THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 April 2012

Đập Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn thấm nước mạnh



18/04/2012 16:30:45
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đánh giá lượng nước thấm qua thân đập Sông Tranh 2 vẫn khá lớn, gây bất an cho chính quyền và hàng vạn hộ dân ở vùng hạ lưu. 
TIN LIÊN QUAN

Địa phương vẫn chưa được EVN và chủ đầu tư dự án thông báo phương pháp xử lý triệt để nhằm đảm bảo an toàn thân đập.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra thực địa của Bộ Công thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu ngày 1/4, BQL dự án Thủy điện 3 - chủ đầu tư dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 cam kết sẽ phát điện hết công suất để đưa mực nước trong hồ từ cao trình 160m về mực nước chết (140m) trong vòng 10-15 ngày để xử lý sự cố.

Tuy nhiên, đến chiều 16/4, ông Trần Văn Hải - Trưởng BQL dự án Thủy điện 3 xác nhận mực nước lòng hồ đang ở cao trình 155m, cao hơn 15m so với mực nước chết.

Dư luận cho rằng, EVN và BQL dự án Thủy điện 3 vẫn đặt lợi ích kinh tế cục bộ lên hàng đầu, xem nhẹ cảnh báo của các nhà khoa học và nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân…

Nước vẫn chảy như thác

Những ngày qua, Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 - đơn vị thi công thủy điện Sông Tranh 2 - đã huy động nhiều lao động để xử lý vấn đề thẩm thấu ở thân đập ngăn nước.

Ngày 16/4, có mặt tại hiện trường, phóng viên chứng kiến 2 chiếc cần cẩu được sử dụng đưa công nhân tiếp cận, trám các vết rạn nứt phía thượng lưu.

Ở phía cửa xả, một nhóm công nhân đeo mình vào dây bảo hộ, bơm bê tông hoặc hóa chất vào các khe nứt. Trên mặt đập, một số máy thông gió cũng đang hoạt động để cung cấp dưỡng khí cho các công nhân thi công trong đường hầm.

Tại thời điểm này, mực nước lòng hồ Thủy điện Sông Tranh thấp hơn đáy các cửa xả chừng 5m và cách mực nước chết 15m. Dù vậy, lượng nước thấm qua thân đập còn khá lớn.

d
Lượng nước thấm tuôn như thác ở cuối đường ống gom nước

Điều này cho thấy đập bị thẩm thấu ở nhiều vị trí. Bằng mắt thường cũng có thể thấy một số vết rạn kéo dài dọc theo chiều cao thân đập ở phía thượng lưu.

Hầu hết các vết rạn nứt đã được trám bằng xi măng, trong đó có một một vết nứt dài khoảng 15m chạy dài từ đỉnh đập xuống gần sát mặt nước ở vị trí có đánh số 25 bằng sơn đỏ. Bên cạnh đó còn nhiều vết nứt ngắn chưa được trám hết.

Sau khi mực nước trong lòng hồ hạ thấp và các vết nứt được bơm trám bằng hoá chất và bê tông, lượng nước thẩm thấu phần lớn được thu vào các ống nhựa gom nước.

Ngoài mặt đập ở phía hạ lưu, nước chỉ rỉ rả ở vài vị trí chứ không phun thành vòi như trước. Tuy nhiên, ở phần cuối các ống gom, lượng nước chảy ra vẫn khá lớn.

Một phần nước gom được đơn vị thi công đã "khéo léo" cho chảy xuống cống xả, một phần được dẫn ra xa cách chân đập chừng 100m, nước tuôn trắng xoá không khác gì một con thác nhỏ.

Sau thông tin lượng nước rò rỉ qua thân đập được xác nhận là 75 lít/s, cao gấp 5 lần cho phép và gấp 2,5 lần so với công bố trước đây, người dân địa phương rất lo lắng và bức xúc.

Người dân mong muốn chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2 và EVN tỏ rõ quyết tâm và thiện chí khắc phục, không được che giấu và cố tình giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự cố.

Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My đánh giá lượng nước thấm qua thân đập Sông Tranh 2 vẫn khá lớn, gây bất an cho chính quyền và hàng vạn hộ dân ở vùng hạ lưu.

Đến nay, địa phương vẫn chưa được EVN và chủ đầu tư dự án thông báo phương pháp xử lý triệt để nhằm đảm bảo an toàn thân đập.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Hải chỉ cho biết chủ đầu tư dự án đã đề xuất phương án xử lý và đang chờ EVN phê duyệt…

Công nhân ném đá, gạ tiền phóng viên

Để ghi nhận công tác xử lý sự cố nước thấm qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2 và kết quả khắc phục bước đầu, chiều 16/4, PV và một số đồng nghiệp nhiều lần cố gắng liên lạc nhưng những người có trách nhiệm ở BQL dự án Thủy điện 3 và đơn vị thi công đều né tránh.

Các ngả đường dẫn đến khu vực đập ngăn nước đều chắn barie, có "biển cấm" và nhân viên bảo vệ canh gác, ngăn cản các nhà báo tác nghiệp.

Giúp các nhà báo tìm hiểu thực trạng thân đập, anh Nguyễn Văn Toàn (34 tuổi), một người dân thị trấn Bắc Trà My đang bủa lưới trong hồ đã dùng chiếc thuyền câu của mình đưa phóng viên Báo CAND cùng đồng nghiệp ở Báo Tuổi Trẻ và Đài Phát thanh Bắc Trà My tiếp cận bờ đập phía thượng lưu để ghi hình.

Khi con thuyền cách chân đập chừng 30m, một nhóm khoảng 3-4 thanh niên đứng trên mặt đập vừa chửi thề, vừa ném đá tới tấp xuống các phóng viên.

Chỉ cần một người mất bình tĩnh hoặc xoay trở mạnh, chiếc thuyền mong manh rất dễ dàng lật úp. Để tránh nguy hiểm, anh Toàn đành phải mau chóng đưa thuyền trở lại bờ.

Khi các phóng viên đến barie phía Nam thân đập, một thanh nên tiến tới, nhắc bảo vệ yêu cầu các phóng viên đi nơi khác. Người thanh niên này thừa nhận ném đá phóng viên với lý do: "Tại mấy anh đi vào khu vực cấm".

Khi các phóng viên tìm cách len lỏi, tiếp cận mặt khu vực hạ lưu thân đập, một nhân viên bảo vệ đeo băng đỏ cũng lớn tiếng yêu cầu phóng viên không được quay phim, chụp ảnh, sau đó gọi điện thoại báo cáo với "sếp" và đề nghị cho người tới ngăn cản.

Ít phút sau, một nhóm lao động trẻ tuổi, áo quần ướt sũng từ trong thân đập bước ra, hùa theo nhân viên bảo vệ, sau đó thách đố: "Có ngon cứ vào trong hầm mà chụp".

Sau một hồi các phóng viên giả lả bắt chuyện, cả bảo vệ và nhóm công nhân này bất ngờ đưa ra đề nghị: Nếu muốn vào trong quay phim chụp hình thì đưa 5 triệu đồng, nhóm này sẽ dẫn vào.

Được biết nhóm công nhân này tuổi đời còn khá trẻ, là người địa phương được thuê dọn vệ sinh trong thân đập

Theo CAND