh 2: Nỗ lực an dân 4
 Đoàn công tác đến thị sát đập Sông Tranh 2
Liên quan đến các vụ việc ở thủy điện Sông Tranh 2 gây hoang mang lo lắng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân, thay mặt cho lãnh đạo EVN, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN nhận một phần trách nhiệm trước sự xáo trộn, ảnh hưởng đời sống của người dân.
“Có người hỏi rằng, nếu xảy ra sự cố nào đó ảnh hưởng đến hàng vạn người dân thì sẽ như thế nào. Rõ ràng, nếu xảy ra sự cố như vậy, sẽ không có cá nhân, không một tổ chức nào đủ lớn để chịu trách nhiệm trước thiệt hại to lớn về người và của mà sự cố đó gây ra. Chính vì vậy, việc của chúng ta là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng của người dân vùng hạ du”, ông Vượng nói.
Theo ông Vượng, EVN cam kết phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Nam trong việc kiểm tra, thống kê thiệt hại hỗ trợ kịp thời cho bà con trước những khó khăn. 
Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bên liên quan cử nhiều cán bộ khoa học túc trực tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 trong mùa mưa lũ để theo dõi tình hình; có phương án phòng chống lũ lụt cụ thể, kể cả phương án diễn tập vỡ đập.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu, EVN chỉ đạo BQL dự án Thủy điện 3 đền bù, hỗ trợ cho dân, trước mắt là 250 hộ dân có nhà cửa bị nứt, 10 công trình công cộng…
Động đất tại thủy điện Sông Tranh 2: Nỗ lực an dân 1
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi người dân vùng động đất

Động đất tại thủy điện Sông Tranh 2: Nỗ lực an dân 7
Phó thủ tướng kiểm tra máy đo gia tốc trong thân đập Sông Tranh 2

Động đất tại thủy điện Sông Tranh 2: Nỗ lực an dân 8
Công nhân trong thân đập kiểm tra lưu lượng nước
Bài, ảnh: Hoàng Sơn