THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 February 2012

Người trí thức không phải là kẻ chỉ biết chăm lo cho bộ da của riêng mình

Người trí thức không phải là kẻ chỉ biết chăm lo cho bộ da của riêng mình
06/02/2012



Nguyễn Gia Thức
Theo: Tiền Vệ

Wenn man ein Ochse sein wollte, könnte man natürlich den Menschheitsqualen den Rücken kehren und für seine eigne Haut sorgen. (Nếu con người muốn làm con bò, thì tất nhiên con người có thể xoay lưng lại trước những nỗi thống khổ của con người mà chăm lo cho bộ da của riêng mình.) – (Trích thư của Karl Marx gửi Sigfrid Meyer ngày 30/4/1867).


Tháng 4/2011, sau những lời phát biểu của Ngô Bảo Châu về vụ xử án Cù Huy Hà Vũ, tôi có viết bài “Một nhà khoa học xuất sắc vẫn có thể là một kẻ làm đĩ chính trị, hay tệ hơn nữa…” Trong đó tôi đã nhận định:

“Tiếng nói của một nhà khoa học xuất sắc bao giờ cũng gây ảnh hưởng cho nên anh ta phải hết sức cẩn trọng khi phát ngôn. Nếu anh ta cảm thấy sợ hãi thì tốt nhất anh ta nên giữ im lặng, thay vì anh ta nói mơ hồ, tròng tréo, nước đôi. Còn khi một nhà khoa học xuất sắc mà lại sẵn sàng nói theo ý muốn của chế độ để mưu cầu đặc quyền đặc lợi thì anh ta đã trở thành một kẻ làm đĩ chính trị mất rồi…”

Nay tôi lại viết thêm bài này vì trong cuộc bàn cãi chung quanh quan điểm của Ngô Bảo Châu về cái gọi là trí thức, có những người cứ khăng khăng xác tín, bất kể Ngô Bảo Châu nói gì và làm gì, bất kể anh ta từ chối vai trò phản biện của một người trí thức, thì anh ta cứ vẫn nghiễm nhiên là một người trí thức bởi vì anh ta đã đoạt giải Fields!

Đó là một lối suy nghĩ ấu trĩ xuất phát từ mặc cảm nhược tiểu của những người sống trong một đất nước triền miên nghèo nàn lạc hậu, dễ dàng bị choáng ngợp bởi học vị, học hàm và các thứ giải thưởng giành được từ nước ngoài.

Cũng như một bác sĩ xuất sắc là một người có tài năng đặc biệt về y khoa, thì một nhà toán học xuất sắc là một người có tài năng đặc biệt về toán học. Chỉ thế thôi. Khoan ghép hai chữ “trí thức” vào đó cái đã.

Những nhà toán học xuất sắc như Dmitri Egorov, Leonid Plyushch, Alexander Sergeyevich Esenin-Volpin, Igor Shafarevich và Naum Meiman xứng đáng là những người trí thức chân chính, vì họ đã dũng cảm, bất chấp hiểm nguy cho sinh mệnh của mình, thẳng thắn phê phán và phản biện đối với những điều sai trái của chế độ độc tài Xôviết.

Ngược lại, những nhà toán học xuất sắc hàng đầu của Xôviết như Lazar Lyusternik, Lev Schnirelmann, Alexander Gelfond, Lev Semenovich Pontryagin và Pavel Alexandrov, thì hiển nhiên không phải là trí thức. Vì sao?

Ta hãy ôn lại những hành vi của họ để thấy cho rõ.

Tháng 9/1930, nhà toán học Dmitri Egorov bị công an Xôviết bắt giam vì ông dám lên tiếng bênh vực cho quyền tự do sinh hoạt tín ngưỡng của các nhà thờ Thiên Chúa ở Mátxcơva trong khi Đảng Cộng sản của Stalin đang ra tay tiêu diệt giáo hội.

Sau khi nhà toán học Dmitri Egorov bị bắt giam và bị xóa tên khỏi Viện Toán học Mátxcơva, thì ngày 21/11/1930, các nhà toán học xuất sắc hàng đầu của Xôviết, gồm có Lazar Lyusternik, Lev Schnirelmann, Alexander Gelfond và Lev Semenovich Pontryagin, đã lập công dâng Đảng bằng cách viết một bức thư ký tên chung, đăng công khai trên báo Nauchnyi Rabotnik, tố cáo “những phần tử phản-cách-mạng trong hàng ngũ các nhà toán học”. Họ chụp mũ cho nhà toán học Dmitri Egorov là đầu sỏ của những phần tử phản-cách-mạng trong Viện Toán học. Thế là Dmitri Egorov bị đối xử tàn tệ trong tù. Sau gần một năm ở tù oan và bị ngược đãi, Dmitri Egorov quyết định phản đối bằng cách tuyệt thực. Khi ông đã quá kiệt sức, công an mới đem ông vào bệnh xá trong tù, chẳng cứu chữa gì, rồi đem ông ra gửi tại tại nhà riêng của bạn ông, là nhà toán học Nikolai Chebotaryov, và ông chết ở đó ngày 10/9/1931.

Khi Dmitri Egorov đã chết rồi, thì Lazar Lyusternik lại cấu kết cùng với một đám nhà toán học xuất sắc khác, trong đó có Pavel Alexandrov là chủ chốt, thực hiện âm mưu triệt hạ nhà toán học Nikolai Luzin, tức là triệt hạ chính người thầy toán học của họ. Từ tháng 7 đến tháng 8/1936, một loạt bài báo nặc danh xuất hiện trên tờ Pravda, tố cáo Nikolai Luzin là bảo hoàng, có khuynh hướng fascist… Nikolai Luzin bị đem ra xét xử trước ban thanh tra của Viện Hàn lâm Khoa học Xôviết, và ông bị kết tội là “kẻ thù đội lốt công dân Xôviết”.

Còn nữa. Còn nhiều ví dụ về những nhân cách tệ hại tột bậc trong đám những nhà toán học xuất sắc nhất, những Viện sĩ hàn lâm, những kẻ đoạt vô số giải thưởng lớn dưới chế độ Xôviết. Vì muốn được thăng tiến địa vị, họ sẵn sàng chạy theo tâng bốc nhà cầm quyền tàn ác, họ sẵn sàng lập công dâng Đảng bằng cách bán đứng cả thầy của mình, sẵn sàng chụp mũ và đẩy những người đồng nghiệp của mình vào chỗ chết. Trong một xã hội đầy đau khổ, họ chỉ biết vinh thân cho riêng mình. Họ có bộ óc của con người thông minh, nhưng họ sống như những con bò.

Họ là những nhà toán học xuất sắc nhất, nhưng họ không bao giờ là trí thức. Những sáng tạo toán học xuất sắc của họ vẫn được hậu thế đánh giá cao, nhưng nhân cách của họ thì chỉ gây nôn mửa.

Nguyễn Gia Thức
Praha, 03/2/2012