THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 September 2012

Tiến tới Hội nghị TƯ 6: Gay cấn xung quanh một cái ghế



Cầu Nhật Tân - Ngày 15/5/2012, ngày bế mạc của Hội nghị Trung ương 5 khóa 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN ký ban hành Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa 11 (Kết luận số 21-KL/TW) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Ban Phòng chống tham nhũng được quy định trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải bàn giao ghế Trưởng Ban cho ông Trọng. Tuy nhiên, đã gần 4 tháng trôi qua, việc bàn giao này vẫn chưa xảy ra. Vậy đâu là vướng mắc?

Rối rắm cơ chế phân công phối hợp 

Ông Trọng gần đây thường nhắc lại nội dung của Văn kiện Đại hội 10 Đảng CSVN “ở Việt Nam quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ở các nước tư sản thực hiện cơ chế phân chia quyền lực, nên không có sự thống nhất này”. Song, ai cũng biết Việt Nam hiện tồn tại song hành hai hệ thống quyền lực Đảng và Chính phủ (đó là chưa nhắc đến các nhóm lợi ích có khi còn to hơn cả Đảng và Chính phủ). Đảng lãnh đạo, chính quyền thực hiện đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ. Cơ chế “phân công, phối hợp” rất mơ hồ này đã gây khó khăn cho công tác điều hành đất nước trong nhiều trường hợp. Thực tế vừa qua cho thấy, thể chế hóa Kết luận 21-KL/TW của Đảng Cộng sản đã vấp phải những khó khăn mang tính hệ thống. Chức danh Trưởng ban Phòng chống tham nhũng được quy định “cứng” trong Luật Phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu (Luật số: 55/2005/QH11). Quy định này lại có quan hệ với nhiều Luật khác như Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thanh tra … Đưa ra chỉ đạo chung là Đảng (nhiều khi Đảng vẫn chỉ đạo rất chi tiết). Để thể chế hóa, xây dựng nội dung sửa đổi luật do bên Chính phủ thực hiện. Đưa vào chương trình xây dựng để ban hành, thẩm tra luật lại là trách nhiệm của Quốc hội. Điều khó nhất là Đảng, Chính phủ, Quốc hội hiện mang những tiếng nói khác nhau và chạy theo lợi ích khác nhau, trong mỗi cơ quan lại có những nhóm lợi ích trị vì. Đặc biệt, Thủ tướng có lý do “nhạy cảm” để giữ khư khư cái ghế Trưởng Ban. Kết quả là đã gần 4 tháng trôi qua, ghế Trưởng ban được cả Ban Chấp hành Đảng Cộng sản quy định là của ông Trọng nhưng ông Dũng vẫn cứ ngồi lỳ trên đó.

Kết luận Hội nghị TƯ 5 khóa 11 – Kết luận 21 

Nội dung số 6 của Kết luận 21: “Ở Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. 

Đoạn cuối Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa 11 nhấn mạnh các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc và báo cáo tình hình thực hiện Kết luận này lên Bộ Chính trị. 

Sau khi ông Trọng thay mặt Ban chấp hành TƯ ký ban hành Kết luận 21, các cơ quan dân chính đảng cả nước nô nức bước vào học tập, quán triệt và triển khai Kết luận này. Tuy nhiên, nội dung của Kết luận chẳng có gì mới ngoài câu chuyện quanh chiếc ghế Trưởng Ban phòng chống tham nhũng, nút thắt chính trên sân khấu chính trị hiện nay.

Chống Kết luận của Hội nghị Trung ương 5? 

Nhằm thực hiện Kết luận 21, Chính phủ đã thực hiện dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Phòng Chống tham nhũng. Thanh tra CP (cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ) là đơn vị được giao chủ trì soạn thảo. Ban soạn thảo do ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra làm Trưởng ban đã thực hiện Kết luận rất nghiêm túc, đề xuất sửa đổi Luật theo đúng tinh thần Kết luận 21, trong đó có đưa ra quy định dự thảo về chức danh Trưởng Ban Phòng Chống tham nhũng do Tổng Bí thư nắm giữ. Tuy nhiên, khi xây dựng tờ trình dự án luật (sửa đổi) để Chính phủ lấy ý kiến bộ ngành liên quan thì ban soạn thảo nhận được chỉ đạo là chưa đề cập đến việc kiện toàn Ban Phòng chống tham nhũng. Tức là “phanh” vấn đề này lại. 

Tháng 8/2012, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Các thành viên Chính phủ đã được chỉ đạo phát biểu là “cần tiếp tục xin ý kiến và nghiên cứu thêm liên quan đến Chức danh Trưởng Ban Phòng chống tham nhũng”. Tức là chưa kiện toàn Ban này đồng nghĩa với việc Trưởng Ban vẫn sẽ là Thủ tướng. Việc không kiện toàn thực là cú chơi khăm Tổng Bí thư bởi Kết luận Hội nghị TƯ vừa rồi liên quan đến dấu ấn cá nhân ông. Nếu không kiện toàn, có nghĩa Kết luận 21, Tổng kết 5 năm thực hiện Phòng chống tham nhũng … và dấu ấn của ông Trọng là chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng bị mấy anh Chính phủ biến thành trò cười cho thiên hạ. Trong con mắt dân chúng, ông Trọng hiện rõ là người tranh ghế, tủn ngủn, vô tích sự … 

Quốc hội của đồng chí Sinh Hùng thì nhiệt liệt hưởng ứng ý kiến này của Chính phủ. Quốc hội vội vã bổ sung dự án Luật phòng chống tham nhũng (PCTN – sửa đổi) vào chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012), mặc dù bây giờ nội dung sửa đổi vẫn đang tranh cãi … Chắc chắn Quốc hội sẽ sử dụng nội dung trong Tờ trình của Chính phủ để làm căn cứ chính cho công tác thẩm tra, thảo luận. Ngày 18/9/2012 Ủy ban Thường vụ QH sẽ khai mạc phiên họp thảo luận, cho ý kiến về sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo quy chế làm việc, trước mỗi kỳ họp, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phải họp thẩm tra dự luật. Kết quả thẩm tra đã thực hiện cho thấy vấn đề duy nhất phải tranh luận gay cấn là có hay không quy định trong luật về Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương và tranh cãi này vẫn chưa được ngã ngũ nhưng đã có chỉ đạo là cài vào mấy phương án để ra vẻ Quốc hội đang khẩn trương thực hiện Kết luận 21. Tuy nhiên, việc biểu quyết lựa chọn phương án nào trên thực tế cũng rất khó khăn.

Phương án hay các quả nổ được cài một cách tinh vi 

Trong Tờ trình nội dung sửa đổi Luật PCTN, Chính phủ đề xuất ba phương án về Ban Chống tham nhũng: 

Phương án 1: thể chế hóa Kết luận 21, xác định rõ Ban thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu có Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực. Phương án này được 10/22 bộ tán thành. 

Khó khăn là Tổng Bí thư phải nắm được Quốc phòng, Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Kiểm toán nhà nước là những đơn vị có chức năng chuyên trách về chống tham nhũng. Muốn nắm những cơ quan này, hàng loạt các Luật phải phá ra làm lại như Tổ chức Chính phủ, Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án, Tổ chức Viện Kiểm sát, Luật sỹ quan, Luật Công an Nhân dân, Luật Kiểm toán … 

Phương án 2: ly khai Kết luận 21, chỉ quy định chung là Ban Phòng chống tham nhũng có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc… và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban. Phương án này được 4/22 bộ ủng hộ. 

Phương án 3: coi Ban Phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan của Đảng, hoạt động theo điều lệ, nghị quyết, chỉ thị nội Đảng, không cần quy định trong luật. Được 6/22 bộ ủng hộ, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là phương án thực hiện tinh thần Kết luận 21. 

Ở sân khấu chính trị hiện nay, cả 3 phương án đều có vấn đề đối với bên này hoặc bên kia. Riêng với phương án 1, nghe có vẻ quán triệt Kết luận 21, nhưng trên thực tế, việc thực hiện là rất khó và mất nhiều thời gian, đặcbiệt là sẽ đi ngược lại tính chất của một nhà nước pháp quyền.

Kết luận 21 không triển khai nổi trên thực tế? 

Qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra ý kiến không cần quy định việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế của Ban. Cần coi cơ cấu này như một tổ chức của Đảng, thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, thông qua các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng. Còn về mặt pháp luật, các thiết chế nhà nước như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, TAND, VKSND, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các cấp cơ quan nhà nước đều có trách nhiệm trong công tác chống tham nhũng. Trách nhiệm ấy được thực thi theo đúng chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp, pháp luật quy định cho mỗi cơ quan, tổ chức. 

Quốc hội còn đá quả bóng lại chân ông Trọng rằng “các vướng mắc nêu trên cho thấy Đảng cần tiếp tục thảo luận nhiều hơn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”. Đây thực chất là nói về thể chế hóa Điều 4 Hiến pháp, thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng. Cần có luật cụ thể hóa sự lãnh đạo này, định rõ quyền hạn trách nhiệm của Đảng, ngăn chặn tình trạng coi quyền lãnh đạo của Đảng là vô giới hạn, đi đến lạm quyền, lộng quyền”. 

Vậy đó. Đã 4 tháng qua đi, cả hệ thống chính trị vẫn loay hoay tranh cãi gay gắt làm thế nào để chuyển cái ghế từ ông này sang ông kia. Ngoài những lý do riêng, rất “nhạy cảm” của Thủ tướng mà ai ai cũng biết thì nút thắt chính vẫn là thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng để Đảng phải chịu điều chỉnh của pháp luật.