THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 March 2012

Sống trên thuyền giữa thủ đô


Sẩm tối, dọc bờ sông Nhuệ trời và nước hòa vào nhau đen như mực, nhưng đoạn qua Tân Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) vẫn có một ánh sáng le lói qua khe cửa một chiếc thuyền. Trên đó, một người đàn ông nhỏ thó đang chật vật với đống xô, chậu.

Người đàn ông tên Thủy khéo léo di chuyển hơn chục xô nước sạch từ chiếc thuyền nhỏ sang chiếc thuyền to. Thỉnh thoảng, sức nặng, sự di chuyển và cả những cơn gió vô hình làm thuyền chao đảo như chực hất anh xuống dòng nước.

*Cảnh sống trên thuyền của gia đình vạn đò giữa Hà Nội

Chuyển hết số nước sang thuyền lớn, anh lại chèo thuyền nhỏ vào bờ, lấy tiếp đợt mới. Mỗi ngày người đàn ông này phải vận chuyển 100 lít nước sạch đủ dùng cho 3 người.

Để có nơi cho bố mẹ và anh em lên thăm, anh Thủy cùng vợ và em vợ vẫn sử dụng cả 5 chiếc thuyền cũ này. Các thuyền được neo với nhau thành một chuỗi, là nơi ăn ngủ của gia đình anh. Ảnh: Phan Dương.

Mấy chục năm nay xóm bờ sông ở Tân Mỹ đã là nơi sinh sống của gia đình anh Nguyễn Văn Thủy (Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam). Anh kể: "Như các thanh niên trong làng, từ ngày 15, 16 tuổi tôi đã ngược sông Nhuệ đánh cá. Năm tôi 24 tuổi, bố, 3 anh trai và vợ chồng tôi chuyển lên đây sinh sống. Lúc ấy, nơi này là một xóm chài có hơn 10 gia đình".

"Xưa kia, nước sông sạch, cá tôm nhiều vô kể. Sáng sáng, chúng tôi đánh cá từ Chèm xuống Hà Đông rồi ngược lại, chiều đi bán cá. Lạ đời, ngày đó toàn thanh niên trai tráng đi bán cá cả", người đàn ông 40 tuổi cười hiền.

Rồi anh chép miệng, giọng tiếc nuối: "6 năm gần đây, nước sông ô nhiễm nặng, chúng tôi không thể mưu sinh bằng nghề đánh cá nữa. Xóm chài về quê hết. Các anh tôi cũng về. Hiện tại chỉ có vợ chồng tôi và cô em vợ sinh sống".

Gia đình anh có 5 chiếc thuyền co cụm vào nhau ở khúc sông này, chất đầy những món đồ có lẽ bán không ai mua. Thuyền lớn nhất cũng chỉ dài 8 m, đoạn rộng nhất 1,5 m, hai đầu đặt nước và làm nhà tắm. Đoạn giữa chưa đầy 4 m2 là phòng khách, phòng ngủ của vợ chồng anh. Chiếc thuyền bé bên cạnh dành cho cô em vợ ngủ. Một chiếc dùng để đi lại, chiếc dùng làm bếp và một chiếc để phòng khi... nhà có khách.

Trong chiếc thuyền lớn, quần áo, chăn màn đắp thành đống hai bên mạn thuyền, che lấp cả chiếc ti vi đã hỏng. Trên vách thuyền gắn vài đồng tiền, tấm card và vài… chiếc tất. Chủ nhà ngồi co một góc, vừa nói chuyện vừa cầm quạt phẩy muỗi, hai bắp tay anh gãi thành những vệt đỏ.

Bây giờ, người đàn ông này không còn mưu sinh bằng nghề chài lưới trên sông Nhuệ nữa. Anh chuyển sang làm xe ôm, vợ và em đi may cho một cửa hàng trên Cầu Diễn. Tối tối, anh lại chèo thuyền đón vợ và em vợ đi làm về. Ba người và một cái xe đạp nhưng phải đi làm hai chuyến, vì con nước đen kịt, hôi thối mấp mé chỉ trực tràn vào.

Dù đã lên bờ kiếm tiền nhưng gia đình anh vẫn sống trên dòng sông Nhuệ ô nhiễm này. Anh Thủy lý giải: "Chúng tôi đi làm cả ngày chỉ cần một chỗ ngủ. Thuê nhà lại tốn thêm một khoản mà sống mãi ở đây chúng tôi cũng quen rồi".

Sống ở đây đã lâu, chị Bình (34 tuổi), vợ anh Thủy hiểu hết "tính cách" của dòng sông. Chị bảo: "Từ tháng 4 đến tháng 8, nước sạch, chồng tôi có thể về đánh cá đi bán. Nhưng từ tháng 8 trở đi nước bẩn dần. Những hôm trở trời mặt nước động, mùi hôi cũng nặng hơn".

"Lên bờ còn được đi thẳng người chứ về nhà là phải khúm núm, bò, trườn, thành ra cũng quen rồi. Ở đây cũng có ruồi muỗi nhưng chỉ cần khóa cửa nó sẽ không vào nhà được. Thi thoảng người nhà đi vắng cũng có vài tên trộm đến lục tung hết đồ nhưng có cái gì đâu mà lấy", chị chia sẻ thêm.

Chiếc thuyền nhỏ này vừa là bếp, vừa là "phòng ăn" của gia đình anh Thủy, cũng chỉ đủ cho 3 người ngồi, không thể chứa thêm khách. Ảnh: Phan Dương.

Trên chiếc thuyền cạnh đó, chị Tỉnh (27 tuổi), em vợ anh Thủy, đang nấu cơm. Cái bếp củi đặt lọt thỏm xuống lòng thuyền. Chị nói: "Ở đây nhiều chuột lắm, hở ra cái gì là bị chúng cắn sạch. Cho nên tất cả đồ ăn, mắm muối đều phải giấu kĩ trong thùng".

Nhìn vợ và em, anh Thủy thở dài, dự tính: "Cuộc sống bây giờ đỡ khó khăn rồi, ở quê tôi đã có nhà, có cửa. Cuối năm nay tôi sẽ cho hai chị em vợ về quê. Mình tôi vẫn sống ở đây đi xe ôm".

Anh Tú (một người dân sống gần đó) cho biết: "Người ta nghèo nên mới phải sống trên sông. Chúng tôi giúp họ điện, nước. Thỉnh thoảng tôi cũng đi theo anh Thủy đánh cá. Gia đình họ lành lắm, chẳng làm hại đến ai nên cũng không đụng đến họ".

Ông Phùng Đức Lợi, trưởng công xã Mỹ Đình, cho biết, hàng năm công an xã đều phải rà soát thống kê số hộ dân sống dọc sông Nhuệ. Công an xã có biết đến sự tồn tại của gia đình này, cũng đã nhắc nhở họ đi làm tạm vắng tạm trú, nhưng họ chưa làm. Tuy vậy, gia đình này không có va chạm với người xung quanh, và khu vực nơi họ neo thuyền cũng không xảy ra tình trạng mất an ninh, nên xã vẫn để nguyên.

Phan Dương