THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 March 2012

Rau củ dễ nhiễm thuốc sâu, kim loại nặng


23/03/2012 07:11:13
 - Những phân tích của chuyên gia rau quả cho thấy, quan niệm ăn rau dạng củ an toàn với hóa chất bảo vệ thực vật hơn rau dạng lá là không chính xác. Thậm chí, tùy vào loại thuốc và vùng đất, củ còn có nguy cơ nhiễm hóa chất và kim loại nặng cao hơn.

Nhan nhản thuốc trừ sâu cho củ

Cô Nguyễn Thị Vân, ngõ 281 Trương Định, Hà Nội lâu nay đã thay dần nhiều món rau bằng các loại củ. Bởi theo cô cũng như nhiều bà nội trợ khác, các loại củ như su hào, cà rốt, củ đậu... sạch và an toàn hơn rau ăn lá. Đặc biệt, củ chỉ cần gọt vỏ là sạch, không nhiễm thuốc trừ sâu.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Khắc Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cũng cho rằng, bất cứ loại thuốc trừ sâu phun để bảo vệ cho bộ phận nào thì đều có tác dụng trên bộ phận đó. Ví dụ, thuốc bảo vệ lá sẽ phòng sâu bệnh trên lá. Thuốc bảo vệ củ sẽ ngấm vào củ và có tác dụng phòng sâu bệnh cho củ. Do vậy, nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu ở củ hay ở lá là như nhau, chứ không phải như một số người cho rằng rau ăn lá dễ bị nhiễm thuốc hơn rau củ và như vậy ăn rau củ sẽ an toàn hơn. "Có thể lá rau có mặt tiếp xúc thuốc nhiều hơn nên nguy cơ nhiễm thuốc sẽ cao hơn, nhưng củ thì không phải là không nhiễm thuốc", TS Khắc Phi nhấn mạnh.

TS Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phân tích: Thuốc trừ sâu hại cho rau quả có thể được phân ra 2 loại là nhóm thuốc tiếp xúc và nhóm thuốc nội hấp. Nhóm thuốc tiếp xúc được sử dụng để phun trực tiếp vào chỗ có sâu bệnh, còn nhóm thuốc nội hấp là nhóm thuốc để phun ở lá nhưng có tác dụng bảo vệ củ. Tuy nhiên, khi phun thuốc bảo vệ củ vào lá cây thì những con sâu nếu ăn lá đã được phun thuốc cũng sẽ bị tiêu diệt. Các loại thuốc này bán khá nhiều trên thị trường.
 
Rất dễ nhìn thấy những vỏ thuốc trừ sâu được vứt trên ruộng rau. Ảnh: Trần Hải

Rất dễ nhìn thấy những vỏ thuốc trừ sâu vứt trên ruộng rau. Ảnh: Trần Hải

Nhiễm cả kim loại nặng
Tuyệt đối không ăn các loại củ có mùi lạ hoặc nghi có mùi thuốc trừ sâu vì nếu biết có mùi mà vẫn ăn vào sẽ gây ngộ độc cấp tính.
Ngoài nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu, các loại củ còn có nguy cơ nhiễm kim loại nặng tùy vào chất lượng đất và phân bón. Vùng đất ô nhiễm như làng nghề công nghiệp, vùng đất đặc trưng có yếu tố kim loại cao. Phân bón như kali, phân lân... cũng chứa hàm lượng kim loại. Kim loại nặng nhiễm vào cây thông qua đường rễ. Rau dạng củ gần rễ đồng thời chiếm diện tích phần lớn của cây nên khả năng nhiễm kim loại cao hơn lá. "Kim loại nặng còn có trong nước tưới tiêu nếu không sạch. Vì thế, củ bị nhiễm kim loại nhiều, nhanh hơn lá", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh. 

Các chuyên gia cho rằng, trên thực tế, bất kỳ nhóm thuốc trừ sâu bệnh trên rau quả nào khi đem ra sử dụng cũng phải được phép đăng ký sử dụng hoặc hạn chế sử dụng và đã có hướng dẫn cụ thể. Để cấp phép cho những loại thuốc này, cơ quan hữu trách đã phải tính đến ngưỡng an toàn. Và tất cả các loại thuốc sử dụng cho sâu bệnh trên lá được qui định phải có thời gian cách li ít nhất là 7 ngày trước khi đến tay người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, khi sơ chế rau củ, mọi người không thể phát hiện thuốc trừ sâu, kim loại nặng trong nước luộc. Còn lớp vỏ là màng bảo vệ cũng như màng hấp thu hóa chất trước khi chúng ngâm vào phần thịt củ. Vì thế, trước khi dùng các loại củ, mọi người cần rửa sạch sau đó gọt kỹ vỏ.
 
Thu Lê