THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

12 February 2012

Quá sớm để đánh giá tính hiệu quả của biện pháp đổi giờ


2012-02-11

Sau hơn một tuần Hà Nội cho áp dụng quy định đổi giờ làm, giờ học, nhìn chung thì người dân, mà phần đông là các em học sinh, các cơ quan, ban ngành, có liên quan đến việc đổi giờ, đều tỏ ra lúng túng.

RFA photo

Kẹt xe ở Hà Nội buổi tối. Hình chụp ngày 29 tháng 11 năm 2011.

Con số người bị ảnh hưởng có thể lên tới vài triệu. Báo chí thì cho rằng, còn quá sớm để đánh giá giảm ùn tắc giao thông là do đổi giờ, còn dư luận thì nói, cần có thời gian để kiểm chứng thực tế, hầu thấy rõ kết quả cụ thể ra sao?

Cần thêm thời gian

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tuyên bố với báo chí, việc đổi giờ làm, giờ học không phải là phép thần, cần phải thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trước mắt và lâu dài mới cải thiện được tình hình giao thông.

Về phần ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội thì nhấn mạnh việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh, chỉ là một trong số nhiều biện pháp mà Hà Nội đang thực hiện, hầu làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

MG_0740-250.jpg
Xe cộ lưu thông giờ cao điểm tại Hà Nội hôm 08/07/2011. RFA PHOTO.
Theo ông Nghị thì đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào biện pháp này, vì nếu không đạt tới kết quả như ý thì lại cho rằng kế hoạch đổi giờ làm, giờ học, gặp thất bại.

Trong khi đó, Thượng tá Phạm Văn Thời, Phó trưởng phòng công an quận Hoàn Kiếm thì cho rằng, đổi giờ giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Khi nhắc tới ý kiến của người dân than phiền việc thay đổi giờ làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu gia đình, thượng tá Thời xem ảnh hưởng đó là "chỉ là chuyện nhỏ". Hàng loạt ý kiến phản đối mạnh mẽ được tức khắc đưa ra tại hội nghị về giao thông, vận tải ở Hà Nội, trước lập luận được cho là thiếu tính khoa học của thượng tá công an Thời.

Trước những lập luận này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội giải thích với báo đài rằng, quan điểm của lãnh đạo thành phố là phát huy những điều tốt, còn những mặt nào thấy chưa được thì cần phải khắc phục ngay, hầu giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đối với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Vẫn theo ông Hùng thì qua một tuần lễ thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm, giao thông trên địa bàn Hà Nội đã có ít nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa thể nói chắc là về tính hiệu quả của biện pháp đổi giờ này, mà cần thêm thời gian mới biết rõ kết quả cụ thể đạt đến đâu.

Qua câu chuyện với RFA, một quan chức đầu não ngành kinh tế, vận tải, Tiến sĩ Trần Đình Bá trình bày ý kiến của ông trước biện pháp đổi giờ, được Hà Nội cho áp dụng từ đầu tháng 2 vừa qua:

"Tất nhiên trong vấn đề đổi giờ đó thì cứ để cho dư luận người ta tự nhận thấy thôi, ngay trên mặt báo, chứ tôi không dám nhận xét về vấn đề này, tôi chỉ chuyên sâu về kỷ thuật thôi."

Tội nghiệp cho học trò

don-tre-250.jpg
Đón học sinh tan trường ở Hà Nội hôm 29/11/2011. RFA photo.
Vậy dư luận mấy hôm nay bàn tán ra sao về chuyện đổi giờ làm, giờ học mà phần lớn là kêu ca và than phiền vì gây xáo trộn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng triệu người. Ông Hợp, một người dân Hà Nội có con, cháu làm giáo viên, và theo học tiểu, trung, đại học góp ý:

"Hãy nói về những đối tượng là học trò, con trẻ, bây giờ 19 giờ mới được về, ra đường thì trời tối rồi, chưa kể tới những trường học đèn đóm có ra cái gì đâu? Học hành gì, cho nên hôm nay lại ra quyết định mới nữa, là các em được ra về lúc 18 giờ, nói tóm lại là chả ra thế nào cả?"

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một chuyên gia lâu năm trong ngành kinh tế, vận tải, Tiến sĩ Trần Đình Bá rồi đây sẽ có sự tham gia tích cực của giới trí thức chuyên môn thì biện pháp đổi giờ sẽ có thể sớm mang lại kết quả khả quan:

nhất là nói làm ảnh hưởng đến lực lượng bé nhỏ, tức là học sinh, đáng nhẽ phải lấy cái đối tượng ấy làm chính, rồi các đối tượng khác phải phục vụ cho con trẻ, chứ không thể bắt trẻ em phục vụ cho những đối tượng khác.

Một người dân Hà Nội

"Tôi kỳ vọng vào giới trí thức phải có trách nhiệm trước thực tế, tôi tin rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết, nếu giới trí thức tham gia phản biện một cách khoa học, nghiêm túc, có trách nhiệm trước cộng đồng. Tôi tin rằng bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ làm được việc, ông sẽ đoàn kết được đội ngũ trí thức, và có thể đột phá để làm được những điều đó (đổi giờ). Giải quyết bài toán giao thông đến nay chưa có lời giải, mà chỉ có những dự án và đề xuất thôi."

Khác với quan điểm của giới chuyên gia, trí thức, người dân Hà Nội chỉ biết ước mơ sao cho cuộc sống của mình được êm thắm, không bị xáo trộn, nhất là đối với con trẻ:

"Bây giờ, dân Hà Nội đang tập trung chú ý xem cái vụ Tiên Lãng ấy, chứ vụ đổi giờ cũng hơi giảm xuống, thực tế mà nói do sự san sẻ như thế, thì đường đi có phần rộng rãi hơn, nhưng cái khổ là sinh hoạt của người dân, đổi giờ làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người ta.

Người dân kêu ca chỗ đó, nhất là nói làm ảnh hưởng đến lực lượng bé nhỏ, tức là học sinh, đáng nhẽ phải lấy cái đối tượng ấy làm chính, rồi các đối tượng khác phải phục vụ cho con trẻ, chứ không thể bắt trẻ em phục vụ cho những đối tượng khác, người ta kêu ca lắm về cái chuyện ấy."

Sắp tới phiên TPHCM

saigon-traffic-250.jpg
Xe cộ lưu thông giờ cao điểm tại TP HCM hôm 11/07/2011. RFA PHOTO.
Ngành giao thông vận tải Hà Nội cho biết trong năm 2012, ngành này sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều biện pháp chống ùn tắc giao thông như tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng, phát triển các phương tiện chuyên chở, vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Trong khi Hà Nội đang gặp nhiều phản ứng khác nhau, sau khi cho áp dụng lệnh đổi giờ làm, giờ học kể từ đầu tháng 2 vừa qua thì thành phố Hồ Chí Minh đang bàn chuyện đổi giờ làm, giờ học.

Ông Nguyễn Văn Xê, phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh, Xã hội chủ tọa phiên họp hôm nay, với sự tham gia của đại diện các sở ngành có liên quan.

Được biết giải pháp đổi giờ làm, giờ học đã được thành phố nghiên cứu từ năm 2001. Năm 2007, thành phố Hồ Chí Minh cho thực hiện thí điểm "lệch giờ, lệch ca" nhưng không đạt hiệu quả.

Theo phương án mới, thành phố sẽ chia thành 3 nhóm, gồm các nhóm chính là học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, kế đó là nhóm các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng và nhóm cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Tuy nhiên, các lãnh đạo thành phố và chuyên gia khẳng định qua báo chí rằng, đây không phải là biện pháp duy nhất, có tác động ngay tức thời, mà cần được triển khai đồng bộ, với nhiều giải pháp sáng tạo khác nhau, mới mong giảm được nạn ùn tắc giao thông cố hữu như hiện giờ.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.