THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 April 2012

Giãn nợ cho doanh nghiệp

Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) về việc phân loại nợ, nhiều ý kiến lo ngại sẽ gia tăng tình trạng nợ xấu.
Một mũi tên trúng 3 đích
Theo quy định của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng (TCTD) được phân loại nợ thành 5 nhóm gồm: nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn), nhóm 2 (nợ cần chú ý), nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Tương ứng với mỗi nhóm nợ này, các NH sẽ phải trích lập dự phòng tỷ lệ rủi ro theo cấp độ tăng dần từ 0%, 5%, 20%, 50% và 100%. Tổng giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) - ông Trương Văn Phước cho rằng, từ năm 2008, NHNN cũng cho phép TCTD được cơ cấu nợ nhưng phải tăng nhóm nợ và kéo dài thời gian trong vòng 6 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc NH càng cơ cấu thì nợ càng tăng lên theo chiều hướng xấu: nợ nhóm 1 lên nhóm 2, nhóm 2 lên nhóm 3… kéo theo tỷ lệ trích lập dự phòng tăng và chi phí cũng đội lên. “Các NH không mặn mà với kỹ thuật cơ cấu nợ này, vì làm thế không khác gì chữa bệnh cho hàng xóm, lại mang bệnh về nhà mình”, ông Phước nói.
 
Ngân hàng chỉ giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp có khả năng trả nợ - Ảnh: Ngọc Thắng
Tuy nhiên lần này mọi việc đã khác, trong bối cảnh hàng chục nghìn doanh nghiệp (DN) rơi vào khó khăn, NHNN đã chấp thuận cho cơ cấu kèm điều kiện không gia tăng nhóm nợ như một giải pháp.
Chủ trương này theo ông Phước sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN, DN không chịu áp lực về lãi suất phạt quá hạn. TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch HĐQT NH TMCP Bưu điện Liên Việt (Lienvietpotsbank) - bổ sung, chính sách này như một mũi tên trúng “3 đích”. Thứ nhất là giúp các DN có tiềm lực, hoạt động hiệu quả nhưng tạm thời gặp khó khăn được kéo dài thời gian, gia hạn trả nợ, phục hồi được sản xuất. Thứ hai, NH cũng được cứu khi việc gia hạn nợ không làm tăng nhóm nợ, không chịu tỷ lệ dự phòng cao, có điều kiện để giảm chi phí cho vay. Thứ ba, khi DN sống, NH sống thì cả nền kinh tế được nhờ, vì giải quyết được công ăn việc làm, cũng như các vấn đề khác của xã hội. “Đáng lẽ ngày mai DN phải chuyển sang nợ xấu, không được cho vay tiếp thì hôm nay NH sẽ gia hạn để DN không bị chuyển. Như vậy DN vẫn được vay vẫn có cơ hội để phục hồi sản xuất - kinh doanh”, ông Hưởng nói.
Chỉ xử lý “nợ đẹp”
Mặc dù vậy, ông Trương Văn Phước cũng nhìn nhận vấn đề một cách thận trọng. Bởi cơ cấu lại nợ để không cho tăng nhóm nợ, chứ không phải để giảm nhóm nợ, tức không để nợ nhóm 4 cơ cấu lại xuống nhóm 3, nhóm 2, mà phải tập trung vào các DN đang nằm trong nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) không trả được lãi và gốc. Nói cụ thể hơn về đối tượng được cơ cấu là các DN phải có khả năng trả lãi trước mắt, phải tiêu thụ được hàng hóa, xử lý được hàng tồn kho, tạo ra sự luân chuyển dòng tiền. Cụ thể, Eximbank tập trung cơ cấu, thứ nhất nợ ngắn hạn cho vay vốn lưu động, thứ hai nợ trung - dài hạn đối với tài sản cố định và bất động sản. Theo đó, nếu DN vay trong 12 tháng không trả được gốc và lãi, NH sẽ cho kéo dài ra 24 hoặc 36 tháng, kỳ hạn nợ cũng được rải đều ra, mỗi kỳ hạn chỉ trả nợ gốc ít mang tính tượng trưng. Đối với nợ trung - dài hạn, nếu trước vay 3 năm, mỗi tháng cả lãi và gốc vài trăm triệu đồng không trả được, NH có thể cơ cấu nợ kéo dài ra trong 10 năm. Trong 2, 3 năm đầu chỉ yêu cầu DN trả một lượng gốc rất nhỏ, chỉ trả lãi. “Như thế, DN dần trả được, NH thu được lãi và không nhất thiết thu gốc để giảm dư nợ làm gì, trong khi đang muốn cho vay mà không được”, ông Phước nói.
Ông Phước lưu ý, nếu lạm dụng chính sách này, tức DN chết hết rồi mà vẫn cơ cấu lại nợ thì sẽ chẳng khác gì thay màu da trên xác chết. “Đương nhiên, NH phải rất cảnh giác, không được lạm dụng, chỉ có DN nào khó khăn về doanh thu, lượng tiền bán hàng, tồn kho… tạm thời chưa bán mới cơ cấu lại giúp cho DN có thêm thời gian để tiêu thụ hàng hóa. Đối với DN cực kỳ khó khăn, nguy hiểm không nên cơ cấu lại”, ông nói thêm.
Hiện tại, các NH đã bắt tay lên chương trình, kế hoạch cơ cấu nợ. Phó tổng giám đốc  BIDV Phạm Quang Tùng cho biết, thực tế vừa qua BIDV đã cơ cấu nợ cho nhiều dự án, tuy nhiên sắp tới NH này sẽ tiến hành đánh giá lại từng DN, từng dự án để có thể gia hạn và giãn nợ cho phù hợp với dòng tiền của DN. Với những dự án đang làm dở dang, có thanh khoản đầu ra tốt, có tiềm năng phát triển, BIDV sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ vốn để cho dự án hoàn thành có thể đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, tạo ra dòng tiền, kể cả lĩnh vực bất động sản.
Anh Vũ