THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 October 2012

Đêm chống chọi với bão Sơn Tinh



Không ai nghĩ mình sẽ đối mặt với một đêm ác mộng như thế. Vì chủ quan là chính nhưng sao không có thông tin gì về đường đi của bão cho người dân chuẩn bị? Điện mất, tivi không theo dõi được trong khi đài phát thanh cũng im lìm.
Âu lo vì mất liên lạc người thân trong bão Sơn Tinh

Quê tôi là huyện Xuân Trường, Nam Định cách biển khoảng 20km. Cuối tuần này tôi về quê mừng đám cưới bạn hàng xóm. Đám diễn ra vào chiều thứ 7, sáng chủ nhật (28/10) cũng là lúc bão đến.
Trời mưa nhiều, ai cũng biết bão sẽ vào miền Trung nhưng đám cưới vẫn diễn ra bình thường. Mọi người vẫn tổ chức vui vẻ, cỗ rượu chúc đôi tân hôn.
Đến chiều khi mọi chuyện đã xong, ai về nhà nấy lo cơm bữa vì chiều cũng nhanh tối mà lại mất điện. Không ai biết cái gì sẽ đến trong mấy tiếng nữa.
17h, trời mưa to hơn, gió mạnh hơn. Mất điện, radio cũng không mấy người dùng nữa nên mọi thứ vẫn diễn ra bình thường.
Chiều chủ nhật không thấy tiếng chuông nhà thờ, chả biết vì mưa quá linh mục không làm lễ hay vì mưa gió lớn quá không nghe thấy tiếng chuông nữa. Bữa cơm của gia đình diễn ra trong ánh sáng của bóng đèn học lưu điện.
Đến hơn 18h30, mưa gió bắt đầu quật rất mạnh, cửa bắt đầu được đóng kín từ nhà trước.
19h, một số mái tôn kêu ầm ầm, mưa gió quật mạnh hơn nữa, muốn thổi bay hết đi. Mọi người sợ dần, nước mưa đã hắt vào nhà.
Tôi hết lo kê mấy sào thóc lên cao, di chuyển đến ba lần (vì ngoài chuyện mưa hắt không ai nghĩ rằng có thể bị ngập) lại quay sang bê đá tảng to lên mái nhà đè vào mấy tấm tôn kẻo bị thổi đi, rồi lại mò mẫm lên mái phải buộc dây thừng vào người kẻo bị quật bay đi.
21h, nỗi sợ lên đến đỉnh điểm khi tất cả cửa sổ, cửa ra vào dù chèn kỹ nhất có thể đều bị hắt nước đến ngập cả nhà (đến sáng thì thấy nhà nào cũng như thế).
Mưa gió gào hét đáng sợ hơn, tiếng sấm sét to, rất nhiều, nỗi sợ đó gắn liền với mái nhà. Sợ mất một mùa vất vả của cả nhà, sợ mái nhà bị thổi bay đi, nỗi sợ cho cả gia đình. Chỉ còn biết cầu nguyện!
Giành giật với bão căn nhà, đống thóc, chỗ nằm đến sáng rồi cũng ngủ đi được vài tiếng, tôi cũng chẳng biết bố mẹ có ngủ không.
Sáng sớm, mới 5h30 đã có tiếng một số người bên ngoài. Tôi chạy vội lên mái nhà, không khí thật thoáng, sảng khoái. Cảm giác đó tồn tại không quá 2 giây đến khi gỡ xong thanh chằng cửa thì mở ra trước mắt là một màu trắng chủ đạo bao trùm khắp bốn phía.
Trắng đồng, cây cối đổ hết chả còn màu xanh, mái nhà tôn hàng xóm lật, mái ngói bếp nhà bên cạnh lật thấy cả đồ bên trong, tường rào nhà nữa đổ, trên cây hòe trụi lá có cành vải của nhà bị lật mái tôn, xa xa chỗ nào cũng thấy tan tác.
Câu mà mọi người gặp nhau trong buổi sáng hôm nay là: "Nhà bác có bị gì không ạ?", "Nhà anh có sao không?"... Bố tôi chạy xe ra nhà ông, cụ, nhà người thân xem có thiệt hại gì không, chẳng ai ngủ được.
Có nhà bị tốc hết mái, 1h đêm phải sang nhà bên cạnh trú, đường ngõ ngập, nhà nào có ao cá thì cũng chả hi vọng gì mùa này. Mấy cụ ông già nói từ năm 1986 chưa gặp cơn bão nào to thế. Có nhà cả đêm hai vợ chồng tát nước từ trong nhà ra ngoài.
Hôm qua, không ai nghĩ mình sẽ đối mặt với một đêm ác mộng như thế. Vì chủ quan là chính nhưng tôi cũng không hiểu sao đài phát thanh không có thông tin gì cho người dân chuẩn bị, điện mất, cũng chẳng có tivi mà theo dõi trong khi đài phát thanh thì vẫn có thể phát khi mất điện mà?!!
Cũng may, nhà tôi có 3 người đàn ông trong nhà, may mắn hơn những nhà mà người cha, anh, chị lớn đều đi làm xa hết.
Nhà mất ít, nhà mất nhiều, nhưng mọi người vẫn hỏi thăm nhau trong nụ cười, như bản chất người dân Việt Nam mình vậy, dẫu có nghèo khó, dẫu trải qua nhiều khổ đau, dẫu đối mặt với thiên nhiên khắc nhiệt nhưng vẫn lạc quan và tin vào tương lai.
Phạm Văn Toản