THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 February 2012

Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ


Sông Tiền (danlambao) - Suốt hơn tháng nay, đi đến đâu, dự đám tiệc gì tôi đều nghe người ta đàm luận với vẻ bất bình về vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Mấy ngày nay, người ta lại râm ran nguyền rủa việc làm bất nhơn thất đức đối với anh Hải và chị Hằng. Họ cho rằng việc hành xử đối với anh Hải, chị Hằng là hành động của Xã Hội Đen – vô Phủ, vô Pháp.

Để rõ cớ sự, tôi ngao du trên mạng, phát hiện có nhiều bài viết về anh Hải, chị Hằng. Đặc biệt, ngày 8/2/2012 có bài phỏng vấn tựa đề: "Điếu Cày còn sống hay đã chết". Những câu trả lời của chị Dương thị Tân, vợ anh Điếu Cày, khiến người ta chạnh lòng. Có lẽ từ đó người ta bàn luận trở lại. Tiếp đây là toàn văn bài phỏng vấn:

Điếu Cày còn sống hay đã chết?

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Đã mười sáu tháng trôi qua tin tức về blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải không hề được công an tiết lộ dù gia đình vẫn được gởi quà đều đặn.

Vợ ông, bà Dương Thị Tân, nói rằng nỗi lo và nghi vấn ông Nguyễn Văn Hải đã chết trong tù đang càng ngày cao.

Những tín hiệu đáng lo ngại:

Hôm thứ Hai, sau khi đến Viện Kiểm Sát, bà Dương Thị Tân thuật lại với Thanh Trúc nông nổi phức tạp trong việc mong ngóng tin tức của blogger Điều Cày ở trong tù:

Trong dịp Tết bất kể người tù nào, kể cả những tội phạm nguy hiểm nhất trong xã hội, đều được thăm gặp thân nhân đều được nhận quà để ăn Tết. Riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Hải Điều Cày thì họ chỉ cho nhận quà và không cho biết ông Hải hiện tại đang ở đâu, có nhận được quà đó không, sức khỏe như thế nào.Tính đến thời điểm hiện tại là mười lăm tháng rưỡi đúng. Xuân về thì người ta ăn Tết vui vẻ, còn riêng gia đình tôi luôn luôn phải trong trạng thái phập phồng, lo sợ, buồn bã của các cháu.

Ngay buổi sáng hôm nay tôi cũng còn ở Viện Kiểm Sát, mặc dù họ đã nhận đơn của tôi gởi tất cả là bảy lần, thì ngày 30 tháng Một họ có cho giấy hẹn đến hôm nay là mùng 6. Thế nhưng tôi ra một lần ngày mùng 4 không có tin tức gì, đành phải chờ đến sáng hôm nay ra họ vẫn không trả lời. Tôi nói buổi chiều tôi ra tiếp thì ông ta nói là thôi chị đừng ra. Nhưng tôi nói sáng mai tôi sẽ phải ra tiếp để hỏi xem đến bao giờ họ cho gia đình tôi nhìn thấy mặt thân nhân để biết rõ còn khỏe mạnh không hay có còn sống không.

Thanh Trúc: Thưa Tết vừa qua bà được phép gởi quà ngày nào?

Bà Dương Thị Tân: Ngày 17 và ngày 20 tháng Một, hai ngày đó. Theo lẽ những người khác khi gởi quà thì đều có ký nhận của người nhận quà. Hôm mùng Một tháng Hai tôi nêu thắc mắc cho cán bộ tiếp dân nơi số 4 Phan Đăng Lưu, nơi xuất phát thông báo bắt giữ ông Hải tạm giam, còn hiện tại ông Hải ở chỗ nào tôi hoàn toàn không biết.

Thanh Trúc: Khi bà nêu thắc mắc thì cán bộ ở đó nói với bà thế nào?

Bà Dương Thị Tân: Lần trước là lần gởi quà cuối năm thì ông thượng tá Nguyễn Thanh Hiếu nói lần sau tôi sẽ cho chị xem giấy ký nhận. Nhưng đến ngày Một tháng Hai vừa rồi, tôi gởi quà vào thì cũng không có giấy đó.

Hôm đó là trung tá Phạm Văn Tấn nhưng ông Tấn né tránh tôi, vì tôi đã gặp ít nhất một chục lần để tôi hỏi vấn đề này. Ông cho một cậu trung uý còn rất trẻ, ra nói chị có thắc mắc gì cứ nói em thay mặt xếp giải quyết. Tôi nói lần trước ông thượng tá Nguyễn Thanh Hiếu hứa cho tôi xem bút tích của ông Hải đã ký nhận. Cậu ấy cầm đơn của tôi chạy vào trong một lúc rồi chạy ra, nói với tôi là chị có nhận ra bút tích này của anh Hải hay không. Quả tình tôi cũng rất hy vọng nhưng đấy không phải là chữ ký của anh Hải. Tôi khẳng định điều đó vì nét chữ của người ta dù xấu đẹp khi đặt bút ký thì nét bút phải dứt khoát, còn đây thì nét bút run run giống như người ta đồ lại một nét chữ nào đó. Cho nên tôi nói thẳng với cậu đó rằng tôi khẳng định đây không phải là chữ ký của ông Hải.

Thanh Trúc: Thưa làm sao bà có thể chắc chắn đó không phải chữ ký của ông Nguyễn Văn Hài?

Bà Dương Thị Tân: Tôi ở với ông Hải mấy chục năm, ông Hải viết và ký rất nhiều những văn bản giấy tờ mà tôi chứng kiến. Thậm chí bút tích của ông Hải còn đầy ở trong nhà tôi thì làm sao tôi không biết được.

Và hơn nữa như tôi vừa trình bày, khi đặt bút xuống đã gọi là chữ ký thì dù xấu đẹp người ta ký rõ ràng dứt khoát chứ nét không run như đồ lại nét chữ của người khác. Khi tôi nói với cậu đó là tôi khẳng định không phải nét chữ của ông Hải thì cậu ta lập tức cất hai tờ giấy đó đi ngay, không đối thoại với tôi về vấn đề đó.

Thanh Trúc: Thưa bà còn có điều gì muốn trình bày nữa không?

Bà Dương Thị Tân: Gia đình chúng tôi cực kỳ lo lắng vì cho đến giờ phút này là mười sáu tháng trời không có một thông tin gì dù nhỏ nhất của ông Nguyễn Văn Hải cả.

Nói thật nỗi sợ hãi thường trực trong trong gia đình chúng tôi là ông Hải không còn nữa. Cái suy nghĩ đó luôn luôn có trong gia đình này từ khi cô trung tá Đặng Hồng Điệp nói rằng ông ấy bị mất tay.

Cho đến giờ phút này không ai nói cụ thể vào bất cứ một việc gì, không ai dám nhân danh cơ quan an ninh điều tra hay Viện Kiểm Sát hay chính cá nhân của họ để nói thẳng với tôi ông Hải hiện đang ở đâu, có mạnh khỏe hay là không còn nữa. Không ai dám, mà một tháng hai lần tôi có mặt đều đặn ở cơ quan an ninh điều tra, thậm chí một tháng ba lần cũng có, họ đều không trả lời ông Hải còn hay không còn.

Thanh Trúc: Thưa bà Dương Thị Tân, cảm ơn thời giờ của bà, cầu chúc mọi sự lành đến với gia đình và bản thân ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. (Hết phần phỏng vấn)
Vốn không thân quen, tôi chỉ biết đại khái về họ qua hệ thống truyền thông:

Anh Hải ngụ ở Sài Gòn, năm 2007, anh viết khẩu hiệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam rồi tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược lãnh hải. Sau đó, anh bị bắt vì tội "trốn thuế", bị phạt tù 30 tháng. Anh thi hành án đủ thời gian. Chưa về tới nhà, anh đã bị bắt lại không rõ lý do, không xét xử, đưa đi biệt giam đến nay gần 2 năm, người thăm nuôi không một lần gặp mặt. Quản giáo cho biết anh đã cụt tay. Hiện nay (10/2/2012) không biết anh còn sống hay đã chết…


Chị Hằng, ngụ ở Vũng Tàu, là "một cây" biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm biển, đảo. Hai bờ vai của chị có xâm 4 chữ " Nợ nước, Thù nhà". Chị Hằng bị bắt theo kiểu "rút giò", không nói lý do, đưa đi biệt tăm, khiến cho con chị phải xuôi ngược kiếm tìm mẹ. Mãi lâu sau mới biết chị bị đưa vào trại Cải tạo với thời gian 2 năm.

Dư luận không hài lòng về tính không minh bạch của 2 vụ án này:

Anh Hải chấp hành đủ hạn tù và đã được thả ra, bắt lại đưa đi biệt giam về tội gì, sao không đưa ra xét xử ? Anh Hải vì sao cụt tay, sao suốt gần 2 năm trại nhận quà nuôi mà không cho gặp mặt để thăm. Chuyện anh Hải còn sống hay đã chết sao không cho người thân anh ấy biết ?....

Chị Hằng phạm tội gì, sao không đưa ra xét xử, chẳng lẽ là tội chống xâm lược hay tội xâm mình?!. Tội nặng lắm sao mà cần đến 2 năm cải tạo?...

Chính quyền chớ đâu phải Tà quyền mà làm quá nhiều việc mờ ám. Phản ứng trước những việc làm không quang minh chính đại là chuyện tất nhiên, là điều đáng mừng chớ không đáng lo. – Tê liệt mới là điều đáng sợ?.

Tâm trạng tôi đang không bình thường trước bao thảm cảnh trái ngang, vụ Tiên Lãng, anh Hải, chị Hằng đang tác động mạnh nhất vào tôi. Tất nhiên thôi, tôi cũng như bao người lương thiện khác, chẳng qua "Bầu Bí" thương nhau, "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ"... Thực trạng ở Việt Nam ta, đang có "dịch", nhiều "con ngựa" đang bị bịnh "lở mồm long móng".

Không biết một ông họ TRƯƠNG và ba ông họ NGUYỄN đang cai trị đất nước ngàn năm Văn Hiến nầy có thấu hiểu và đồng cảm với lương dân không?!.

Ở điều 4 Hiến pháp, Đảng Cộng Sản VN tự ấn định cho mình: Đảng duy nhứt, lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối thì Đảng CS VN cũng phải chịu trách nhiệm toàn diện, tuyệt đối không chỉ những vụ việc vừa nêu?.

Dùng bạo lực với dân không phải là "Minh Chúa". Dùng bạo lực là biểu hiện thế yếu?

Sức chịu đựng bao giờ cũng có giới hạn? Vụ Tiên Lãng, một biểu hiện quá sức chịu đựng – nó tương tự như những sự kiện "Máu thấm đồng Nọc Nạn" thời xa xưa và vụ ở tỉnh Thái Bình gần đây?.