THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 July 2012

Chiến lược “không quá rắn” của Trung Quốc ở Biển Đông



(Dân trí) - Bằng việc áp dụng mô hình Scarborough và mở rộng hạm đội tàu thân trắng, Trung Quốc đã tìm được cho mình một cách thức đối phó với những tranh chấp tương tự một cách mạnh mẽ, nhưng vẫn là phi quân sự.


Philippines “tố” Trung Quốc điều nhiều tàu tới khu vực tranh chấp
Trong vụ đối đầu ở Scarborough/Hoàng Nham, Trung Quốc có lúc điều cả gần 100 tàu dân sự "vây" khu vực này.
 
Sau hơn 2 tháng đối đầu căng thẳng ở bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham, nhóm đảo xa xôi ở Biển Đông, Trung Quốc và Philippines vào tuần vừa qua cuối cùng cũng có vẻ như đưa “cuộc chiến” của họ tới một kết cục muộn.

Theo trang Inquirer.net, Bộ Ngoại giao Philippines đã xác nhận, tất cả các tàu của hai bên đã rời bãi đá ngầm vào ngày 23/6. Trước đó, mặc dù Trung Quốc có vẻ như từ chối một cơ hội vàng để chấm dứt xung đột, khi từ chối tiếp bước Manila, lấy cơn bão nhiệt đới trong khu vực làm cái cớ để đưa tàu quay trở về bờ. Trung Quốc vẫn có vẻ lưỡng lự xác nhận chính thức tàu nước này đã rời đi. Và quả vậy, đến ngày 28/6, Manila cho biết họ đang làm rõ thông tin một số tàu Trung Quốc đã trở lại. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh nên xét lại quyết định mới nhất này và nên rút tàu của mình về. Bởi nếu điều đó xảy ra, thì giờ đây Trung Quốc có thể nhìn lại với chút hài lòng rằng vụ việc đã được kiềm tỏa tốt.

Tuy nhiên, sau sự kiện Scarborough/Hoàng Nham, lãnh đạo Trung Quốc càng được thuyết phục hơn bao giờ hết rằng “sức mạnh không quá cứng rắn” là giải pháp thích hợp cho các tranh chấp trên biển tương tự. Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh đã rất ấn tượng với cách thức sự việc diễn tiến, bởi quyền lợi của Trung Quốc đã được bảo vệ mà không cần tới vũ lực. Và họ đang thành lập một chiến lược biển mới dựa trên “hình mẫu Scarborough”. Một quan chức cấp cao của Trung Quốc được biết thậm chí còn được giao nhiệm vụ giám sát an ninh biển sau cuộc bầu lại lãnh đạo sắp tới.

Bắc Kinh đã dùng quyền lực không quá cứng rắn khi giải quyết những tranh cãi trên trường quốc tế. Bởi nếu triển khai các lực lượng ưu việt của Hải quân giải phóng nhân dân (PLAN) Bắc Kinh sẽ chỉ càng bị cộng đồng quốc tế lên án là ngang nhiên làm hỏng bầu không khí ở Đông Á. Trong khi đó, nếu dùng phản ứng ngoại giao thuần túy chắc chắn sẽ bị công chúng trong nước chỉ trích, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người đòi hỏi không gì khác ngoài hành động cứng rắn mỗi khi cái gọi là “niềm tự hào” của họ bị đụng chạm.

Và Bắc Kinh đã lựa chọn ở giữa, bằng quyền lực không quá cứng rắn, mà cụ thể hóa là ở dạng các cơ quan thi hành luật biển dân sự hoặc bán quân sự.

Tăng cường tàu hải giám, ngư chính

Các phương tiện truyền thông có xu hướng bỏ qua hoạt động củng cố mạnh mẽ của những cơ quan thi hành luật biển dân sự và bán quân sự này. Rốt cục tàu sân bay mới của PLAN và tàu ngầm hạt nhân là những thứ “hấp dẫn”, nóng hơn rất nhiều so với những chiếc tàu tuần tra khiêm tốn. Song sự phát triển của các cơ quan hàng hải, như Cục hải giám Trung Quốc (CMS), Trung tâm chỉ huy ngư chính (FLEC),  Cơ quan an toàn hàng hải (MSA), 3 tổ chức đã phái tàu tới Scarborough, hiếu chiến hơn hải quân Trung Quốc rất nhiều. Theo Lyle Goldstein, phó giáo sư tại Cao đẳng chiến tranh hải quân Mỹ thuộc Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, người đã nghiên cứu về hạm đội “thân trắng” (tàu hải giám màu trắng) của Trung Quốc, tốc độ mở rộng những cơ quan như cơ quan bảo vệ bờ biển của Trung Quốc “cực kỳ nhanh chóng”, trong khi hoạt động củng cố hải quân quốc gia chỉ “vừa phải” nếu đem hai cơ quan này ra so sánh với nhau.

Những cơ quan dân sự trên có hàng trăm tàu, hầu hết là tàu nhỏ và không được trang bị vũ khí. Song có một điều mới trong suốt một thập niên qua là sự phát triển đội tàu nòng cốt: lớn hơn, hiện đại hơn, có khả năng ở trên biển lâu hơn. Ngoài ra những tàu này cũng có khả năng đi xa hơn và mang được cả trực thăng. Cũng có thông tin cho biết Trung Quốc dự kiến trang bị hạng nhẹ cho những tàu này.

Theo truyền thống, CMS và FLEC, hai cơ quan được xem là có sứ mệnh giải quyết các tranh chấp trên biển, đã sử dụng các tàu không được trang bị vũ khí. Nhưng chiếc tàu mới của FLEC đối đầu với hải quân Philippinestrong căng hẳng mới đây được trang bị hạng nhẹ, với súng máy đặt trên boong. Cũng có thông tin chưa được kiểm chứng cho biết CMS có thể đã bắt đầu trang bị hạng nhẹ cho một số tàu lớn của mình.

Mạnh mẽ mà không cần vũ lực

Không một tàu nào trong số này gây báo động lớn cho các nước láng giềng của Trung Quốc. Qua cách “hành xử này”, Trung Quốc muốn tỏ ý, họ đã giữ cho sức mạnh của PLAN ngoài cuộc, họ chỉ giải quyết tranh chấp bằng các tàu dân sự, và các tàu này có chăng cũng chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Đây chính là phần quan trọng của cách tiếp cận “phản ứng quyết đoán” mới trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không chọn đánh nhau, nhưng nếu ai đó chọn “đánh đấm” với Trung Quốc, nước này sẽ có phản ứng bằng vũ lực. Nó cũng được gọi là “không đối đầu quyết liệt”, cách có thể thấy rõ trong vụ Scarborough, trong đó Trung Quốc phản ứng quả quyết, nhưng vẫn tỏ ra rất kiềm chế.

Giới phân tích nhận định, chính sách này được giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tán thành. Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc Dự án Đông Bắc Á tại Nhóm khủng hoảng quốc tế cho rằng quyết định chỉ dùng tàu CMS và FLEC, chứ không dùng tàu quân sự tại Scarborough/Hoàng Nham chắc chắn phải được đưa ra từ cấp cao nhất.

“Chắc chắn các cơ quan này không hoạt động tự do bởi vấn đề đã trở thành vấn đề quốc tế lớn. Chính phủ chắc chắn đã phê chuẩn”, bà cho biết. Biểu hiện kiềm chế được thấy qua việc Bắc Kinh không bạo tay dùng vụ tranh chấp với Philippines để làm sao nhãng sự chú ý đối với vụ bê bối Bạc Hy Lai. Phải thừa nhận là báo chí và một số quan chức chính phủ đã chỉ tríchManila kịch liệt song phản ứng của Trung Quốc vẫn có thể đo đếm được.

Một số người Trung Quốc theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa vẫn không ấn tượng với cách áp dụng chính sách quyền lực không quá cứng rắn của nước này. Họ cảm thấy quyết định cử tàu ngư chính và tàu hải giám không được trang bị vũ khí thay vì hạm đội tàu hải quân hùng mạnh là sự yếu thế và động thái cũng bị những người dân hiếu chiến chỉ trích kịch liệt.

Song cuối cùng, Bắc Kinh đã làm đủ những gì cần làm ở Scarborough/Hoàng Nham. Họ đã bảo vệ được lòng tự tôn của Trung Quốc, mà không phải bằng cách nhượng bộ lãnh thổ hay bằng cách ngăn chặn việc bắt giữ ngư dân của mình.

Bằng việc áp dụng mô hình Scarborough và mở rộng hạm đội tàu thân trắng, Trung Quốc đã tìm được cho mình một cách thức đối phó với những tranh chấp tương tự một cách mạnh mẽ, nhưng vẫn là phi quân sự. Điều đó làm giảm khả năng xung đột. Nhưng cùng một lúc, Trung Quốc cũng tỏ rõ quyền lực cứng rắn của PLAN vẫn là một lựa chọn chính sách khả thi.

Vũ Quý