THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 September 2012

Đường đầy rác, cánh đồng ngập hóa chất !



TPO - Tình trạng hóa chất xả thải tràn lan ra cánh đồng, rác chất thành đống hai bên đường thuộc xã Phong Khê (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã là hình ảnh quen thuộc của những người dân địa phương.
Một mảnh ruộng chưa toàn hóa chất
Một mảnh ruộng chưa toàn hóa chất. Ảnh: Minh Đức
Đồng ngập hóa chất

Theo ghi nhận của phóng viên, các thửa ruộng tại địa bàn xã Phong Khê đều có màu vàng, nâu và tím. Những nguồn nước có màu không bình thường này được thải ra từ cống của các doanh nghiệp sản xuất giấy tại xã Phong Khê mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào.
Có mảnh ruộng đổ màu vàng quạch, có chỗ tím ngắt, nơi thì màu cà phê hoặc đen ngòm, người dân không thể canh tác. Những mảnh ruộng có màu đặc biệt này chủ yếu để hoang cho cỏ dại mọc. Ngoài ra, rác thải vứt ngổn ngang trên các tuyến đường. Nhiều khu vực, rác thải còn tràn xuống các thửa ruộng.
Ở mảnh ruộng khác, chúng tôi thấy một số phụ nữ đang dùng hóa chất để tẩy rửa các túi ni lông, bao tải. Cạnh đó là những con trâu, bò đang gặm cỏ lẫn với rác thải.
Khó xử lý rác thải
Con đường đầy rác thải
Con đường đầy rác thải.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch UBND xã Phong Khê cho biết: Phong Khê là làng nghề tồn tại hàng trăm năm, qua nhiều thế hệ. Chính vì thế, việc giải quyết ô nhiễm môi trường không đơn giản. Khoảng 6 năm trở lại đây, chúng tôi đã lên phương án để khắc phục việc ô nhiêm môi trường, tuy nhiên cho tới nay, vẫn chưa có tác động tích cực nào để cải thiện môi trường.
Theo Chủ tịch UBND xã Phong Khê, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường (Bắc Ninh) về kiểm tra, tuy nhiên sau đó không gửi kết quả cụ thể.
Hiện trên địa bàn xã Phong Khê có hơn 200 hộ sản xuất, trong đó 20 hộ được đầu tư dây chuyền trên 100 tỷ đồng. 189 hộ được đầu tư dây chuyền sản xuất từ 3 đến 5 tỷ đồng. Các xưởng sản xuất thu hút toàn bộ 3.200 lao động trên địa bàn xã, thu hút khoảng 3.000 lao động từ các địa phương khác.
Thành phẩm của các cơ sở sản xuất là vỏ bao xi măng, bìa cát tông, giấy làm vàng mã, giấy vệ sinh, khăn, giấy ăn… Hàng năm các cơ sở sản xuất cung cấp ra thị trường khoảng 235.000 tấn giấy thành phẩm các loại.
Thế nhưng, việc khắc phục ô nhiễm môi trường hiện nay chủ yếu chỉ là tuyên truyền và vận động người dân. Trong khi đó, các xưởng sản xuất hoạt động với quy mô ngày một lớn. Nhiều hộ sản xuất nhập nguyên liệu với số lượng lớn, để ngổn ngang ra đường, gây không ít khó khăn cho những người xung quanh. Hiện, xã Phong Khê phải bỏ hoang 10 ha đất nông nghiệp vì nước thải chứa hóa chất chảy ra ruộng.
Việc người dân xả rác ra đường đi rất khó giải quyết. Họ chủ yếu đổ trộm vào ban đêm, chúng tôi không đủ người để đứng ở khắp ngả đường để canh chừng, trong khi xã chưa có hệ thống thu gom rác – ông Chuyên nói.
Ông Chuyên cho hay: Để xử lý những bất cập trên, trước mắt, chúng tôi lập hội thu gom rác tại các ngả đường, một tuần thu gom một lần. Tiếp đó, chúng tôi tổ chức công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường và phòng ngừa bệnh tật.
Cũng theo ông Chuyên, TP Bắc Ninh đã lập dự án xử lý nước thải, dự kiến đến năm 2013 sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động. Đến nay, đã hoàn thiện khâu giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 385 tỷ đồng, mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 100 tỷ đồng, trong đó 80% kinh phí của Trung ương, 20% còn lại là kinh phí của các cơ sở sản xuất tự đóng góp.
Minh Đức