THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 April 2012

Thực trạng rừng ngập mặn tại Việt Nam



2012-04-18
Một trong những biện pháp được cơ quan chức năng đưa ra nhằm giúp giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng tác động đến nhiều vùng biển của Việt Nam là trồng rừng ngập mặn.
Photo courtesy of vacne
Rừng ngập mặn ở Hải Phòng, ảnh chụp trước đây.


Ngoài ra hệ sinh thái rừng ven biển này còn giúp ngăn bớt gió bão, sóng lớn … đối với vùng cát ven bờ. Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, mời quí vị cùng trở lại với đề tài bảo tồn và khôi phục rừng ngập mặn tại Việt Nam hiện nay.

Mất 80% diện tích rừng ngập mặn

Có đến 80 phần trăm rừng ngập mặn của Việt Nam đã bị biến mất trong nửa thế kỷ qua. Đây là thông tin chính thức được công bố tại hội thảo diễn ra  hồi ngày 27 tháng 3 vừa qua tại thành phố Đà Nẵng. 
Từ khoảng năm 43 - 45, chúng ta có diện tích khoảng 430 ngàn héc ta, bây giờ chỉ còn khoảng hơn 160 ngàn héc ta thôi, như thế mất 80% là đúng.
TS Mai Sỹ Tuấn
Hội thảo tập huấn báo chí về đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ tổ chức do Trung tâm Đào tạo Truyền thông môi trường thuộc Tổng Cục Môi trường cùng phối hợp với các đơn vị quốc tế khác như Tổ chức Nghiên Cứu Lâm nghiệp Quốc tế, Tổ chức Minh bạch Quốc tế…
Thực tế mất đến 80% rừng ngập mặn trong chừng nửa thế kỷ qua của Việt Nam được các chuyên gia cho nguyên nhân chủ yếu vì tình hình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa, và cụ thể là phong trào nuôi tôm.
PGS TS Mai Sỹ Tuấn, trưởng khoa Sinh học, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rừng ngập mặn, thuộc Đại học Sư Phạm Hà Nội, nêu lại nguyên nhân tình trạng giảm thiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn trong những năm qua tại Việt Nam như sau:
“Từ khoảng năm 43 - 45, chúng ta có diện tích khoảng 430 ngàn héc ta, bây giờ chỉ còn khoảng hơn 160 ngàn héc ta thôi, như thế mất 80% là đúng. Trong giai đoạn chiến tranh mất một phần lớn, nhưng sau chiến tranh khả năng phục hồi của rừng ngập mặn khá tốt. Hiện nay nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng ngập mặn tại Việt Nam là do mâu thuẫn giữa khai thác phát triển kinh tế với bảo tồn. Điểm lớn nhất hiện nay là chuyển rừng ngập mặn sang nuôi trồng hải sản, nhất là nuôi tôm, ngao (clam) và một số khác…Trước đây nữa ở phía Bắc, chuyển rừng ngập mặn sang làm nông nghiệp…”
Tuy nhiên trong những năm qua chính quyền Việt Nam cũng đã có chủ trương bảo tồn và phục hồi những hệ sinh thái rừng ngập mặn tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó một số tổ chức phi chính phủ cũng hổ trợ cho Việt Nam trong công tác này. Hoạt động này được ông Mai Sỹ Tuấn trình bày như sau:
rung_ngap_man_11-250.jpg
Rừng ngập mặn ở Phú Yên, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of vacne. org.vn
“Lâu nay Nhà nước cũng nhận thấy, và đến gần đây nhận thấy tầm quan trọng của rừng ngập mặn không những đối với môi trường mà với vấn đề bảo vệ con người, phát triển kinh tế - xã hội nên Nhà Nước có đầu tư các dự án trồng rừng ngập mặn. Thế rồi những hội và các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài, ví dụ Hội Chữ Thập Đỏ Đan Mạch, Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản, các tổ chức của Đức, Quỹ Nhi Đồng Anh, Hội Nhà thờ Thế giới, Quaker Anh, Quaker Mỹ… Nhưng nói chung diện tích chuyển đổi chưa được mấy.”
Một trong những khu vực được cho là cần thiết phải có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển đó là dãi đất hẹp miền Trung của Việt Nam. Đây là khu vực được xem nằm trong ưu tiên trong công tác này. Một chuyên gia đang thực hiện dự án trồng rừng miền Trung, ông Phan Hồng Anh, phó trưởng ban nghiên cứu rừng ngập mặn của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết về tình hình trồng rừng ngập mặn ở khu vực miền Trung:
“Thực ra cơ bản đất trồng rừng ở miền Trung bây giờ không còn nhiều. Những vùng trồng được thì trồng hết rồi, còn những vùng còn lại là vùng ‘khó khăn’. Nếu trồng thì phải trồng theo phương pháp cải cách so với trước đây, phí đầu tư lớn. Những vùng bị hủy hoại bởi thiên nhiên, thiên tai, xói lở trồng rừng rất khó. 
Hiện nay nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng ngập mặn tại Việt Nam là do mâu thuẫn giữa khai thác phát triển kinh tế với bảo tồn.
TS Mai Sỹ Tuấn
Trước đây kinh phí trồng cho một héc ta kinh phí khoảng từ 7-10 triệu; nay cả trăm triệu và hơn nữa, có những dự án phải mất 200 triệu một héc ta mới đạt được hiệu quả. 
Miền Trung khác so với những nơi khác do đồi núi lớn, độ dốc cao, lượng mưa xuống xói mòn nên các bãi bồi ven biển không nhiều. Diện tích rừng ngập mặn ở miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Ninh Thuận, Bình Thuận nhỏ. Có một số tỉnh chuyển sang nuôi tôm hết, và diện tích rải rác.
Hiện chúng tôi đang tổ chức phục  hồi lại những vùng đó, mà hiện nay mới khởi điểm ở Thanh Hóa. Dự án 200 héc ta ở Hậu Lộc, năm rồi mới trồng được 26 héc ta. Bình Định cũng đang được giúp với vườn ươm cây để sau này đưa ra trồng ở các tỉnh quanh trung trung bộ.
Hiện nay chỉ đạo của cấp bộ cũng mới trong quá trình qui hoạch, đề xuất chứ để thực hiện dự án thì chưa có gì… Chủ yếu do NGOs, các tổ chức quốc tế tài trợ.”

Nước đến chân, nhảy không kịp?

Những nỗ lực trong hoạt động bảo tồn những khu rừng ngập mặn còn lại chỉ chừng 20 % so với 50 năm trước đây, rồi công tác trồng mới để khôi phục hệ sinh thái quan trọng này ra sao?
Tiến sỹ Mai Sỹ Tuấn đánh giá:
rung-ngap-250.jpg
Rừng ngập mặn ở Bình Thuận. Photo courtesy of VFEJ.
“Các nhà khoa học như chúng tôi thấy hiệu quả chưa cao vì đất chuyển đổi sang nuôi trồng hải sản trước đây bị thoái hóa, biến đổi về môi trường; rồi lấn ra biển sớm quá làm phá vỡ qui luật tự nhiên. Cây trồng trên môi trường không thuận lợi thì hiệu quả  không cao lắm. Phá rừng dễ, mà trồng lại không phải đạt hiệu quả cao. Chúng tôi hy vọng nếu chính phủ thực sự làm, và thực hiện khuyến cáo của các tổ chức phi chính phủ : đồng ý chuyển trồng rừng phải giảm diện tích nuôi trồng hải sản, để trồng lên những vùng nuôi trồng hải sản không hiệu quả chứ không đưa xa ra biển…”
Vậy những biện pháp cần thiết để có thể giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, khôi phục rừng ngập mặn ra sao?
Tiến sỹ Mai Sỹ Tuấn đưa ra những công tác cần làm với một số ưu tiên hiện nay:
“Mục đích của chúng ta là phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ở mọi nơi có thể được; nhưng nơi nào cần nhất thì phục hồi trước nhất. Chúng tôi mong muốn phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở miền Trung Việt Nam: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… là những tỉnh luôn phải hứng chịu các điều kiện của gió bão. Trồng rừng ngập mặn ở những nơi đó khó nhưng nếu có kinh phí để trồng sẽ giúp đời sống người dân đỡ khó khăn hơn.
Ngoài ra, tập trung phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn đang bị xói lở để bảo vệ lãnh thổ bờ biển ở các tỉnh như Sóc Trăng, Kiên Giang … cũng là ưu tiên lớn.
Ưu tiên bao trùm là không để diện tích quí giá hiện nay giảm xuống.
Mục đích của chúng ta là phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ở mọi nơi có thể được; nhưng nơi nào cần nhất thì phục hồi trước nhất.
TS Mai Sỹ Tuấn
Nói thì đơn giản, nhưng mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế vẫn cón; cho nên phải cần làm tốt công tác qui hoạch, tuyên truyền cho các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương để bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.”
Hồi đầu tháng ba vừa qua, Bộ Tài Nguyên - Môi trường Việt Nam cho công bố chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nước biển dâng với bốn kịch bản. Với kịch bản nếu nước biển dâng 1 mét thí sẽ có đến 39% diện tích khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng Sông Hồng, Quảng Ninh và trên 2,5%  diện tích các tỉnh ven biển miền Trung, và trên 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ ngập.
Nếu mọi việc không được chuẩn bị ngay từ lúc này với những biện pháp tích cực mà trong đó là ngưng chạy theo lợi nhuận trước mắt, dành đất để trồng rừng ngập mặn ven biển như khuyến cáo của nhiều chuyên gia, thì đến khi ‘nước đến chân’, không còn nhảy kịp.
Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.