THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 March 2012

Phí lưu hành: nên áp với ô tô trước


02/03/2012 17:02:06
 

 - ThS. Vũ Anh Tuấn, Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, ĐH. GTVT cho rằng, để việc thu phí khả thi thì nên áp dụng đối với ô tô trước, thay vì cả ô tô và xe máy.

Thiết lập nhiều vành đai thu phí
 
ThS. Tuấn bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân. "Bởi phương tiện đi lại trên đường là sử dụng nguồn tài nguyên có sẵn. Lẽ đương nhiên, phải đóng phí để tái đầu tư nguồn tài nguyên này. Còn mức phí bao nhiêu thì phải có sự tính toán cho phù hợp".
ThS. Vũ Anh Tuấn. Ảnh: Đức Lợi
Ông cũng tỏ ý băn khoăn khi cho rằng tên gọi phí như vậy chưa chuẩn xác. "Theo tôi, nên đặt tên là phí lưu thông thì chính xác hơn, nghĩa là phương tiện khi đi lại trên đường sẽ bị thu phí.
 

 

 
Còn nếu dùng "phí lưu hành phương tiện cá nhân" sẽ gây ra sự hiểu lầm rằng việc thu phí là để phương tiện được phép lưu hành, trong khi phí này đã được tính vào việc cấp biển số rồi", ông Tuấn nêu ý kiến.
 

 

 
Theo ông Tuấn, có nhiều phương pháp thu phí lưu thông khác nhau. Song về cơ bản có hai phương pháp: tính dựa vào cự ly (số km) di chuyển trên đường và theo thời hạn sử dụng.
 

 

 
"Phương pháp chính xác, phù hợp và thông dụng nhất là tính theo cự ly di chuyển. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ việc đầu tư công nghệ, kiểm soát, thi hành và cưỡng chế. Cho nên, để đơn giản hơn có thể tính theo số lượng chuyến đi. Nghĩa là, khu vực trung tâm sẽ thiết lập nhiều vành đai thu phí. Càng vào sâu thì mức phí càng cao. Trên thế giới đã làm nhiều và thực sự có hiệu quả".
 
Áp với ô tô trước
 
Cũng theo ông Tuấn, việc đưa ra một mức phí cho cùng một dòng xe máy hoặc ô tô như dự thảo cần xem xét lại. Ông viện dẫn: "Mỗi phương tiện có thể cùng loại xe nhưng tần suất sử dụng khác nhau. Để công bằng thì người nào sử dụng nhiều tài nguyên, cụ thể là nhiều không gian đường cho việc đi lại thì phải trả phí cao hơn".
 
"Hiện nay, trong tất cả các hình thức đi lại ở Việt Nam thì ô tô con chiếm dụng mặt đường nhiều nhất, gấp 8 lần xe máy trong một chuyến đi". Từ đó, ông Tuấn nêu ý kiến nên chia theo loại phương tiện sử dụng, gồm các nhóm xe đạp, xe máy, ô tô con, xe công, taxi, xe buýt công cộng, xe chở khách, xe tải thay vì cào bằng.
Cần phân loại mức phí cho từng nhóm đối tượng - Ảnh: Trần Hải
Ông cũng tin tưởng khi đã đưa ra được mức phí phù hợp với từng nhóm đối tượng thì việc thực thi không hề khó. Bởi hiện nay, công nghệ cho chúng ta kiểm soát được cả hai phương pháp thu phí là số lượng chuyến đi và số km di chuyển.
 
Để làm được điều đó bắt buộc các phương tiện phải trang bị thiết bị tích hợp với tài khoản cá nhân như tài khoản ngân hàng, đồng thời giao tiếp với thiết bị tại các trạm thu phí để khi đi qua các trạm này thì tiền trong tài khoản sẽ bị trừ trực tiếp.
 
"Tất nhiên, nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng xét về hiệu quả tài chính và kinh tế thì đều có lợi. Về tài chính, nhà đầu tư hệ thống thiết bị sẽ hồi vốn chỉ trong vòng 1 - 2 năm. Còn về mặt hiệu quả kinh tế - xã hội thì thời gian đi lại của phương tiện sẽ rút ngắn bởi đã giảm ùn tắc. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng sẽ giảm.
 
Tuy nhiên, để việc thu phí khả thi thì nên áp dụng đối với ô tô trước, thay vì cả ô tô và xe máy", ông Tuấn nhấn mạnh.
 
Nói về hiệu quả của việc thu phí, ông Tuấn cho rằng: "Việc thu phí này chắc chắn sẽ có tác động. Trước hết là giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân, từ đó giảm ùn tắc. Thứ hai, nếu phí càng cao thì sẽ làm cho nhu cầu sở hữu phương tiện càng giảm, từ đó giảm được phương tiện cá nhân".
 
Vũ Thủy