THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

12 May 2012

'Khu ổ chuột' giữa lòng Hà Nội



Mấy chục năm nay, bãi đất hoang ở Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) là nơi sinh sống của vài trăm con người làm nghề ve chai. Hằng ngày, họ đi khắp phố phường nhặt nhạnh mọi thứ bán được rồi tập kết về đây khiến nơi này thành bãi rác khổng lồ trong lòng thủ đô.

Bãi rác rộng hơn 1.000m2, nằm gần hồ Hoàng Cầu. Nó lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng, có rào chắn xung quanh, có bảo vệ nên người ngoài không biết đến sự tồn tại của "khu ổ chuột" này.
Những dãy nhà ở đây đều dựng tạm bợ từ những tấm gỗ, cốt pha. Dưới sàn nhà là nơi tập kết đồng nát, bên trên là nhà ở. Ở đây có 5 dãy nhà nối tiếp nhau, trong mỗi nhà có khoảng mấy chục căn phòng nhỏ. Trên căn gác xép này có gần chục phòng với khoảng 20 cư dân. Sinh hoạt của họ tối giản hết mức có thể, vắng mặt hoàn toàn đài đóm, tivi.
Trong căn phòng rộng chừng 5m2 chỉ có vài cái nồi và một chiếc quạt cũ kĩ. "Mùa hè ở đây rất ngột ngạt, nắng nóng. May nhờ có chiếc quạt người ta bỏ đi này mà hai bà cháu tôi sống qua được mùa hè", người phụ nữ này cho biết.
Ở xóm đồng nát bên cạnh, anh Thái (39 tuổi) làm nghề bán đồ điện cũ. Căn phòng của anh chỉ vừa đủ rải chiếu, còn bếp gas mini đặt... ngoài cửa. Dù vậy, anh tiết lộ vẫn phải hạn chế nấu gas tối đa, chỉ dùng củi để tiết kiệm.
Xóm ổ chuột có khoảng 300 cư dân, đến từ Nam Định, Thanh Hóa, chủ yếu sống bằng nghề ve chai và buôn giẻ rách. Quanh năm họ làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng, bẩn thỉu. Chỉ Tết họ mới quê vài ngày.
Người đàn ông này để vợ con lại vùng quê Thanh Hóa ra đây làm thuê cho một chủ vựa ve chai. Công việc chính của anh là giũ túi nilon cho hết rác rồi đóng vào bì, mỗi kg bán được 5.000 đồng.
Đa phần dân ở đây là phụ nữ. Họ chấp nhận làm thế chân đổ rác cho công nhân môi trường Hà Nội để được lượm túi nilon, chai lọ từ các xe rác. "Có công nhân thương, tháng nào cũng cho tiền. Một số người thì chỉ cho đổ rác thay họ, chúng tôi cũng thấy may rồi", bà Tám (52 tuổi, Nam Định), một trong những cư dân lâu đời nhất khu, chia sẻ.
"Tôi sống ở đây đã hơn 20 năm nên quá quen thuộc với cảnh sống nhớp nháp này. Nhiều năm nay, tôi không bao giờ được về quê trước giao thừa vì vẫn còn xe đổ rác, vẫn phải đi nhặt", bà Tám nói.
Cuộc sống quanh năm gắn bó với rác khiến hầu hết những người này chỉ biết chúi đầu vào làm ăn, vì "người ngợm lúc nào cũng bẩn thỉu nên không ai muốn tiếp xúc với bên ngoài".
10h đêm, cuộc sống ở đây vẫn nhộn nhịp. Một số người chở những xe hàng nặng, cồng kềnh về. Số đông chị em khác thì lọ mọ đạp đi khắp các ngõ ngách Hà Nội nhặt rác, sang ngày hôm sau mới trở về. Không ngạc nhiên, khi bữa sáng của họ thường bắt đầu lúc 9h, và bữa tối vào lúc 1-2h đêm.
Nhiều người đưa cả con nhỏ đến đây sinh sống, bất chấp nguy cơ dịch bệnh từ đống rác khổng lồ. "Thành phố thường xuyên đến đây phun thuốc tiệt trùng. Chúng tôi cũng mua thuốc diệt muỗi liên tục nên không sợ bệnh tật gì", chị Hòa làm nghề bán giẻ lau cho biết.

Phan Dương